Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 26/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Thầy đồ thời @ - Nguyễn Thu Hằng Thầy đồ thời @ - Nguyễn Thu Hằng , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

VanVN.Net - Một sáng chủ nhật, tôi gọi điện cho thầy giáo Nguyễn Đình Kế, giảng viên trường Cao đẳng sư phạm Hải Dương (thành Đông, xứ Đông) báo ý định đến thăm thầy thì được thầy cho biết thầy hiện đang cùng ba người bạn nữa (thuộc câu lạc bộ Hán Nôm thành phố Hải Dương do thầy phụ trách giảng dạy) theo lời mời của công ty Tùng Lâm – Yên Tử, đang đi cho chữ trên Yên Tử, cả bốn đang trong vai “ông đồ” thời @...

"Thầy đồ @" Nguyễn Đình Kế

Niềm vui cho chữ

Chúng tôi đến thăm thầy Kế đúng lúc bốn “thầy trò Đường Tăng” vừa chân ướt chân ráo trở về sau khi du xuân Côn Sơn (Chí Linh) ba ngày, Yên Tử (Quảng Ninh) ba ngày. Chuyến đi hồ như mang lại sức xuân cho bốn “ông đồ”. Trong câu lạc bộ Hán Nôm do thầy giảng dạy, có những người được gọi là “trò” nhưng thực ra nhiều cụ đã “thất thập cổ lai hi”, như cụ Nguyễn Văn Bang 74 tuổi, cụ Thuần 80 tuổi… các cụ nguyên giảng viên trung học, đại học, đã về hưu. Nhưng trong câu lạc bộ Hán Nôm lại cũng có em mới hơn chục tuổi, say mê học viết theo lối xưa “phượng múa, rồng bay”.

Thầy Kế tâm sự,  dù bận đến mấy thì mùa xuân thầy cũng phải sắp xếp lên Côn Sơn và Yên Tử không phải chỉ vì ban tổ chức mời mà còn vì bản thân mình sau khi đi trảy hội bao giờ cũng thấy tâm mình thanh thản, sức mình khoẻ khoắn lạ. Có đi mới tin, hình ảnh ông đồ cho chữ  ngày xưa đang dần trở lại đời sống ngày nay. Không chỉ có người già xin chữ mà có cả các em học sinh tiểu học. Các em cũng hành hương, Côn Sơn, Yên Tử cầu mong giỏi giang, đỗ đạt. Người đi chùa nguyện ước điều gì trong năm thì xin chữ ấy, có thành tâm, hào phóng gửi lại ông đồ chút lộc chúng tôi nhận, hoan hỉ, không có cũng chẳng sao. Đâu phải chuyện mua bán chữ. Trong nhiều người xin, thế nào cũng có người treo chữ thỉnh từ đất thiêng vào nơi sáng nhất trong nhà mình. Đây là một dấu hiệu đáng mừng thể hiện tinh thần hiếu học của học sinh bây giờ, cũng báo hiệu một nét đẹp văn hoá dần được khôi phục và chữ Hán chữ Nôm vẫn được người đời tiếp nhận, đón nhận một cách trân trọng.

Gặp thầy Kế rồi, người viết bài thấy vui vì câu hỏi, “những người muôn năm cũ / hồn ở đâu bây giờ” của cụ đồ Liên giỏi Pháp văn đặt ra từ thời 1930-1945 mà chúng tôi hằng năm vẫn hỏi học trò của mình, đã được trả lời.

