“35 năm dạy học, từng chứng kiến hàng nghìn học sinh nghèo có hoàn cảnh éo le, nhưng có lẽ Nguyễn Hoàng Hiếu là trường hợp đặc biệt nhất, khi 9 tuổi, em đã phải thay mẹ nuôi cha bị tai biến liệt nửa người, vừa đến trường, vừa bán vé số mưu sinh...” - lời kể của thầy Bùi Minh - Chủ tịch Hội Khuyến học Trường THPT Giồng Riềng (Kiên Giang) khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Dự định để Hiếu bình tâm dốc sức cho kỳ thi tôi mới “ra tay”, nhưng vừa kết thúc buổi thi cuối đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014, thì mất dấu. Điện thoại “tạm thời không liên lạc được”, còn thầy giáo trưởng đoàn thì kêu “bó tay” vì không biết em đi kiếm việc làm thuê ở đâu. Sau hơn 2 ngày huy động cả ban bệ từ LĐLĐ tỉnh, huyện cho đến nhiều giáo viên, học sinh Trường THPT Giồng Riềng bươn bả truy tìm, cuối cùng chúng tôi cũng “bắt” được khi Hiếu đang đi tìm việc làm thuê để tích cóp tiền chuẩn bị bước vào học ngành dược mà em đã ngắm trước đó.
Mượn quần đi thi
Nằm ở “mặt sau” cụm dân cư xã Thạnh Hưng (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), cách thị trấn Giồng Riềng hơn 5 cây số, nhưng không khó tìm ra nhà Hiếu ngay câu hỏi đầu tiên. Hình như cả vùng quê này ai cũng quý và xem Hiếu như tấm gương về lòng hiếu thuận. Anh Phan Văn Đông - hàng xóm chỉ vào người đàn ông xanh xao, hao gầy nằm dưới võng: “Đây là anh Nguyễn Minh Hoàng - cha cháu Hiếu, bị tai biến, chỉ quẩn quanh trên giường. Cháu Hiếu thì hiền như cục đất, lại ít nói, sợ trình bày chẳng tới nơi, tới chốn nên tôi phải xin nghỉ nửa ngày làm thuê, chờ nhà báo đến để cung cấp thông tin”. Không chỉ anh Đông, sau đó anh Nguyễn Thanh Tùng và rất nhiều hàng xóm trong cụm dân cư... tẩn mẩn “chiếu lại” những thước phim sống động, đong đầy nước mắt về Hiếu suốt nhiều giờ liền.
Đang trò chuyện thì Hiếu về. “Em bán vé số được mấy năm rồi?”. Hiếu trả lời nhát gừng: “Dạ, cũng được nhiều năm”. “Có mắc cỡ hay mặc cảm gì không?”. “Dạ, thấy cũng bình thường”... Có lẽ không kiềm chế được sự kiệm lời của trò nên thầy Trần Dư - giáo viên chủ nhiệm, kiêm trưởng đoàn đưa học sinh Trường THPT Giồng Riềng đi thi đại học tại Cần Thơ - chen vào: “Dù được hàng xóm tận tình giúp gạo, tiền, nhưng do phần lớn bà con cũng nghèo nên suốt 7 năm qua, ngày ngày Hiếu vẫn cứ bán vé số. Vì vậy, khi biết LĐLĐ tỉnh Kiên Giang và Báo Lao Động tổ chức xe đưa và chỗ trọ miễn phí, Hiếu mừng như trút được tảng đá trong lòng”.
Nhưng với Hiếu, nếu có hạnh phúc thì khái niệm này cũng như cái chăn hẹp: Đắp đầu này, hở đầu kia. Chưa kịp hết thăng hoa với niềm vui miễn phí “lộ phí”, Hiếu lại chìm trong nỗi buồn mà theo ví von của anh Linh - cán bộ LĐLĐ huyện Giồng Riềng - là tận cùng khốn khó. “Do chỉ có mỗi cái quần dài, mặc từ thời lớp 10, đã sờn cũ, vì vậy em rất lo đi xa, gặp sự cố không có quần đi thi” - Hiếu làm tôi chết lặng. Sau nhiều lần đánh tiếng trong nhóm bạn thân cùng khối học, cuối cùng Hiếu được Ngô Hoàng Quy cho mượn đúng một cái quần.
