Hương trong ngày mới phát bệnh.
Và Hương sau hơn 2 năm kể từ khi báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết, mặc dù được độc giả trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ để em được đi bệnh viện chữa trị, thế nhưng căn bệnh quái ác luôn dằn vặt, hành hạ Hương ngày càng tiều tụy thêm. Theo gia đình, thì các bác sỹ cho biết, căn bệnh của Hương không điều trị, chữa khỏi được...
Thêm một lần nữa, người mẹ nghèo không có tiền đưa con đi tiểu phẫu đành tự tay sát trùng và băng bó vết thương cho Hương. Thế nhưng, căn bệnh với Hương nó đang ngày ăn vào cơ thể và đang hoại tử dần dần. Hương là nhân vật trong bài viết “Số phận nghiệt ngã của nữ sinh viên sau tai nạn ngã từ tầng 9” đăng trên báo điện tử Dân trí đúng vào ngày 1/4/2012.
Số phận kém may mắn của nữ sinh giàu nghị lực
Chúng tôi có dịp trở lại thăm Trương Thị Hương vào một ngày đầu tháng 9/2014 giữa tiết trời xứ Nghệ đang giao mùa. Nhiều lần PV Dân trí đã trở lại sau đó kể từ khi báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết về Hương. Cũng chừng đó thời gian, gia đình Hương đã được chính quyền xã, huyện và bạn đọc báo Dân trí quan tâm, ủng hộ giúp đỡ nên có được căn nhà khá khang trang hơn chút đỉnh
Tuy nhiên, số phận nghiệt ngã, căn bệnh dường như không tha thứ cho Hương mà bắt em gánh chịu ngày càng nặng hơn. Lần trở lại này, chúng tôi không khỏi cảm thấy xót xa khi chứng kiến từng phần trên cơ thể Hương đang bị hoại tử đi so với trước rất nhiều.
Được biết, Hương là con út gia đình bà Lê Thị Phượng (xóm 9, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) nghèo khó có 3 anh chị em. Chị gái đầu của Hương bị bệnh thần kinh từ nhỏ, không có khả năng lao động, hiện đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội 202 của địa phương.
Hương trong ngày đại diện PV Dân trí đến thăm trao quà chỉ cách đây chưa đầy 2 năm.
Thế nhưng, giờ đây Hương đau đớn đến nổi em phải khóc suốt ngày và nằm bệt trên giường không thể ngồi xe lăn.
Và công việc đồng áng và gia đình đều dồn hết vào đôi vai của người anh trai thứ 2 là Trương Công Hùng và người mẹ gầy yếu bà Phượng. Sau khi cháu nội chào đời hơn được ba tháng, vợ anh Hùng bị bệnh thiếu mãu não, chỉ cần làm việc hơi quá sức là ngất xỉu.
Anh chị em của Hương lớn lên không có tình cảm thương yêu, đùm bọc, dạy bảo của người cha. Vì gia cảnh nghèo khó, năm 1998 ông Trương Công Hoan (bố của Hương) đã đi làm ăn ở nơi khác, đến nay vẫn chưa có tin tức gì.
Kể từ ngày đó, một mình bà Phượng mang trên đôi vai gầy của mình nuôi 3 đứa con thơ dại. Gánh nặng cuộc đời, gánh nặng gia đình, sớm hôm tần tảo với 5 sào ruộng khoán, chắt chiu hạt lúa củ khoai để, nuôi nấng con cái khôn lớn, trưởng thành. Hiểu được hoàn cảnh gia đình, ngay từ nhỏ Hương là người con hiền lành, chăm ngoan hiếu thảo, có ý thức trong học tập để mai sau giúp đỡ gia đình vượt khổ, khoát nghèo.
Hương ngày chúng tôi đến trao quà vẫn ngồi được trên xe lăn.
Hương đang phải chịu đựng từng cơn đau hành hạ vì vết thương ngày càng mưng mủ, lở loét sâu.
