Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 25/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Chùm truyện ngắn mini của Nguyễn Phan Hách Chùm truyện ngắn mini của Nguyễn Phan Hách , Người xứ Nghệ Kiev
 

Chùm truyện ngắn mini của Nguyễn Phan Hách

Thứ sáu - 01/08/2012 

  •  
  •  
  •  
 
Chùm truyện ngắn mini của Nguyễn Phan Hách

Chùm truyện ngắn mini của Nguyễn Phan Hách

Bạn đọc biết nhiều đến một Nguyễn Phan Hách nhà thơ, cùng với truyện những ngắn trong các tập: Tổ chim sẻ, Sau những cách xa...; các tiểu thuyết: Mê cung, Người đàn bà buồn, Cuồng phong; các tập thơ: Người quen em, Hoa sữa, Vô tình… Gần đây, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã chuyển sang thể loại truyện ngắn mini. VanVN.Net xin giới thiệu chùm truyện mini do ông chọn từ những bản thảo chưa đăng tải trên phương tiện nào, trân trọng gửi tới bạn đọc…












Nhà thơ Nguyễn Phan Hách

 

Bức tranh đắt nhất

 

Con tàu cũ nghiến đường ray ken két rời Pari về thị trấn Ovơ. Van Gốc, vai đeo giá vẽ, bước xuống,lặng lẽ  đưa mắt nhìn. Một vùng thung lũng xanh tươi hút mắt,  bóng nóc nhà thờ trong nắng chiều  vàng ,tiếng sóng sông Oadơ vọng lại rì rào.

Từ xa, một chiếc xe ngựa tiến lại, người đội cát két trắng trên xe bước xuống:

- Ông là Van Gốc phải không? Tôi là bác sĩ Ga sê có nhiệm vụ đón tiếp ông.

Hai người bắt tay nhau. Ga sê cười thân thiện:

- Phong cảnh vùng này có thể vào tranh ông được không? Nó không có sắc nắng  phương Nam vàng chanh, màu hoa Hướng dương …như ở vùng Prôvăng xơ để ông thể hiện trong các bức tranh trước đây của ông.  Nhưng nơi này  có những sắc thái riêng của nó.

- Vâng đúng... Tĩnh mịch, thanh bình lắm.  Bờ sông màu ngọc bích, lâu đài cổ hoang tàn, chân trời màu  màu tím nhẹ  ảo huyền ...

Xe ngựa đưa Van Gốc đến một khách sạn, giá cả niêm yết 6 phờrăng một ngày. Van Gốc vội đi giật lùi ra khỏi phòng tiếp tân:

- Ồ không... Tôi chỉ là công nhân lao động... Không đủ tiền...

Ga sê đưa ông đến một tiệm cà phê nhỏ cạnh tòa thị chính. Người ta thỏa thuận xếp cho ông một phòng, ngày hai bữa phục vụ bánh mì, đậu xào, một tách cà phê sáng... tổng cộng 3 phờrăng.

Sáng hôm sau Van Gốc dậy sớm lắng nghe tiếng chim  vùng Ôvơ, xem có khác tiếng chim vùng Prôvăngxơ, nơi mấy năm xưa anh đã lang thang vác giá vẽ trên đồng.

Có... có khác. Tiếng chim ở đây trầm hơn, buồn hơn, không lảnh lót hăm hở như tiếng chim Prôvăngxơ... Van Gốc thở dài... Tiếng chim thực như thế hay là mình cảm nhận ra thế do tâm trạng  u uất của mình. Mười năm qua, mình đã sục sôi hăm hở vẽ từ sớm mai đến tối mịt, vẽ nhanh ,nhanh, sợ không ghi kịp hết cảm xúc, sắc màu lên mặt vải toan. Nhưng những bức tranh đã vẽ cứ nằm chất đống đấy, không ai ỏ ê đến, không một galơry nào nhận bán.

Mười năm , tâm hồn ta, tuổi trẻ của ta, cả cuộc  đời ta đã tan ra thành hình họa, sắc màu các bức tranh. Và bây giờ ta chỉ còn là cái bã mệt mỏi chán chường, thần kinh sang chấn, mình không kiểm soát nổi mình.

Van Gốc lại vác giá vẽ lên vai, lầm lũi ra đồng, lẫn trong sương mờ, chân sục vào cỏ ướt, như người nông phu đều đặn đi làm.

