Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 26/04/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Hà Nội và màu hoa thầm lặng Hà Nội và màu hoa thầm lặng , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 
.... Hy vọng một ngày nào đó, niềm hạnh phúc đơn giản mà tôi đã cảm nhận được giữa đất trời Hà Nội năm nào, sẽ lại đến với tôi, trong một thành phố thân yêu nào đó ở quê hương, hay trên một vùng cao hẻo lánh, bao quanh bởi núi rừng hiểm trở. Và không chừng, trên vùng núi rừng chập trùng đó, biết đâu lại cũng có một người, dịu dàng cùng ngồi xuống bên tôi, giải thích cho nghe tên một loài hoa thầm lặng mọc bên bờ suối.


Thực ra tôi là người sinh ra ở Quảng Nam, thuộc miền Trung, đến năm 4 tuổi theo ba má vào Sài Gòn ăn học, đậu tú tài xong được giấy phép đi du học sang Tây Đức. Còn vợ tôi là người ở Trà Vinh, sau khi đậu phổ thông xong lại “ham vui“ theo bạn bè rủ rê lên Sài Gòn thi vào Đại học. Và sau này do duyên số tình cờ, chúng tôi đã gặp nhau ở vùng đất đó. Vì vậy có nhiều người sẽ hỏi, tôi có “dính dáng“ gì với đất Hà Nội để mà viết, mà viết về chuyện gì đây?
 



Kỹ sư Peter và Sa Huỳnh về Việt Nam làm thương mại và kỹ thuật 


Thưa các bạn, có ạ! Đó là những kỷ niệm và hạnh phúc bất ngờ, mãi đến bây giờ tôi vẫn không quên.

Từ những năm tám mươi, khi bức tường Berlin chưa sụp đổ, tôi làm việc cho một xí nghiệp ở Tây Berlin, phụ trách nghiên cứu và thiết kế các máy truyền tin quang học. Cụ thể là thiết kế những đầu thu phát tín hiệu dùng tia Laser, sử dụng trong mạng lưới truyền tin cáp quang của Bưu điện Đức. Chính công việc này đã tạo cho tôi cơ hội, được mời về trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tham gia trình bày kỹ thuật và công nghệ, cũng như cùng với những người trong nước, xây dựng ngành viễn thông còn non trẻ này của thế giới lúc bấy giờ.

Trong thời gian ấy, lần đầu tiên chúng tôi truyền tín hiệu truyền hình màu qua cáp quang, nhờ qua hệ thống đã kiến tạo và lắp ráp trước ở Berlin, được đưa thẳng về Hà Nội. Tôi đã có kỷ niệm rất nhiều với những anh chị tại Viện Sở Hữu Công Nghệ Hà Nội của anh Giáo sư Trần Đình Anh và anh Tiến sĩ Đặng Xuân Cự, là con rể của một cựu Bộ trưởng Ngoại giao. Có được những buổi nói chuyện thú vị với ông Lê Ất Hợi, nói về tình hình khó khăn của Việt Nam thời ấy, đang bị phong tỏa và bị bao vây nhiều mặt, cả về kinh tế lẫn khoa học kỹ thuật. Ông đã đại diện Thành ủy Hà Nội tiếp đón chúng tôi, thay mặt ông Chủ tịch Trần Vĩ ngày ấy đang lâm bệnh. Lần đó về Hà Nội tôi rất thích, vì là một kỷ niệm quí giá trong cuộc đời làm khoa học của mình. Được làm việc chung với anh chị em là một đội ngũ trí thức trẻ, góp sức và trí tuệ, từng bước xây dựng nền truyền thông quang học hiện đại, từ con số không, để ngày nay ở Việt Nam, ngành này đã vươn lên, với những bước đi vững chắc.
 

 

Ngày ấy, ban tổ chức đã sắp xếp chỗ ăn ngủ cho chúng tôi tại khách sạn Phú Gia, cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm. Phải thành thật mà nói, khách sạn Phú Gia khi ấy chưa xây dựng xong, đường cầu thang dẫn lên phòng còn rất dơ, ướt sũng nước cùng với mùi nồng của đất, pha lẫn mùi của bùn đen. Phòng tôi ở không có lò sưởi ấm, nước nóng cũng không. Vì thế khi đi làm việc về là tôi phải lao ngay vào giường, ôm chăn quấn chặt và trùm mền kín mít. Nhưng mà lạnh vẫn cứ lạnh. Thuở xưa trong trường học ở Sài Gòn, tôi có biết sơ qua về cái rét Hà Nội, nhờ đọc các chuyện của Nhất Linh hay Khái Hưng và những văn sĩ khác của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhưng chính đây là lần đầu tiên tôi mới biết thực sự cái rét của Hà Nội, nó gây buốt da buốt thịt như thế nào.



