Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 25/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Bút ký: “Ký ức về đường số 5 và tả ngạn sông Hồng” – Tô Đức Chiêu Bút ký: “Ký ức về đường số 5 và tả ngạn sông Hồng” – Tô Đức Chiêu , Người xứ Nghệ Kiev
 

 


Vào một ngày cuối năm 1997, khi ấy tôi đang là Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, buổi chiều, có khách tới thăm. Đó là hai người đàn ông tuổi đã cao, tôi chưa hề gặp bao giờ, đề nghị tiếp xúc với đại diện Ban chấp hành. Tôi đứng lên chào và thưa rõ, Tổng thư kí Nguyễn Khoa Điềm đang làm việc bên Bộ Văn hóa, Phó Tổng thư kí Hữu Thỉnh đang bận bên báo Văn nghệ, tôi được ủy quyền thường trực.

Một người với vóc dáng hơi đậm, vẻ mặt thân mật và trầm tĩnh, nói nhỏ nhẹ:

- Không có việc gì lớn, chúng tôi gặp anh là tốt rồi, xin tự giới thiệu, tôi là Lê Đức Thịnh, cán bộ hưu trí, còn đây là...

Như chợt nhớ ra điều gì, tôi hỏi nhanh:

- Thưa bác Thịnh, có phải bác nguyên là Bộ trưởng Bộ Nội thương…

Khách thong thả và nhã nhặn:

- Quả là như vậy, nhưng chúng tôi tới Hội Nhà văn hôm nay về việc chẳng liên can gì tới chức trách đã qua ấy của tôi. Chúng tôi được ủy quyền của ban biên soạn bộ sách Đường anh dũng quật khởi tới thăm Hội Nhà văn Việt Nam. Chắc chắn các anh đã nghe nhiều tới chuyện quân và dân đường số 5 những tháng ngày oanh liệt trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Nếu quê anh ở vùng Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Kiến An hay Thái Bình, càng có nhiều kí ức sâu đậm về con đường đó ... Sách đã ra được mươi tập, đều do những người trong cuộc tham gia viết bài và biên soạn, chúng tôi muốn được coi đây là món quà nhỏ tặng Hội Nhà văn Việt Nam. Mong nó sẽ là tư liệu hữu ích cho các nhà văn…

Ông nói và hơi nghiêng người mở cái túi để ở bên đùi lấy bộ sách ấy ra. Đó là những quyển chừng hai trăm trang, khổ mười ba – mười chín, bìa màu sắc khác nhau, nhưng tất cả đều chung một tên và mở ngoặc ở dòng dưới (hồi kí của các nhân chứng lịch sử) do Hội Khoa học lịch sử thành phố Hải Phòng và ban liên lạc đồng đội Hải Dương – Hưng Yên cùng nhà xuất bản Hải Phòng đứng ra in ấn và phát hành. Tôi lật trang bìa và nhìn nhanh, quyển nào cũng có lời ghi tặng trang trọng của ông Lê Đức Thịnh. Chỉ cần liếc vội đề mục các bài vở đã đoán ngay ra rằng đây là những dòng chữ có máu và nước mắt khắc họa biết bao cuộc đời, bao số phận, bao sự hi sinh lẫy lừng và dũng cảm vô song của quân và dân khu tả ngạn châu thổ sông Hồng suốt những năm khánh chiến chống Pháp.

Trước khi chia tay, hai vị khách còn nói:

- Anh em chúng tôi không phải dân văn chương, cứ có sao ghi vậy, câu cú đôi khi ngây ngô… chỉ mong có lợi về nguồn tư liệu cũng như góp phần vào cảm hứng sáng tác cho các nhà văn…

Tôi lại vội nói:

- Không, thưa hai bác, tôi thấy như thế này là quí hóa quá. Tôi sẽ báo cáo với anh Điềm và anh Thỉnh ngay…