Nắng lên, Van Gốc đã đặt xong giá vẽ. Tay run run chấm cọ vào mầu. Mùi sơn dầu xộc lên, và cơn cảm hứng như ngọn gió thốc thẳng vào mặt chàng, làm chàng lấy lại được hứng khởi y như những lần vẽ hoa Hướng dương xưa.

Van Gốc quết nhẹ mảng mầu xám bạc đầu tiên... Không. Không... Ta muốn vẽ một cái gì đó mà ta cảm thấy trong mùi cỏ úa nẫu, mùi đất đắng mặn, mùi dòng sông loãng chát vô tình,, hờ hững chảy xuôi... Chứ không phải mầu hồng nhởn nhơ giả dối của nắng sớm hôm nay. Van Gốc cay đắng thấy ngón tay cầm cọ của mình đờ ra, không biết vẽ gì nữa. Hình không gian chân trời đã hiện lên rồi, nhưng trống rỗng... Chợt mấy con quạ đen từ đâu bay tới xà sát trước mặt, kêu lên “quà quà” buồn bã  như chế giễu chòng ghẹo chàng, nhạo báng bức tranh của chàng .

Mày muốn gì hả quạ, Van Gốc dừng tay hỏi. Màu cánh đen của quạ ám ảnh trời xanh, ám ảnh đồng lúa. Những con quạ từ từ đậu vào tranh của chàng lúc nào không biết, và chàng mải miết vờn tỉa hình nó trên mặt vải toan...

Buổi chiều ,bác sĩ Ga sê đón chàng trong quán cà phê, hồ hởi:

- Ông Van Gốc, bức phác thảo đàn quạ trên đồng này của ông rất đẹp. Ông thấy người thoải mái, thanh thản chứ.

Van Gốc ậm ừ không nói, có gì như miễn cưỡng cáu kỉnh.

Ga sê bưng đến cốc nước lọc và mấy viên thuốc. Ông có nhiệm vụ điều trị những cơn trầm cảm, mất kiểm soát ,xuất hiện theo chu kỳ của Van Gốc.

- Ông Van Gốc đừng buồn. Tranh của ông đẹp lắm. Những chấm vạch run rẩy thần kỳ, những sắc mầu rực lên đầy nắng và phập phồng không khí. Không ai vẽ được như ông. Ông là một họa sĩ tài ba.

- Vậy tại sao trong khi các Galơry của Pari sôi nổi bán tranh, thì tranh của tôi lại ế ẩm như gái già không lấy được chồng - Van Gốc hỏi.

- Vì cuộc đời ngu dốt, hiện thời chưa hiểu được vẻ đẹp mới lạ khác thường của tranh ông. Nhưng rồi thời gian sẽ là người phán xét chính xác nhất.

Van Gốc chán ngán:

- Tôi đợi đến bao giờ. Không đợi được nữa. Tôi không vợ, không con, không nhà cửa, sống nhờ vào tiền trợ cấp gửi qua bưu điện của em trai... Tôi không biết làm gì ra tiền. Tôi thật là vô dụng.

- Không. Ông làm những việc không ai làm được. Tôi cũng là một họa sĩ nghiệp dư, tôi muốn đánh đổi cả đời tôi chỉ lấy việc vẽ được một bức tranh  như  bức “Hoa hướng dương” của ông. Tôi chữa cho những thể xác con người bớt đau đớn, nhưng hiệu quả rất hạn chế, còn ông, một bức “Hoa Hướng dương” chữa bao nỗi đau cho những con tim...

- Cảm ơn ông Ga sê. Để trả ơn ông đã cưu mang tôi những ngày ở đây, tôi muốn vẽ tặng ông một bức chân dung...

Ngày hôm sau ,Van Gốc đến nhà Ga sê. Bác sĩ vui sướng ngồi làm  mẫu. Van Gốc quết một màu lam cô ban tinh khiết lên mặt vải. Hai người vừa làm vừa trò chuyện.

- Ông đã yêu ai chưa ông Van Gốc - Ga sê hỏi.

- Có một cô gái đã theo tôi ra cánh đồng ở Prôvăngxơ xem tôi vẽ, và nói: “Em yêu anh, muốn lấy anh làm chồng”. Người mẹ cô cự tuyệt và nói: Những bức tranh của anh để làm gì, không có nó người ta có chết đâu. Anh đúng thật là một thằng vô dụng ...