Sa Huỳnh đo thông số kỹ thuật trong một hầm xuyên núi


Và vì không có nước nóng nên mọi người đã “sắp xếp“, cử một cô gái, tương đối xinh xắn, độ chừng hai mươi mấy tuổi, mỗi buổi chiều đến nấu nước cho tôi tắm và lo giặt giũ quần áo dùm tôi. Chuyện “sắp xếp“ ấy đã làm tôi vô cùng e ngại, mà tôi biết có từ chối cũng không xong. Thời ấy tôi còn trẻ, vừa mới “mạnh mẽ“ bước vào đời với tuổi ba mươi, nên nhớ rất rõ rằng, ngoài mẹ và chị tôi ra, tôi chưa bao giờ được một người con gái lạ nào chăm sóc. Nhưng cũng chính nhờ có cô ấy mà tôi đã học, rồi thích thú làm quen được với nhiều tiếng miền Bắc. Vì vào thuở đó, đối với tôi một số từ còn rất xa lạ. Chẳng hạn như người ta không gọi “cái ly“ như ở Sài Gòn, mà gọi là “cái cốc“, hay khi “bị bệnh“ thì gọi là “bị ốm“. Và khi thân mình bị ốm thật như trong Nam, thì ngoài Bắc người ta gọi là “bị gầy“! Tôi cũng đã có dịp vào một buổi chiều, cùng cô ngồi hóng mát bên hồ Gươm, để nghe cô giải thích tên của một loài hoa mỏng manh màu hồng, đang mọc ở một vài chỗ dọc theo bờ hồ, là hoa cánh bướm.

Bây giờ khách sạn Phú Gia đã khang trang và hiện đại hơn xưa nhiều, nhưng mỗi lần có dịp về Hà Nội và đi ngang qua, tôi vẫn nhớ lại cái thời đã ôm chăn và trùm mền cho đỡ lạnh ấy. Không biết anh Giám đốc khách sạn ấy bây giờ là ai, nếu có dịp gặp nhau, tôi sẽ kể cho anh nghe thêm cái kỷ niệm thời xưa cũ, rằng trong một bữa ăn chiều tại Phú Gia, mà Thành ủy Hà Nội chiêu đãi để cám ơn và từ biệt chúng tôi, mọi thực khách ai cũng phải mặc áo bành-tô dày cộm vào người, và quàng khăn len che kín cổ, như đang ngồi ngoài giữa trời mùa đông lạnh giá!

Vào những năm cuối 90, tôi có về Hà Nội đôi lần, trong chương trình hợp tác thương mại giữa xí nghiệp Đức với Việt Nam. Tôi đại diện hãng, “mang theo“ hai chàng kỹ sư Đức. Giới thiệu và chào bán các hệ thống khuyếch đại sóng điện thoại di động, lắp đặt trong các nhà cao tầng hay trong các bãi đậu xe, hoặc trong những đường hầm dài, nơi mà cường độ sóng từ bên ngoài vào, bị các bức tường dày làm yếu đi. Những người ở trong những vùng như thế, sẽ không có khả năng liên lạc rõ với nhau bằng điện thoại di động.

Lần đó chúng tôi ở trong khách sạn Nikko sang trọng, ở phố Trần Nhân Tông, do người Nhật quản lý rất nghiêm túc. Một buổi tối, tôi rủ các chàng kỹ sư Đức rất thích tò mò và mạo hiểm, bỏ bữa cơm Tây trong khách sạn, đi ra ngoài ăn cơm bình dân Việt Nam cho biết.
Ba đứa chúng tôi vào một quán phở trên đường phố Huế. Hai chàng Đức lần đầu tiên được ăn món phở, khen quá là khen, nhưng đổ cả mồ hôi và cứ mãi hít với hà, vì vừa nóng lại vừa cay. Mọi người ngồi ăn chung quanh nhìn “hai ông Tây”, cười vui thích thú. Và để tăng thêm cường độ “mạo hiểm”, tôi đã gọi luôn mấy trứng vịt lộn. Sau đó tôi mới biết rằng, người Hà Nội ăn trứng vịt lộn không “kín đáo” để nguyên vỏ như người trong Nam, mà bóc tung hết cả vỏ ra, cho nguyên con “trần trụi với chút lông ướt“ vào bát nhỏ, đem mời khách. Hai chàng Đức thấy thế hoảng hồn, liếc sơ một lần rồi đẩy hết chén đĩa qua một bên, nhìn tôi ăn, lắc đầu và... trề miệng... thất kinh, và cuối cùng là... chịu thua!
 



