Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 25/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Ký sự nhân vật Chuyện về vị tướng tình báo trọn đời sinh tử với Khu 5 (Kỳ 1) Ký sự nhân vật Chuyện về vị tướng tình báo trọn đời sinh tử với Khu 5 (Kỳ 1) , Người xứ Nghệ Kiev
 

 Kỳ 1: Quê hương và đồng đội

QĐND - Miền Trung, trong một ngày mưa dầm và gió quất, tại thành phố Đà Nẵng, tôi tìm đến thăm ông, Thiếu tướng Trần Tiến Cung, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục II (Bộ Quốc phòng). Trong gian nhà nhỏ đơn sơ, vị tướng 82 tuổi với nụ cười đôn hậu, hiền từ vẫn vô cùng minh mẫn và hào sảng khi kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời ông gắn liền với mảnh đất Liên khu V. Đó không chỉ là dải đất miền Trung nắng gió nơi ông sinh ra, lớn lên, chiến đấu và trưởng thành mà ông gọi đó là mối nghĩa tình mang tên: Quê hương và đồng đội.

Tuổi thơ bên núi Ấn, sông Trà…

Em có về Quảng Ngãi với anh không?

Khi mùa xuân còn ngập ngừng ngoài ngõ

Đất miền Trung đã qua mùa mưa gió

Nụ hoa vàng xòe nắng sóng bên sông…

Bằng giọng đọc trầm ấm, truyền cảm, Thiếu tướng Trần Tiến Cung đọc cho tôi nghe những câu thơ tha thiết về mảnh đất Quảng Ngãi quê hương ông qua bài thơ của tác giả Vũ Thụy Nhung. Tâm hồn vị tướng tình báo đã qua tuổi bát tuần vẫn còn đầy nhiệt huyết và tình yêu với xứ sở của núi Ấn, sông Trà như câu ca dao “Bao giờ núi Ấn hết tranh, sông Trà hết nước, anh đành xa em”. Ông kể: “Tôi sinh năm 1928, tức là năm Mậu Thìn nhưng ba tôi làm giấy khai sinh là năm 1929. Ba tôi có cách suy nghĩ rất lạ là không cần nhớ ngày sinh tháng đẻ của con mà cứ chọn một ngày nào đó để làm khai sinh. Vì vậy lý lịch của tôi ghi là tôi sinh ngày 14-7, trùng với Quốc khánh nước Pháp”… Tướng Cung bồi hồi tâm sự, cả thời trai trẻ mải mê đi theo cách mạng, đến khi tuổi già mới có điều kiện ngẫm nghĩ về quê hương thân thuộc, ông lại thấy nhớ thật nhiều… Nơi ông sinh là thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, mảnh đất hòa hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ghềnh thác cùng nhiều di tích, kiến trúc cổ như di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, chùa Thiên Ấn, thành cổ Châu Sa, chứng tích Sơn Mỹ, địa đạo Đám Toái…

Đại đội trưởng Trinh sát của Liên khu 5 Trần Tiến Cung sau chiến thắng Đắc Pơ 1954. Ảnh tư liệu.

Làng quê ông xưa kia được mệnh danh là “Thương cảng Thu Xà”, vùng đất nằm ở hạ lưu sông Vệ, có cồn cát che chắn nên tàu thuyền neo đậu rất an toàn. Thêm vào đó, người Hoa đã đào một con kênh nối liền sông Vệ với sông Võ Hồi giúp cho ghe thuyền đi lại, buôn bán dễ dàng, tạo nên “Thương cảng Thu Xà” sầm uất. Bây giờ sinh sống ở thành phố Đà Nẵng, cách quê cũ ngót 200km nhưng ông vẫn nhớ như in những nét văn hóa đậm đà để kể lại cho con cháu nghe. Món cơm gà, nem chả, bánh quai vạc, thịt bò khô… hay những phong tục ngày Tết, ngày rằm… đều đã theo ông đi hết cuộc đời. Cũng như mọi miền quê Việt Nam khác, người dân quê ông cần cù lao động và kiên trung bảo vệ quê hương, đất nước…