Sau này tôi có yêu một người con gái khác nữa ,vốn là “Gái bán hoa”. Cô ấy cũng yêu tôi lắm. Cô ngồi làm mẫu cho tôi vẽ. Nói chung tôi đã vẽ “hình nghiên cứu” về giải phẫu người từ mấy cô gái “bán hoa”. Bởi không ai thèm ngồi làm mẫu cho tôi cả.

- Ông Van Gốc ,lịch sử loài người đã chứng kiến thời hoàng kim của Hội họa Phục hưng từ miền đất Florence nước Ý. Lêôna đờ Vanh xi với “La giô công”, Miken Lăng giơ với hình vẽ trên vòm nhà nguyện Vaticăng, Raphaen với “Đức mẹ Đồng trinh”…

Bây giờ lịch sử đang lặp lại một thời hoàng kim mới, xuất phát từ Pari. Với lối vẽ qua cảm nhận của họa sĩ, những nét hình sắc mầu, tưởng như nguệch ngoạc của ông khác hẳn lối vẽ thời Phục hưng xưa, chính là những kiệt tác đích thực kiểu mới. Chính ông là một trong những người làm nên ánh hoàng kim của thời đại Hội họa mới...

Một tuần liền làm việc, Van Gốc đã run rẩy thể hiện sự phong phú về tâm hồn của bác sĩ Ga sê theo cảm nhận của mình. Ông vẽ bác sĩ đội cát két trắng, ngồi tỳ khuỷu tay lên chiếc bàn có vài bông hoa tím nhạt.

- Xong rồi, xin tặng ông -Van Gốc ký tên sau bức tranh.

Bác sĩ Ga sê treo bức tranh lên tường, tim thắt lại vì sung sướng. Ông tưởng như có một Ga sê thứ hai đang đối diện với mình. Còn Van Gốc thì cạu cọ thu dọn bút, màu vào túi xách. Ga sê bưng lại ly sâm banh, chạm cốc. Van Gốc uống ực một hơi, vác giá vẽ lên vai đi thẳng ra cổng. Ông bác sĩ níu kéo ở lại thế nào cũng không  được...

Mùa xuân đã đi qua từ lâu. Nắng hạ ngày càng chói chang. Những bông hoa của thung lũng Ovơ nở rực, nhưng không làm lòng Van Gốc vui tươi lên được. Cảm giác chán đời, chán tất cả, xâm chiếm tâm hồn chàng. Chàng đã thấy cuộc đời này vô nghĩa. Ngày lại ngày, như cái máy, chàng vẫn vác giá vẽ lang thang, đầu trần dưới nắng, và vẽ, vẽ, vẽ vô thức. Những viên thuốc thần kinh của bác sĩ Ga sê không làm nguôi dịu được nỗi nhức nhối, giày vò của sự tuyệt vọng.

Ông Ga sê chữa bệnh cho ta bằng những viên thuốc màu trắng, còn những lời ông ấy khen tranh của ta có phải cũng chỉ là một dạng khác của những viên thuốc thần kinh. Ta nghi ngờ. Tại sao những bức tranh ta chắt từ máu thịt ra, mà lại bị cuộc đời ghẻ lạnh. Những bức tranh như những gương mặt người bẽ bàng trước con mắt nheo nheo khinh bỉ của các gã lái tranh.

Ta còn vẽ làm gì nữa. Máu, mồ hôi, nước mắt của ta đã hòa vào tranh hết rồi. Cạn kiệt rồi. Ta sinh ra trên đời, vẽ miệt mài sôi sục mười  năm nay mà không đổi lấy được một đồng  nuôi thân, phải ăn nhờ vào người khác. Nếu ta bán được những bức tranh này lấy vài trăm, vài ngàn Phờrăng ,có phải đời ta đã có một cuộc sống cân bằng?

Van Gốc trong cơn sang chấn tâm lý, ngẫu hứng tự bắn vào mình trong lúc chân vẫn xục vào đất ướt, và tay vẫn cầm cây cọ vẽ vạch những mầu xanh nhạt của chân trời lên mặt vải. Nguyên do trực tiếp có thể là tại một đàn quạ đen xì ở đâu lại bất thần nháo nhác bay về, tiếng kêu rủ rê ma quái làm đứt phựt dây đàn thần kinh đang căng hết cỡ trong đầu chàng.

