Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 28/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Nỗi buồn Nam Cao - Lê Thị Thanh Tâm Nỗi buồn Nam Cao - Lê Thị Thanh Tâm , Người xứ Nghệ Kiev
 

 (Viết nhân kỷ niệm ngày sinh nhà văn Nam Cao 29-10-1917)

Tưởng nhớ một nhà văn tên tuổi, hẳn cũng nên viết trong tâm tình chân thật. Đọc lại Nam Cao một chiều mùa thu, nhận ra cái gì lớn vẫn lớn, cái gì thiếu vẫn thiếu.

Nam_CaoNhân vật của Nam Cao hầu hết là không thể tự quyết định được cách sống của mình. Từ Chí Phèo, Thị Nở, Binh Chức, Năm Thọ đến Lão Hạc, Hộ, Thứ, Điền…, tất cả họ đều có chung một thân phận là bị điều kiện hóa tối đa. Họ muốn thế này thế khác, nhưng “xã hội không cho”. Họ muốn vươn tới những điều cao cả, nhưng bị cuộc sống mòn mỏi nên không thể làm gì được. Họ muốn cao quí mà thành ra thấp hèn, muốn yêu thương mà thành quỉ dữ. Đó là một kiểu nhân vật quá đặc biệt của một thời, nhưng chiều sâu của nó lại vượt khỏi dự cảm “phê phán hiện thực” của Nam Cao, để trở thành sự “phô bày căn tính”- điều mà Nam Cao dường như chưa có ý nói rõ.

Một đóng góp khác rất đáng chú ý của Nam Cao là các nhân vật của ông thường phải đứng giữa các lằn ranh, giữa nhiều lưỡng lự . Chính lựa chọn thông minh này giúp cho Nam Cao thể hiện tối đa khả năng bậc thầy về miêu tả tâm lý. Hầu hết nhân vật của ông bao giờ cũng là nhân vật tình huống. Tình huống bi thảm như Chí Phèo chết đi để mong được tỉnh, tình huống bà cụ ăn một bữa no mà chết, tình huống mua hay không mua nhà, tình huống bán hay không bán chó, tình huống chọn lựa giữa gia đình và sự nghiệp (mà kỳ thực là thất bại ở cả hai lựa chọn)… Nhân vật sống trong mặc cảm và ngạo mạn, sợ hãi và biến dạng là những chủ đề rất hấp dẫn trong văn chương thế giới. Ở phương diện này, Nam Cao đã gặp gỡ rất nhiều với các danh gia. Ngòi bút của ông ít khi vụng về khi lách sâu vào nỗi đau và hy vọng của con người.

Nam Cao dường như là người có biệt tài kể về những uẩn khúc nặng nề của tầng lớp trí thức. Viết về trí thức, nhất là trong những thời điểm quá “nhạy cảm” của lịch sử xã hội Việt Nam, bao giờ cũng khó, rất khó. Người trí thức là tâm điểm của những dày vò về tinh thần. Nói cho sòng phẳng, tác phẩm càng lớn thì thử thách về sự sâu sắc của người trí càng lớn. Từ đó, cũng cần thấy rằng hình tượng “con người tự khóc” là sáng tạo độc đáo và bứt phá  của Nam Cao. Con người tự khóc cho mình, cho những chuyến đi quá xa vào sự tha hóa, cho những cái “chết trong tâm hồn”, cho sự dằn vặt giữa cái cao thượng và cái thấp hèn, khóc bởi quá nhiều chọn lựa... Các nhân vật của Nam Cao thường có gương mặt bên trong rất âm thầm, rất ám ảnh.

Tác phẩm Nam Cao cung cấp những băn khoăn rất sâu về căn tính dân tộc. Phải dùng từ “cung cấp” vì ông không có ý đặt nó thành “vấn đề”. Ông bày nó ra. Đọc lại truyện Nam Cao, người đọc vẫn luôn có cơ hội “cày xới”, nghiền ngẫm lại những “tập tính tập khí” đầy “bản sắc” của một Việt Nam xưa: chửi rủa, cạnh khóe, than vãn, kỳ thị, ăn vạ… Những “tập khí” lạ lùng này không biết xuất hiện từ bao giờ, nếu nhìn từ một nền văn hiến mà bản lĩnh dân tộc từng được xem là tinh hoa của khu vực, từng trở thành “học phong”, “hào khí”?

Tất cả những điều nói trên là cống hiến tuyệt vời của Nam Cao cho văn chương nước nhà. Người đọc qua nhiều thời đã trân trọng, cảm thương những nhân vật từng đổ nước mắt trên trang viết Nam Cao. Tấm lòng và tài năng của nhà văn xứng đáng được tưởng nhớ dài lâu.