Bước ngoặt cuộc đời

Cậu bé Trần Tiến Cung sinh ra trong một gia đình có tới 11 anh em, ba cậu từng tham gia khởi nghĩa năm 1945 và giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Việt Minh, Chủ tịch Liên Việt, Ủy viên Mặt trận Liên Việt của huyện, Bí thư tổ chức thân hào huyện… Cho đến bây giờ, ông vẫn không thể quên buổi chiều 12-8-1945 (một ngày trước cuộc khởi nghĩa ở Quảng Ngãi), khi đồng chí Trần Cẩm Phiêu, Bí thư chi bộ xã Nghĩa Hòa gọi ông lên và nói: “Bây giờ chú giao nhiệm vụ cho con. Ngày mai ta tổ chức biểu tình, cướp chính quyền. Chiều tối nay con đi triệu tập mấy đứa thiếu niên lại. Sáng mai tập hợp đội thiếu niên tham gia biểu tình”. Ngày hôm sau, chàng trai 17 tuổi Trần Tiến Cung đầy nhiệt huyết đã cầm cờ dẫn đầu đoàn thiếu niên trong đội hình xã đi cướp chính quyền… Từ hôm đó, cuộc đời Trần Tiến Cung đã bước sang một hướng đi khác. Đi theo con đường cách mạng.

Mấy tháng sau, ngày 1-1-1946, anh cùng 3 người bạn xin đi nhập ngũ. Đơn vị đầu tiên anh tham gia là Đại đội Phạm Rồi, Tiểu đoàn Lương Ngọc Quyến, sau đó là Trung đoàn 69 của Bộ tư lệnh Liên khu 5. Trung đoàn trưởng Phạm Kiệt (sau này là Trung tướng) đã điều anh lính trẻ về Tiểu đoàn Hồ Hích với Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thanh và Chính trị viên Đoàn Khuê (sau này là Đại tướng). Đến tháng 2-1974, Bộ tư lệnh Liên khu 5 tăng cường Tiểu đoàn Hồ Hích vào Bình Định để hỗ trợ cho Trung đoàn 94. Khi Trung đoàn 94 đánh đồn Tú Thủy thất bại, chỉ huy Vi Dân cùng nhiều đồng đội hy sinh, chiến sĩ Cung bị thương nặng với một viên đạn làm gãy tay trái, 2 mảnh lựu đạn vào cổ, một mảnh vào tai, đồng thời bị địch bắt. Cuộc đời ông một lần nữa lại đi tới bước ngoặt. Trần Tiến Cung bị đưa về nhà lao An Khê trong một phòng 30 mét vuông chứa mấy chục người và tất cả mọi sinh hoạt tại chỗ. Tại đây, người lính trẻ đã vừa phải lao động khổ sai, vừa điều trị vết thương đồng thời tìm cách trốn trại. Mấy tháng sau, trong một lần lao động tại tiền đồn Eo Gió, lợi dụng địch sơ hở, Trần Tiến Cung cùng người bạn tù đã trốn thoát để trở về với cách mạng. Điều đáng nhớ là khi Cung trở về nhà trong đêm và gọi cửa, người thân đã dậy thắp nhang khấn vái vì nghĩ vong anh về bởi trước đó gia đình đã nhận được giấy báo tử...

Chiến đấu và trưởng thành

Tháng 7-1948, Tư lệnh Liên khu 5 Cao Văn Khánh cử chiến sĩ Trần Tiến Cung đi học lớp quân chính trung đội, rồi học lớp đào tạo cán bộ trinh sát. Trong thời gian này anh đã được kết nạp Đảng và chuyển Đảng chính thức. Ra trường, anh về làm Phó tiểu ban Trinh sát của Trung đoàn 210 (trung đoàn chủ lực đầu tiên của Liên khu 5). Thời gian sau anh được cử tiếp làm Đại đội trưởng Trinh sát rồi Trưởng ban 2 (nắm tình hình địch ở chiến trường) của liên khu. Một trong những trận đánh Trần Tiến Cung nhớ nhất là trận Đắc Pơ. Tháng 6-1954, do lo ngại nguy cơ bị bao vây như ở Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy Pháp quyết định bỏ căn cứ An Khê rút về Plei-cu cách đó 80km. Trung đoàn 96 của ta do đồng chí Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà-sau này là Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu 7) chỉ huy với vũ khí thô sơ đã đánh bại một binh đoàn thiện chiến của Pháp với vũ khí trang bị hiện đại. Chiến thắng Đắc Pơ đã thể hiện tài thao lược của Tư lệnh Liên khu 5 Nguyễn Chánh. Niềm vui còn nhân lên nhiều lần với Trần Tiến Cung khi người con gái nơi quê nhà đang mong ngóng anh về kết tóc xe tơ. Lấy vợ xong, anh được nghỉ 7 ngày rồi lại quay trở lại phụ trách Ban 2 của Ủy ban Hiệp định đình chiến. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, Trung ương Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương đã triệu tập đồng chí Nguyễn Đôn, Phó tư lệnh Liên khu 5 và đồng chí Lê Câu, Trưởng ban Tình báo Khu vực phi quân sự ra miền Bắc để giao nhiệm vụ. Khi trở về đồng chí Lê Câu đã cử ông ra Bắc tập kết.

