Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 28/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Trở lại xứ bạch dương - BÙI ĐẮC NGÔN Trở lại xứ bạch dương - BÙI ĐẮC NGÔN , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 

 
Xa vời Cơ- ra-snô-đar
 
Tuyết tan chưa để lòng ta ngược về
 
Nhịp rơi nhũ băng thềm hè
 
Ríu ran chim sẽ hót về mùa xuân.
 
Không hiểu các bạn đồng môn có tâm trạng ra sao chứ riêng tôi thì trường Cao đẳng Hàng không Quân sự Nga Cơ-ra-snô-đar thuở ấy luôn khắc khoải trong tâm hồn mỗi khi hoài niệm về một thời trong sáng, mê say, dại khờ, tràn đầy ước mơ tuổi thanh xuân trên đất nước Lê-nin.

Cũng như nhiều bạn, ước vọng được trở lại thăm mái trường Cơ-ra-snô-đar thân yêu luôn da diết âm ỉ trong tôi.

Cảm thông với tình cảm này, bạn Nguyễn Quang Lân giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đã liên hệ với Tổng cục Hàng không Việt Nam do đồng chí Nguyễn Xuân Hiển làm Tổng cục trưởng tài trợ 4 vé máy bay khứ hồi đi Moskva làm nhiệm vụ khảo sát du lịch Việt Nam - Liên bang Nga.

Thế là tổ công tác đi liên bang Nga được gấp rút hình thành. Tổ gồm có 4 người là Trần Hải, Bùi Đắc Ngôn, Phạm Văn Cháp, Phạm Thanh Bình do Trần Hải làm tổ trưởng. Khi ấy là cuối thu 2006. Lúc này ở Liên bang Nga tình hình an ninh rất phức tạp vì các phiến quân ly khai Tréc-nhi-a hoạt động khủng bố rất táo tợn. Do vậy, công việc làm thủ tục xuất nhập cảnh vào Liên bang Nga phải qua nhiều công đoạn phiền hà. Tất nhiên cuối cùng thì cũng xuôi lọt.

Đi khảo sát du lịch chỉ là cái cớ, còn thực chất là đi thăm lại nước Nga trong đó có chương trình thăm Moskva, thăm trường Cao đẳng Hàng không Quân sự Cơ-ra-snô-đar, đến nghĩa trang thành phố Cơ-ra-snô-đar tìm mộ và thắp hương viếng những đồng đội đã hy sinh, từ trần trong thời gian học tập ngày ấy.

Đúng 01h15' ngày 8/11/2006 chiếc máy bay Booing 747 của hãng hàng không Việt Nam Airline bắt đầu cất cánh đưa chúng tôi trở lại nước Nga xa xôi.

Trong lòng chiếc máy bay rộng thông thênh, sau những phút giây phấn chấn ban đầu tôi trở về trạng thái xốn xang nhớ về cuộc hành trình tới nước Nga ngày trước.

Đó là ngày 21/9/1965, sau bữa cơm chiều ăn sớm ở trạm khách số 66 Bộ Quốc phòng thuộc đường Phan Đình Phùng Hà Nội, đợt đi thứ hai chúng tôi lên xe ô tô hành quân ra ga Hàng Cỏ Hà Nội rồi nhanh chóng lên tàu. Thời kỳ này máy bay Mỹ đã thường xuyên nhòm ngó tới Hà Nội nên mọi việc đều phải hết sức khẩn trương.

Khoảng 17h50' tàu liên vận quốc tế chuyển bánh đưa chúng tôi rời xa tổ quốc, xuyên qua thảo nguyên núi đồi Trung Hoa, chạy dọc theo hồ Ban-kan Nga, qua những cánh rừng bạch dương mênh mông, qua những làng mạc thành phố Xô Viết... Sau mười ngày rong ruổi đường trường, chúng tôi tới Moskva lúc 19h15' ngày 1/10/1965. Không hiểu hành trình theo đường sắt ngày ấy là bao vạn cây số, còn giờ đây theo đường không, căn cứ vào dữ liệu hiển thị trên màn hình vô tuyến máy bay thì chỉ có 6850 km và thời gian hành trình là 9h30' - 10h. Ngày trước đi 10 ngày, nay bay 10 tiếng. Thú vị thật!

