Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 22/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Bút ký: "Ngôi làng, tuổi thơ và con chữ" - Nhụy Nguyên Bút ký: "Ngôi làng, tuổi thơ và con chữ" - Nhụy Nguyên , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Làng tôi có một “ngôi trường” không trụ nổi qua hai mùa mưa nắng, và có thêm một “lớp học” chung với kho hợp tác dùng để xe tang... lắc lư dọc theo cuộc hành trình nhọc nhằn đi tìm con chữ của lũ trẻ đói rét và tôi.

Tuổi thơ tôi được bao bọc giữa vùng chiêm trũng. Cầu Trù là một trong ba xóm gộp lại thành làng, dung dưỡng tâm hồn tôi với thật nhiều rơm rạ. Ngày ngày, gánh nặng cơm áo đè trên vai những người nông dân thuần phác. Thiếu ăn, thiếu mặc. Trẻ độ dăm ba tuổi đã phải lên đồng, đứa chăn trâu bò, đứa mang ấm nước, đứa nhổ rau lợn, cắt cỏ... Cuộc sống cứ dai dẳng ảm đạm, như một bức tranh cổ mà người ta chỉ muốn giữ lại bản gốc. Niềm hi vọng của người nông dân quê tôi trên cuộc hành trình cõng con về miền sáng gần như tắt lịm. Mặt bằng dân trí cực thấp. Ngay cái ủy ban xã to đùng mà chỉ trừ ông chủ tịch, còn lại học bổ túc tất. Năm anh em tôi, phải “thay phiên” nhau đi học, còn tôi mãi đến lớp bốn mới nhập trường. Trường thì tồi tàn khỏi nói.

Trong làng, nhà trẻ mẫu giáo không có. À, mà có. Lũ trẻ “học đậu” ở trong kho hợp tác xã. Nơi đây, tết nào đám thanh niên làng trên xóm dưới vẫn về chơi đánh đáo, tôm cua bầu cá cùng nhiều trò khác. Bắt đầu từ hai mươi tết đã có người tụ tập... Nay một nửa số đất đã bán cho người thôn khác tới dựng nhà, còn lại một nửa; và một nửa của nửa ấy dùng làm lán trẻ. Tính ra cái kho đã năm mươi năm. Từ khi trong xã có xe tang, cứ đưa đám về là đẩy vào trong đó. Tôi không ghét bỏ cái xe tang, bởi có bao người thân thuộc từ xóm đã “quá giang” tới nghĩa địa... Cái xe tang, phần mái được lợp bằng tôn trên những khung sắt mỏng. Xã mua ở đâu về mà cũ quá. Lại không hề được sửa sang, nên kéo xe không về, tiếng tôn va vào sắt ầm ào kinh thiên động địa. Thế mà lắm đứa trẻ “bỏ học” hù nhau chạy đi đón cách cổng làng cả cây số.

Qua thời trẻ ranh, không ít lần tôi vào lại kho, nhưng cũng vô tâm như bao người. Phía trên có mươi cái bàn dài, một bảng nhỏ bằng xi măng lỗ chỗ vết xước. Mái nhà trệ xuống, ngói nứt vỡ nằm chỏng trơ vô số, tường nẻ, các đường xà mối mọt... Tôi cũng không còn nhớ, bọn trẻ vào học đó trước hay cái xe tang vào trước. Ai là người đưa ra ý kiến điên rồ này? Ai chấp thuận, ký? Thế đấy. Vậy mà có bác hàng xóm một lần qua uống nước chè ngon với gia đình tôi vẫn biện hộ: “Nhà cũng chưa ăn thua. Bọn trẻ nó biết quái gì đến ma với quỷ. Là bác nói cô giáo Chân. Cô hiểng mắt, tính khó, tai lại khi đục khi trong. Trò đọc bờ đọc cờ, cô chỉ vào chữ a...