Ngoài giờ làm, Hiếu có thể tranh thủ bất cứ nơi nào để học bài.
Sau một hồi lui cui dưới bếp, Hiếu bưng lên rổ chuối luộc đã lột vỏ, mời khách rồi đút từng trái cho cha ăn. Chuối non, nhạt thếch, nhưng hai cha con ăn ngon lành. “Ăn chuối thay cơm?”. “Hồi sáng kêu mua hột vịt...” - anh Hoàng ngập ngừng. Tôi hiểu và chạy ù ra chợ mua ký thịt, hột vịt, dầu ăn... Lúc này anh Hoàng mới dám hối con nấu cơm đãi khách. Vừa bưng bát cơm, anh Hoàng đã thả xuống, chớp chớp đôi mắt như cố giấu đi cảm xúc về một thời hoàng kim chưa xa. “Hồi đó tôi là một trong số ít người có bằng bác sĩ ở bệnh viện Giồng Riềng. Là con đầu lòng, lúc mới sinh, Hiếu có gương mặt khôi ngô, làn da trắng... nên nhiều người nói thằng Hiếu có số đỏ”.
Giọng anh Hoàng bỗng chùng xuống, nghèn nghẹn: “Nhưng tội là lúc đó nó nhỏ quá, chưa cảm nhận được hạnh phúc thì tai ương đã lũ lượt ập xuống”. Năm Hiếu lên 4 tuổi, thì mẹ phát hiện bị ung thư phải điều trị dài ngày tận TPHCM. Nhà cửa, tài sản dành dụm không đủ cho những đơn thuốc đặc trị nên anh Hoàng phải vay mượn tứ phía, được 4 năm thì vợ vĩnh viễn ra đi. Những khoản nợ khó trả và nỗi buồn mất vợ đã nhanh chóng vắt kiệt thể xác, tinh thần bác sĩ Hoàng. Và chỉ một năm sau, anh đã gục ngã với chứng tai biến làm liệt nửa người, nhiều cơ bắp dần teo... khiến mọi sinh hoạt đời thường, từ ăn uống cho đến vệ sinh đều phải thực hiện ngay trên giường ngủ.
Theo lời anh Hoàng, do thời gian công tác chưa đủ để xét hưởng chế độ hằng tháng nên gia đình rất thắt ngặt. “Lúc đầu có vài người đến nhà định đòi nợ mà ba vay trị bệnh cho mẹ, nhưng từ khi thấy em bán vé số, họ chẳng những không đòi, mà còn giúp tiền, cho gạo” - Hiếu kể. Cảm thông với gia đình bất hạnh, xã Thạnh Hưng giải quyết cho anh Hoàng mua nền trả chậm tại cụm dân cư vượt lũ và xét công nhận hộ nghèo. Rồi bằng những thứ “cây nhà, lá vườn”, chòm xóm gom nhau dựng cho anh căn nhà tạm. Và cũng từ đây, cậu bé 9 tuổi Nguyễn Hoàng Hiếu vĩnh viễn mất đi khoảng thời gian đẹp nhất đời người khi không chỉ tự chăm cho mình, chăm cho cha, Hiếu còn phải gánh cả chuyện cơm áo, gạo tiền...