Đúng 6h40 giờ Moskva ngày 9/11/2006 máy bay hạ cánh xuống sân bay Đô-mô-de-đô-vô cách trung tâm thủ đô Moskva 60km.

Đồng chí Dần bí thư thứ nhất đại sứ quán của ta tại Liên bang Nga cùng với hai đồng chí tên là Đạt và Hải ra đón chúng tôi ngay tại cửa nhà ga và đưa về nhà khách của đại sứ quán ở trung tâm Moskva. Đường phố Moskva ô tô ken chật đường. Đoạn đường chỉ có 60km mà đi mất 3h20'. Trần Hải phải kêu lên "Moskva bây giờ khác quá!". Đối với tôi, sự kiện này lại trở lên thú vị, tôi có điều kiện thời gian để nhâm nhi cái cảm giác lâng lâng trước những vạt rừng bạch dương mà cành lá cõng tuyết trắng phau. Như thấu hiểu nỗi lòng tôi, đồng chí Dần giải thích: "Moskva bắt đầu có tuyết từ hôm thứ năm vừa rồi".

Chúng tôi tới nhà khách đại sứ quán ở tầng 5 của một chung cư vào hồi 11h ngày 9/11/2006. Chẳng cần nghỉ ngơi, tôi cùng Bình, Hải, Cháp xuống sân vãng cảnh và chụp ảnh lưu niệm. Thời giờ lúc này thật là vàng ngọc. Việc chụp ảnh đã tàm tạm, tôi đến bên một gốc cây bạch dương đã trút gần hết lá rồi ngồi xuống chiếc ghế ở vườn hoa nhìn những chiếc lá vàng khô bay thia lia trên mặt sân bê tông lòng tôi bỗng dội lên xốn xang cảnh lá rơi trên sân trường ngày xưa. Tôi đứng dậy áp má vào gốc cây bạch dương đã trụi hết lá để thêm một lần thấm đượm hồn cốt nước Nga.

16h cùng ngày, Nguyễn Đình Nho, dân cơ giới thuở ấy, nay làm ở Moskva đem đồ nhậu đến thăm chúng tôi. Khỏi phải nói sự hoan hỉ của những người bạn cũ gặp nhau. Nho ngỏ ý mời chúng tôi về tá túc với những người Việt Nam xa xứ làm ăn ở chợ Vòm trong Trung tâm thương mại Sông Hồng mà người Việt Nam ở Moskva thuở đó gọi là "ốp" Sông Hồng. Chúng tôi đồng ý. Thế là chúng tôi rời nhà khách đại sứ quán và theo xe của Nho do người lái xe tên là Phương quê Phú Thọ đưa đi.

Ảnh: st
 

Nho là con người năng nổ, nhanh nhẹn, tháo vát và láu táu như ngày nào. Nho đưa chúng tôi tham quan lướt qua những quầy hàng sầm uất nhưng chật chội chen chúc như chợ Đồng Xuân Hà Nội rồi đưa đến một căn hộ của hai người đàn ông cùng tên là Bảy. Đồng chí Bảy trẻ tuổi là Nguyễn Văn Bảy có biệt hiệu là "Bảy dịch vụ". Còn đồng chí nhiều tuổi hơn tên là Tạ Quang Bảy với biệt danh là "Bảy quản trị". Hai đồng chí Bảy đón chúng tôi thật thân tình cởi mở.

Sau khi ổn định chỗ nghỉ, Nho dẫn chúng tôi đi tham quan tiếp khu chợ "Vòm" của người Việt Nam làm ăn ở Maskva và đến chào đồng chí Tổng Giám đốc TTTM Sông Hồng - Nguyễn Đình Lâm. Đồng chí Lâm sinh năm 1954 tại đất Nam Lĩnh, Nam Đàn, Nghệ An. Thật không thể ngờ một con người có vóc dáng nhàn nhã thư sinh, có học vấn tiến sĩ sử học lại trở thành một doanh nhân, một nhà quản lý kinh tế tầm cỡ. Không những thế, anh còn là chủ tịch Hội Võ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, ủy viên BCH Hội người Việt Nam tại Nga, ủy viên BCH Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Nga.