Bọn trẻ trong đó có tôi vẫn “đói chữ” cồn cào như chính miếng ăn hằng bữa thường độn quá nhiều rau củ. Dẫu vậy thường đêm anh em chúng tôi luôn phải nghiêm túc học cho tới lúc ba tôi bắt rửa mặt mà hễ cứ ngồi tiếp vào bàn là gật. Gật như một nỗi cảm thông với sự nghèo nàn của vùng quê còn chìm trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu. Ba rèn, tôi dốt vẫn hoàn dốt, tìm mọi cách để đối phó. Thường những tối thứ bảy anh em chúng tôi được nghỉ, nhưng với điều kiện là chiếc radiô nghe được chương trình Kể chuyện cảnh giác. Chính thế từ thứ sáu và cả ngày thứ bảy, tôi lo chạy khắp làng, tới những nhà khá giả xin thứ pin họ đã sài đến chín mềm về phơi phóng, kẹp nối lại thành một cọc dài có khi đến bốn mươi phân. Rọt rẹt... rồi chiếc radiô cũng tròn tiếng.

Nhưng cái dốt của tôi bị lòi. Đấy là lúc ba tôi dựng được một “ngôi trường” tranh tre cho riêng mình, và dĩ nhiên, ông đảm chức “hiệu trưởng”. Đây là sự kiện đáng ghi vào lịch sử của làng.

Ba tôi dạy ở trường quân đội. Nghỉ hưu non, mất sức, không lương. Về, ông thành “gia sư” của anh em tôi, và... tôi chính thức trở thành một học trò trong lớp học của ông. Ban đầu thấy khó chịu, sau tập quen dần. Ngán nhất là những lần ông gọi tôi đứng dậy trả lời, hay lên bảng làm bài tập bình đẳng như bao trò khác. Lớp học tôi theo có thể nói độc nhất vô nhị. Lúc đông nhất lớp trên ba chục, nhưng không phải cá mè một lứa; nghĩa là trong ba chục ấy có đủ từ lớp 3 cho tới lớp 9. Vậy nên mỗi buổi học ba tôi ra đến hàng trăm bài toán, kể cả cùng lớp thì mỗi đứa đều có những bài khác biệt. Chúng ngồi sít sịt nhau lên tới 7 đứa một bàn song chẳng hề nhoi được gì của nhau.

Nói qua thì giống như phim, nhưng để có được cái lán mà tôi đã cường điệu tột cùng để gọi ngôi trường như trên quả là một kỳ tích. Thôn làng tôi thuở ấy toàn nhà tranh nhấp nhô. Không dễ để có được hai mái lợp bằng tranh toóc. Phụ thuộc vào thời tiết, được mất, có khi người dân phải gom góp mùa này qua mùa khác mới đủ tranh thay cho mái cũ. Còn lại lợp lá mía. Ngày đó gia đình tôi mới xin hợp tác xã cấp đất nông nghiệp. Quãng thời gian hơn hai mươi năm trước đó, việc kiếm cho được tranh lợp nhà thật cực khổ, thường phải mua rải từ đầu xuân cho tới gần mùa mưa mới đủ một mái. Xóm làng cũng lợp nhà theo kiểu mái này đuổi theo mái nọ, thời gian kênh nhau khoảng ba năm.

Trong các loại tranh lợp nhà, tranh tro tốt nhất, có điều không rẻ chút nào. Ai có được vườn tro là quý lắm. Đời trước để lại, vườn sau cô giáo Minh sát nhà tôi có khoảng sáu bảy chục cây tro. Có cây cao đến mức mỗi lần chồng cô muốn chặt lá xuống đánh tranh phải bắc thang. Đấy là nơi lý tưởng của bầy dơi trú ngụ. Chưa nói vào đêm, chừng hoàng hôn dơi bay sàn sạt dưới những ngọn lá tro, như ma quỷ. Năm nào, trong cái bể nước muối tròn to sau nhà cô cũng đầy vặp lá tro được ngâm để chống mối. Cho tới ngày tôi vào đại học, cửa chính và cửa sổ nhà cô vẫn dùng rèm tro. Trường học của ba tôi cũng được chồng cô giáo hàng xóm kính mến này tự xẻ tro đánh tranh rồi góp cho 5 tấm. Ba tôi ưu tiên lợp trên nóc, quý hóa vô cùng. Đắt đỏ, gia đình tôi chưa lúc nào sắm được một mái tranh tro, song tôi vẫn nhớ sao những tấm tranh do chính ba đánh bằng toóc biền. Hết trơn hạn sử dụng, dỡ xuống mục còn đoạn ngắn cũn, nom như hàm răng mòn thấu đế. Nhà tôi và lớp học đều được lợp bằng tranh lá mía.

