(Dân trí) - “Ba cháu mất trong một lần đi biển đánh cá, khi cháu mới được vài tuần tuổi, để lại 5 mẹ con cháu trong tình cảnh không nghề nghiệp, không nhà cửa, không biết cuộc sống sau này của mấy mẹ con ra sao nữa…”
Những ngôn từ trong bức thư kể về hoàn cảnh bi đát của cô học trò nghèo lớp 8, khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Trong bức thư em viết, em chỉ có một ước mơ hết sức giản dị là có một chiếc bàn học thật chắc chắn và bộ quần áo để bước vào năm học mới…Thế nhưng, ước mơ đó của em vẫn còn ngổn ngang khi chỉ còn 2 tháng nữa sẽ đến ngày khai giảng năm học mới. Những ngày này, em càng phải làm việc nhiều hơn để kiếm tiền mua sách vở, bút mực.
Từ địa chỉ ghi trong bức thư, chúng tôi tìm về thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Khi nghe chúng tôi hỏi về hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Khuê, một cụ bà xuống giọng cảm thông: “Nhà chị Khuê nghèo nhất, nhì xã ni đó chú à. Chồng mất sớm để lại 5 mẹ con sống trong nỗi khó khăn cùng cực. Chú về giờ ni thì không có ai ở nhà mô, phải ra ngoài bờ biển mới gặp. Ngày mô cũng rứa, cứ đến chiều là 2 mẹ con dắt nhau đi bán rong hoặc nhặt ve chai gần biển đó”.
Theo lời chỉ dẫn của bà cụ, chúng tôi tiến về bãi biển Cửa Việt để tìm gặp Thảo. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một cô bé người nhỏ nhắn đang nhặt cá cho một hộ dân ở gần biển, khuôn mặt em vã đầy mồ hôi, ướt sũng cả vạt áo.
Tranh thủ thời gian nghỉ hè, Thảo đi nhặt cá thuê kiếm tiền mua sách, vở bước vào năm học mới
Biết có người tìm mình, em Bùi Thị Thảo ngưng tay nói: “Ngày mô cháu cũng ra đây nhặt cá thuê cho họ hết. Mẹ cháu đi bán bánh ở đằng kia, còn cháu cố gắng nhặt nốt mớ cá này mới được về. Cháu phải tranh thủ thời gian nghỉ hè để kiếm tiền mua sách vở, chứ vào học rồi thì không có thời gian để làm được nữa”.
Chờ một hồi lâu, chúng tôi theo mẹ con chị Khuê về nơi ở của mình ở cuối làng. Giữa cồn cát khô khốc, không có cây gì có thể sống nổi trong thời điểm nắng hạn là một ngôi nhà nhỏ, qua bao nhiêu mưa nắng đã trở nên xiêu vẹo. Ngôi nhà vắng bóng người đàn ông nên càng trở nên trống vắng hơn. Trước mái hiên, nhiều thanh gỗ đã gãy xệ xuống do bị mối, mọt đục khoét lâu ngày.
Căn nhà mấy mẹ con chị Khuê đang ở đã xuống cấp, không đủ sức chống chọi về mùa mưa
Bên trong nhà chỉ có chiếc bàn cũ, cũng là nơi mấy anh em Thảo học bài. Ngoài ra, còn có 2 chiếc ghế nhựa cũ do chị Khuê tận dụng trong lần đi thu mua đồng nát, làm chỗ ngồi và tiếp khách. Cạnh chiếc giường ngủ của mẹ con chị Khuê, còn có 2 cái sọt, bên trên đặt tấm ván làm chỗ học tập cho bé Thảo.
Nơi Thảo ngồi học bài cũng hết sức tạm bợ, mẹ em phải kê bằng hai cái sọt
Sau mấy năm chung sống, dù vất vả, khó khăn nhưng vợ chồng chị cũng cố gắng cật lực làm ăn để nuôi các con. Chồng đi biển, còn chị ở nhà đi khâu lưới, nhặt cá thuê cho người ta. Tuy nguồn thu nhập không được bao nhiêu nhưng hai vợ chồng vẫn nuôi hy vọng một ngày thấy các con khôn lớn, đi làm, thì anh chị sẽ được thanh thản hơn.
Nào ngờ, trong một lần đi biển, chiếc thuyền của chồng chị bị lật. Nhận tin dữ, tinh thần chị Khuê hoàn toàn suy sụp, bao nhiêu hy vọng bỗng vụt bay trong chớp mắt. Lúc đó, bé Thảo mới chỉ được vài tuần tuổi, chưa nhận biết được mặt cha. Bồng đứa con thơ bé bỏng ngóng ra biển, lòng chị Khuê như se lại, đau đớn đến tột cùng.