Mặc dù bận rộn công việc mưu sinh và công tác, Lâm vẫn tranh thủ viết văn, viết báo. Những bài viết của anh được đăng tải không những ở các tạp chí Đất nước, Tao Đàn bằng tiếng Việt ở Liên Bang Nga mà còn trên các báo Lao động, Tiền Phong ở Việt Nam.

"Đồng thanh tương ứng", Nguyễn Đình Lâm đã trân trọng tặng tôi tập truyện ngắn Tình yêu hàng chợ có lời giới thiệu sâu sắc của nhà thơ Trần Đăng Khoa vừa mới xuất bản ở Việt Nam.

Tôi thật sự cảm phục những con người xa xứ như Lâm.

Trở về nơi nghỉ, theo sự sắp xếp của Nho, đồng chí Bảy quản trị cùng với Bảy dịch vụ đã mở tiệc chiêu đãi chúng tôi. Đối với tôi, bữa tiệc này là một kỷ niệm không thể nào quên. Ấy là, giữa lúc cuộc vui đang tưng bừng thì tôi nhận được điện từ Hà Nội báo tin Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng các danh hiệu nghệ sĩ đã quyết định danh sách trình Chủ tịch nước, trong đó có danh hiệu NSƯT của tôi. Tôi thông tin ngay việc này cho các bạn để được chia sẻ. Không khí cuộc vui càng trở nên tưng bừng hơn.

Ngày 10/11/2006 Nho dẫn chúng tôi đi thăm Moskva. Chắc cũng như nhiều bạn, Moskva luôn đẹp trong trái tim tôi. Giờ đây tôi lại có dịp thêm một lần chiêm nghiệm vẻ đẹp ấy.

Này đây Quảng trường Đỏ với nền gạch cổ kính; này đây Tháp chuông nhà thờ uy nghi với tiếng chuông linh thiêng; này đây Lăng Lê-nin tôn nghiêm; này đây Trung tâm Thương Mại đồ sộ hào hoa. Rồi đồi Lê-nin, Trường đại học Lô-mô-nô-xốp, dòng sông Moskva tuyết phủ trắng đôi bờ…

Ngày 11/11/2006, trong khi chờ vé máy bay đi Cơ-ra-snô-đar, chúng tôi được chủ tịch tập đoàn tài chính MEGA ở liên bang Nga Nguyễn Ngọc Toàn cử lái xe đến đón về nhà riêng ở đại lộ Cu-u-dốp. Căn hộ gia đình Toàn ở tầng 25 của tòa nhà 43 tầng có tên là Ega-veis. Người ta nói Ega-veis là một trong tám tòa nhà sang trọng nhất Moskva. Thật bất ngờ, người lái xe lại là Nguyễn Hùng con trai cả của Nguyễn Nghĩa và Nguyễn Thị Hoàn, cựu nhân viên phòng Tư liệu điện ảnh quân đội, Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - những người bạn công tác của tôi một thời.

Thật thú vị, người ta bảo quả đất cũng bé nhỏ thật chẳng ngoa ngôn!

Vợ chồng Nguyễn Ngọc Toàn đón tiếp chúng tôi thân tình, lịch sự. Thì ra Toàn nguyên là học viên lái máy bay Su-9 và cũng có thời gian học ở Cơ-ra-snô-đar . Biết chúng tôi sang Nga có một nhiệm vụ tìm mộ chí những đồng đội hy sinh và từ trần ngày ấy, Nguyễn Ngọc Toàn đi khảo sát trước và đã tìm thấy hai phần mộ.

Mời chúng tôi đến chơi, Nguyễn Ngọc Toàn chỉ dẫn rành rẽ sơ đồ khu vực hai phần mộ đồng đội và thông báo cho chúng tôi biết Hội người Việt Nam ở vùng Cơ-ra-snô-đar đã sẵn sàng đón tiếp chúng tôi.

