Tôi ở quê khi còn tuổi thơ,
Sống cùng với họ- những con người dân dã,
Người nông dân bạn với ruộng vườn,
Người rừng rú cả đời vượt thác,
Người công nhân tôi luyện lò gang,
Người bộ đội sao vàng lấp lánh,
Người làm nghề dạy học trẻ thơ,
Người thúng mủng bán buôn lặt vặt,
Có người quét chợ làng quê,
Có người chuyên làm thuê, bổ củi…
Họ thật thà, cởi mở,
Hiền lành như đất đai.
Họ xấp xỉ tuổi nhau,
Họ chênh nhau tuổi tác,
Song họ rất giống nhau:
Thích trêu đùa bọn trẻ.
Hay kể chuyện , nhát ma,
Đến giờ nghĩ còn sợ.
Họ thường tới Hội quán,
Xem văn nghệ của làng,
Họ rất thích luận bàn,
Chuyện làng trên, xóm dưới.
Thế rồi,
Thời gian như gió thổi ,
Lũ trẻ lớn lên dạt xa làng!
Trăm nghề vì cuộc sống.
Trở về quê vắng bóng người xưa!
Hầu hết họ đã đi đâu cả ?
Làng cũ đổi thay , con đường, lối nhỏ,
Một lớp người mới toanh thay ngôi.
Nhìn kĩ hao hao những người xưa cũ,
Chắc là thế hệ thứ 2, 3?
Như có ai mách bảo,
Tôi cất bước lên đồi
Thắp hương tổ tiên, ông bà, cha mẹ…
Thật bất ngờ, gặp họ ngày xưa ở đây đông đủ!
Lập thành làng “Nghĩa trang Quê Hương” .
Thẳng lối ngay hàng, theo gia đình, họ tộc,
Trật tự tôn ti, trên dưới, trước sau.
Họ thành khối bê tông, mộ chí,
Qua dòng tên khắc mặt đá rêu mờ!
Tôi nhẩm đọc từng tên người quá cố,
Ông Chắt, ông Cu, Bà Hoe, Bà Cháu…
Thấy hiện lên nụ cười, hình bóng thân quen.
Họ thân thiện chuyện trò như những ngày xưa,
Bằng linh cảm, thinh không, ảo ảnh,
Gần gũi lắm và xa xăm lắm!
Họ không phàn nàn về số phận của mình,
Họ không kể chuyện đói nghèo thuở ấy,
Họ chỉ hỏi thăm nghĩa xóm, tình làng,
Như những ngày họ còn ở trần gian.
………………….
Ai muốn có dịp gặp người xưa?
Ai muốn trở về quá khứ?
Về ngược miền cổ tích tuổi thơ?
Cần có tấm lòng da diết quê hương,
Thắp nén tâm nhang thành kính,
Sẽ được người xưa chuyện trò,
Ngay ở nghĩa trang làng mình,
Bên mái đồi quê quen thuộc.
Đỉnh Sơn, 9/12/2013
Trường Hải Lê Văn Đông
|