Nói vậy nhưng tôi có lỗi với hai ông, bởi đã không báo cáo ngay vào ngày hôm sau mà mang về đọc hết quyển này tới quyển khác làm cứ như riêng mình được tặng. Trời ơi! Sao lại có nguồn tư liệu quí giá đến thế này? Và biết bao câu chuyện từ năm nảo năm nào tôi đã nghe, đã biết và quan tâm nhưng chỉ loáng thoáng bây giờ mới rõ nguồn cơn. Tỉ như trận phụ nữ dùng đòn gánh, bồ cào, gậy gộc, đánh đám lính tay sai Pháp ở quận lị Thọ Chương. Tỉ như những trận bộ đội địa phương và dân quân du kích phục kích đánh đám lính bốt Đò Neo đi tuần ở Quán Khoang – Thanh Miện… Rồi những trận đánh lẫy lừng diệt bốt Cờ, bốt Bỉnh Di ở Tứ Kì, diệt bốt Phương Điếm ở Gia Lộc, những trận lật nhào các đoàn tàu chở lính và phương tiện chiến tranh của quân địch trên đường sắt từ Hải Phòng qua Hải Dương, Hưng Yên lên Hà Nội. Những trận chống càn thắng lợi, bẻ gẫy các cuộc hành quân đầy tội ác mang tên Trái chanh, Trái quít, Cái thùng, Con trâu, Con cắt… Cho đến những gương hi sinh lẫm liệt mà muôn đời con cháu không bao giờ quên của nữ liệt sĩ anh hùng du kích Mạc Thị Bưởi ở Nam Sách – Hải Dương, nữ liệt sĩ anh hùng Bùi Thị Cúc ở Hưng Yên, nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên ở Thái Bình …

Là người con của Hải Dương, sinh ra và lớn lên trong vùng địch hậu Liên khu ba, tôi không bao giờ quên được những cuộc vây làng của đám lính bốt Đò Neo phối hợp với đám lính quân lị Thọ Chương, không bao giờ quên được sự tàn ác của đám lính patidăng ở bốt Bưởi Dăm hay Ba Đông, không bao giờ quên được những lần chúng bắt đi phu vác tre, vác gạch xây đồn, và những năm 1951 – 1952 vào thị xã Hải Dương học trường nam tiểu học gặp những đoàn tù, là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta bị địch bắt, do những tên lính Pháp người Maroc hay Angieri gì đó dong giải ra bờ sông lấy nước… Từ thưở ấu thơ tôi đã nghe người ta dạy bài hát về Quán Nghiên với lời ca u hoài và buồn thương: Quán Nghiên… Đây là mồ chôn chiến sĩ… Cho tới ngày hòa bình lập lại, theo hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, tôi qua lại Quán Nghiên nhiều lần, người ta đã cắm cái biển với dòng chữ: Nơi đây, ngày… tháng… 34 chiến sĩ đã hi sinh… Bước chân tôi bao giờ cũng chậm lại, lòng những ngậm ngùi và đôi mắt dáo dác như tìm kiếm. Số 34 chiến sĩ và ngày tháng tôi nhớ không còn chuẩn xác, nhưng hình dạng đống đất ngày ấy, cột và biển chữ sơ sài ngày ấy cùng với lời bài ca đầy hoài niệm nhớ thương thì tới tận hôm nay, dù đã quá nửa thế kỉ trôi đi cứ ngân rền mãi trong tôi và bóng dáng bao anh hùng liệt sĩ cứ vời vợi nghìn trùng trường tồn cùng non sông đất nước.

Tôi đọc liền một mạch hết bộ sách. Cám ơn các bậc đàn anh là các ông: Võ An Đông, Nguyễn Huy Trường, Đào Ngọc Quế, Đàm Minh, Trương Văn Thuận, Lê Đức Thịnh, Phạm Bách là những người biên soạn, và bao người là chứng nhân lịch sử đã tham gia viết bài, như Lê Nghĩa, Nguyễn Văn Tuất, Nguyễn Tất Đào, Hoàng Bút…. Và như ông Lê Đức Thịnh khiêm tốn nói, ở đây không có văn chương… nhưng thứ văn chương sáo rỗng thì liệu có ích cho đời hay chăng? Sự cuốn hút và đáng trân trọng của bộ sách là chất liệu sống với lối văn mộc mạc, chân thành, không tô vẽ, không đỏm dáng… để rồi tự nó đã có sức khái quát.