Cũng xin được nói thêm ở đây, biết đoàn đi sang Nga có nhiệm vụ tìm mộ chí đồng đội, em trai tôi là Bùi Đắc Hoạt đã có sáng kiến mua một bó hương ba mươi thẻ dúi vào tay tôi tối hôm tiễn đoàn từ nhà Trần Hải lên đường ra sân bay.

Mặc dù trời Moskava tuyết vẫn rơi dữ dội; nhưng theo kế hoạch 15h15' ngày 12/11/2006 chúng tôi vẫn đi ra sân bay để đi Cơ-ra-snô-đar. Thời tiết xấu nên mãi 19h55' chúng tôi mới cất cánh được.

Bay đúng 2 tiếng thì máy bay hạ cánh xuống sân bay Cơ-ra-snô-đar.

Thời tiết ở Cơ-ra-snô-đar tốt, quang mây. Nhìn thấy hàng chữ Cơ-ra-snô-đar bằng tiếng Nga ở trên nóc nhà ga, tôi vô cùng xúc động. Tôi như gặp lại cái cảm giác tuổi đôi mươi ngày ấy.

Đón chúng tôi có đồng chí Nguyễn Cảnh Nhơn - Phó Hội trưởng Hội người Việt Nam ở vùng Cơ-ra-snô-đar, đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc và đồng chí Đạt doanh nhân. Các anh đưa chúng tôi về nhà riêng của đại gia đình đồng chí Đạt, cách sân bay không xa. Đó là một biệt thự với khuôn viên vừa phải.

Bữa tiệc đãi khách nhân sinh nhật của anh trai đồng chí Đạt tên là Định đã được bày sẵn. Chủ nhân bữa tiệc sinh nhật Trần Xuân Định cho biết, nhà có 5 anh em trai thì sang đây làm ăn ba. Đó là Định, Đạt, Triệu mà bắt đầu là chú Triệu em út. Hôm nay, chú Triệu vắng mặt vì có công việc ở Moskva. Hãng taxi Triệu Quốc Đạt ở Hà Nội là do ba anh em Định, Đạt, Triệu đầu tư. Triệu Đạt là tên hai chú em còn đệm ở giữa ấy là húy của họ Trần.

Trong bữa tiệc có mấy thanh niên nam nữ Nga, có bà Thúy quốc tịch Nga là mẹ vợ của Triệu (Bà Thúy đi xuất khẩu lao động và lấy chồng là người Nga) và đông đủ vợ, con của ba anh em. Cả nhà Định, Đạt, Triệu ai cũng niềm nở hiếu khách. Trong cái niềm nở ấy tôi thấy vợ Đạt, người phụ nữ đang có bầu có cái gì đấy lúng túng ngượng ngựu khác thường. Ra ngoài hành lang tôi ghé tai hỏi nhỏ Phạm Thanh Bình. Bình khẽ bảo: "Cô ấy suýt nữa là con dâu tôi".

Chà! Đúng là quả đất cũng chẳng lớn.

Đêm ấy, chúng tôi ngủ đêm đầu tiên ở mảnh đất Cơ-ra-snô-đar sau 40 năm xa cách. Mặc dù rất mệt nhưng tôi cứ thao thức trằn trọc mãi với cuốn phim ký ức về một thời trai trẻ ở nơi đây và mong sao trời chóng sáng.

Sáng sớm ngày 13/11/2006, chúng tôi hành trình đến trường với sự giúp đỡ của chủ nhà Trần Xuân Định và Nguyễn Hữu Ngọc. Theo yêu cầu, trước khi đến trường hai đồng chí Định, Ngọc đưa chúng tôi thăm lướt qua những địa danh chủ chốt của thành phố mà trước đây chúng tôi thường ghé thăm vào những ngày chủ nhật đi chơi phố.

Tác giả trước cổng trường xưa

Để trở về trường, tất nhiên chúng tôi phải trở lại con đường mà ngày xưa thường nhảy xe buýt để ra trung tâm thành phố. Con đường xưa là con đường đá gồ ghề nhưng rợp bóng cây cổ thụ thì nay là con đường hiện đại, to rộng phẳng phiu nhưng trơ không một cây xanh.