Hàng năm cứ tới kỳ bóc lá mía, lũ trò của ba tôi đánh sẵn một ít tranh chở qua cho thầy. Mà cái chính là lợp mái lán học dột nát. Chúng phần lớn là những đứa ở làng bên chuyên trồng mía, nhà nhà lợp tranh lá mía. Khổ thay, vào cái trưa nắng định mệnh, đám cháy từ một mái tranh, gió Lào thổi tốc khắp ngã. Cháy cả làng. Và cũng vì nhà nào lo nhà nấy nên không mấy gia đình vớt vát được bao của cải. Tôi còn nhỏ, nghe tiếng nổ vang trời của đòn đôông, kèo cột đã đứng trên ruộng khô nhìn qua rừng lửa cứ vươn cao mãi cùng với khói xám mù mịt. Rất nhiều tấm tranh đã bị gió thổi lên khoảng không, cháy cho tới cọng cuối cùng. Người ta đồn rằng: con rắn mối gắp than đốt cả làng để trả thù… Sau bận ấy, người người từ làng trồng mía tay gậy tay bị ăn mày tứ xứ. Tôi còn nhớ nguyên hình ảnh: mẹ xúc gạo cùng mớ khoai to nhất bỏ vào bị những người có cùng giọng nói đến từ làng bên; và tôi còn thấy những đứa học trò của ba tôi cùng anh em cha mẹ nó vẫn “đi lạc” vào từng ngõ làng...

Một bận giữa khóa tốt nghiệp, tôi về quê, vào cuối Hạ. Ngôi trường của ba được xây từ hơn ngàn viên gạch bờlô tôi đóng hồi còn học cấp hai, và tất nhiên đã lợp ngói. Đấy không chỉ là mơ ước của riêng “ông hiệu trưởng” là ba tôi mà còn nhiều người trong làng có con gửi vào đó; cả tôi - một người nông dân vừa bước lên khỏi chân ruộng. Nhưng mà trong chặng đường đi tìm nhặt cổ xưa, tôi ngỡ chừng như xóm làng vừa mới bước qua một cơn hỏa hoạn…

Cơn hỏa hoạn kinh hoàng, như chính tên Nêrô bạo chúa đã ngầm thực hiện “ý tưởng” điên rồ đốt cả kinh thành hắn ngự trị. Trong tận cùng sâu thẳm ký ức tôi, cơn hỏa hoạn vẫn không thể dập dắt được mùa mưa lê thê, buồn khổ từng làm nhòe con chữ trên trang giấy trắng rợn vào những buổi học ngày đông. Đúng lúc đấy, ngôi trường của ba lại thức dậy trong tiềm thức tôi tưởng đã được thời gian và nước mưa tẩy xóa. Có gì đặc biệt đâu, chỉ là một gian nhà cấp bốn, dẹo dọ vô số thân cây bạc hà chống ở phía trong tạm bợ qua gần chục năm trời dai dẳng, nom cứ thông thống như cái nhà kho hợp tác. Ngày mưa to nước rỏ vào khoét thành từng vũng rải rác khắp lớp học, bắn tung tóe bùn đất. Có lúc chỉ ngồi được hai bàn, tôi cùng lũ bạn đún đẩy nhau giữa cái lạnh rít rắt, thao láo mắt chằm chằm nhìn lên hàng chữ mờ mờ của thầy trên mặt bảng lấm tấm nước. Lâu lâu ba tôi lại bước xuống nhìn nét chữ của đứa học trò gầy đét tấm thân rùng mình trong chiếc áo thô đen thui thủi từ thời nào để lại mà nó mặc suốt mùa mưa giá.