Vinh dự được vào viếng người hay chữ Hồ Chí Minh

Cậu học trò nghèo Đình Kế nổi tiếng học giỏi môn Trung Văn của trường Phổ thông cấp III Gia Lộc. Khi nghe cậu nói tiếng Trung giọng Bắc Kinh, thầy cô dạy cũng phải trầm trồ trước giọng trầm ấm của cậu. Ba năm học lớp 8, 9, 10 bao giờ cậu cũng đạt thành tích xuất sắc. Con nhà nông, ngoài việc đi học buổi chiều về như bao nhiêu con em nông dân, cậu cũng đi chăn trâu, bắt cua bắt cá, tham gia việc cấy cày với bố mẹ và các chị em gái. Năm 1968, cậu tốt nghiệp cấp III, chuẩn bị đợi huyện đội gọi lên đường làm nghĩa vụ quân sự nhưng đợi mãi không thấy gọi, về sau mới biết chính sách của nhà nước ưu tiên cho những gia đình chỉ có một con trai. Năm ấy, ban tổ chức chính quyền tỉnh, căn cứ vào thành tích học tập gửi hồ sơ cho Đình Kế đi học khoa Trung văn trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (ĐHSPNN). Mỗi tháng chàng sinh viên Kế được lĩnh 22 đồng học bổng, tiền ăn hết 15 đồng, còn lại 7 đồng cho chi tiêu. Vậy mà có những lần về thăm nhà, vì không có tiền mua vé lên trường học, có lúc phải trốn vé bằng cách nhảy tàu than lẻn vào ga Gia Lâm, rồi qua cầu Long Biên, theo đường đê lội bộ về trường. Những năm trường sơ tán, có lần phải cuốc bộ bốn chục cây số dọc đường tàu để lên Từ Sơn (Bắc Ninh) nơi trường chạy bom Mỹ. Có bữa đang ôn thi, đám bạn cùng nhau góp tem lương thực đổi lấy bánh mì chống đói. Học xong năm thứ nhất, vì học giỏi nhất khoa, Nguyễn Đình Kế đã được cử đi học cảm tình Đảng và là sinh viên duy nhất đại diện cho khối Trung Văn của trường vinh dự vào viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hôm ấy, 8.9.1969, chàng sinh viên Kế với tâm trạng bồi hồi xúc động nhập vào dòng người tưởng như bất tận để được vào viếng Bác. Được chiêm ngưỡng đôi tay đã viết nên tuyệt bút “Ngục trung nhật ký”. Để có vinh dự ấy, người xin chữ Nguyễn Đình Kế, nước mắt hoà lẫn nước mưa, chờ đợi một ngày một đêm, cho tới 4 giờ 30 phút ngày 9.9.1969 thì đến lượt mình. Cùng đoàn người đi đến bên Bác mà ai cũng khóc gọi Bác, chẳng ai muốn rời chân đi, trong lòng Đình Kế càng dâng quyết tâm phải học thật giỏi thứ chữ của người hướng đạo Hồ Chí Minh đã viết “Dục thành đại sự nghiệp, tinh thần cánh yếu đại” (Muốn nên sự nghiệp lớn/ tinh thần càng phải cao)

Lại nói chuyện những năm học thời chiến Mỹ đánh phá miềm Bắc. Lúc đầu, thầy trò cùng trọ trong nhà dân, đến mùa hè năm 1971, sinh viên tự làm nhà trên mặt đê Tráng Liệt (Từ Sơn) để ăn học. Tre pheo, lá mía, giấy dầu nhà nước cấp… Sinh viên lặn xuống sông lấy bùn trộn với rơm để trát vách. Thời đó, tuy thiếu thốn đủ thứ nhưng thầy trò tình cảm chân thành như ruột thịt nên rất vui. Thầy Kế kể: “Ngày đó, nhiều trí sĩ yêu nước theo tiếng gọi của cụ Hồ đã về nước phục vụ cách mạng, tôi vinh dự được học các thầy Nguyễn Văn Phát, Khương Ngọc Toản, Nguyễn Đức Sâm, Hồ Hoàng Biên. Ngày rằm tháng tám được thầy Hoàng Giáp móc trong túi áo ra cho một quả hồng ngâm nói là quà cho trò giỏi mà vui đến mấy ngày. Đến năm 1973 kí hiệp định Pari, trường ĐHSPNN chuyển về Hà Nội. Sinh viên lại tháo toàn bộ nhà tranh tre, rồi đóng bè thả trôi sông, nhiều nam sinh viên được theo bè về Hà Nội. Bây giờ kể lại chuyện ấy, nhiều người còn khó tin.