9h50' ngày 13/11/2006, chúng tôi tới cổng trường. Cổng trường bây giờ có vẻ cẩn mật hơn xưa nhiều. Barie cổng được hàn chông sắt nhọn hoắt rất dữ dằn. Ô tô muốn đi vào trường phải chạy ngoằn ngoèo chữ chi theo những ụ bê tông rích rắc chắn ngang. Lính gác lăm lăm khẩu AK sẵn sàng chiến đấu cao. Chúng tôi nộp cho trực ban những giấy tờ theo yêu cầu và chờ đợi. Để nguôi đi nỗi thắc thỏm, chúng tôi đi bách bộ ra tượng đài nguyên mẫu chiếc máy bay SU 27 ở gần đấy chụp ảnh lưu niệm.

Đúng 11h45' ngài đại tá trưởng khoa kỹ thuật Nhe-ki-pe-lốp I-gor Alếch sê-vích ra đón và cho chúng tôi biết: Ngài thiếu tướng hiệu trưởng Đe-tre-rép Vla-đi-mia Vích-to-rô-vích mời chúng tôi vào thăm trường với chương trình: Thăm nhà truyền thống, gặp gỡ ngài hiệu trưởng, thăm nơi ở cũ, thăm một số cơ sở của trường và dự bữa cơm trưa thân mật với ban lãnh đạo nhà trường. Khỏi phải nói chúng tôi phấn khởi đến nhường nào. Chúng tôi tặng ngài I-gor bức tranh sơn dầu phong cảnh vịnh Hạ Long. Ngài I-gor xúc động cảm ơn.

Theo chân ngài I-gor, chúng tôi bước vào ngôi nhà mà hơn 40 năm trước ngày ngày chúng tôi lên lớp ở đây. Ngày trước phòng truyền thống nhà trường đươc đặt ở tầng một, các lớp học thì ở tầng trên, còn giờ đây phòng truyền thống được đặt ở tầng hai.

Trước khi bước vào phòng truyền thống, bao dự cảm trái ngược nhau được đặt ra. Liệu bây giờ hình ảnh Việt Nam có được vị trí xứng đáng như vốn có. Tôi chợt nhớ tới câu thơ của Tố Hữu: "Lê-nin nằm nghĩ suy gì/ Điện Crem-lanh in bóng thành trì lặng im".

Sau khi xem lướt qua các khoang trưng bầy khác, chúng tôi ào vào tham quan khoang quan hệ quốc tế. Đây rồi, ảnh chân dung các anh hùng phi công Việt Nam được trưng bày trang trọng phía trên các mảnh xác máy bay Mỹ cùng một số chiến lợi phẩm hàng không quân sự Mỹ. Tôi như được gặp lại các anh, các đồng đội anh hùng từng cùng học tập tại đây: Phạm Thanh Ngân, Đinh Tôn, Nguyễn Trúc, Nguyễn Văn Cốc, Phạm Tuân, Đỗ Văn Lanh, Nguyễn Xuân Thiều, Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Đức Soát...

Trong số các hiện vật trưng bày có cả một số tặng phẩm của cựu học viên Việt Nam, trong số đó có đôi gốm sứ Bát tràng to đẹp của cựu học sinh phi công.

Trần Hải và Phạm Thanh Bình còn phát hiện ra chiếc ảnh học viên của một lớp học cơ giới ngày đó cũng được treo trang trọng.

Có thể nói một cách công bằng, Việt Nam thực sự có một vị trí thật xứng đáng ở phòng truyền thống nhà trường. Có lẽ nhà trường rất tự hào có được những học viên Việt Nam như lớp lớp chúng tôi. Tôi tự huyễn hoặc mà lòng cảm thấy vui vui.

