Nỗi đau từ chất độc màu da cam
Đó là trường hợp của em Trịnh Xuân Nghĩa (SN 1999) trú xóm Nam Lai, xã Phú Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Ngay từ khi sinh ra em đã mắc phải phải chứng bệnh xương thủy tinh khiến cho cơ thể nhỏ bé, tàn tật, không thể đi lại. Thậm chí ngay cả người thân trong gia đình cũng không tinđược em còn có thể sống đến bây giờ.
“Khi tôi mang bầu cả họ đều chúc mừng, thế nhưng không ngờ được cháu sinh ra thân thể dị dạng. Vợ chồng tôi đưa con đi khắp các bệnh viện nhưng không có hiệu quả, bác sỹ nói rằng cháu đã mắc chứng bệnh xương thủy tinh khó có thể cứu chữa. Lúc đó, tôi chỉ có một mong ước là con mình có thể sống được mà thôi”, chị Phan Thị Nhàn (SN 1972, mẹ Nghĩa) chia sẻ.
2 năm Nghĩa nằm viện cũng là thời gian mà số tiền vợ chồng chị Nhàn tích góp được đã được sử dụng cạn kiệt, thế nên dù rất đau đớn nhưng anh chị vẫn phải đưa con về nhà chữa trị. Điều lo lắng nhất của căn bệnh này là xương rất giòn và dễ gãy, chỉ cần không chú ý là Nghĩa có thể trượt ngã dẫn đến gãy xương. Mỗi lần như vậy, gia đình lại phải vượt hơn 100km cả đi lẫn về để đưa em vào Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An bó bột.
Cả 2 anh em Nghĩa đều mắc bệnh xương thủy tinh không thể đi lại được
Gánh nặng kiếm tiền chữa bệnh cho Nghĩa đã khiến vợ chồng chị Nhàn vất vả, suốt ngày làm việc cật lực, thế nhưng cơn bão số phận chưa dừng lại với gia đình đáng thương này. Trong thời gian đó, anh Trịnh Xuân Ngoạn (SN 1973, chồng chị Nhàn) bỗng đổ bệnh và mất sức lao động. Từ đó, mọi gánh nặng đổ lên đôi vai gầy của chị, vừa chăm chồng vừa chăm con, lại phải chạy ngược xuôi đi làm đồng kiếm tiền thuốc thang khiến chị nhiều lúc muốn gục ngã.
“Thời gian anh đổ bệnh, tôi vắt sức ra làm việc cũng không xuể, may nhờ bà con lối xóm thỉnh thoảng chạy sang, nhất là người thân bên nội ngoại chia nhau đến chăm sóc, nếu không thì tôi không biết làm sao qua được giai đoạn khó khăn đó”, rơm rớm nước mắt, chị Nhàn nhớ lại những ngày khổ cực.
Một thời gian sau, khi thấy Nghĩa cứng cáp hơn, anh chị bàn với nhau sinh thêm một người con nữa cho vui cửa vui nhà. Năm 2002, người con gái tên Trịnh Thị Ngân ra đời trong niềm hy vọng của tất cả mọi người. Thế nhưng, một lẫn nữa, anh chị lại bàng hoàng khi nhận tin cháu Ngân cũng bị tật nguyền như người anh. Sau 7 năm, chị Nhàn tiếp tục sinh người con thứ 3, nhưng cháu bé vẫn mắc phải bệnh xương thủy tinh như một “lời nguyền”…
Được biết, cả 3 người con của chị Nhàn đều chịu di chứng chất độc da camtừ ông nội. Bởi vì thế, cả 3 em đều mắc bệnh xương thủy tinh từ khi mới sinh ra.
Theo đó, ông Trịnh Xuân Thí (70 tuổi, ông nội em Nghĩa) là thương binh chống Mỹ hạng 3/4. Sau khi bị thương ở chiến trường Quảng Trị, ông xuất ngũ trở về địa phương. Ông lấy vợ và sinh được 8 người con. Nhưng trong đó, 3 người chịu di chứng của chất độc màu da cam. Anh Ngoạn là con thứ 4, thân hình lành lặn nên ai cũng mừng vì nghĩ rằng anh may mắn không bị nhiễm loại hóa chất này.
Tuy nhiên, năm 2009, khi có đợt khám chất độc màu da cam của tỉnh Nghệ An tổ chức, anh Ngoạn nghi ngờ mình cũng bị nhiễm do sức khỏe thời gian này yếu hẳn nên đã đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, anh cũng là nạn nhân của tai họa này.
Không còn sức để khóc, anh chị đành ngậm ngùi nén nỗi đau để chăm sóc các con. Mọi việc từ ăn uống, đi vệ sinh, tắm giặt hàng ngày các con đều không thể làm được, vì thế anh chị phải lần lượt phân công nhau người ở nhà người đi làm. Vất vả là thế, trong đau đớn của bệnh tật, người con đầu Trịnh Xuân Nghĩa lại khát khao được đến trường học con chữ khiến người làm cha làm mẹ quặn từng khúc ruột...
