Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 25/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Nguyễn Việt Chiến với “Trăng và thơ đọc chậm” Nguyễn Việt Chiến với “Trăng và thơ đọc chậm” , Người xứ Nghệ Kiev
 

 VanVN.Net – Mấy năm gần đây, Nguyễn Việt Chiến dường như được bạn đọc “mặc định” là nhà thơ của “Tổ quốc nhìn từ biển” – một bài thơ có sức lan tỏa bằng ngôn từ và giai điệu nồng nàn tình yêu đất nước. “Tổ quốc nhìn từ biển” đã ra đời, chất chứa trong mình một sức sống mãnh liệt và từ đó có một đời sống, mang một sứ mệnh riêng… Giữa những tháng ngày mọi thứ đang trở nên sôi động với nhịp độ nhanh, mạnh và gấp gáp hơn, thì nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lại có “Trăng và thơ đọc chậm”. Tập sách mới nhất của anh như là món quà nhỏ bé, khiêm nhường nhưng vô cùng ý nghĩa gửi tới bạn bè, độc giả cũng như những người “lưu tâm” đến thơ và đời Nguyễn Việt Chiến. Điều đặc biệt trong tập “Trăng và thơ đọc chậm” là có 3 tác phẩm thuộc thể loại truyện – ngắn – thơ, VanVN.Net xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.      

Bìa tập thơ Trăng và thơ đọc chậm

Gặp Nguyễn Du trên sông đêm

    Đêm ấy mưa thật to. Bốn bề tối đen. Vạn vật thiếp đi trong giấc ngủ sợ hãi. Tôi như bị cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Tôi như bị chìm rất sâu trong một đêm mưa lớn. Không cha mẹ. Không vợ con. Không bạn bè. Bốn bề gió mưa tăm tối. Bốn bề thăm thẳm cô đơn. Ngoài trời. Họ nhà sấm một mình gieo rắc tai hoạ. Sét gầm gào, xé toạc cả một vùng đêm bằng những ngọn roi điện khét lẹt, nhức nhối. Thị giác tôi, thính giác tôi, thân thể tôi, tâm thức tôi, ký ức tôi… bị bỏng rát, nát tươm. Bởi những tia chớp quất xuống liên hồi như muốn giày xéo. Như muốn hành hạ.

   Không thể gì cản nổi cơn thịnh nộ cuồng điên của gió mưa trong đêm ấy. Gió như muốn bứt trụi những mái nhà yên lành bằng bàn tay đen tối của mình. Có cảm tưởng, chỉ những gì thấp bé hơn ngọn cỏ, chỉ những gì xác xơ nén chịu mới được tồn tại một cách phù du, vật vờ trong kiếp sống ấy. Mưa đêm xối xả đập xuống mặt sông. Một con sông lớn đang dâng lên trước mặt tôi. Dâng lên mãi. Nuớc lạnh. Mưa cũng thật lạnh. Chỉ còn lại trái tim trong ngực tôi thoi thóp ấm và phù sa. Phù sa như máu của một miền châu thổ trong tôi bị dẫm đạp, bị hành xác.

   Rồi mưa cũng ngớt dần. Rồi trăng lên trên sông vắng. Và trên bãi cát đêm chảy dài như một mộng mỵ. Một ám ảnh dưới trăng. Tôi mơ thấy mình bất ngờ được gặp cụ Nguyễn Du đi câu trên sông đêm. Hoá ra cụ ra sông câu từ lúc trời còn mưa to lắm, nón áo đến giờ còn lướt thướt uớt ròng. Trên tay cụ là một chiếc cần trúc. Và cụ mang theo một bầu rượu, giắt ở thắt lưng. Đầu đội nón lá, chân đi đất, cụ Nguyễn câu gì trong đêm mưa ấy. Chỉ có giời mới biết và chỉ có thi ca được biết mà thôi.

   Được gặp một thiên tài viết mấy ngàn câu lục bát khiến quỷ thần cũng phải rung động, tôi bàng hoàng hỏi thăm cụ: “Thưa đại thi hào, trong đêm mưa lớn thế này, người ra sông đêm câu gì vậy? Cháu nghĩ đêm nay hình như cụ không phải ra sông câu cá chơi, có phải vậy không, thưa cụ?”. Nghe tôi hỏi, cụ Nguyễn Du đăm chiêu nhìn tôi chốc lát, như muốn phán truyền điều gì đó. Rồi cụ tươi tỉnh chỉ dòng sông trước mặt và nói: “Anh bạn thơ trẻ, anh nghĩ cũng gần đúng đấy. Trong đêm mưa lớn thế này, ta ra sông không phải để câu cá chơi đâu. Dòng sông lớn đang cuồn cuộn chảy trước mặt chúng ta kia đâu phải là dòng sông bình thường. Đó là dòng sông văn đấy. Nó đang thức dậy khát khao sau nhiều đêm thiếp ngủ trong lãng quên, anh bạn trẻ ạ ! Và đêm nay, ta ra câu chữ trên dòng sông văn ấy. Ta nói điều này cho anh biết. Chỉ có trong những đêm mưa lớn của đời người như anh đang từng phải trải qua, người thơ mới có thể ra sông văn câu được những bài thơ, tứ thơ, những câu chuyện văn chương hay nhất trong cuộc đời cầm bút của mình, nghe chưa…”.