Sau khi xem phòng truyền thống, chúng tôi được ngài thiếu tướng hiệu trưởng tiếp thân mật ngay tại phòng làm việc. Cùng tiếp khách với ngài hiệu trưởng còn có ngài đại tá Krapiva Alếchxăngđơ Invanôvích trưởng khoa huấn luyện bay. Ngài hiệu trưởng Đetrerép Vlađimia Vichtorovích thân tình hỏi thăm và chúc sức khỏe chúng tôi. Chúng tôi trân trọng tặng nhà trường bức tranh sơn mài phong cảnh chùa Một Cột Hà Nội. Ngài thiếu tướng rất xúc động nói: "Bức tranh này sẽ được treo ở nhà truyền thống nhà trường".

Sau cuộc gặp thiếu tướng hiệu trưởng, chúng tôi được ngài đại tá trưởng khoa kỹ thuật Igor Alếchsêvích và ngài trung tá Peregorốtđa Iuri Alếchxăngđrôvích - quản lý trưởng học viện nước ngoài dẫn đi thăm nơi ở ngày xưa ấy.

Trời ơi, vẫn là ngôi nhà ba tầng phơi gạch mộc đỏ au, vẫn là cái cửa ra vào mà ngày ấy ngày ngày chúng tôi đi qua. Tôi xăng xái bước tới bậc thềm tam cấp và rút tấm bằng đỏ tốt nghiệp cùng chiếc ảnh mà tôi chụp ở vị trí này 39 năm về trước đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm cách mạng tháng Mười Nga khoe với vị đại tá và trung tá Nga. Hai vị xúm vào xem tấm bằng và chiếc ảnh. Ngài đại tá Igor tỏ ra ngạc nhiên hỏi tôi

- Ông đấy ư? Ông đấy ư?

- Vâng chính tôi! Chính tôi!

Còn ngài trung tá Iuri thì thảng thốt:

- Ngày đó thì tôi còn chưa đẻ!

Trong khi chúng tôi đang hào hứng trò chuyện thì có một đại đội học viên lái máy bay ào từ trong nhà đi ra. Họ xúm vào xem chiếc ảnh cùng tấm bằng đỏ rồi ríu rít hỏi tôi:

- Có phải ngài đấy không?

- Có phải ngài không?

Tôi cứ phải điệp khúc trả lời:

- Vâng! Đúng! Tôi! Đúng! Tôi!

Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy nồng ấm mỗi khi nghĩ về giây phút đó.

 

Lãnh đạo nhà trường dẫn đòan đi thăm trường
 

Sau những giây phút thăng hoa, tôi tranh thủ bước lên tầng hai, nơi có căn phòng mà ngày xưa tôi từng ở cùng với Thảnh, Việt, Sủng, Tiến và Hải ”Ninh Bình” hy vọng tìm lại được một chút hơi hướng của thời trai trẻ. Nhưng thôi, căn phòng đã được mở toang liên thông thành một phòng lớn dùng cho một đại đội học viên như là ở tầng một đoàn Một do đồng chí Tước trưởng đoàn ngày xưa.

Tôi đang tần ngần trước cảnh trí này thì được gọi xuống đi ăn cơm, ngài thiếu tướng hiệu trưởng cùng đại diện ban lãnh đạo nhà trường đang chờ ở dưới đường. Tôi vội chạy xuống và hòa vào đoàn người đi bộ đến nhà ăn. Ngài hiệu trưởng và các vị chủ nhà Nga vừa đi vừa trò chuyện với chúng tôi thân tình. Máu nghề nghiệp, tôi và Cháp thi nhau chụp ảnh lưu niệm.

Một bữa ăn Nga ngay tại ngôi trường xưa. Dường như hương vị bữa ăn Nga ngày ấy lại tỏa thơm lừng hòa vào hương vị của bữa ăn hôm nay.

Hứng khởi trước không khí này, Phạm Văn Cháp sau khi húp một thìa súp bắp cải đứng dậy phát biểu và nhờ Trần Hải giỏi tiếng Nga phiên dịch.

- Thưa ngài Đetrerép Vlađimia Víchtôrovích thiếu tướng hiệu trưởng. Thưa các quý ngài có mặt tại đây. Ở Việt Nam chúng tôi có câu ngạn ngữ "Nhất tự vi sư bán tự vi sư" có nghĩa là dạy một chữ cũng là thầy, học một chữ cũng là trò. Chúng tôi xác định luôn là học trò của trường Cao đẳng Hàng không Quân sự Cơ-ra-snô-đar, và những người thầy dạy học ở đây đều là những người thầy của chúng tôi.