Và kỳ thi đại học năm 2011, Hương đã thi đỗ vào khoa Quản trị kinh doanh của trường ĐH Bình Dương. Thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình, ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học, ngoài giờ lên lớp, tranh thủ thời gian rảnh, Hương đi làm gia sư, rửa bát thuê tại các nhà hàng để kiếm thêm những đồng tiền nhỏ giọt phần nào giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Tuy nhiên, bước sang năm thứ 2, mọi sự chi tiêu trong học tập và sinh hoạt ngày càng nhiều, Hương đành chấp nhận đi xin làm phụ hồ mỗi tuần 2 buổi cho một công trình xây dựng ở gần trường. Nhưng rồi tai họa đã ập đến với Hương quá bất ngờ.
Đó là vào khoảng thời gian giữa tháng 10/2011, trong lúc đang lao động Hương đã bị ngã từ tầng 9 xuống tầng 8 tại một ngôi nhà cao tầng đang thi công. Hương được mọi người kịp thời đưa đi cấp cứu ở bệnh viện đa khoa Bình Dương, sau đó chuyển lên bệnh viện tuyến trên Chợ Rẫy (TP HCM) để chẩn đoán và điều trị.
Tại đây, các bác sỹ đã kết luận em bị gãy xương cột sống, phải chữa trị trong một thời gian dài và tốn khá nhiều tiền của, nếu không sẽ bị tàn phế vĩnh viễn, khả năng đi lại được là rất ít.
Giờ em chỉ nằm một chỗ và nhờ vào mẹ chăm sóc.
Phía dưới mông, một u lớn mọc lên... và Hương phải chịu bao đau đớn.
Trong hoàn cảnh như vậy, gia đình vốn đã nghèo khó, nay lại rơi vào muôn phần túng quẫn, vì thương con, bà Phượng đã phải đi vay mượn anh em, làng xóm, kể cả phải bán lúa non để có tiền cứu chữa cho con, nhưng suốt 1 tháng trời điều trị, vết thương của Hương không hề thuyên giảm mà càng nặng thêm. Cũng từ đó, Hương sống cuộc sống của một người tật nguyền, một chân bị liệt dần, chân còn lại sau một thời gian dài tập luyện đã cử động được. Sinh hoạt hàng ngày đều nhờ đến sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình.
Ngồi trên xe lăn nhìn mẹ vất vả kiếm tiền trả lãi ngân hàng, lòng Hương lại đau như cắt. Hương tâm sự: “Vì Hương mà mẹ đang gánh số nợ hàng trăm triệu đồng. Nhìn mẹ hàng ngày không quản mưa nắng đi mò cua, bắt ốc, đi thu mua sắt vụn để kiếm tiền trả lãi cũng không đủ. Mẹ đã gần 60 tuổi, bị bệnh tim, rồi không may ngã bệnh Hương không biết làm sao. Một mình mẹ sao mà trả nổi số tiền hàng trăm triệu đồng ấy”.
Hằng ngày mẹ Hương phải dùng bông quấn vào đầu chiếc kéo để chọc vào trong lỗ này để rửa mủ, vết thương.
Thế là, mỗi ngày Hương mò mẫm thông tin trên chiếc điện thoại nhỏ xíu, rồi như thấy mình may mắn khi tìm được cho mình một nghề phù hợp đó là thông tin được đăng trên báo điện tử Dân trí có chị Nga nhân vật trong bài viết “Vầng trăng khuyết không thôi tiếng cười” ở xóm 6, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Chị Nga dạy cho những người tàn tật học làm tranh giấy quấn nghệ thuật.
Kể từ ngày đó, Hương nằng nặc xin mẹ cho đi học để sau này giúp mẹ trả nợ và mở lớp dạy giúp đỡ cho các em có số phận kém may mắn như mình tại quê hương Yên Thành. Xin học được 10 ngày thì ở một phần mông trái của Hương cứ loét dần, vết thương ngày càng sâu. Hương đành ngậm ngùi quay về nhà để đi khám bệnh.