Mùa lạnh cứ dài mãi ra, mưa mưa gió gió trắng trời cả những đêm khuya hun hút màu thời gian. Đường cái quan tới lớp trồi lên sỏi đá, làm nhức buốt lớp lớp bàn chân trùi trụi đi tìm con chữ. Không ít hôm những bước chân chỉ nhích được mươi phân, vì gió - mưa - lạnh, lũ trò cắn răng lầm lụi như thế nhẵn tiếng đồng hồ mới thấu nhà tôi. Gặp bạn bè lại vui, chăm chỉ học bài cho tới lúc đói rêu hoang lòng. Tôi ào tới bên mẹ. Mẹ đã quen với lạnh và mưa dầm nhưng tôi không quen được sự chịu đựng của mẹ. Chui xuống bếp lửa củi đỏ rựng, thấy tay mẹ cầm đôi đũa chồng lên nhau đặt trên gối chờ đồ ăn chín, những đường gân xanh nổi trơ lì như loài cây dại leo ngoài vườn mà thương đến man dại cõi lòng. Mẹ có nỗi buồn riêng của mẹ. Nhà tôi năm đó còn lợp tranh lá mía do ba tự đánh, chỉ trụ được vài mùa mưa đầu. Ngôi nhà mẹ đã chung thủy với ba từ hồi chưa cưới, nay vẫn dột trên mái đầu hai người đã lốm đốm hoa râm. Đáng ghét nhất là dột ở những chỗ đựng khoai lúa, chỗ học và chỗ ngủ. Anh em tôi chịu cảnh đó thường xuyên vào mùa đông, dẫu cho mái đã được dọi nhiều lần bằng mo cau và mo măng. Hễ được miếng nilông cũ nào, ba tôi ưu tiên chăng ở giá sách, mặc phía buồng mẹ ướt nhoẹp từng đêm.

Còn “nhà” của ba tôi, thì vẫn nhìn thấu cả khoảng trời kìn kịt mây mưa. Có những hôm buổi học mới trôi được hai phần ba thời gian, trời đã tối sập. Rồi gió thốc tới bắn nước vào bàn. Đứa nào đứa nấy không chờ lời thầy đã gấp vở lại dúi vào cặp. Nhanh là thế, lòng vẫn thấy tiêng tiếc một đằng: gì thì gì nước sẽ làm hoen bẩn trang vở chất chứa niềm kiêu hãnh đầu đời. Chỉ tội những đứa không có cặp, cứ du dú cả sách lẫn vở trong lồng ngực như vị cứu tinh. Ba tôi tóc có bạc hơn, dáng có gầy hơn, mắt có sâu hơn, đang giữa giờ giảng bỗng tắt lịm, đứng ngẩn ra ngó lên mái đầy ái ngại. Lũ bạn học cùng lớp đều con nhà nghèo, quen lắm rồi. Tôi cũng không cho rằng đó là cực khổ. Chính bởi tất cả, mọi nỗi khổ đã đổ lên đầu ba mẹ tôi hết rồi. Một buổi trưa tôi đi học về đưa cho ba mấy dòng viết tay cô giáo chủ nhiệm gửi “nhắc nhở” tiền học phí. Mặt ba tôi tái lạnh...

Người nông dân làng tôi, cũng là cha là mẹ tháng ngày nứt toác bàn chân cõng con qua bể mặn. Vòng vèo trên cuộc bể dâu vậy cũng mấy mươi năm, tôi tưởng đã quên chặng đường khổ ải mệt nhoài đánh vật với từng con chữ đọc chưa tròn âm. Biết bao ngôi trường đã vươn qua một phần đời tôi. Những ngôi trường cao sang chỉ đứng ngoài nhìn thôi tôi đã rưng rưng thương sao là thương hai mái tranh tồi tàn đến hoang dã ghép vào nhau che chở cho từng con chữ chưa biết đến mưa nắng là gì. Lại thương sao cái lớp học mẫu giáo chung kho để xe tang còn phảng phất mùi tử khí; lũ trẻ cứ hồn nhiên luồn vào khung sắt hình chữ nhật chơi trò đuổi bắt trong giờ giải lao... đã gieo vào cõi tôi những mầm xanh đầy ám ảnh. Rất nhiều hôm bên khung cửa sổ ngôi nhà xưa ở ngoại ô thành phố, tôi ngồi lặng nhìn mãi vùng trời trắng xóa mà lòng không khỏi thổn thức nhớ về khuôn mặt ấy của ba và đôi mắt mẹ cứ dõi theo bước chân trần tuổi nhỏ... thật xưa.

                                 Theo Hội nhà Văn VN


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 6
Total: 65980739

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July