Trần Hải phiên dịch rất lưu loát, rành rẽ. Tôi quan sát thấy các vị chủ nhà ai cũng tỏ ra cảm kích. Khi Trần Hải dứt lời, các chủ nhân Nga nồng nhiệt vỗ tay và cầm cốc rượu đi chúc mừng chúng tôi.

Chà! Phạm Văn Cháp có dáng trầm trầm doanh nhân là thế mà cũng chính trị, văn nghệ ra phết. Tôi thực sự cảm phục Cháp.

Vui nhưng chúng tôi vẫn canh cánh nhiệm vụ tìm mộ và thắp hương cho đồng đội.

Sáng ngày 14/11/2006 với sự giúp đỡ của đồng chí Nhơn, đồng chí Ngọc và chủ nhà Định, chúng tôi tới nghĩa trang thành phố Cơ-ra-snô-đar. Được sự chỉ dẫn chu đáo nên chúng tôi tới được ngay khu mộ tổ lái máy bay bị tai nạn ngày ấy.

Đó là đại úy giáo viên người Nga Tikhônốp Igor Petrovích, học viên Ngô Sĩ Nghi, học viên Đỗ Đức Bửu. Ba ngôi mộ được đặt cạnh nhau, có bia đá nghiêm chỉnh trong cùng một khuôn viên có biểu trưng tượng đài chung. Nghe đâu là phu nhân đại úy giáo viên đã gia tâm làm việc này. Chúng tôi thầm cảm ơn bà.

Thắp hương cho tất cả và các mộ phần chung quanh, chúng tôi cầu mong các vong linh được siêu thoát.

Trời bỗng dưng nổi cơn dông. Từng đám mây đen ầm ầm kéo đến. Thời tiết vùng Cơ-ra-snô-đar lúc này chưa vào mùa đông nên hay có cơn giông bất chợt.

Nghĩa trang thành phố rộng mênh mông. Chúng tôi vội chia nhau bủa đi tìm mộ phần của Trần Văn Tuyến, học viên lái máy bay ngày ấy. Dông ngày một dữ dằn. Những hàng cây cổ thụ ở nghĩa trang oằn mình nghiêng ngả trong tiếng sấm sét dữ đội. Những con chó hoang hốt hoảng luồn lách đuổi cắn nhau loạn xị. Những đàn quạ khoang bay lượn nháo nhác với tiếng kêu nghe rợn người. Trong ánh chớp, tôi vừa vạch các lùm cây tìm bia mộ của Tuyến vừa lẩm bẩm: "Tuyến ơi, Tuyến ở đâu?; Tuyến ơi, Tuyến ở đâu? Chúng tôi đang tìm Tuyến đây! Tuyến ơi, Tuyến ở đâu?" Nhưng vô vọng. Các mũi khác cũng chưa ai có tín hiệu gì.

Trời bỗng tối sầm lại báo hiệu cơn mưa sắp ập đến. Lúc này đã quá mười hai giờ trưa. Đồng chí Nhơn phát tín hiệu sắp tới giờ ra sân bay để trở về Moskva. Chúng tôi đành phải dừng cuộc kiếm tìm.

Còn nắm hương cuối cùng để dành cho Tuyến tôi đành thắp và vái vọng lên trời:

- Tuyến ơi, Tuyến ở đâu? Hãy thông cảm cho chúng mình. Dẫu có ở cách xa nghìn dặm bọn mình vẫn nhớ đến Tuyến, Tuyến ơi ..!

*

*      *

Mới đó, lại 6 năm nữa trôi qua. Thời gian càng trôi đi, ngôi trường Cơ-ra-snô-đar và chuyến đi lịch sử ấy càng trở nên tươi nét trong ký ức của tôi.

Xin được ôm nó vẹn nguyên trong hành trình gian nan vào ngày mai....

 

B.Đ.N

           Theo Tạp chí Văn ngệ Quân đội


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 66161450

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July