  Nói xong, cụ Nguyễn Du lấy bầu rượu tưới xuống dòng sông văn trước mặt, rồi vừa đi, vừa ngâm nga mấy đoạn Kiều. Bóng cụ khuất dần sau mưa đêm. Cũng trong đêm mưa ấy, khi trăng đã lên và mưa đã ngớt, tôi còn nghe thấy trên sông văng vẳng tiếng hát của một người con gái trẻ ở làng bên ra sông giặt lụa. Tiếng hát trong văn vắt như một dải lụa mềm dưới trăng. Tôi choàng tỉnh dậy, sau giấc mơ kỳ lạ ấy và thức suốt một đêm mưa lớn để làm bài thơ dưới đây, mong ghi chép lại cuộc gặp gỡ thú vị, may mắn vừa diễn ra, để ghi nhớ những lời dạy bảo ân tình của cụ Nguyễn Du:

 

  Gặp Nguyễn Du trên sông đêm

 

   Đêm. Mưa. Gặp Nguyễn. Trên sông

Đầu đội nón lá. Chân không mang giày

   Ông ra câu cá. Sông này

Một chiếc cần trúc. Phất đầy mưa đêm

 

   Ông. Dốc bầu rượu. Tưới lên

Dòng sông mặt sách. Còn thiêm thiếp nằm

   Các người ngủ. Suốt trăm năm

Nguồn thơ đã cạn. Nguồn văn đã mòn

 

   Dậy. Đi thôi. Nước. Vẫn còn

Sông. Vẫn đang chảy. Từ nguồn cội xa

   Sông. Là bạn học của ta

Ta học sông. Cách phù sa đắp bồi

 

   Sông văn. Chảy. Dọc cuộc đời

Nguyễn ngồi câu chữ. Dưới trời mưa. Đêm

   Có cô gái trẻ. Làng bên

Ra sông. Giặt lụa. Vào đêm Nguyễn về

 

   Thế rồi. Đêm ấy. Bờ đê

Mưa. Thì đã tạnh. Trăng. Thề đã rơi

   Hình như họ. Đã thành đôi

Sông thơ. Chảy. Suốt một trời. Nguyễn Du

 

  Truyện Kiều. Ông viết. Trong mơ

Ngoài sông. Tiếng đập lụa. Như vẫn còn

   Lụa như trăng. Giặt chẳng mòn

Nàng Kiều đêm ấy. Vẫn còn. Trên sông

 

   Người lụa. Đã nhận ra. Ông

Đầu đội nón rách. Chân không mang giày

    Ông. Ra câu chữ. Sông này

Một chiếc cần. Bút phất đầy. Trăng đêm                          

6-2008

 

   Sự nổi loạn của tranh

 

     Đã quá nửa đêm. Người họa sĩ già chưa ngủ được. Gian buồng chật hẹp của ông chập chờn những mảng màu tối sáng, vẫn mù mịt khói thuốc. Phải cố quên đi và ngủ thôi, ông tự nhủ.

    Rồi đèn tắt. Giấc ngủ muộn có phần nào đó giống như một bức tranh của trường phái trừu tượng. Phải thưởng thức, ngẫm ngợi khá công phu. Nhưng có lẽ chẳng ai thưởng ngoạn vẻ đẹp của hội họa khi bụng mình còn đói.

   Người mua tranh xưa nay phần lớn là những người khá giả. Hoặc chí ít ngày cũng được hai bữa cơm, rượu tươm tất. Còn cánh họa sĩ lúc này, xem ra không ít người phải chạy ăn đong từng bữa như cảnh nghiệp ông. Tranh bán rẻ đã đành, thậm chí lại còn bị ăn cắp bởi những người yêu mến mình một cách láu cá.

  Đã mấy tháng nay, ông không bán nổi một bức tranh. Cũng còn may là mấy bức ký họa được một tay sưu tầm mua theo kiểu bố thí, giúp ông sống thoi thóp.

  Đêm về khuya, con phố tối trông như một chiếc bẫy chuột khổng lồ, đang rình đợi cùng với những giấc mơ nghiến răng ken két, mộng mị cùng vôi cát.