Dang dở ước mơ giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh?
Sau hai năm chúng tôi quay trở lại xã Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An thăm Hương mới biết nỗi đau về thể xác chưa buông tha cho số phận cô gái nghèo kém may mắn. Tưởng chừng mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió, Hương học xong sẽ về mở một cửa hàng bán tranh nho nhỏ, mở lớp dạy làm tranh cho những hoàn cảnh kém may mắn, những mảnh đời bất hạnh. Nào ngờ Hương lại tiếp tục chiến đấu với nỗi đau bệnh tật dai dẳng. Một phần bên mông trái do ngồi xe lăn, tự vận động, sinh hoạt dẫn đến đang bị hoại tử.
Phần lưng, mông bị u nổi lớn, khiến em hằng ngày chịu đựng đớn đau.
Mẹ Hương đưa đi khám ở bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh thì bác sĩ nói vết thương này ra bệnh viện bỏng quốc gia để tiểu phẫu. Lần này bà đành ngậm ngùi đưa con về tự chăm sóc. Người mẹ nghèo dường như đã kiệt quệ không thể chạy vạy tiền nong cho con đi chữa vết thương. Hàng ngày bà đến trạm xá xin thuốc giảm đau, mua thêm cái kéo, lọ cồn cùng bịch bông gòn, tự mình vệ sinh lớp da thịt hoại tử trên thân thể con rồi tự sát trùng, băng bó lại.
Số tiền con trai chắt chiu từ việc làm thuê bốc vác chỉ đủ để chi tiêu hàng ngày và thuốc thang cho Hương một cách eo hẹp. Bà Phượng đi mò cua bắt ốc, thu mua sắt vụn ngày được ngày không để trả lãi. Một tay bà nuôi con gái lớn bị tâm thần, con dâu bị bệnh thiếu máu não, con gái út nằm liệt dường, hai cháu thơ dại.
Bà Phượng nghẹn ngào chia sẻ: “Cứ tưởng rồi con sẽ không bị thêm bệnh gì sau lần gặp nạn đó. Ngày nó xin đi học làm tranh giấy để giúp mẹ, ngồi trên xe lăn tự sinh hoạt rồi mới thêm bệnh này. Số tiền vay nợ đã lên đến hàng trăm triệu đồng rồi, nợ cũ chưa trả giờ chẳng ai giúp được mình nữa. Để đưa con đi Hà Nội chữa bệnh phải có số tiền trăm triệu. Tôi đành bất lực nhìn vết thương của con hoại tử dần”.
Sản phẩm tranh quấn giấy Hương học hỏi từ chị Nga.
Nén nỗi đau vào trong, nhìn cháu nhỏ thơ dại đang vui đùa bên chị gái mắc bệnh tâm thần, Hương thủ thỉ về nỗi niềm của mình: “Đôi lúc em chỉ muốn chết đi cho mẹ nhẹ gánh, mẹ sẽ không phải lo cho số phận kém may mắn này nữa. Nhưng nhìn các cháu nhỏ vui cười, nghịch ngợm là sự sống trong em trỗi dậy. Em phải sống để làm được những điều ý nghĩa cho các cháu, cho xã hội. Biết rằng nhà mình nghèo nhưng em vẫn trông chờ một phép màu cổ tích giữa đời thường. Chỉ cần vết thương lành lại, em sẽ làm tranh giấy quấn nghệ thuật để bán ra thị trường và nhận dạy cho các em tật nguyền. Thế là em mãn nguyện lắm rồi”.
Trong nỗi đau với thể xác, Hương đã gắng gượng học làm tranh được rồi thì em đang phải chiến đấu với một phần cơ thể đang bị hoại tử dần. Mong sao xã hội, các nhà hảo tâm quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ để Hương tiếp tục thực hiện giấc mơ của mình.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Em Trương Thị Hương, xóm 9, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. - ĐT: 01652.642.319