Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 05/05/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn Thơ Sưu Tầm >
  Nhà giàn trên thềm lục địa – Bài 3: Chuyện hai cha con người chỉ huy những pháo đài thép trên biển Đông - Bài và ảnh: Đoàn Hoài Trung Nhà giàn trên thềm lục địa – Bài 3: Chuyện hai cha con người chỉ huy những pháo đài thép trên biển Đông - Bài và ảnh: Đoàn Hoài Trung , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

VanVN.Net - Trước khi đến Đoàn Hải quân M71, tôi vẫn chưa hiểu rõ cụm từ nhà giàn DK1, cứ ngỡ đó là cụm nhà giàn dầu khí. Buổi gặp mặt thân mật với Đại tá Lương Việt Hùng, Đoàn trưởng đoàn M71 đã giúp tôi giúp tôi hiểu rõ về nhà giàn DK-1. Dáng người nhỏ bé, nói năng nhẹ nhàng, tác phong cở mở, không ai nghĩ anh Hùng là “con cá kình” đầu đàn của khu vực biển phía Nam.

Nhà giàn DK1 – Nơi đầu sóng ngọn gió

Bằng giọng đậm chất xứ Nghệ anh Hùng nói: “Ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị về việc xây dựng cụm Kinh tế-Khoa học-Dịch vụ tại khu đá ngầm thuộc đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, nay là tỉnh Bìa Rịa-Vũng Tàu. Chỉ một tháng sau, anh Nguyễn Văn Nam, chỉ huy trưởng DK1 đã cùng cán bộ, công nhân ra bãi đá cạn Phúc Tần tiếp thu nhà giàn đầu tiên do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng. Ngày ấy sàn nhà chỉ rộng vài chục m2, được dựng sẵn trên các bông tông (xà lan), dưới bông tông có khoang chứa nước ngọt và dầu, bông tông được kéo ra bãi đá cạn và đánh chìm xuống. Thế là một nhà giàn được mọc lên giữa biển khơi, không có cả cầu thang lên (anh em thường gọi đó là nhà chòi). Buổi ban đầu gian nan vô cùng, không có rau xanh, không có thực phẩm tươi, chỉ có đồ hộp, rau khô ăn quanh năm. Khổ nhất là thiếu nước ngọt, anh em cả tuần chẳng dám tắm, phải để giành nước ăn, uống. Trạm thường xuyên phải “đối mặt” với sóng cấp 7 cấp 8 đánh cho nhà giàn nghiêng ngả, đặt sự sống và cái chết của những người lính gác trạm chỉ cách nhau gang tấc.