  Sắp thiu thiu ngủ, chợt ông thấy có tiếng đàn bà thì thào đâu đó trong căn buồng của mình. Quái ! ông vốn sống độc thân. Họa hoằn lắm, dăm tháng mới có hơi bóng một người đàn bà thoảng qua. Ấy là hồi ông còn trẻ. Chứ giờ thì rượu còn không đủ uống. Thiết gì !…

  Sau khi nghe ngóng một hồi, ông phát hiện ra tiếng trò chuyện là của mấy người đàn bà trong các bức tranh ông vẽ.

  Một người nói: Em còn ướt, hắn đang vẽ dở. Chắc chiều nay đói quá, run tay, không vẽ nổi. Có thằng bạn tạt qua. Hắn như bắt được vàng. Bỏ ra phố kiếm chút rượu suông.

  Một giọng khác ghen tỵ:  Hắn vẽ em ba tháng chưa xong. Còn chị chỉ chừng ba ngày. Nhiều ít như thế, đủ thấy sự công phu và hời hợt là chuyện ngẫu hứng của kẻ sáng tạo.

  Người kia phản đối: Thời gian chưa hẳn là một chuẩn mực. Em thấy chị đẹp hơn, nói được nhiều hơn cả về hình hài và tâm trạng. Thế hắn có ngủ với chị không?

  Kẻ trả lời cười ngất:  Mới vẽ có một phần tranh, hắn đã đòi ôm ấp, vuốt ve. Chị hỏi: thế không chịu được à? Chàng lúng túng phân bua: sự sáng tạo phải được rung động và cọ xát thì tranh mới có hồn. Thế đấy, thế nào rồi hắn cũng ngủ với em.

  Có tiếng chép miệng: Tội nghiệp chàng, gọi là âu yếm nhau trong mộng mị thì đúng hơn. Chứ mấy ông này đã bán cả phần hồn, phần xác cho nghệ thuật  thì ngoài đời còn hơi sức gì.

  Tiếng một người khác: Không hiểu trong đời vẽ của mình, hắn đã bán bao nhiêu phụ nữ như chúng ta. Đấy là một tội ác!

  Phải rồi - cả đám người đẹp nhao nhao lên: Rồi cũng sẽ đến lượt chúng mình bị bán, bị đổi lấy rượu và ngũ cốc. Trong một xã hội văn minh, tội mua bán phụ nữ phải khép vào hình phạt nặng nhất, mà hắn thì thường xuyên bán rẻ chị em mình hết ngày này qua tháng khác.

   Có tiếng gào lên : Phải treo cổ, phải chung thân!

     Người họa sĩ già chồm dậy, mắt hoa vì đói, vì sợ bị khủng bố và bắt tù. Từ các bức tranh trong phòng vẽ, những người đẹp hung hãn nhảy xổ vào họa sĩ. Ông đập tường, la hét, kêu cứu.

     Khi hàng xóm dỡ cửa vào được, thấy ông nằm bất tỉnh nhân sự dưới chân những giá vẽ ngổn ngang, đổ vỡ. Họ gọi xích lô đưa ông tới bệnh viện. Lúc ấy, trời chưa sáng hẳn.

     Phố đêm trở lại yên tĩnh với cái vẻ âm u của một chiếc bẫy chuột khổng lồ.

                 

 Mùi Tiên

1

   Lúc trăng đêm lên tới gần con sào, anh mới lết được đến khu đầm sen với hai vết thương đẫm máu trên người. Một vết ngay sau cổ, một vết bên chân phải. Trước đó, vào lúc đầu đêm trăng muộn, anh rơi vào ổ phục kích của một tốp giặc. Anh lao vội xuống con kênh bên vệ đường, lặn một hơi sang bờ bên kia. Bọn giặc xả súng bắn theo như vãi đạn. Lúc nhoài lên thở, anh mới biết cả cổ mình và chân phải đều dính đạn. Cũng may, bóng tối đã bịt mắt lũ giặc. Trượt ngã mấy lần, anh mới bám lên được bờ kênh trơn nhẫy. Thấy chúng vẫn còn đèn đóm lùng sục sang cả phía bờ bên này, anh nhoài xuống cánh đồng nước xâm xấp, cố gắng lết đi càng xa càng tốt.

   Trăng bắt đầu lên và đâu đây thoảng mùi hương sen trong gió. Anh chợt thấy mùi máu trào ra sùi bọt trên cổ và từ vết thương toang hoác nơi chân. Sau khi cố hết sức xé một bên ống quần, băng tạm hai vết thương, anh nhắm hướng về phía có mùi sen thao thức mà lết đi. Anh tin phía ấy có điềm tốt lành. Lết được vài cây số, anh kiệt sức vì máu ra quá nhiều. Anh thấy mắt hoa lên và mờ dần. Anh ngất lịm đi khi đến cạnh một đầm sen. Trong mơ hồ, anh chợt thấy, hình như có một người con gái đang khỏa thân tắm dưới đầm sen. Anh nhắm mắt lại và nhớ. Trong cuộc đời, anh chưa bao giờ được nhìn thấy một người con gái tắm đêm. Mười tám tuổi nhập lính, anh chưa một lần được cầm tay bạn gái trong làng. Chưa kịp có một nụ hôn đầu đời và mùi thuốc súng đã cuốn anh đi vào những nẻo đường trận mạc mù mịt chết chóc.