Người đọc hiện thời, dù rất mực chia sẻ với các nhân vật “bị nạn” của Nam Cao, vẫn có thể nghĩ mãi một điều này: Con người có quyền đau khổ nhưng có nhất thiết phải băng hoại như một phương cách chống đối không? Rằng họ chắc sẽ được thương yêu nhiều hơn khi bị “vong hóa”, biến dạng?

Nam Cao đã “lỡ tay” nhiều lần để cho các nhân vật tự tung tự tác, đi về hướng băng hoại với những lời lầm bầm kết tội xã hội, đất trời. Đó là sự yếu đuối, nếu không phải của nhân vật thì của tác giả, nếu không phải của tác giả thì của nơi đã tạo ra tác giả… Sự yếu đuối này không thể xem là một khía cạnh của tài năng sáng tạo.

Nam Cao giàu ý tưởng. Tuy nhiên ý tưởng về một sự nghiền ngẫm cay đắng của con người trước thời cuộc mà ông thể hiện chứa chan trong từng tác phẩm đã không tìm thấy một mô hình sáng tạo tương hợp để ông có thể trở thành nhà văn của thế giới. Mô hình của Nam Cao khá “nghèo nàn”. Người đọc thường bắt gặp những biểu hiện tự thuật của Nam Cao như: anh giáo (giáo khổ), nhà văn, những người vợ nông nổi, …kể cả sự từng trải, biến cố trong đời các nhân vật cũng hao hao anh giáo Trần Hữu Tri. Mô hình này không chuyên chở nổi những ý tưởng kiểu như: sống mòn, sống thừa, sống vô nghĩa - những ý tưởng vốn là những suy tư “cao cấp” của những bậc thầy văn chương thế giới. Nỗi buồn của Nam Cao là nỗi buồn của sự bất lực đã bị nhìn thấy từ hệ quả của xã hội bần cùng. Công bằng mà nói, Nam Cao đã chọn cách nhìn như vậy cho nỗi buồn của mình (chứ không chắc rằng đó là lý do cốt yếu?!). Nỗi buồn của Nam Cao đã bị chính ông nhìn sang hướng khác, hướng ngoại, điều ấy không làm nên một Nam Cao vĩ đại. Những phát ngôn kết án xã hội, qui kết cộng đồng, than vãn về sự trì trệ… không thể làm nên một Nam Cao vượt tầm.

Tài năng thiên phú của Nam Cao về ngôn từ tâm lý, về cách tạo dựng hồn vía nhân vật chỉ giúp cho ông sáng tạo nên những điển hình xúc động và sống động. Còn cái gì đó sâu xa hơn đằng sau nỗi buồn của ông vẫn chưa được chính ông bày tỏ. Nếu như nhà văn đặt nỗi buồn trong một chiều kích khác (trong quan hệ tương chiếu giữa con người này và tha nhân, con người này với thế giới, con người này với chính nó…), đồng thời tìm lấy ở nội tâm sâu sắc của mình một câu trả lời nào đó bớt “làng xã” hơn, bớt “vụn vặt” hơn, thì hẳn những Chí Phèo, những Thứ, những Hộ, … vẫn có thể đánh động người đọc nhiều hơn. Phần lớn các nhân vật “kinh điển” trong kho tàng văn chương thế giới thường phải chạm đến những vấn đề của bản ngã, định mệnh và suy tư triết học về tồn tại. Đó là điều mà Nam Cao hãy còn dè dặt… Có phải, cái chết sớm đã không cho ông cơ hội nào để nói thêm với người đọc về những lựa chọn của mình? Về xu thế mà ông sẽ đi theo? Tiếp tục tỏa sáng? Hay lặng lẽ trong tìm kiếm?…

Nam Cao bằng việc viết văn, bằng việc sáng tạo nhân vật, bằng những giới hạn của các thiên truyện, đã vô tình cho thấy nhiều hơn sự hạn hẹp cố hữu và di truyền của bản tính Việt, mặc dù tư tưởng ông rõ ràng hướng tới một quan niệm tương đối “dễ đọc”hơn: thương yêu người nghèo, bênh vực người nghèo, suy nghĩ có nhân cách và phê phán xã hội. Cái “bản tính Việt hạn hẹp có tính di truyền” ấy ẩn hiện trong tác phẩm Nam Cao, được nhà văn vô tình (hay cố ý?) bàn đến, có lẽ là “phẩm hạnh” và “tầm thấp” của những con người vì nhiều lý do mà đánh mất mọi thứ, dễ dàng đánh mất và dễ dàng đổ lỗi cho ai đó. Hay đúng hơn, họ (các nhân vật này) không được chuẩn bị nhiều cho sự trưởng thành về tâm hồn - một sự trưởng thành có được do những am hiểu nhẫn nại về nội tâm và ý chí. Phải chăng, nông thôn Bắc bộ những năm lao khổ, gần kề cái đói, đã làm lu mờ, tan mất sự trưởng thành ấy? Phải chăng, một dân tộc nhiều đau khổ thì phải méo mó đi, nhất định biến thái, mới là sản phẩm của một hiện thực? Phải chăng, việc đòi người khác cho mình được sống lương thiện lại trở thành xu hướng đáng “hoan nghênh” đến thế, xuất phát từ một chủ nghĩa cảm thương? ... Chúng ta có quyền suy tư những gợi ý này từ di sản quá nhiều thao thức mà Nam Cao để lại. 