Giá vẽ ngã đổ xoài trên lúa. Một vệt máu bắn tóe lên mặt toan làm nên điểm đỏ chói của bức tranh.

Năm ấy Van Gốc ba mươi bẩy tuổi (1853 – 1890). Đúng một trăm năm sau, ngày 15/5/1990 tại phiên đấu giá ở Chrisite’s , New York, bức “Chân dung bác sĩ Ga sê” của ông bán được giá cao nhất thế giới vào thời điểm lúc bấy giờ: 82,5 triệu Đô la...

15 - 7 - 2012

 

Con mèo

 

Nửa đêm, trời đen đặc mênh mông, tiếng mưa rơi đều đều buồn bã.
Tôi thức dậy, cảm thấy cô đơn khác lạ

Nhìn ra ghế sôpha, thấy con mèo ngồi đó, mắt xanh biếc xuyên màn đêm.

Con mèo trắng như tuyết, mềm mại, gợi dáng người thiếu nữ. Nó nhìn tôi như có gì khắc khoải…

Tôi chìm lắng trong cảm giác khó tả, hư hư thực thực.

Màn đêm khuya đưa tôi về một không gian khác. Một ánh chớp loé lên.  Tôi bỗng nhận ra, ngồi trên ghế sôpha, không phải là con mèo ,mà là một cô gái trắng như tuyết, mắt xanh biếc buồn buồn, nhìn xuyên màn đêm.

Tôi giật thót kinh hoàng hét lên, vội giơ tay bật đèn. Ánh sáng vỡ oà, và trên sôpha lại là con mèo như cũ. Ngồi đó, như đêm đêm, nó vẫn hay ngồi đó.

Tôi chìm vào giấc ngủ, và thấy thần kinh mình có vấn đề, nhìn thấy ảo giác.

Mình mệt mỏi lắm, tinh thần đang ốm.

Đêm hôm sau, tôi đi ngủ sớm, rồi trằn trọc, chập chờn, nửa đêm mở mắt. Lại thấy trên sôpha, người con gái như đêm qua, ngồi yên lặng mắt xanh biếc.

Bủn rủn hết chân tay, hồn bay phách lạc, tôi xuýt ngất đi, vụt nhớ trên tường có chiếc kiếm Tầu vẫn treo làm đồ trang trí, tôi giật phất lấy, cầm trong tay lăm lăm.

Có vũ khí, vững tâm hơn, tôi không bật đèn, để nhìn kỹ sự thể xem sao.

Người con gái như khối ngọc chuốt tinh khiết, môi đỏ hồng nhỏ xíu y như môi mèo, và đôi mắt thăm thẳm hoang dại mênh mông, dáng nét mềm mại uyển chuyển, y như sự mềm mại của con mèo trắng quen thuộc của tôi.

Nàng thở nhè nhẹ, ngúc ngắc cái đầu, rồi nhìn thẳng vào tôi đăm đăm. Như mỉm cười, như muốn nói cái gì…

- Cô là ai? - Tôi hỏi không ra hơi.

Cô gái hiểu, nhưng không trả lời được, chỉ lúc lắc đầu.

- Cô là tiên…hay là ma…

Tôi sợ quá, không chịu đựng thêm được nữa, bật đèn. Trên sôpha lại là con mèo tuyết. Tôi đến gần nó vuốt ve làn lông mượt như nhung. Nó dụi đầu vào tôi âu yếm. Và ánh mắt nhìn, y hệt mắt nhìn của cô gái.

Không phải ảo giác. Không phải. Tôi đã nhìn thấy cô gái thật. Cả ngày hôm sau, tôi quan sát con mèo, và thấy nhất định nó không phải là con mèo bình thường. Những câu chuyện cổ tích ùa về trong óc tôi. Những chàng hoàng tử biến thành chim thiên nga. Nàng công chúa bị phù phép biến thành con cóc. Nàng tiên đánh vỡ chiếc chén của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian trong kiếp con mèo…

Tôi không biết là tôi đang như thế nào. Thần kinh trầm cảm, hay tỉnh táo bình thường. Chỉ biết đang đắm chìm trong một cảm giác hư ảo rất lạ.Trở về sống trong thời đại của các chuyện cổ tích.

