Mã số 1797: Cảnh sống lay lắt của 3 đứa trẻ sớm mồ côi cha Mã số 1797: Cảnh sống lay lắt của 3 đứa trẻ sớm mồ côi cha , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí Ngày chị sinh đứa con thứ 3 và từ bệnh viện trở về cũng là lúc nhận hung tin người chồng khi đi đánh cá mưu sinh đã ngã xuống sông và tử vong. Ôm đứa con đỏ hỏn vào lòng chị chỉ biết khóc ngất đi trong nỗi đau quá lớn.
Chúng tôi tìm về gia đình chị Võ Thị Nhung (SN 1986, trú tại thôn Hà Trai, xã Sơn Kim I, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) qua những lời chia sẻ của một người bạn. Gần giữa trưa cái nắng đầu hè của vùng đất khắc nghiệt nơi đây như muốn thiêu đốt đi mọi thứ. Từng đợt gió Lào cuộn tung lớp bụi mù mịt trên con đường quốc lộ 8A tại những vị trí còn thi công dang dở khiến cho cái nóng bức càng thêm ngột ngạt.
Hỏi nhà chị Nhung một người phụ nữ tại đây xót xa: “Nhà chị Nhung thì ai ở đây cũng biết. Nó khổ lắm, chồng mất từ khi đứa con thứ 3 của nó mới được mấy ngày tuổi. Nó lại thường xuyên đau ốm, cũng từ đó nó sống nhờ vào sự cưu mang đùm bọc của bà con hàng xóm láng giềng. Người cho cân gạo, người cho mớ cá, mớ rau … bốn mẹ con nó cứ sống thế qua ngày. Lúc nào đến thăm mẹ con nó tôi cũng chảy cả nước mắt”, nói đoạn người phụ nữ tận tình bỏ lại công việc đang làm dẫn chúng tôi đến nhà chị Nhung như muốn minh chứng cho tất cả lời nói của mình.
Sinh đứa con thứ 3 được hơn 10 ngày thì người chồng mất sau khi ngã xuống sông trong lúc đánh cá để lại cho chị Nhung 3 đứa con thơ dại.
Trong căn nhà tạm bên sườn núi 3 đứa trẻ thơ đang ngồi quanh một bát cơm nguội, chúng thi nhau xúc ăn một cách ngon lành. Đứa lớn mới khoảng 7 tuổi đứa nhỏ nhất khoảng hơn 6 tháng tuổi. Nhìn những gì đang diễn ra trước mắt chúng tôi thực sự không kìm nổi nước mắt.
Thấy khách lạ lũ trẻ tay vẫn giữ lấy bát cơm, đưa đôi mắt thơ ngây thoáng chút sợ hãi nhìn chúng tôi. Mẹ chúng đang ra sông kiếm mớ cá, mò thêm con ốc để cải thiện bữa ăn, và phải để chúng ở nhà với nhau. Đứa lớn 7 tuổi phải thay mẹ chăm sóc các em. Trong khi ở độ tuổi của nó những đứa trẻ khác bố, mẹ còn phải chăm sóc từng chút một.
Mẹ ra sông mò cua, bắt cá 3 đứa trẻ nhỏ ở nhà tự chăm sóc lẫn nhau. Chứng kiến cảnh trên chúng tôi không cầm nổi nước mắt.
Một lúc sau người mẹ trở về trong bộ quần áo cũ đã ướt nhèm, hôm nay chị Nhung may mắn bắt thêm được mớ cá từ con sông gần nhà nên bữa trưa có chúng có thêm món cá để ăn. Nhìn thấy mẹ ánh mắt chúng vui mừng hiện rõ.
Vừa chuẩn bị bữa cơm trưa chị Nhung vừa tâm sự: “Từ ngày chồng em mất cách đây khoảng 6 tháng thì mấy mẹ con em cũng chẳng biết làm cái gì để mà sống, mà tồn tại được nữa. Em thì cũng quanh năm đau ốm, đã có những lúc không thể gắng gượng được nữa em nghĩ quẩn định … nhưng nghĩ chúng còn quá nhỏ có tội tình gì đâu”.
Anh chị đến với nhau cũng trong cảnh nghèo khó chị Võ Thị Nhung và anh Trần Văn Bảng (SN 1981) đều cố gắng làm ăn mong muốn xây dựng gia đình hạnh phúc. Ngày chị Nhung hạ sinh đứa con trai đầu lòng là Trần Thế Anh (SN 2007) cũng từ đó sóng gió bắt đầu ập đến gia đình nhỏ của anh chị.
Băng Di rất ngoan, khi mẹ vắng nhà nó quấn quýt lấy đứa em nhỏ mới hơn 6 tháng tuổi như muốn chăm sóc cho em mình.
Chị Nhung sinh con không được bao lâu thì anh Bảng gặp tai nạn giao thông phải ở nhà điều trị suốt hơn một tháng trời. Bước sang năm 2012, khi chị Nhung tiếp tục sinh đứa con thứ 2 là cháu Trần Băng Di, anh Bảng lại một lần nữa gặp tai nạn. Lần này anh bị thương nặng hơn. Anh một chân bị gãy, xương bả vai cũng không còn lành lặn. Lúc này người mẹ già của anh cũng lâm trọng bệnh và mất sau đó ít ngày.