Hai cha con đại tá Lương Mẫn - Lương Việt Hùng

Hổ phụ sinh hổ tử

Đại tá Lương Việt Hùng không kể về bản thân mình, mà anh nhắc nhiều đến người cha, đại tá Lương Mẫn đã từng chỉ huy Đoàn M71 trong những năm đánh Mỹ. Mới đây, tôi đã tìm tới thăm Đại tá Lương Mẫn và bị cuốn hút bởi những chuyện chiến đấu của ông. Đại tá Lương Mẫn năm nay đã 80 tuổi. Quê ông ở xã Sơn Bằng, huyện Lạng Sơn, Hà Tĩnh, một vùng quê nghèo, quanh năm ngập lụt. Mỗi khi đến mùa mưa thì các con đường làng thành các con sông, con suối. Có lẽ nhờ sống trong môi trường đó, mà sau này Lương Mẫn đã trở thành tay bơi cừ khôi của lực lượng Hải quân. Bố mẹ ông làm ruộng, nhưng rất mong con học được cái chữ để sau này thoát khỏi kiếp nghèo đói. Ông được học chữ Hán, chữ Quốc ngữ, được các thầy khen là trò sáng dạ. Mùa thu năm 1945, chính quyền về tay cách mạng, chàng thanh niên Lương Mẫn mới 17 tuổi đã tích cực tham gia phong trào Thanh niên Cứu quốc. Đến năm 1947, ông được làm thư ký cho ủy ban xã. Đầu năm 1948, trung đoàn chủ lực số 9 về tuyển quân. Sau 3 tháng huấn luyện, Lương Mẫn được bổ sung về đại đội 51 tiểu đoàn 302, trung đoàn 95 (Còn có tên là trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật) hoạt động tại khu vực Quảng Trị. Thấy ông biết chữ, đơn vị cử ông làm quản lý để theo dõi việc bếp núc, kho tàng. Năng khiếu chỉ huy của ông bộc lộ trong một tình huống đặc biệt. Ấy là vào đầu năm 1949, lực lượng trung đoàn 95 rời chiến khu Hải Đạo, Quảng Trị xuống đồng bằng hoạt động. Không ngờ, giặc Pháp cho quân nhảy dù xuống chiến khu của ta hòng tìm diệt trung đoàn 95. Ở lại chiến khu lúc đó có khoảng 30 chiến sĩ là cấp dưỡng, hậu cần. Lương Mẫn đã tập hợp anh em lại bàn cách đối phó. Ông chia lực lượng ra làm 10 tổ, mỗi tổ 3 người và tác chiến các mũi khác nhau. Là quản lý, nên ông đánh liều mở kho súng cấp mỗi chiến sĩ một khẩu và một ít đạn. Ông nói với anh em: “Để chắc thắng, ba anh em cùng ngắm vào một thằng giặc mà bắn. Bắn xong thì bỏ chạy ngay vào rừng. Cứ chiến đấu xong một ngày, đến chiều tối về cây cao nhất trong rừng để tập trung, xem ai còn ai mất”. Phương pháp đánh của ông ai dè có hiệu quả, nhiều tên địch bị tiêu diệt mà bên ta không hề bị thương một người nào. Kẻ địch hoang mang, không dám tiến sâu vào rừng rậm, lại thêm một số tên giặc đói quá đào sắn ăn bị say sắn lại tưởng bị sốt rét, uống thuốc ký ninh dẫn đến tử vong. Hơn một tuần không tìm kiếm được quân ta, địch phải rút lui. Lúc đơn vị trở về hậu cứ, ông Lương Mẫn sợ bị kỷ luật về việc lấy súng trong kho ra khi chưa có lệnh chỉ huy, ai dè khi biết chuyện, chính ủy Trung đoàn Trần Qúi Hai còn khen ngợi và phong ông lên trung đội trưởng cho ra mặt trận chiến đấu. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, ông Lương Mẫn đã được đề bạt đại đội trưởng với nhiều chiến công xuất sắc. Chuyện ông được về Hải quân cũng thật tình cờ. Ấy là khoảng tháng 8-1954, trong cuộc tập bơi trên sông Đồng Hới, Lương Mẫn đã lặn một hơi từ bờ bên này sang bờ bên kia, trước sự kinh ngạc của mọi người. Được chọn về Hải quân, Lương Mẫn đi học bổ túc văn hóa ở Kiến An một thời gian sau đó được cử làm đoàn trưởng, phụ trách 120 chiến sĩ Hải quân đi học ở Trung Quốc. Tháng 10-1959, ông trở thành tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 130, đóng tại Vạn Hòa-Quảng Ninh. Cuộc đời chiến trận của Đại tá Lương Mẫn đáng nhớ nhất là thời kỳ ông về làm đoàn phó Đoàn đặc công Hải quân 126 từ năm 1966 đến năm 1973. Thời gian này, đế quốc Mỹ đang huênh hoanh với hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra bất khả xâm phạm. Đoàn phó Lương Mẫn, đội trưởng Mai Năng và Chính Trị viên Hồ Đắc Tư phụ trách lực lượng đi đánh tàu phải qua nhiều ngày hành quân, vượt sông Bến Hải đến thôn An Trung cách cảng Cửa Việt chừng nửa cây số. Các anh lấy dầu luyn bôi lên người, lăn vào bãi cát cho cát dính vào để ngụy trang trước các máy bay trinh sát của địch. Ngày 31 tháng 3, tổ đánh chiếm tàu Nam Triều Tiên đang nạo vét nơi cửa sông. Hai đồng chí Đỗ Khắc và Nguyễn Văn Kiểm được lệch xuống nước, mang theo mìn nam châm nặng 6,8 kg. Bằng kỹ thuật đã được huấn luyện, hai người giữ đúng cự li, nhẹ nhàng đẩy mìn tiến về phía mục tiêu. Các anh vòng ra xa, tiếp cận tàu địch từ phía biển vào. Trên tàu, lính gác vẫn đi lại. Từ phía bờ Nam, đèn pha chiếu xuống sáng trắng. Chờ tên lính bước khuất, hai chiến sĩ Khắc và Kiểm nhanh nhẹn tiến sát tàu. Họ làm động tác áp mìn vào thành tàu, hẹn giờ, kiểm tra lần cuối rồi nhanh chóng rút lui. Nửa tiếng sau một tiếng nổ lớn phát ra, kế đó là một cột lửa, chiếc tàu bốc cháy. Khu vực cảng Cửa Việt náo loạn. Trên trời máy bay L19 quần lượn, bắn pháo sáng. Dưới nước tàu chiến, xe lội nước M113 chạy nhốn nháo. Nhưng chúng không tìm bắt được các chiến sĩ đặc công nước. Nhớ lại trận đánh ấy, ông Lương Mẫn nói với tôi: “Đây là trận đánh trực tiếp đầu tiên nên có ý nghĩa quan trọng. Thắng lợi đã củng cố niềm tin, cổ vũ cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Những lời huênh hoang của kẻ địch về hàng rào bất khả xâm phạm đã không còn làm ai sợ nữa”. Ngay sau đó vào ngày 8-5, ông lại tiếp tục dẫn một đội đi đánh chìm chiếc tàu cuốc của địch dài 71m, rộng 12 m. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đoàn phó Lương Mẫn đã góp phần không nhỏ vào chiến công của Đoàn đặc công Hải quân 126, đánh chìm, đánh hỏng hơn 300 tàu vận tải quân sự, tàu chiến và nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Tháng 4 năm 1974, ông được điều về chỉ huy Đoàn hải quân M71. Một vinh dự làm ông nhớ mãi, đó là vào ngày 7 tháng 6 năm 1974, Chủ tịch Tôn Đức Thắng về thăm bộ đội Hải quân tại cảng Hạ Long. Cùng đi với bác Tôn có đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tàu 181 đoàn M71 được vinh dự đưa bác Tôn và đoàn đại biểu đi thăm biển. Bác Tôn đã ngợi khen tàu 181 cố gắng phát huy danh hiệu vẻ vang “Pháo đài thép trên sông Lam”. Ông Lương Mẫn còn nhớ mãi lời Bác Tôn dặn: “Phải luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giỏi, dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ”. Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975, ông Lương Mẫn bám theo đoàn quân giải phóng, tham gia tích cực vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tháng  10 năm 1975, ông được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh vùng 3 Hải quân, tháng 10-1976 là Tư lệnh vùng 2, rồi Tư lệnh vùng 3 hải quân. Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân Liên xô về, tháng 10 năm 1984 ông được cử làm chuyên gia Hải quân bên Campuchia và đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng lực lượng Hải quân cho nước bạn.