Tôi lấy một dải lụa đỏ buộc ngang cổ con mèo. Tối hôm sau, người con gái trên sôpha, cũng có một dải lụa đỏ trên cổ. Tôi không sợ nữa. Cô gái đẹp lắm. Đẹp kỳ diệu, không một người bình thường nào trên đời này đẹp được như thế. Tấm thân như tuyết. Tôi lại gần vuốt nhẹ trên người cô. Cảm giác mát lạnh như trăng rằm. Cô lại cười cười. Đôi môi đỏ hồng nhỏ xíu như môi mèo. Và mắt nhìn xuyên tận đáy mắt tôi.

- Cô nói đi…Cô có phải là nàng tiên không?

Cô gái lại lúc lắc đầu.

Nhưng quái ác là không sao bật ra được thành lời, mặc dù đôi môi mấp máy mủm mỉm, vừa như công nhận vừa như không.

Tôi ôm chầm lấy cô, ghì chặt. Tấm thân như ngọc chuốt, như trăng rằm.

Cô cũng ôm lấy tôi. Đôi tay xiết chặt, móng tay như cào cào trên lưng. Sáng hôm sau, soi gương tôi thấy đúng như vết mèo cào.

Tôi nâng niu con mèo, và rất sợ nó bỏ nhà ,đi lạc ,thành mèo hoang. Tìm một sợi xích, xích nó lại. Tối  hôm ấy, trên cổ nàng có vòng xích bạc. Tôi gỡ ra cho nàng:

- Khi tôi bật đèn, cô đừng biến đi đâu nhé.

Nàng cười cười, gật đầu như đã hiểu. Khi đèn loé sàng, nàng còn ngồi đấy. Nhưng mắt nheo lại như chói chang. Rồi bóng hình nàng lại từ từ tan loãng. Còn lại nguyên hình con mèo bình thường.

Tôi cảm thấy một cái gì rung động nức nở trong lòng, ôm ghì lấy nó. Lớp lông mượt như nhung, mịn như da thịt người con gái ban nãy.

Sáng hôm sau, tôi đặt đĩa cá của mèo trên bàn, cạnh đĩa ăn của tôi. Suốt ngày tôi quanh quẩn, và chỉ chờ đến tối, để người con gái lại về. Nhưng tối hôm ấy, dù mưa gió não nề, sấm ì ầm xa xăm và chớp loé huyền thoại, nửa đêm thức dậy, tôi vẫn chỉ thấy con mèo ngồi đó. Không thấy nàng đâu. Nàng không hiện về nữa. Một nỗi tiếc buồn, thất vọng dâng lên trong tôi, đến nỗi tôi xuýt bật khóc. Tôi thức suốt đêm, còn con mèo thì nhắm mắt lim dim hững hờ chìm vào giấc ngủ…

Đại Yên, 1/7/2011

 

Hồ Man hoang dại

                                                                                   

Thuận đem vợ từ phố Rêu miền núi về thị xã ở. Đường rừng heo hút, chỉ có tiếng gà gô đưa tiễn. hai vợ chồng khoác hai tay nải lầm lũi bước. Non trưa, nghỉ chân bên hồ Man, ăn cơm nắm với trám muối. Đang mùa hoa Mua nở bạt ngàn, Thuận ngắt hoa Mua làm thảm trải cho vợ ngồi khỏi lấm quần.

Hồ Man hoang dại, nước xanh biếc, sóng vỗ ì oạp vào bờ đá. Cây rừng ngả cành sát mặt nước, tạo nên những vòm sâu hun hút như lối xuống thủy cung. Vài con thiên nga nhởn nhơ bơi lội đuổi nhau ràn rạt trên mặt hồ.

Nóng quá ,vợ Thuận cởi quần áo lần theo những bậc đá ướt rượt xuống tắm, để rũ sạch bụi xứ rừng ,trước khi đến phố hội.

Rừng hoang chẳng có ai qua nên Thủy hoàn toàn trần truồng. Nắng soi vào da thịt sáng lóa lên. Thuận sung sướng nhìn tấm thân nõn nà, đẹp như tượng đá trắng của vợ. Trước khi Thủy bước xuống hồ ,Thuận còn kéo lại, ôm ấp, hôn hít.

Thủy nằm trên thảm hoa Mua tím, mắt khép hững hờ, đôi vú nhô lên sáng lóa, cánh tay ngọc ngà uể oải gối lên đầu.

