Hội Đồng Hương Nghệ Tĩnh T-P Kiev trao quà Da cam ở Nam Đàn Hội Đồng Hương Nghệ Tĩnh T-P Kiev trao quà Da cam ở Nam Đàn , Người xứ Nghệ Kiev
Hội ĐH Nghệ Tĩnh Trao quà khuyến học ở Cửa Lò
Dịp gần cuối năm vừa qua, tôi và gia đình anh Nguyễn Văn Long về thăm quê hương. Ngoài việc riêng của gia đình, chúng tôi kết hợp luôn việc trao quà cho các nạn nhân chất độc Da cam và một số trường hợp khó khăn đặc biệt tại Nghệ An, với tổng số tiền là 22,5 triệu VNĐ.
Hiện tại do hoàn cảnh Ucraina gặp muôn vàn gian khó bởi khủng hoảng và nội chiến, khiến cho cuộc sống của bà con kiều bào ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi không dám phát động cả chương trình , mà chỉ kêu gọi tinh thần thiện nguyện của một số anh chị em, được chừng nào tốt chừng đấy, bởi quan trọng là trái tim nhân ái của những người muốn được chia sẻ với các mảnh đời không may mắn.
Đã gần sáu năm qua Hội ĐH Nghệ Tĩnh T-P Kiev và báo Nguoixunghekiev.vn năm nào cũng tổ chức những việc làm tương thân tương ái, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn bất hạnh, ủng hộ các chương trình từ thiện, ủng hộ bão lụt ở quê hương, san sẻ tình thương tới các cháu học sinh nghèo miền tây Xứ Nghệ …
Mỗi lần tổ chức như vậy, do ít khi có điều kiện để về trao trực tiếp nhưng chúng tôi rất may mắn có chị Hoàng Cẩm Thạch. Chị là nhà thơ, nhà giáo hiện sinh sống tại thành phố Vinh, đứng ra làm đại diện cho Hội và Báo đi trao quà và chị đã hoàn thành các công việc thiện nghĩa đó một cách tuyệt vời. Ngoài làm đại diện cho chúng tôi chị còn đứng ra giúp cho các tổ chức hội đoàn khác trong và ngoài nước, làm các chuyến từ thiện cực kỳ đảm bảo đến tay người cần sự giúp đỡ. Ngoài tinh thần trách nhiệm, tấm lòng nhân ái còn cần một cái tâm trong sáng mà như chị nói “Gạo qua Cẩm Thạch đến tay người nhận không rơi đi một hạt…” “Tiếng lành đồn xa” bởi vậy chị đã trở thành một địa chỉ uy tín cho các Hội đoàn tìm đến nhờ cậy…Chị là “Bà Tiên Xứ Nghệ” như các bạn đọc và những mảnh đời không may mắn gọi về chị một cách yêu mến.
Trước khi về nước, chúng tôi cùng chị Cẩm Thạch đã lên kế hoạch, cố gắng giải quyết các công việc gia đình rồi sẽ đi trao quà vào ngày 27/12/2015. Trao trước Tết dương lịch xem như là một chút động viên về tinh thần cho bà con trước thềm năm mới.
Sáng 27/12 tôi từ Quỳnh Lưu bắt xe vào Vinh hẹn anh Nguyễn Văn Long tập trung tại nhà chị Cẩm Thạch. Đi cùng Đoàn có anh Nguyễn Ngọc Thường , PCT Hội hữu nghị VN-Ucraina tỉnh Nghệ An, chị Thân đại diện nghiệp đoàn chợ Ga Vinh, anh Lê Thanh Minh – Bí thư Đoàn TN- Nghi Hải Cửa Lò - địa chỉ nơi trước đó 4 ngày, do tôi và anh Long chưa về được, chị Cẩm Thạch đã thay mặt trao 35 suất quà cho các cháu học sinh vượt khó học giỏi vào ngày 23/12/2015.
Dù đã quen với công việc này hằng năm nhưng chúng tôi trước đây chỉ gián tiếp, bây giờ trực tiếp đi trao tận tay mọi người và những gì chúng tôi thấy, chứng kiến, chỉ có thể nói như từ ngữ giới trẻ bây giờ đó là “Sốc toàn tập” đối với tôi và anh Long. Dẫu biết cuộc sống có nhiều mảnh đời cơ cực và nỗi thống khổ của mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng những gì chúng tôi cảm nhận được qua thực tế này thì sự chịu đựng của những nạn nhân Dioxin thật khủng khiếp.
Trong đời người, ốm đau bệnh tật là không thể tránh khỏi, rồi những tai nạn vẫn thường xuyên gặp phải, thậm chí là cái chết. Đó cũng là những nỗi đau nhưng rồi thời gian sẽ nguôi ngoai, còn nỗi đau nhiễm Dioxin dai dẳng mà tôi gọi là “nỗi đau truyền đời” để lại những di chứng thật nặng nề cho bao nhiêu thế hệ, sống còn khổ hơn chết. Những hoàn cảnh thật thương tâm mà không bút giấy nào tả được, chứng kiến những cảnh này lòng chúng tôi nghẹn đắng, dâng trào bao nỗi xót xa, thương cảm cho những phận đời không may mắn.