Cán bộ chỉ huy trong Đại đội Trinh sát Liên khu 5 năm 1954. Ảnh tư liệu.

Một ngày tháng 5-1955, con tàu Kin-lin-ski của Ba Lan rú hồi còi tạm biệt miền Nam đưa Trần Tiến Cung và đồng đội ra Bắc. Vị tướng già nhớ lại: “Khi đó chúng tôi đứng trên boong tàu, người ngồi trong buồng thì thò đầu ra, tất cả giơ tay tạm biệt người thân đều đưa ký hiệu 2 ngón tay hình chữ V, như một lời hẹn 2 năm sau trở về…”. Sau thời gian ngắn ở Thanh Hóa, Trần Tiến Cung được đưa về làm Trợ lý Ban Trinh sát và Quân báo của Sư đoàn 324 đóng tại Nghệ An do đồng chí Giáp Văn Cương làm Sư trưởng (sau này là Đô đốc-Tư lệnh Quân chủng Hải quân). Năm 1960, anh được phong quân hàm Đại úy trước niên hạn, làm trợ lý tác chiến của Sư đoàn. Một thời gian sau ổn định, anh mới tìm cách bắt liên lạc với vợ và được biết cô ấy đang dạy học tại một trường học của Hải Phòng. Sau khi thu xếp công việc, anh lên đường ra Hải Phòng, vợ chồng gặp nhau, nước mắt mừng tủi cứ lăn dài mãi… Nặng lòng với miền Nam và xứ Quảng ruột thịt, sau khi vợ sinh đôi hai người con trai, anh đã lần lượt đặt tên là Trần Hòa Phong (ghép của tên xã Nghĩa Hòa quê anh và Hành Phong quê vợ). Cậu con trai kia thì đặt tên là Trần Hòa Phú để nhớ về thôn Tình Phú, nơi bắt đầu tình yêu của hai vợ chồng…

Cuối năm 1960, Trần Tiến Cung 31 tuổi, được điều về công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đích thân Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đã trao quyết định công tác nhiệm vụ Phó phòng Điều tra thẩm cứu với lời dặn dò: “Đây là phòng đặc biệt, trực tiếp Viện trưởng quản lý, chức danh và nhiệm vụ đều khó vì vậy anh phải học hỏi, lắng nghe đồng thời chững chạc, điềm đạm và nghiêm túc…”. Cuối năm 1962, sau khi kết thúc lớp học cao cấp tư pháp, một lần nữa Trần Tiến Cung lại nhận nhiệm vụ mới: Thư ký riêng cho đồng chí Hoàng Quốc Việt. Thời gian này, chính là lúc ông học hỏi được rất nhiều điều từ người cán bộ lãnh đạo mẫu mực như trình độ chuyên môn, lý luận nghiệp vụ, đạo đức, lối sống… Điều làm ông vô cùng cảm động là đồng chí Hoàng Quốc Việt biết hoàn cảnh gia đình vợ chồng xa nhau, lại đang có hai con nhỏ nên đã đề nghị và sắp xếp đưa vợ ông lên công tác tại thị xã Hà Đông.

Do yêu cầu của tình hình, năm 1965, Bộ Quốc phòng và Ban Tổ chức Trung ương đã đề nghị đưa Trần Tiến Cung trở lại làm nhiệm vụ tình báo tại chiến trường miền Nam. Tướng Cung hồi tưởng: “Ngay sau khi nghe đồng chí Hoàng Quốc Việt thông báo, tôi bặm môi không nói nhưng giây thần kinh trong cổ giật lên. Tôi cũng chỉ là một người bình thường nên suy nghĩ cũng bình thường. Cuộc sống đang hạnh phúc, gần vợ con, công việc tốt, vậy mà... Nhưng rồi cuộc đấu tranh tư tưởng cũng ngã ngũ vì đây là nhiệm vụ của tổ chức phân công và cũng vì tấm lòng còn nặng với miền Nam nên tôi đã quyết tâm trở lại. Cuối năm đó, tôi vào làm Cụm trưởng Cụm tình báo H32, cơ quan chỉ huy đóng tại Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam”.

----------------

(còn nữa)

Hoàng Trường Giang


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66074958

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July