Thuận ve vuốt từ bờ vai đến gót chân Thủy. Thủy đứng dậy trần truồng đi uốn éo một vòng cho chồng ngắm, rồi nói:

- Thôi nhé.

- Ừ, thôi, em xuống tắm đi.

Thủy nhoài người lao xuống làn nước trong vắt, vùng vẫy, bơi về phía những con thiên nga. Những con thiên nga chả sợ, chúng vẫn lượn lờ. Thủy cũng như một con thiên nga khổng lồ lượn lờ cùng với chúng.

Thuận gom đống quần áo của vợ trên thảm hoa Mua, vắt lên cành cây. Anh biết Thủy sẽ còn tắm lâu. Ở phố Rêu, cạnh nhà, cũng có một chiếc hồ nhỏ, và Thủy cũng thường bơi vòng quanh không biết mỏi. Nàng bơi giỏi, và thích vẫy vùng với mặt nước trong xanh.

Thuận kệ cho vợ tắm, anh đi lang thang dạo chơi, chờ đợi. Rừng trưa mùi quả chín tỏa hương thơm nức. Hoa phong lan trên cành cổ thụ rực rỡ. Lấy một nhành đem về thị xã làm kỷ niệm xứ rừng cũng hay. Thuận trèo. Những con chim ríu rít, xập xòe bay qua đầu anh. Chúng quá đông, nên áp đảo. Rồi Thuận phát hiện ra một đõ ong rừng ,mật trong như hổ phách. Anh leo cao chuyền cành, quyết hái bằng được.

Một tay xách tổ ong, và chùm phong lan, tay kia  bám thân cây tụt xuống, khi Thuận chạm được đến đất, thì người xây xát, mặt đỏ bầm nốt ong châm. Nhưng Thuận vui thích vì nghĩ đến giây phút Thủy sẽ được kề môi vào hớp những giọt mật ong ngọt ngào…

Khi Thuận ra đến bãi hoa Mua, thì vẫn chưa thấy Thủy lên bờ. Bất giác nhìn ra mặt hồ Man thấy nó đen ngòm rờn rợn. Và khi anh gọi to: “Thủy ơi”, thì cả đàn thiên nga giật mình vỗ cánh ràn rạt bay lên. Những con thiên nga to lớn cất mình trong không trung xanh biếc, xa dần…

- Thủy ơi…

Mặt hồ vẫn yên lặng. Hình như lúc nãy, mặt hồ trong xanh, có sóng rì rào. Sao bây giờ mặt hồ đen ngòm, câm lặng, và rộng mênh mang đến lạnh người.

Thuận bắt đầu gào to rồi khóc rống lên. Từ sau những bờ vùng tối om bóng lá, không thấy bóng Thủy ra.

Thuận xục xạo vòng quanh hồ, vừa chạy vừa gọi. Những con chim rừng đang ríu ran, im bặt, chăm chú, lo lắng cùng Thuận. Mặt hồ không có cả một vết tăm cá. Nắng trưa đỉnh đầu soi xuống mênh mang.

Thuận thấy những hàng cây bờ hồ chao đảo. Rừng hoang, vắng hoe, không một bóng người. Biết nhờ ai bây giờ. Suốt  buổi trưa, Thuận lội quanh ven hồ vừa khóc vừa gọi một cách tuyệt vọng .Tiếng anh vọng vào rừng cây, vách núi âm âm u u, rồi dội lại lan trên mặt hồ. Chim rừng câm bặt nhường cho tiếng gọi của anh  vang xa. Tưởng như tiếng gọi có thể vọng xuống được tận dưới thủy cung, vậy mà vẫn không thấy tiếng Thủy trả lời…

…Dân quanh vùng, cho đến mấy chục năm sau, luôn khẳng định rằng: Hồ Man có những chỗ rất sâu, nước lạnh buốt, người con gái ấy đã chết đuối. Dòng nước  đã cuốn cô mắc vào các búi rễ ngầm dưới lòng hồ, nên không tìm thấy xác.