Tôi không thể lý giải được vì sao đứa trẻ lên 9 tuổi lại có thể “lập trình” công việc đều đặn như chiếc đồng hồ: Mỗi sáng, dậy sớm, nấu cháo rồi múc ra tô đặt cạnh giường, để khi đói, cha có thể tự ăn... trước khi cuốc xe đạp hơn 5 cây số ra thị trấn học; tan trường, quay sang nhận vé số bán, đến chiều quay về nhà, nấu cơm... Dường như cảm thấy những ngôn từ đời thường không đủ chuyển tải hết công sức của con, nên anh Hoàng cố dùng hết sức đưa hai bàn tay teo tóp của mình xoắn vào nhau để giúp tôi hình dung hết núi công việc mà Hiếu phải làm hằng ngày. “Những hôm bán hết sớm, Hiếu đều mua cho tôi khi thì bánh ngọt, lúc trái cây tươi. Ngon thật, nhưng mỗi lần như thế, lòng tôi như đứt từng đoạn ruột...” - anh Hoàng ngừng nói, vội vã quay mặt vào vách... “Không có quá nhiều thời gian, em học bài vào lúc nào?”. “Dạ, chủ yếu học ngay lúc thầy cô giảng bài, hoặc bất cứ nơi nào sau khi xong hết công việc” - Hiếu trả lời. Đây cũng chính là bí quyết để em đều đặn ghi tên mình vào danh sách học sinh được khen thưởng cuối năm.
Cần những tấm lòng hảo tâm…
Mới qua tuổi 54, nhưng anh Hoàng gầy gò, run rẩy như ông lão. Suốt buổi trò chuyện, Hiếu phải luôn tay lăn nước nóng lên những vùng tê buốt rồi đo huyết áp, lấy thuốc cho cha uống. “Bệnh ba em lạ lắm, đang khoẻ bỗng lên cơn mệt dồn dập, phải chườm nước nóng, đỡ lên ngồi dựa vào vách, cho uống thuốc, xoa bóp một hồi mới giảm. Lúc con còn nhỏ, không đủ sức đỡ, mỗi lần cha mệt, con phải chạy khắp xóm nhờ chú bác đến giúp”. Nhìn Hiếu thao tác, nghe Hiếu nói rành mạch, tôi không chỉ nghĩ đến tấm lòng hiếu thuận, mà còn liên tưởng đến năng khiếu y học, nên buột miệng hỏi: “Sao không thi đại học y mà lại chọn cao đẳng dược?”. “Dạ con sợ...”. Thầy Dư giải thích: “Hiếu có sức học rất tốt, luôn nằm trong tốp dẫn đầu lớp, nhưng em chỉ đặt mục tiêu cao đẳng dược, có cơ hội đỗ ngay và nhất là để được học ngay tại Kiên Giang mà chăm sóc cha...”. Tôi thắc mắc: “Nhưng làm gì để có thể vừa chăm cha, vừa mưu sinh kiếm sống và tiếp tục học hành?”. Hiếu nói như đinh đóng cột: “Con chưa nghĩ hết, nhưng dù thế nào vẫn quyết tâm thực hiện, vì đó là con đường duy nhất để đổi đời”.
Là Hiếu nói thế, chứ chặng đường phía trước của em còn lắm gian nan, thách thức. Bởi ngoài chứng suyễn mạn thường xuyên “tấn công” Hiếu mỗi khi trái gió trở trời, còn chuyện tiền bạc cũng muôn trùng nan giải. Tuy gần đây anh Hoàng được giải quyết chế độ mỗi tháng khoảng 2,1 triệu đồng, nhưng phần lớn phải chi thuốc men. Trong khi đó từ đầu năm học lớp 12, Hiếu tạm ngừng bán vé số để dồn sức học thi, nên khó khăn càng thêm chồng chất. “10 ngày trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hiếu ngã bệnh, phải nhập viện ngay trong đêm, nhưng trong nhà không có một đồng, tôi phải lo liệu” - thầy Dư hé lộ thêm góc khuất của Hiếu. Với tình cảnh này, em khó có thể học hết chương trình dược nếu thi đỗ. Rất mong các nhà hảo tâm gần xa cùng chung tay giúp Nguyễn Hoàng Hiếu có thêm cơ hội để viết nên kỳ tích mới...
Theo Lục Tùng
Lao Động
http://dantri.com.vn/xa-hoi/quan-long-voi-ke-dau-xanh-khoc-lo-nguoi-dau-bac-904441.htm
|