   Anh không tin vào mắt mình nữa. Người con gái ấy như vừa bước ra từ những đóa sen trên đầm. Người nàng tỏa ra một mùi hương tinh khiết và trong lành của sen. Ở quê anh, con gái chỉ chèo thuyền đi hái hoa sen về bán chứ ít khi ra tắm ở đầm sen. Vì thân sen mọc nơi bùn tối, rất ráp và ngứa. Nếu tắm ở đầm sen, người sẽ xây sát hết cả da thịt. Các cụ cao tuổi trong làng bảo đám con trai: chỉ có mấy nàng Tiên trên thượng giới, thi thoảng nhớ trần gian, mới nửa đêm về tắm ngoài đầm sen làng mình, thằng nào nhìn trộm sẽ bị mù mắt. Các nàng Tiên tắm được ở đầm sen vì gai sen và bùn tối không xâm phạm vào được thân thể ngọc ngà của các nàng. Tắm xong, các nàng Tiên bay về giời. Mùi Tiên còn sót lại, thằng nào ngửi thấy sẽ lẩn thẩn biến thành một kẻ thích làm thơ, đầu tóc cứ rối bù như người điên, lảm nhảm suốt ngày. Bạn bè bảo anh, ấy là các cụ cứ nói bịa ra thế để dọa mấy thằng trai hư, nửa đêm mò mẫm ra ngoài đầm sen, móc trộm mấy gói trà nhỏ mà các cụ giấu trong các búp sen để ướp lấy hương. Nhưng không hiểu sao, anh vẫn tin các cụ trong làng nói thật và chẳng bao giờ dám mò ra đầm sen lúc nửa đêm.

 

   Giờ thì làng quê ruột thịt đã ở xa xôi. Trước mặt là một đêm trăng vô tăm tích. Không người thân, không bạn bè. Trong trạng thái mất máu đến choáng ngất, anh thấy người lạnh ngắt và không hiểu rằng mình còn tỉnh hay đang mơ ngủ. Chỉ có mùi hương sen mỗi lúc một ngào ngạt thơm. Và anh choàng tỉnh khi bất chợt thấy trước mắt mình, một người con gái đang chập chờn, nhón gót đi trên những búp sen vừa hé nở để cho hương sen thấm đẫm vào da thịt nàng. Anh lại thấy mình rơi vào trạng thái mê man như bất tỉnh. Không hiểu cô ấy là người hay là Tiên!? Mỗi lúc nàng một tiến đến gần anh. Dưới trăng đêm, mái tóc nàng rủ xuống đôi vai trần như một chiếc khăn choàng mỏng, ấm và mềm. Thân hình nàng giống một chiếc bình hoa sen đang vươn lên dưới trăng, thon thả và quyến rũ. Chiếc bình sen ấy đang thở. Hơi thở đắm đuối của sen tươi và sương sớm. Nàng như một đám mây kỳ lạ đang vây bọc anh trong vòng tay nồng ấm của tình yêu. Cơn đau vật vã từ vết thương nơi cổ và dưới chân phải của anh dường như tan biến tự lúc nào. Làn da thơm mịn của nàng như màu phấn sen phủ lên người anh, khiến anh ngây ngất trong một cảm giác được dâng hiến trong tuyệt vọng. Lần đầu tiên trong đời, anh biết thế nào là mùi vị của tình yêu. Mùi sen thơm huyền bí và mộng mị đã xua tan hết mùi thuốc súng khét lẹt của chiến tranh trên thân xác nhọc nhằn của anh. Anh thấy thân thể mình đang ấm dần lên và như được phục sinh bên đầm sen ấy.

   Khi chợt tỉnh, anh không thấy gì nữa. Dưới đầm sen, vầng trăng đêm như một chiếc thuyền mỏng mảnh đang trôi dần, trôi lặng lẽ vào đáy đêm xa vô tận. Nàng đã dời đi trên con thuyền trăng mộng du ấy rồi sao? Nàng đã bỏ ta ở lại trên bờ đầm với vết thương còn rỉ máu này sao? Hay nàng đang thiếp ngủ trong đóa sen còn tươi mọng những hạt sương khuya vừa đọng xuống? Những câu hỏi không lời đáp cứ văng vẳng bên tai anh. “Nàng ơi, nàng cho tôi theo với… tôi muốn đi cùng em!”, anh cố hết sức gọi vọng theo phía người con gái vừa nhón gót chân trên những búp sen, bay đi cùng ánh trăng trên đầm nước mênh mang. Lúc ấy, phía cuối trời, bỗng như da diết vọng lại câu nhắn nhủ của nàng: “Anh phải ở lại, phải sống để trở về, mẹ anh đang mòn mỏi chờ đợi suốt ngày dài, suốt đêm thâu ở quê hương!”.