Thành tích đáng ngưỡng mộ của cậu bé xương thủy tinh
Không thể đi lại được như người bình thường nhưng khi thấy bạn bè cùng trang lứa đi học, Nghĩa cũng ước mong được đến trường. Thương con nhưng chị Nhàn không thể đáp ứng được yêu cầu đó. Chị sợ, khi đến trường, không có ai chăm sóc, Nghĩa bị va chạm mà gãy xương thì chẳng biết kêu ai.
Thế nhưng, không nản chí, Nghĩa nhờ mẹ mượn sách vở về nhà tự học và nhờ ông bà giảng dạy. Không muốn con buồn, chị Nhàn cũng xin vài quyển sách cho cậu con trai tự tìm tòi. Nhưng không ngờ, nhờ chăm chỉ và nỗ lực không ngừng, cậu bé đã đọc thông viết thạo, tự học xong chương trình lớp 1 ở nhà.
Dù chỉ tự học ở nhà nhưng Nghĩa học rất giỏi và trở thành tấm gương cho mọi người về sự cố gắng vượt lên khó khăn
Thấy được ý chí của con, khi Nghĩa 12 tuổi, gia đình đã xin cho cháu vào học lớp 2 tại trường Tiểu học Phú Thành, huyện Yên Thành. Từ đây, Nghĩa đầy sung sướng và hy vọng đến với giấc mơ kiến thức và ra sức cố gắng học tập chăm chỉ. Niềm vui nhìn Nghĩa được đến trường khiến người mẹ ấy nhiều lần trốn xuống bếp mà khóc thầm, bởi chị biết phía trước còn rất nhiều gian nan và thử thách đang chờ con mình.
Việc học đối với Nghĩa là cả một sự cố gắng , nỗ lực lớn. Những khi trái gió trở trời, các khớp xương sưng, viêm lại hành hạ em. Mỗi lúc chơi đùa, nếu không cẩn thận, em có thể bị gãy tay, gãy chân bất cứ lúc nào. Thậm chí, việc ngồi ghế liên tục một buổi học cũng khiến em đau nhức chân tay.
Dù đau ốm nhưng thành tích của Nghĩa trong 3 năm học ở trường lại khiến rất nhiều người nể phục. Cả 3 năm đến trường, em đều đạt học sinh giỏi. Năm học 2012 - 2013, em đạt giải Nhất của trường và giải Ba của huyện cuộc thi giải Toán qua mạng. Với thành tích xuất sắc, Nghĩa trở thành tấm gương về sự cố gắng vươn lên trong khó khăn để học tập tốt, thầy cô đã tin tưởng giao trách nhiệm cho Nghĩa kèm cặp các bạn khác trong lớp.
Những tấm giấy khen là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực của em
Chia sẻ về ước mơ sau này, Nghĩa hào hứng cho biết: “Môn học em thấy mình cần cố gắng nhiều nhất là Tiếng Anh, vì thế em đang tập trung để học tốt hơn nữa. Ngoài ra, em cũng thường xuyên học tập trên máy tính để cập nhật nhiều thông tin hơn. Sau này, em ước mình được như hiệp sĩ công nghệthông tin Nguyễn Công Hùng để kết nối những người khuyết tật với nhau”.
Không riêng em Nghĩa, em Trịnh Thị Ngân vì bệnh tật cũng không thể đi học được, chỉ ở nhà tự học nhưng giờ đây, Ngân cũng đã có thể đọc rõ ràng và viết chữ rất đẹp. “Em Ngân nhà em cũng muốn đi học nhưng do nhà em nghèo, bố mẹ không thể lo được cho cả hai anh em. Nếu như có chiếc xe lăn chắc em gái em sẽ được đi học”, Nghĩa buồn rầu cho biết.
Ông Võ Khắc Điệt, Chủ tịch UBND xã Phú Thành cho biết :"Gia đình chị Phan Thị Nhàn có hoàn cảnh rất khó khăn, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm và thường xuyên tới động viên. Hiện, cả 3 người con của chị Nhàn đã được hưởng các chế độ người tàn tật, tuy nhiên điều đó vẫn chưa thể giúp các cháu có một cuộc sống đầy đủ. Hy vọng các nhà hảo tâm sẽ giúp đỡ gia đình chị và tiếp sức cho các cháu được cắp sách tới trường".
Dừng câu chuyện, chúng tôi chia tay gia đình chị Nhàn ra về mà cứ day dứt mãi về ước mơ được đến trường, được thực hiện ước mơ tưởng chừng giản dị nhưng rất đỗi khó khăn ấy của 2 anh em Nghĩa, Ngân. Mong sao, Ngân cũng sẽ được hỗ trợ, được đến lớp, được có chiếc xe lăn tiện đi lại...
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về: Chị Phan Thị Nhàn (SN 1972) xóm Nam Lai, xã Phú Thành, Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An