Biết bao hi sinh lẫm liệt và chói sáng nhưng tôi muốn nói tới một chiến sĩ quả cảm, một người chỉ huy tài ba đầy bản lĩnh được nhắc đến trong bộ sách - Ông Dương Hữu Miên còn có tên là Chín Tâm. Ông sinh tháng 5 năm 1912 tại thôn Bảo Châu, nay là Quảng Châu, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, trong một gia đình nông dân. Trước cách mạng ông tham gia quân đội Pháp và làm tới chức phó quản chuyên về văn phòng. Đầu tháng 8 năm 1945, tại trại bảo an binh ở Thái Bình ông đã liên lạc với cách mạng do đồng chí Phiếm đại diện chuyển 50 khẩu súng là tài sản vô cùng quí giá lúc bấy giờ cho lực lượng khởi nghĩa. Cách mạng thành công ông nhập ngũ và trở thành anh lính Cụ Hồ. Ông nhanh chóng trưởng thành và được trao những nhiệm vụ quan trọng trong lực lượng vũ trang non trẻ: Tiểu đoàn trưởng, Chỉ huy bộ đội Hải Dương, Tham mưu trưởng liên quân tiếp phòng Hải Dương sau khi có hiệp nghị sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, rồi Chủ tịch ủy ban bảo vệ thành phố Hải Phòng, Trung đoàn trưởng chỉ huy mặt trận Kiến An, Trung đoàn trưởng trung đoàn 42, Chỉ huy trưởng mặt trận đường số 5, Chỉ huy trưởng mặt trận Tả ngạn. Ông đã hi sinh anh dũng ngay trước khi có hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương 20 ngày. Tại buổi lễ tưởng niệm liệt sĩ Dương Hữu Miên tổ chức tại Hải Phòng tháng 7 năm 1997, rất nhiều ý kiến phát biểu của những người trong cuộc hết lòng ca ngợi bản lĩnh chỉ huy vững vàng và quả cảm của ông. Tổng Bí thư Đỗ Mười, đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng giáo sư Hoàng Minh Thảo… do tình hình công việc và sức khỏe không tới dự được đã gửi thư và bài phát biểu tới hội nghị. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Sở kể rằng, một lần ở làng Cổ Khúc – Thái Bình, cả Bộ Tư lệnh Tả ngạn và thường vụ Tỉnh ủy bị hàng ngàn lính lê dương và địa phương quân địch bao vây. Phải chiến đấu sống còn và hi sinh hết hay bị bắt gọn là rất hiện hữu. Tư lệnh Dương Hữu Miên bình tĩnh tính kế, ông vơ lấy cây điếu cày, rít một hơi rõ dài rồi lấy nắm tay bịt miệng thở khói ra hai bên mép, thư thái, ung dung nói: Hay thật! Ngồi đây nếu địch đánh vào được, chúng bắt và trói  như xiên ếch dong đi thì cay đắng quá. Rồi ông phân công và căn dặn cán bộ cấp dưới: Đừng rối! Kiên quyết ngăn chặn chỗ mạnh của chúng và tranh thủ phản kích tiêu diệt hoặc đẩy lùi chỗ yếu, chỗ sơ hở… Trận ấy thắng lợi lớn nhất của ta là bảo toàn lực lượng, bảo toàn cơ quan đầu não kháng chiến ở địa phương và quay lại giáng cho địch những đòn mạnh mẽ.

Sau Điện Biên Phủ, ông nhận được lệnh gấp lên Việt Bắc lĩnh hội tình hình và nhiệm vụ mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp bàn bạc và trao chỉ thị cho ông. Đại tá Lê Nghĩa viết trong hồi kí của mình: Anh (tức Dương Hữu Miên) luôn tỏ ra rất thận trọng trong tính toán hướng và thới cơ, nhiều lần đưa cơ quan Bộ Tư lệnh và các lực lượng vũ trang Tả ngạn ra khỏi nơi địch bao vây, cất vó, để rồi nhanh chóng quay lại đánh úp chúng. Nhưng anh lại không quá lo toan đến an toàn của bản thân mình. Chiều 1 tháng 7 năm 1954 từ Việt Bắc vượt qua tuyến đường 18 và sông Đuống, về tới bắc đường số 5, ngay trong đêm anh đã vội vàng vượt qua lộ để sớm đưa được mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh về khu. Đêm 1 rạng ngày 2 tháng 7 năm 1954 ấy đã trở thành đau thương mất mát của bao đồng chí đồng bào, của trung đoàn 42 và khu Tả ngạn sông Hồng. Người chỉ huy quả cảm và tài ba mãi mãi nằm xuống trước ngày hòa bình lập lại.

Gấp toàn bộ sách lại, tôi cứ ngẩn ngơ một nỗi niềm xa vắng và nhận ra rằng, dù mình có viết bao nhiêu trang sách, gắng sức đến thế nào, đều quá nhỏ bé so với những hi sinh lẫm liệt của quân và dân ta xung quanh con đường số 5 và Tả ngạn sông Hồng...


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66092528

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July