    Mắt anh bỗng nhòa đi trong vô vọng. Anh thầm nghĩ, câu chuyện huyền thoại về nàng công chúa Tiên Dung và chàng Chử Đồng Tử trên bãi cát sông Hồng quê anh mới có hậu làm sao. Chàng Chử Đồng Tử vùi mình dưới cát khi nàng Tiên Dung đến quây màn tắm. Khi cát trôi đi, họ thành vợ chồng. Còn anh nằm đơn độc với hai vết thương rỉ máu bên bờ đầm sen vào một đêm trăng. Anh bị cát trăng vùi lấp đến độ nàng Tiên kia xuống tắm mà không hề biết. Đến khi cát trăng trôi hết, nàng mới nhận ra anh đang chết ngất đi như không bao giờ dậy được nữa. Nàng vội dốc hết bình sen thơm ngát trong cơ thể mình để sưởi ấm thân xác giá lạnh của anh. Nàng cúi xuống, đặt lên làn môi xám lạnh của anh, một dòng sữa tươi thơm của trăng đêm thanh khiết. Đến khi môi anh hồng trở lại và người anh ấm dần lên hơi thở của sự sống thì nàng mới lặng lẽ ra đi…

2

   Hơn ba mươi năm sau chiến tranh, người phế binh già kể lại cho tôi nghe câu chuyện nói trên về ông tại một quán rượu quê ở một ngôi làng cổ ven sông Hồng. Sau cái đêm trăng kỳ lạ ấy, ông bị bắt làm tù binh. Lũ giặc không sao hiểu được ông lại có thể sống sót với hai vết thương toang hoác nơi cổ và chân. Khi chúng tìm thấy ông ngất lịm trên bờ đầm sen, máu trên người ông vẫn xối ra sùi bọt. Ông chết đi, sống lại nhiều lần sau đó ở một quân y viện dã chiến. Biết ông là liên lạc viên quan trọng của một khu ủy trong vùng, bọn chúng cứu ông để nhằm khai thác. Nhưng khi phẫu thuật gắp được viên đạn ra khỏi vết thương vùng sau cổ, chúng hý hoáy mổ máy kiểu gì, chạm phải bó dây thần kinh vùng gáy, khiến ông hỏng luôn cả hai con mắt. Ông nghi ngờ trong ca mổ ấy, chúng cố tình chơi xỏ, biến ông thành một kẻ mù lòa khi tóc còn xanh. Ông kể lại cho mấy tay bác sĩ nghe câu chuyện ông được gặp nàng tiên trong cái đêm kỳ bí ấy. Một tay bác sĩ vỗ về: “Anh sống sót được quả là một điều kỳ diệu của tạo hóa. Đúng là anh đã gặp Tiên rồi, được ngủ với Tiên, được uống sữa Tiên nữa nên anh mất máu nhiều đến thế mà không chết. Riêng tôi, tôi tin chuyện ấy là có thật, giời ạ!”. Có một điều, ông không dám nói ra: “Các cụ ở quê đã bảo trước rồi, kẻ nào nhìn trộm Tiên tắm đêm thì sẽ bị mù mắt! chuyện ấy không lẽ lại vận vào mình, may mà còn sống sót…”. Trở thành phế nhân, ông giả điếc luôn, không nhìn, không nghe thấy gì để khỏi phải khai báo.  Sau mấy năm tù tội, ông được chúng thả trong một dịp trao đổi tù binh giữa hai bên.

   Câu chuyện về ông, cuối đời nghe có vẻ cũng thật có hậu. Trở về làng một thời gian, nhờ hồng phúc tổ tiên ông bà, nhờ giời đất run rủi thế nào, mắt ông tự dưng lại sáng dần ra, nhưng không phải là sáng hẳn. Ông chỉ nhìn thấy hình bóng người làng trong vòng dăm thước, nhưng cũng đủ để  phân biệt người nọ với người kia. Sau khi mẹ già qua đời, ông ở một mình, vợ con không có - ông thành người mồ côi. Người phế binh già giờ dọn hẳn nhà ra ở cạnh đầm sen ven làng. Ông chờ một đêm trăng để có thể gặp lại người xưa chăng…biết đâu đấy! Từ khi trở về quê, không khi nào ông ngủ trước nửa đêm. Ông còn bận làm thơ vì vẫn tin rằng, các cụ xưa đã bảo “Thằng nào trót ngửi phải mùi Tiên sẽ lẩn thẩn hóa thành nhà thơ”. Thơ ông làm, ông giấu biệt, chẳng chịu đọc cho ai nghe cả. Cứ sau nửa đêm, ông lại ra ngồi thao thức một mình bên đầm sen. Ông khe khẽ ngâm nga, ông ru cho sen ngủ bằng những câu thơ say đắm muộn mằn của mình.