Năm 1973, chàng sinh viên Nguyễn Đình kế tốt nghiệp, đỗ thủ khoa khoa Trung Văn nên được giữ lại trường giảng dạy và thường xuyên được mời đi phiên dịch tiếng Trung cho các đoàn đại biểu cấp cao. Đến năm 1982, trường giải thể khoa tiếng Trung nên thầy về trường Cao đẳng sư phạm (CĐSP) Hải Dương dạy ban “Văn Hán Nôm”.

Trao thú Đường thi cho học trò Việt

Môn Hán Nôm là một phân môn rất “khó nuốt” đối với sinh viên khoa Ngữ Văn. Mới đầu nghe học những chữ Hán chữ Nôm như ghi ở đình chùa, văn bia, sinh viên đã thấy  “hiệu ứng” lạnh sống lưng. Nhưng khi thầy Kế bước vào lớp với khuôn mặt tươi cười hồn hậu, giọng đọc trầm bổng du dương, nét phấn lướt trên bảng vài chữ “như phượng múa rồng bay” thì sinh viên đã thấy gần gũi và cuốn hút ngay. Bài giảng của thầy thường được mở rộng bởi thầy hay kể những tích, những chuyện liên quan đến chữ ấy, đến bài thơ ấy. Như khi thầy viết và giảng nghĩa chữ “trung dung”, thầy đã kể cho lớp nghe một câu chuyện: Mùa đông, băng tuyết rơi đầy núi, có một đám nhím vì rét qúa nên chúng rủ nhau đứng cùng chống rét. Khi đứng sát vào nhau long nhon con này châm chích con kia, kêu la ầm ĩ. Nhưng đứng xa nhau ra thì lại rét run cầm cập. Cuối cùng chúng nghĩ ra một cách: đứng gần nhau vừa đủ ấm mà không quá sát tới chảy máu. Đó là cách đứng “trung dung”. Bài học rất dễ hiểu, dễ nhớ lại hấp dẫn. Khi đi dã ngoại học tập ở các di tích lịch sử, lớp nào cũng muốn có thầy đi cùng để thầy đọc chữ, giải nghĩa, thuyết minh cho nghe. Giờ ra chơi, thầy hay bị sinh viên quây quanh để xin chữ.

Nói về chương trình sách giáo khoa Ngữ văn mới hiện nay, thầy rất hào hứng: Nhiều giáo viên giảng dạy cứ kêu khó khi chương trình đưa thơ Đường vào học từ lớp 7 với những bài “Vọng lư sơn bộc bố”, “Tĩnh dạ tứ”, “Hồi hương ngẫu thư”, “Mao ốc thu phong vị phá ca” và những bài thơ trung đại Việt Nam. Thực ra, đưa những bài thơ này vào lớp 7 là bình thường, phù hợp với nội dung tích hợp tập làm văn là văn miêu tả và văn biểu cảm. Mình đừng tự quan trọng hoá để tạo cho chính mình sức ép tâm lí. Thực ra khó dạy là do người dạy chưa chịu hóa thân, chưa biết tìm ra một phương pháp thích hợp. Vì trình độ nhận thức của các em và xu hướng thời đại nên tính bác học của bài thơ không nên khai thác nhiều vì nó sẽ cứng nhắc. Khi dạy nên khai thác ý nghĩa bài thơ về mặt nhân học để giáo dục tư tưởng tình cảm cho học sinh như tình yêu thiên nhiên, tình yêu thương con người… Dạy phải phù hợp với nhu cầu người học để tạo hướng thú.

Ba mươi tám năm chung thuỷ với sự nghiệp giáo dục, miệt mài tận tâm cùng đồng nghiệp “giáo dục một người thầy, được cả một xã hội”, mỗi tiết giảng của thầy như tăng nhiệt để  lan truyền ngọn lửa đam mê. 

                    Theo Hội nhà văn Việt Nam

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66106896

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July