Hậu quả của chiến tranh là như vậy, đúng - sai hãy khoan bàn tới, bởi tất cả rồi lịch sử sẽ phán xét. Bao triệu con người đã chết từ hai chiến tuyến hãy khoan bàn tới mà hãy hướng đến gần 5 triệu con người trên dải đất hình chữ S đang đối mặt với những cơn đau truyền đời. Đau thể xác với những con người không lành lặn, đau tinh thần với những bậc cha mẹ từng năm tháng phải nuôi nấng những núm ruột của mình, những hình hài của mình mà chẳng giống con người. Họ dằn vặt mình sao nỗi đau ấy không trút lên bản thân mà con cái họ phải gánh chịu…và họ bất lực trước nghịch cảnh, nhiều người còn lo sợ một ngày nào chết đi trong khi con cái họ vẫn sống thì ai chăm nom chúng…
Tại Nam Đàn và Hưng Nguyên, chúng tôi chỉ đến nhà được một số trường hợp, bởi thời gian không cho phép, còn lại những bà con khác được lựa chọn thì tập trung ở ủy ban huyện để nhận. Mỗi người mỗi bệnh tật một kiểu chẳng ai giống ai nhưng tựu trung đã để lại nỗi ám ảnh xót xa trong lòng tôi và mọi người. Tôi sẽ không diễn tả bằng lời ở đây bởi đã có Video chúng tôi quay lại thể hiện tính chân thực.
Nhận quà ai cũng rưng rưng, không phải bởi giá trị về vật chất mà đây là giá trị về tinh thần, về tình người, về tính nhân văn chứa đựng qua sự thăm hỏi quan tâm của những bà con xa Tổ Quốc, đặc biệt là bà con Xứ Nghệ Kiev đang sinh sống trong vùng điểm nóng thế giới Ucraina. Bà con cảm động bởi sự chia sẻ từ những tấm lòng nhân ái, thứ ngày càng hiếm hoi dần đi trong xã hội hiện đại.
Đi làm từ thiện là được chia sẻ với mọi người lòng thấy vui vui mới phải, không hiểu sao lòng tôi cứ trĩu nặng. Ngẫm nghĩ thấy gia đình mình cũng bị thiệt hại vì chiến tranh, một chú ruột và hai anh trai hy sinh đến nay vẫn chưa biết nằm ở phương nào, anh trai cả trải qua những chiến trường ác liệt nhất đã may mắn trở về với những mảnh đạn còn găm trong người nhưng Dioxin cũng để lại di chứng là cô con gái bị thiểu năng, nhưng bây giờ đi thực tế xã hội thì mới hiểu cuộc sống còn có những gia đình bi đát hơn nhiều. Có những gia đình phải nuôi dưỡng đến ba bốn đứa con tàn tật, thiểu năng, sống vô tri giác….và chẳng biết nuôi đến bao giờ.
Tự dưng tôi lại nghĩ đến những đồng trợ cấp của nhà nước đối với những nạn nhân da cam nhưng hình như chỉ trợ cấp cho những ai là đối tượng từng tham gia trong kháng chiến…dù không nhiều nhưng cũng xem như là sự quan tâm để tri ân và xoa dịu bớt nỗi đau với họ, vậy không biết những trường hợp nhiễm da cam khác có được trợ cấp gì không nhỉ bởi suy cho cùng chiến tranh chả buông tha ai, Mỹ thả chất diệt cỏ đó xuống bao cánh rừng, bao làng mạc thì đâu phải mỗi những người lính hứng chịu?....và tôi cũng lẩn thẩn nghĩ ngợi (ngoài luồng da cam) về điều mà dư luận vẫn quan tâm là liệu nên có chế độ gì đó cho người thân những người lính Việt Nam cộng hòa đã đổ máu xuống trong trận Hải chiến bảo vệ Hoàng Sa hay không nhỉ?
Và ngẫm lại đời mình thấy những gian khổ của mình trải qua chẳng là gì cả so với những nỗi thống khổ mà nạn nhân da cam gánh chịu, so với họ thấy mình hạnh phúc vô cùng, và hy vọng mỗi một người trong cuộc sống này hãy biết thương yêu, biết san sẻ một chút thôi, biết quan tâm đến người khác một chút thôi và khi tình người, lòng nhân ái trở nên thăng hoa thì xã hội trở nên tốt đẹp biết bao.
Đi trao quà xong nhưng những hình hài quặt quẹo, những khuôn mặt thất thần ngu ngơ, những cánh tay chới với vào thinh không và sự đau khổ tột cùng của các bậc cha mẹ cứ bám riết lấy tâm trí chúng tôi trên chặng đường về.
Kiev 04/02/2016
Hồ Sỹ Trúc
Trong dịp trao quà vừa qua tôi xin chân thành cảm ơn đến những tấm lòng vàng thơm thảo từ các anh chị đã ủng hộ, đồng hành cùng chúng tôi làm những việc thiện nghĩa.
Anh chị Trúc Hà, Anh chị Long Thương, Anh chị Thanh Tùng, Anh chị Minh Nhung, Anh chị Ngà Hiệp, Chị Đinh Thị Hà, Anh chị Việt Huệ, Chị Thủy Thanh, Anh chị Thắng Hà, Anh chị Dương Hiền, Anh Bạch Phi Cơ tại Kiev Ucraina.
Chân thành cảm ơn tấm lòng và sự nhiệt tình của “Bà Tiên Xứ Nghệ” Hoàng Cẩm Thạch đã tạo điều kiện tổ chức để chúng tôi hoàn thành buổi trao quà đầy tình nghĩa.
Chân thành cảm ơn Chị Thân, anh Ngọc Thường, anh Thanh Minh đã đồng hành cùng chúng tôi.