 

   Dạo này, có một thằng bé khoảng tám, chín tuổi trong làng thường lân la ra túp lều ven đầm sen chơi với ông. Dần dà, tình cảm ông cháu trở nên ngày một ấm áp và gắn bó. Ông coi nó như con cháu trong nhà. Hai ông cháu ngày ngày tha thủi chơi với nhau. Ông xin đâu được một cuốn sách “Tiếng Việt” cũ rích đem về, ông dạy thằng bé tập đánh vần, tập đọc chữ. Ông cũng đang tập luyện cho đôi mắt mù dở của mình thói quen nhận diện được mặt chữ trên các trang sách. Thị lực của ông dường như đang dần hồi phục cùng với niềm vui bên con trẻ, cũng làm cho mắt ông lõm bõm sáng dần ra. Hai ông cháu “ê-a” chán rồi rủ nhau đi câu cá ngoài đầm sen. Ông cầm cần câu đi trước, nó xách giỏ theo sau. Hai thầy trò nhiều hôm còn lang thang đi câu ở những ao đầm khác. Có hôm, nó ở lại ăn cơm trưa với ông, nó chẳng thiết về nhà. Mẹ thằng bé ấy là một cô gái xinh nhất, nhì trong làng. Có lẽ cũng vì đẹp quá nên cô ta vướng vòng “hồng nhan bạc mệnh”. Người làng đồn đại cô ta bỏ nhà đi theo trai, có người lại nói, cô ấy lên thành phố làm nghề “gội đầu máy lạnh”. Vài năm sau, cô ta đưa một đứa bé trai về làng, nó không biết mặt bố. Để lại đứa con cho bà ngoại trông, cô lại lên thành phố bon chen với mưu sinh. Lâu lâu cô mới về nhà thăm mẹ, thăm con được vài buổi. Gần đây, biết thằng bé được một ông thương binh lòa mắt sống ven đầm sen chăm chút như con cháu mình, lại còn dạy nó học chữ nữa, cô mừng lắm. Hôm sang nhà ông chơi, cô mang theo chai dầu gội đầu và bánh xà-phòng thơm gọi là chút quà biết ơn. Hai chú cháu ngồi trò chuyện với nhau cả buổi, chuyện thành phố, chuyện chiến tranh, chuyện cuộc đời…

   Ông chậm rãi kể lại cho cô gái nghe câu chuyện mình bị thương cạnh một đầm sen ở mặt trận phía Nam, chuyện đêm trăng ấy ông gặp một nàng Tiên và nàng đã cứu ông như thế nào. Câu chuyện hấp dẫn cô gái tới mức, cô cứ bắt ông phải mô tả tường tận xem hình dáng nàng Tiên như thế nào, có giống người trần hay không, nàng có mặc quần áo mốt Hàn quốc không, tóc nàng nhuộm màu nâu hay màu vàng, nàng dùng điện thoại nokia hay samsung, móng chân móng tay có sơn dầu bóng không? Ông vui vẻ kiên nhẫn giải đáp từng câu hỏi của cô gái và mô tả rằng, nàng Tiên ông gặp đêm ấy khoác chiếc áo mỏng của sương đêm trong suốt, nàng xuống tắm trên đầm sen và không hề biết ông đang bị thương nặng, nằm gục ở ven đầm. Nhìn đôi mắt mù dở của người thương binh như đang thấy lại chút ánh sáng của quãng đời còn lại, cô gái hỏi cho vui: “Thế từ ngày dọn về ở ven đầm sen này, những đêm trăng sáng, chú có ra bờ đầm chờ xem các nàng Tiên xuống tắm hay không?”. “Có chứ! đêm nào tôi chẳng ra, có trăng hay không trăng, tôi đều ra đấy cả”. “Có bao giờ chú gặp lại nàng Tiên của mình không?”. Ông chợt thấy mình bị hụt hẫng nhưng vẫn hy vọng: “Có đấy, dứt khoát là có, nhưng chưa phải là bây giờ, tôi vẫn đang chờ đợi, vì nếu không có nàng Tiên ấy thì tôi đã chết vì mấy vết thương nặng nơi chiến trường rồi, làm gì còn ngày hôm nay”.