Cháu Linh Chi con út của chị Nhung mới hơn 6 tháng tuổi. Người mẹ nghèo phải dứt ruột để con ở nhà ra bờ sông mưu sinh, kiếm cái ăn cho chúng.
“Khi đó tôi ôm đứa con còn đỏ hỏn, thằng đầu thì mới chưa được 5 tuổi. Anh ấy phải nằm một chỗ trong nhà, mẹ chồng lại bệnh nặng. Một mình tôi phải gượng dậy chăm sóc cho mẹ và anh. Nhiều lúc nghĩ lại mà nước mắt tôi cứ trào ra. Sau đó không lâu thì mẹ chồng tôi mất”, chị Nhung nghẹn ngào.
Vượt qua những tháng ngày tưởng chừng như bi đát nhất trong cuộc đời của mình. Anh Bảng lúc này dù đã đi lại được nhưng sức khỏe không còn được như trước, anh không thể làm được các công việc nặng nhọc. Cũng sau hai lần sóng gió lâm nạn, càng khiến gia đình nhỏ anh chị lâm vào cảnh khánh kiệt, nợ nần chồng chất lên cả trăm triệu đồng (vay mượn để điều trị cho anh Bảng - PV). Cũng vì thế, cứ vào những ngày cuối năm lúc nào anh, chị cũng nơm nớp lo sợ cảnh người ta đến đòi nợ gia đình mình.
Về đến nhà nhìn thấy đàn con nheo nhóc, người mẹ nghèo chỉ biết lấy thêm cho các con ít cơm nguội để ăn.
“Vợ chồng không mua nổi cho các con bộ quần áo mới, mỗi khi thấy chó sủa ngoài ngõ là lại lo có người đến nhà mình đòi nợ. Ruộng vườn thì không có, đến gạo cũng không đủ mà ăn thì lấy đâu tiền để trả người ta. Nhìn các con mà nước mắt tôi lúc nào cũng chực trào ra”, chị Nhung nhớ lại những thời khắc khó khăn của gia đình.
Rồi lần thứ 3 người vợ nghèo biết mình mang thai. Vì hai lần trước mỗi lúc chị sinh nở gia đình đều gặp chuyện chẳng lành nên dù không nói ra những chị rất lo sợ. Có lẽ linh tính đã mách bảo với chị những điều sắp diễn ra. Lần này do bị vỡ tử cung mất máu nên chị Nhung được gia đình chuyển xuống BVĐK huyện Hương Sơn để sinh. May mắn mắn sau đó chị và đứa trẻ đã an toàn nhưng sức khỏe của chị Nhung rất yếu. Anh Bảng quyết định đặt tên con mình là Trần Linh Chi.
Băng Di rất nhớ bố lúc nào nó cũng hỏi mẹ: "Khi nào bố sẽ về", câu hỏi của đứa con thơ như xé nát lòng người mẹ.
“Vừa mới đặt tên cho con xong thì anh ấy xin các bác sĩ đón mẹ con tôi về nhà vì ở lại bệnh viện ngày nào là tốn tiền chừng đó, trong khi trong nhà không có một cái gì đáng giá. Thế là chồng tôi đưa mẹ con về. Và ngày hôm sau, anh ấy ra con sông gần nhà để thả lưới bắt cá (con sông Ngàn Phố chảy qua gần khu vực sinh sống của gia đình chị Nhung - PV). Lần này anh đã bỏ mạng dưới dòng sông Ngàn Phố mà không về với mẹ con tôi nữa. Lúc đó cháu Linh Chi mới được 12 ngày tuổi, tôi còn chưa ra khỏi nhà. Nghe hàng xóm nói anh ấy mất rồi tôi cũng lịm đi”, chị Nhung khóc nghẹn nhớ lại giây phút định mệnh của gia đình mình gánh chịu.
Bên căn nhà tạm nơi sườn núi chị Nhung cùng các con đang phải sống lay lắt qua ngày.
Cuộc sống của cả gia đình giữa hoàn toàn vào sức lao động của một mình anh Bảng. Giờ anh mất đi để lại cho người vợ nghèo một mình với ba đứa con thơ. Cũng từ sau ngày chồng mất chị Nhung dường như gục ngã, chị không thể làm được bất kỳ việc gì để nuôi các con. Phần vì sức khỏe yếu, phần vì các con còn quá nhỏ.
Đơn trình bày hoàn cảnh của gia đình chị Nhung.
Dù vô cùng lo lắng nhưng chị phải để chúng ở nhà tự chăm sóc lấy nhau mà ra chính con sông đã lấy mạng của chồng mình để mò cua, bắt ốc, kiếm mớ cá con tôm về nuôi các con. Trong căn nhà tạm bốn mẹ con cứ lay lắt sống qua ngày trong cái đói, cái khổ dường như bị đẩy đến tận cùng.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 1797: Chị Võ Thị Nhung, thôn Hà Trai, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh
Số ĐT: 01627.398.135 gặp chị Nhung (hoặc 0989.532.373 gặp chị Mầu dì của các cháu)
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank: Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank: Account Name:Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank: Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122