Đại tá Lương Việt Hùng (người đứng)

“Đại tá con” tiếp bước “Đại tá cha”

Trong câu chuyện với đại tá Lương Mẫn, tôi còn được nghe bà Phạm Thị Thanh, vợ ông, tâm sự:

- Ông ni gan trời, hẹn hò xong đi biệt, suốt 7 năm ròng chẳng có tin tức gì. Lúc nớ, tui trẻ đẹp nhất làng, nhiều chàng trai theo đuổi mà đâu có dám thay lòng đổi dạ, vì tin là ông ấy sẽ về, hơn nữa trước ngày ông ra đi, ông dặn với Ủy ban xã rằng tui là của ông ấy rồi, không được cho ai tán tỉnh. Ngày ông ấy về, cưới được mấy bữa, đã xách ba lô đi biền biệt. Đến nỗi tui sinh con đầu, người ta cứ bảo không phải con của ông nớ. Làm tôi khổ sở với bà con trong làng. Mãi gần hai năm sau ông mới về cải chính cho tui. Muốn có thằng Hùng là tui phải mò lên đơn vị ông ở Bãi Cháy ở mấy ngày đó. Thành ra nó cũng ảnh hưởng cái gan trời của ông nhà tui. Thằng em nó giờ cũng thế, cứ đòi đi Hải quân, bây giờ trung úy cảnh sát biển, hơn ba chục tuổi đầu mà chưa chịu lập gia đình.