 

   Trong lúc hai người ngồi nói chuyện với nhau trong nhà, thằng bé con cô gái chạy ra ngoài đầm sen. Nó mải miết đuổi bắt một con chuồn chuồn kim đang chờn vờn bay lên, đậu xuống rồi lại bay đi trên các đám cỏ. Thằng bé lọ mọ ra đến rìa bờ đầm lúc nào không ai hay. Lúc này, con chuồn chuồn kim mắt xanh biếc như ngọc, đang đậu trên một cọng sen ven bờ đầm nước. Thằng bé đứng trên bờ cố với tay ra, chỉ một chút xíu nữa thôi là nó sẽ tóm được chiếc đuôi bất động của chú chuồn chuồn. Khoảnh khắc ấy, bỗng thằng bé trượt chân, ngã xuống đầm nước, nó không biết bơi và chỉ kịp hét lên mấy tiếng “Mẹ ơi! Ông ơi” rồi quẫy đạp vài cái trước khi chìm ngỉm. Trong nhà, cô gái mải câu chuyện, không nghe thấy tiếng con gọi. Nhưng ông thì nghe thấy, tuy mắt có mờ nhưng tai ông vẫn sáng. Nhìn quanh không thấy đứa bé, biết chuyện chẳng lành, ông lao ngay ra ngoài đầm. Linh tính mách bảo ông chạy về phía ấy. May mà đúng lúc, ra đến nơi, còn thấy bong bóng nước sủi lên. Ông nhảy ào xuống, vớt thằng bé lên, nó đã uống đầy một bụng nước và bùn. Đặt thằng bé lên bờ, ông ấn tay vào ngực và bụng nó làm động tác hô hấp nhân tạo, rồi ghé vào mồm nó hút bùn ra. Một lát sau, thằng bé bắt đầu thoi thóp thở và tỉnh dần. Hai người đưa nó vào nhà, tắm rửa. Ông ủ thằng bé trong tấm chăn vải lính đã sờn bạc. Ông bỗng rùng người khi cảm thấy da thịt thằng bé có một thứ mùi vị đặc biệt giống hệt như mẹ nó. Một thứ mùi thơm tho phảng phất và dìu dịu giống như mùi hương sen se sẽ tỏa lan trên đầm vào giữa đêm khuya khoắt.

3

   Trưa hôm ấy, ba người ăn chung một bữa cơm nóng sốt có cá đầm và ếch cốm do cô gái nấu. Ông hứa với thằng bé ngày mai sẽ dạy nó tập bơi cho thật giỏi rồi mới dạy học chữ. Mẹ thằng bé nhìn ông, cái nhìn chan chứa và hàm ý biết ơn. “Chú trông vẫn còn khỏe mạnh, đầy chất đàn ông thế này mà chú cứ định ở vậy một mình mãi thế này cho đến cuối đời à!”, cô gái hỏi. Ông thở dài, mắt xa xôi hướng ra ngoài đầm sen: “Người chú đầy vết thương, mắt mù dở thế này, còn ai muốn lấy. Tuổi chú cũng đã nhiều, chẳng thiết tha gì nữa. Với lại, chú cứ bị ám ảnh bởi hình bóng của nàng Tiên đã cứu chú cách đây mấy chục năm. Ước mơ duy nhất của chú, bao giờ mắt lành khỏi hẳn được như người bình thường, chú sẽ trở về thăm vùng chiến trường xưa, để được thức trắng đêm bên đầm sen ấy, xem có may mắn gặp lại được người xưa không?”. Giọng nói của ông bỗng trở nên bí ẩn và xa lạ. Hai mẹ con thằng bé xin phép ông ra về. Ông đưa cho họ một bó gương sen và hoa sen vừa mới hái dưới đầm lên và âu yếm nói với thằng bé: “Ngày mai, cháu xin phép bà và mẹ sang đây chơi, hai ông cháu mình sẽ đi câu ếch, ông sẽ dạy cho cháu cách bơi lặn của một con rái cá để cháu không bao giờ phải sợ sông nước nữa, nghe không!”.

 

    Đêm hôm ấy, trăng lại sáng như bao đêm trước. Ông mang cút rượu và gói hạt sen ra ven đầm, rải chiếu ngồi đến tận quá nửa đêm. Từ ngày mắt sáng lại đôi chút, ông mới có được cái thú thưởng ngoạn trăng vào những đêm thư thái kiểu này. Gió từ bên kia đầm như thổi bạt ánh trăng đêm sang phía bên này đầm. Ông ngồi đấy cô đơn như một tảng đá câm lặng. Bất chợt, ông rùng người và hoảng hốt khi nhận ra một mùi vị khang khác đang hòa lẫn vào hương thơm của sen tươi từ dưới đầm phảng phất đưa lên. Cái mùi hương đặc biệt này, ông đã từng gặp cách đây mấy chục năm, bên một đầm sen ở mặt trận phía Nam, khi ông bị thương trong một trận càn. Sau bao nhiêu năm trở về quê, ông cứ chờ đợi mãi trong vô vọng cái mùi hương cứu rỗi ấy. Và, đêm nay, sau bao đêm đợi chờ mòn mỏi, cái mùi hương ấy bất chợt như đang trở lại với ông. Đánh thức trong ông một thứ tình cảm thật tuyệt vời để ông sống lại cái thời trẻ trai sôi nổi.