Do ánh sáng ngôn ngữ trần thuật độc đáo của Nam Cao mà người đọc cảm nhận những trang viết của ông “hình như” có nhiều tư tưởng. Nhưng tư tưởng được phát biểu giống như một lời khuyên của nhà phê bình, có lẽ, về bản chất không phải là tư tưởng của nghệ thuật. Tư tưởng đích thực toát ra từ tác phẩm nghệ thuật không nên “bị phát biểu ra” thẳng tuột trong một tình thế thiếu hư cấu, mà nó phải “tự phát tiết qua hình tượng” mới đúng. Nam Cao đã phát biểu quá nhiều, nói chen vào nhân vật quá nhiều. Những phát biểu này đậm đặc đến nỗi chúng thường được dẫn chứng như là “tư tưởng chủ đề”, “quan niệm nghệ thuật” độc đáo của Nam Cao.

Không! Trong trò chơi văn chương, chính Nam Cao cũng không ngờ chuỗi ngôn từ mà ông khổ công sử dụng lại mang một tinh thần khác. Nhìn vào các nhân vật của Nam Cao, người ta có thể hình dung một hệ thống các nạn nhân; hết nạn nhân của sự bần cùng hóa đến nạn nhân của “cơm áo ghì sát đất”, hết nạn nhân của đời sống rỉ mòn về tinh thần đến nạn nhân rất “cá biệt”: bị từ chối quyền làm người… Dĩ nhiên nhà văn có thể chọn bất kỳ đề tài nào, kể cả các đề tài về những nạn nhân. Song, điều đáng nói là ông đặt cái nhìn từ phía nạn nhân và chỉ từ phía nạn nhân, cất lên tiếng nói thầm thì từ cơn trầm cảm triền miên của những số phận không còn niềm tin nào với đời. Bởi vậy mà mỗi tác phẩm của Nam Cao đều rất dễ nhận lấy sự cảm thông của người đọc, nhưng lâu dài thì không thể thuyết phục những cách đọc khác, những rung động khác…- những cách đọc và rung động không an tâm với kiểu suy nghĩ đơn sơ về sự tồn tại của nỗi đau. Tâm sự “chậm dần đều” và u uất trong tác phẩm Nam Cao thường dừng lại ở những chiêm nghiệm có tính tự thuật, tự truyện, tự vấn của nhà văn, chưa đủ chi tiết để có thể nằm sâu trong cấu trúc nghệ thuật, chưa đủ thành một thứ nghệ thuật tinh lọc và nghiệt ngã.

Lẽ nào điều lớn lao duy nhất trong văn chương Nam Cao là chủ nghĩa nhân đạo như nhiều người đọc từng tâm đắc, rằng tư tưởng quan trọng nhất của ông là thương yêu hết thảy những người nghèo khó?

Xét cho cùng, cảm thông với các nạn nhân là đức tính quí báu. Nhưng chỉ nhìn con người như những nạn nhân lại không hẳn là sâu sắc. Cái nhìn ấy có thể thấm đẫm tình người, nhưng rất khó đi xa.

Nỗi buồn Nam Cao để lại trên trang viết khiến người đọc băn khoăn: bởi chính tác giả cũng chỉ truy vấn nỗi buồn trong một chiều tác động, bởi chính tác giả còn “di lý” nỗi buồn ấy sang cái nhìn đơn giản về quan hệ con người-xã hội (theo kiểu: con người chỉ tốt lên nhờ xã hội, chỉ xấu đi bởi xã hội), thì làm sao người đọc có thể tin rằng nhà văn Nam Cao thực sự là một tài năng tầm cỡ?

Nam Cao rất có tài, rất có tâm, song chưa thể là nhà văn tầm cỡ. Riêng điều ấy đã là một nỗi buồn lớn!

Lê Thị Thanh Tâm
Nguồn VHNA


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66151613

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July