Nhưng ông già Thuận thì bảo rằng: Không phải. Vợ ông không chết đuối. Nàng bơi giỏi lắm. Hồ Man chưa là cái gì với nàng. Nàng có thể bơi cả vài chục vòng quanh hồ. Nàng không chết đuối, mà là nàng đã biến thành một con Thiên nga, hòa vào đàn thiên nga bay lên trời. Chứng cớ là lúc nàng xuống tắm, ông nhìn thấy có chín con thiên nga, nhưng khi ông thốt gọi, thì thấy rõ ràng là mười con bay lên…

Ông già Thuận mắt lòa, chân chậm sống trong một ngõ hẻm thị xã. Thuở trước ông là chàng trai phố Rêu xứ rừng, số may lấy được một người vợ quá đẹp. Hai vợ chồng chuyển về thị xã sống… Nhưng giữa đường…

Ông già Thuận gìa rồi chết. Hôm đưa đám, có một vòng hoa vô danh, không biết của ai, từ nơi nào xa xôi gửi đến. Rồi một ngày kia, dân quanh hẻm thị xã rộ lên một tin đồn: Vợ ông Thuận ngày xưa, chẳng chết đuối, mà cũng chẳng biến thành thiên nga bay đi. Bà ấy chê chồng, bơi xuống hồ, lẩn vào vòm cây, trốn ông ấy, bỏ ông ấy… Trần truồng, lấy lá rừng che thân, bà ấy sau tìm về thành phố. Vòng hoa viếng vô danh kia chính là của bà ấy…

Đại Yên 6/2/2012

 

Trả lãi

 

Tháng tám, ao Sen hoa viên nhà ông Cử Thụ tàn tạ như gia cảnh nhà ông, viên quan Huyện già, thất thế, về hưu, suốt ngày ngồi uống trà trong ngôi đại khoa rêu phong, cột lim to tày đình, nhưng  lòng cột mục ruỗng. Cửa bức bàn nặng trịch luôn đóng kín, lưu giữ mùi ẩm mốc,  mùi nến Bạch lạp và mùi trầm.

Cô Chiêu út ngồi bên bộ bàn đá xanh bờ ao Sen, thêu hình hoa Đỗ quyên lên chiếc gối trắng, mấy lần kim đâm vào ngón tay chẩy máu...

Từ ngoài cổng Tiền môn, có một chàng trai đi xe tay vào. Hai anh em vồ vập.

- Anh từ Hà Nội về à?

- Ừ, chào em. Thêu gối cưới đấy à.

- Chưa hẳn gối cưới...

Chàng trai vào nhà chào hỏi ông bà Huyện, chuyện trò dăm ba câu thời cuộc chiếu lệ. Bữa cơm tối cũng nhạt nhẽo. Chỉ đến khi trăng lên tỏa bóng trên Hoa viên ngào ngạt mùi hoa gặp sương, chàng trai  và cô Chiêu, hai anh em mới chuyện trò thắm thiết.

Cô Chiêu út Thanh Vân vẫn quý người anh họ về bên ngoại, Trần Dư này, và vẫn luôn tò mò không hiểu anh ấy là người thế nào. Đường đường là con quan Tuần phủ ,đã đỗ Tú Tài trường Bảo Hộ, nhưng anh ấy nhất định không học lên trường Pháp chính, hay Hậu Bổ để ra làm quan. Cụ Tuần phẫn uất, từ con, đuổi con, không cho một đồng, cho chết đói chết rét ngoài đường .Cậu Tú Dư đành đi làm thư ký nhà buôn, bán dầu hỏa phố huyện Ninh Giang – Hải Dương, rồi lên Hà Nội mở hiệu ảnh Hương ký, chứ nhất định không chịu đầu hàng.

Không hiểu sao trên đời lại có người ngang đến thế, “dở người” đến thế. Tuy vậy, ông Cử, bố Thanh Vân, vẫn không giám coi thường cậu Tú, dù trong bụng rất căm những quan điểm “văn minh”, bài trừ hủ tục Nho giáo của cậu, và đồng thời vẫn kinh hoàng cái bản chất thông minh tột bực giời cho của cậu. Ông giữ thái độ “kính nhi viễn chi”, nheo mắt nhìn xem “cái thằng này” sẽ dở những trò gì.

Sự cảnh giác của Ông Cử lên đến cao độ. Cụ Tuần, cha Trần Dư, và Ông vốn là hai bạn đồng khoa từ triều Thành Thái, cùng ra làm quan một độ. Vợ của họ là hai chị em một nhà danh gia vọng tộc, họ hàng dắt dây, nên “cái thằng Dư” thỉnh thoảng lại về đây chòng ghẹo ông Huyện già thất thế, chế riễu hủ tục Nho phong, mà không làm gì được nó.