   Trong cơn mộng mị mơ hồ đó, ông mở căng mắt ra nhìn. Ông chợt thấy, hình như có một người con gái đang khỏa thân tắm dưới đầm sen. Ông nhắm mắt lại và nhớ. Trong cuộc đời, đây là lần thứ hai, ông được nhìn thấy một người con gái tắm đêm trên đầm sen. Lần trước, ở một đầm sen ngoài mặt trận, còn lần này, ở ngay đầm sen giữa quê hương. Ông không tin vào mắt mình nữa, người con gái ấy như vừa bước ra từ những đóa sen trên đầm. Người nàng tỏa ra một mùi hương tinh khiết và trong lành của sen. Các cụ già trong làng ông thường kể cho con cháu nghe câu chuyện về mấy nàng Tiên trên thượng giới, thi thoảng nhớ trần gian, nửa đêm về tắm ngoài đầm sen làng mình. Các cụ bảo, thằng nào nhìn trộm Tiên tắm sẽ bị mù mắt, còn khi tắm xong, các nàng Tiên bay về giời, mùi Tiên còn sót lại trên đầm, thằng nào ngửi thấy sẽ lẩn thẩn biến thành một kẻ thích lảm nhảm thơ thẩn suốt ngày. Câu chuyện cổ tích ông nghe hồi còn bé, giờ đây lại như hiện ra trước mắt ông, không thể nào tin được.

  Trong mùi hương sen mỗi lúc một ngào ngạt thơm, ông thấy trước mặt mình, một người con gái đang chập chờn, nhón gót đi trên những búp sen vừa hé nở để cho hương sen thấm đẫm vào da thịt nàng. Ông hoảng sợ khi thấy mình rơi vào một trạng thái mộng mị không sao thoát ra được. Không hiểu cô gái ấy là người hay là Tiên, ông tự hỏi !? Mỗi lúc nàng một tiến đến gần ông. Dưới trăng đêm, mái tóc nàng rủ xuống đôi vai trần như một chiếc khăn choàng mỏng, ấm và mềm. Thân hình nàng giống một chiếc bình hoa sen đang vươn lên dưới trăng, thon thả và quyến rũ. Chiếc bình sen ấy đang thở. Hởi thở đắm đuối của sen tươi và sương sớm. Nàng như một đám mây kỳ lạ đang từ từ vây bọc lấy ông trong vòng tay nồng ấm của tình yêu. Làn da thơm mịn của nàng như màu phấn sen phủ lên người ông, khiến ông ngây ngất trong một cảm giác được dâng hiến trong tuyệt vọng…

 

   Lần thứ hai trong đời, ông biết thế nào là mùi vị của tình yêu. Nhưng lần này, sau những khoảnh khắc đắm đuối ấy, không hiểu vì sao, ông lại chợt mơ hồ nhận ra trong mùi hương của nàng Tiên đêm nay, có mùi vị da thịt của đứa bé vừa cùng mẹ nó đến chơi nhà ông sáng hôm nay. Khi nghĩ đến đấy, ông chợt tỉnh lại sau cơn mộng mị và không thấy gì nữa. Dưới đầm sen, vầng trăng đêm như một chiếc thuyền mỏng mảnh đang trôi dần, trôi lặng lẽ vào đáy đêm xa vô tận. Nàng Tiên đêm nay đã dời đi trên con thuyền trăng mộng du ấy rồi sao? Hay nàng đang thiếp ngủ trong đóa sen còn tươi mọng những hạt sương khuya vừa đọng xuống? Những câu hỏi không lời đáp cứ văng vẳng bên tai ông. Bất chợt, mấy câu thơ vọng lại trong đầu ông như mấy câu hát:

 

Dáng em tươi như một đóa sen nằm

Đóa sen ngủ, mắt sen, sương đọng lại

Anh đi tìm một mùa sen thức dậy

Khi chạm vào sen, em đã thành hương

Em dịu dàng, em bí ẩn cô đơn

Anh dữ dội, anh hồn nhiên khao khát

Khi sen đã nở rồi mà anh chưa đến được

Thì sen vẫn ngoài đầm thao thức một mùi hương

Khi sen nở vào anh trong vắt một mùa sương

Anh mở hồn anh thấm từng giọt mật

Cánh sen nở rồi, mật sen còn thức

Sen cho anh đôi cánh để bay…

                                              

2011

Theo Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66076223

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July