Kỹ sư Peter và Sa Huỳnh làm việc với giám đốc một tòa nhà cao ốc 


Cũng trong lần đó, anh Đặng Xuân Cự đã sắp xếp một buổi nói chuyện riêng giữa tôi và Giáo sư Vũ Đình Cự, là một người lãnh đạo hăng say, hoạt động không ngừng cho khoa học. Tiếc thay ông Vũ Đình Cự vừa mới qua đời, đã để lại cho những người làm khoa học một sự tiếc thương. Câu chuyện mấy tiếng đồng hồ hôm ấy đã đưa chúng tôi đi miên man, từ việc riêng qua những việc chung, từ những khó khăn đến những cố gắng phát triển không ngừng, những vươn lên không mệt mỏi. Qua đó tôi càng thêm cảm phục những thế hệ trẻ của nền khoa học Việt Nam, dù trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, vẫn giữ được tình yêu và sự say mê, đối với những ngành khoa học còn mới mẻ.

Buổi chiều hôm đó, ba người chúng tôi, cặm cụi ráp đặt sản phẩm chào hàng tại văn phòng của một công ty đối tác. Đó là một hệ thống khuyếch đại sóng điện thoại di động hoàn chỉnh, có tầm hoạt động trung bình, sử dụng cho những văn phòng có kích thước nhỏ. Sau khi ráp xong và cho hệ thống khởi động, mọi nhân viên đều bật máy di động của mình lên gọi thử, và vô cùng thích thú với kết quả tốt không ngờ.

Một cô nhân viên mừng rỡ đến gặp tôi và nói, từ lâu em cứ tưởng máy điện thoại của em “dỏm”, nên khi gọi ở nơi đây thường bị ngắt quãng và không bao giờ nghe rõ rành mạch như hôm nay, em đã định vứt nó đi để mua cái khác cho rồi, bây giờ nhờ anh mà em mới biết, nguyên nhân chính là do sóng ở đây bị yếu, nên mới như thế. Chúng em vô cùng cám ơn anh và hai “ông Tây” đang đứng ở đầu kia!
Giữa đất trời Hà Nội ngày hôm đó, được nghe cô nhân viên tâm sự chân tình, tôi cảm thấy được một niềm hạnh phúc đang dâng nhẹ ở lòng mình. Và thêm một lần tôi biết rằng, hạnh phúc to lớn nhất, mà cũng là đơn giản nhất, của một người làm khoa học, là làm ra được những sản phẩm bằng chính tri thức và trái tim của mình, để mang lại hạnh phúc cho người khác, qua đó lại có thêm một tí tiền để sống và nuôi dưỡng tri thức sáng tạo của mình.

Hiện nay tại Berlin, qua bao ngày tháng lao động miệt mài với những người bạn Đức, chúng tôi đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới, ngoài những hệ thống truyền sóng ánh sáng qua cáp quang. Chẳng hạn như một hệ thống điện đàm vô tuyến có phạm vi hoạt động đến trăm cây số, với tần số dành riêng cho đội lính phòng chửa cháy, hay cho cảnh sát thành phố, hoặc sử dụng trong các hầm mỏ sâu trong lòng đất. Một hệ thống thiết bị khác có khả năng nối dài kênh điện thoại và mạng Internet qua không gian vô tuyến, từ thành thị đông dân đến các vùng thôn quê hẻo lánh, mang công nghệ thông tin Internet đến các trường học của các em học sinh và sinh viên, trên những nơi núi rừng hiểm trở.

Hy vọng một ngày nào đó, niềm hạnh phúc đơn giản mà tôi đã cảm nhận được giữa đất trời Hà Nội năm nào, sẽ lại đến với tôi, trong một thành phố thân yêu nào đó ở quê hương, hay trên một vùng cao hẻo lánh, bao quanh bởi núi rừng hiểm trở. Và không chừng, trên vùng núi rừng chập trùng đó, biết đâu lại cũng có một người, dịu dàng cùng ngồi xuống bên tôi, giải thích cho nghe tên một loài hoa thầm lặng mọc bên bờ suối.

Berlin, mùa Thu 2011

Sa Huỳnh (CHLB Đức)

                                        Theo Quehuongonline

  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60402143

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July