Bọn “Tây học” này đến không cả thèm làm quan Huyện thì nó còn coi trời đất là cái gì. Đến đói rét nó cũng chả sợ. Đến phải lê xác đi làm cái việc mạt hạng là bán dầu hỏa, mà nó vẫn không chịu “cải tà quy chính”, quay về xin bố tha thứ, rồi đi học lại, ghét ngạch quan An nam thì đi làm tham tá lục sự ngạch Tây, lương ba trăm đồng, hơn hẳn, so với lương tháng chín chục bạc của quan huyện...

- Anh nghe nói cụ Cử đang định gả em cho thằng Khang thư ký thông ngôn Tòa Sứ - Dư hỏi.

Mặt Vân chợt xịu xuống.

-Thằng ấy dốt nổi tiếng. Quan Công Sứ xuống làng ,nói tiếng Pháp,bảo dân quê phải đốt hết những đống rác bẩn, giữ vệ sinh, nó dịch  thế nào lại thành dân quê phải đốt hết nhà mình, làm cả làng sợ mất vía...

Dư và Vân cùng cười rũ.

- Em khổ lắm anh Dư ơi, em không yêu Khang, nhưng thày đẻ em  nhất định bắt em lấy hắn. Chống lại thì thành đứa con bất hiếu, mất hết nề nếp gia phong. Anh nói thế nào để  thày đẻ em đổi ý

Giọng Dư nghiêm trang.

- Em có ghét lễ giáo phong kiến cổ hủ, ví dụ như không cho trai gái tự do yêu nhau, lấy nhau không?

- Ghét lắm.

- Em có thích cá nhân được đề cao, con người được giải phóng, theo lối sống phương Tây.

- Thích lắm.

- Em có ghét bọn quan lại ở tỉnh huyện, cũng như  bọn Xã Xệ, Lý Toét, Bang Bạnh ở thôn quê không.

Thanh Vân sờ sợ:

- Thế là ghét Bố anh với Bố em à?

- Trong tình cảm, anh vẫn kính trọng bố anh, nhưng vì tiến bộ xã hội, mình phải đấu tranh... Thanh Vân này, anh và bạn anh tên là Nhất Linh, cháu nội cụ Huyện Gắm ở Cẩm Giàng xưa, đã đỗ cử nhân Toán Lý ở Pháp về, đang muốn ra một tờ báo và một Nhà xuất bản để in văn thơ về lối sống văn minh, về tình yêu  tự do , giống như chuyện em không muốn lấy thằng Khang ấy...

- Em đọc tiểu thuyết tâm lý Tố Tâm của văn sĩ Hoàng Ngọc Phách rồi. Đấy, như thế chứ gì...

- Đúng.

- Thế thì thích lắm.

- Nhưng bọn anh hai tay trắng, không có một đồng vốn nào. Mở tòa  báo và Nhà xuất bản cần có một khoản tiền lớn. Em cho anh vay vài thứ hoa tai, vòng xuyến, bao giờ Nhà xuất bản ăn nên làm ra, anh sẽ trả cả vốn lẫn lãi gấp nhiều lần như thế.

- Anh vay lãi em à.

- Ừ, lãi này thì lớn lắm...

Cậu Tú Trần Dư lấy tên mới là Khái Hưng, và Cậu Cử Toán Lý Nhất Linh đã tìm về quê, “ăn dỗ” tiền các chị em gái họ ngoại như thế ,góp thêm vào,để mở tòa báo Phong hóa và Nhà xuất bản Đời nay in văn thơ Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đời mưa gió...

Có điều cậu Tú và Cậu Cử gặt hái văn thơ vang dội bao nhiêu, thì lại thua lỗ về tài chính bấy nhiêu. Vì vậy các cậu đã “quỵt”  “tiền ăn dỗ” của các chị em gái họ ngoại, và trả lãi cho các chị em  bằng những đoạn tuyệt, lạnh lùng, hồn bướm mơ tiên, đời mưa gió...

26/6/2012

.........................................

(*)  Chú thích: Sáng tác này có một số chi tiết viết dựa theo tài liệu xác thực của nhà văn Nghiêm Đa Văn.

 

Nguồn tin: vanvn.net


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66092550

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July