Ông Mẫn cười xòa:

- Chao ơi, thời nớ đâu như bây giờ, mọi việc của anh lính đều phải bí mật. Tôi đi Trung Quốc học mà hòm thư vẫn cứ để Hà Nội, thư mình gửi bên kia về lại phải qua một bộ phận ở nhà bóc, dán tem lại. Không được phép viết trong thư mình đang ở đâu. Chứ hình ảnh của bà ấy theo tôi trên mọi nẻo đường. Tôi phải cám ơn bà ấy nhiều lắm, hậu phương vững chắc cho bốn đứa con tôi trưởng thành. Tôi chỉ là người định hướng cho các con vào đời. Điều hạnh phúc nhất của tôi là đúng 30 năm sau khi tôi là Đoàn trưởng M71, thì con trai tôi lại tiếp nối trở thành đoàn trưởng, cả hai cha con cùng là đại tá…

Tuổi thơ của đại tá Lương Việt Hùng cũng trong cảnh thiếu thốn như bao thanh niên khác trong thời chiến. Có những lúc nhà hết cả khoai, sắn, mẹ phải chạy sang hàng xóm vay từng đấu gạo về nấu cháo cho các con ăn. Học tinh thần của cha, mấy anh em đều quyết tâm vào đại học. Anh trai đầu Lương Đình Hải đi theo con đường khoa học trở thành tiến sĩ, Phó giáo sư triết học, viện phó Viện Triết của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn. Năm 1981, học xong phổ thông trung học, Lương Việt Hùng đã thi vào Trường Sĩ quan Hải quân. Lúc đầu anh được phân học ngành thông tin, nhưng Hùng đã xin chuyển sang học ngành pháo, tên lửa. Ra trường 1984, sau một thời gian công tác ở vùng 3 hải quân, anh được điều chuyển về đoàn M71 từ tháng 6 năm 1986. Cuộc đời anh gắn liền với Đoàn hải quân anh hùng M71 từ đó đến nay đã hơn 20 năm. Không chỉ là người tích cực trong mọi công việc, mà Lương Việt Hùng còn là người ham học. Anh tranh thủ thời gian rảnh đi học thêm lớp thuyền trưởng quốc gia, năm 1990, được cấp bằng thuyền trưởng của Bộ giao thông vận tải. Anh đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, trưởng ngành hỏa lực tàu HQ11, thuyền trưởng tàu pháo 253, tàu 609, tham mưu phò kiêm trưởng ban huấn luyện M71; lữ phó, Tham mưu trưởng M71. Năm 2005 anh được bổ nhiệm làm Đoàn trưởng M71. Nói về người chỉ huy Đoàn M71, thượng tá Trương Công Thế, Chính ủy đoàn cho biết:

- Trông dáng người vậy, chứ anh Hùng rất nhanh nhẹn, xông xáo, chỉ huy tàu giỏi, am hiểu các loại vũ khí khí tài trên tàu. Điều quan trọng hơn cả là anh biết xây dựng mối đoàn kết trong đơn vị, động viên được cán bộ chiến sĩ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi cách.

 

Đại tá Lương Việt Hùng (người mặc quân phục) bên người thân và bạn bè

Cuộc đời của đại tá Lương Mẫn gắn liền với sự trưởng thành và phát triển của đoàn M71, đơn vị có bề dày thành tích trong chiến đấu từng bắn rơi 78 máy bay Mỹ, bắn chìm 3 tàu biệt kích, bắn cháy 17 tàu chiến, tàu biệt kích của Mỹ-ngụy. Còn ngày nay, người con - đại tá Lương Việt Hùng đang bước tiếp truyền thống của cha, lãnh đạo, xây dựng Đoàn M71 ngày một vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

----------------------------------------------------

(*) Khi bài viết này đăng trên VanVN.net thì ông Lương Mẫn đã ra đi, đoàn M71 có một số đổi thay về biên chế tổ chức, anh Lương Việt Hùng đã về làm Hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật hải quân.

                                Theo Hội nhà Văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 60667907

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July