Người đàn bà ấy thở dài, ngồi trong bóng hoàng hôn đang dần buông xuống. Nỗi buồn cứ ngấm dần trong chị như một thứ men kỳ lạ - không hẳn là say cũng không như là tỉnh - nó lan man như cơn gió se lạnh chiều Đông và nằng nặng tựa áng mây mù trong ngày mưa mùa hạ. Nỗi buồn của sự cô đơn!.
Chị cũng có một mái gia đình như bao người phụ nữ khác, với một ông chồng và đứa con trai đến tuổi trưởng thành. Cái mà chị không giống họ, đó là thần HẠNH PHÚC không mỉm cười với chị.
Chồng chị là người đàn ông nát rượu, lại còn cục cằn, thô lỗ. Chứng nghiện rượu làm cho ông ta trở nên ngày càng hung tợn, có điều gì không vừa ý là sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay lên tấm thân gầy gò, khắc khổ của chị.
Thằng con trai lớn lên trong cái gia đình thường xuyên xảy ra những trận cãi vã, xô xát của cha mẹ, luôn phải chứng kiến cảnh cha nó đánh chửi mẹ nó và đập phá đồ đạc mỗi khi say rượu. Học đến lớp 9, nó bỏ học, bỏ nhà đi bụi, theo đám giang hồ đâm chém, đòi nợ thuê. Rồi nó bị bắt vì tội cố ý giết người - án tù chung thân. Chị, ngoài chịu đựng những trận đòn thù của chồng, còn phải mang thêm gánh nặng thăm nuôi thằng con hàng tháng, với hy vọng nó sẽ cải tạo tốt để được giảm án mà về với chị.
Lão chồng thì thờ ơ, coi đó như là trách nhiệm của chị, ngày ngày vẫn vô tư hạch sách tiền bạc cho nhu cầu của những cơn say..
Chị cứ thế còng lưng dãi dầu mưa nắng cùng mớ ve chai, đồng nát. Hôm nào kha khá, có đồng cho lão uống rượu thì thôi, hôm nào yếu mệt, mua bán không suôn sẻ thì y như rằng bị lão kiếm chuyện - nhẹ thì chửi bới, mắng nhiếc, nặng hơn thì bị giần cho vêu mồm, sứt trán. Chị cũng không biết mình sẽ còn ở trong cái địa ngục đó bao lâu, cho đến một buổi chiều kia....
Vừa dắt cái xe đạp cà - tàng, trên có mấy bao chai nhựa, vỏ lon bia mua được lúc trưa vào nhà, chị giật mình nghe bà Năm hàng xóm hớt hải chạy sang bảo :
-"Cô vào Bệnh viện ngay đi. Ông chồng cô đi nhậu say xỉn thế nào mà bị xe tông nguy kịch lắm, người ta đưa đi cấp cứu rồi.. "
Chị lao vội ra đường vẫy chiếc xe ôm, đến ngay Bệnh viện. Họ đang cấp cứu cho ông ấy. Toàn thân rời rã, nhưng chị không cho phép mình gục ngã lúc này. Bởi lẽ chị biết chỉ có mỗi mình mình lo lắng cho cái người đang thập tử nhất sinh trong kia - dù rằng đó là người đàn ông hằng ngày vẫn đánh đập, hành hạ chị...
Cánh cửa phòng cấp cứu bật mở, vị Bác sĩ bước ra cùng câu nói làm cho chị thoáng bàng hoàng tê tái
-"Thành thật xin lỗi gia đình, nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức... "
Rồi xe Bệnh viện đưa ông ấy về nhà, đám tang diễn ra lặng lẽ, chóng vánh với sự giúp đỡ của lối xóm và chính quyền địa phương.
Sau khi hỏa táng, chị mang gửi tro cốt lên chùa để ông ấy sớm tối nghe kinh mà siêu thoát.
Hôm nay là kỵ cơm trăm ngày ông ấy, chị ngồi nhìn di ảnh, không vui cũng chẳng buồn. Đầu óc cứ miên man nghĩ về cuộc đời mình. Một kiếp người sinh ra dường như để trả những món nợ đời.
Chị không giận con, không giận chồng. Bao lâu nay sống trong đắng cay, khổ sở, chị cho rằng "Số mình nó thế!".
Căn nhà vốn chẳng ấm cúng, bây giờ càng thêm lạnh lẽo, chị đứng dậy thắp cho ông ấy nén nhang, tiện tay rót một chung rượu trắng, thì thầm "Ông về mà uống cữ rượu chiều nghe!".