Chồng mất, một mình chị Khuê phải gồng gánh nuôi mấy đứa con khôn lớn. Hàng ngày chị phải đi nhặt ve chai, chiều tối thì đi bán bánh đa, bánh lọc ở dọc các quán nhậu cạnh bờ biển để gom góp tiền nuôi các cháu ăn học. Mỗi ngày may lắm chị cũng kiếm được 20 – 50 ngàn, còn những khi không bán được thì mấy mẹ con chị phải ăn bánh, hoặc nhịn trừ bữa.
Cứ chập tối, Thảo lại giúp mẹ đun nước làm bánh để đem bán
Đã nhiều lúc, vì cuộc sống quá khó khăn, chị cũng muốn khuyên các con nghỉ học. Nhưng sau đó nghĩ lại, chị đành quyết tâm làm lụng để hy vọng các con khôn lớn trưởng thành, được ăn học như các bạn. “Vợ chồng tui đã khổ nhiều lắm rồi nên không muốn các con mình theo “vết xe đổ” của tui nữa. Dù phải khổ cực bao nhiêu, tui cũng sẽ cố gắng để nuôi các con đi học”.
Sau bao đêm thức trắng lo nghĩ, cộng thêm ban ngày làm việc cực nhọc nên chị Khuê ngã bệnh từ khi nào không hay. Trong một lần đi bệnh viện, các bác sĩ cho hay chị bị thần kinh tim, gai cột sống và không làm được việc nặng. Cũng có lúc, khi đi nhặt ve chai kiếm tiền nuôi con, chị bị kiệt sức đến mức ngã khuỵ giữa đường, phải nhờ người khác đưa về nhà. Hay những lúc thời tiết thay đổi thất thường, chị lại lên cơn đau. Nhưng rồi, vì tương lai các con sau này, phần lại nghĩ việc kiếm miếng cơm ngày mai cho mấy mẹ con, chị cố gắng đứng dậy và tiếp tục làm việc.
Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, nước mắt chị Khuê cứ chảy không ngớt. Chị thương cho phận nghèo của chị bao nhiêu, lại càng thương cho tương lai của các cháu, đến miếng cơm cho con chị cũng không lo nổi.
Từ ngày chồng mất, một mình chị Khuê phải nhọc nhằn lao động nuôi 4 đứa con
Hiện tại, con trai đầu của chị là Bùi Đình Hợp, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Nẵng. Dù nghỉ hè nhưng Hợp cũng đành phải nán lại thành phố để đi làm thuê tại các quán cà phê, quán cơm…nhằm kiếm tiền trang trải những chi phí trong năm học mới. Còn con trai thứ 2 là Bùi Đình Ý thì vừa được người bác họ đưa ra Hà Nội nuôi dưỡng cách đây một tháng. Em đang chuẩn bị thi vào đại học ở đây. Em thứ 3 là Bùi Đình Thức cũng vừa học xong lớp 11.
Về phần bé Thảo, lớn lên em đã không có ba bên cạnh để chăm sóc, bảo ban như các bạn. Cũng nhiều lúc em mang chút mặc cảm vì không có cha. Tuy nhiên, sau những lần như vậy em càng quyết tâm học tập thật tốt. Sau thời gian lên lớp, em lại đi nhặt cá thuê, ve chai để đỡ đần cho mẹ và các anh.
Trong bức thư em viết, chúng tôi hiểu được phần nào sự khó nhọc của một đứa trẻ mới lớn như em đang trải qua. Em mới chỉ học lớp 8 thôi nhưng suy nghĩ của em đã trưởng thành, biết lo lắng cho mẹ, cho gia đình. Mỗi dòng chữ em viết là cả nỗi lòng chất chứa, khiến người khác không cầm nổi lòng.
“Khi cháu mới được vài tuần tuổi thì trong một lần ra khơi đánh cá, do sóng to, gió lớn đã đánh chìm tàu, bố qua đời bỏ lại 5 mẹ con cháu không nghề nghiệp, không nhà cửa. Hiện nay, 4 anh em cháu đang còn theo học, mẹ thì bị bệnh thần kinh tim, gai cột sống nên không làm được việc nặng nhọc. Gia đình cháu bây giờ không còn người lao động chính. Anh trai đầu của cháu đang học Cao đẳng ở Đà Nẵng, 2 anh tiếp theo đều đang học cấp 3. Còn bản thân cháu một buổi tới trường, một buổi cháu làm đủ mọi việc, từ việc nhà cho đến đi làm thuê, nhặt ve chai…để có thêm chút tiền mua thuốc thang cho mẹ.
Không có tiền mua sắm sách vở như các bạn cùng lứa, cháu góp nhặt từng cuốn sách cũ mà mẹ cháu mua về để làm tài liệu tham khảo và học tập.
Ngôi nhà của mấy mẹ con cháu đang ở rất nhỏ và đơn sơ, mưa nắng gì cũng bị ảnh hưởng nên cháu rất lo sợ, cũng chính vì vậy đã ảnh hưởng đến việc học tập của mấy anh em. Bởi vậy, cháu chỉ mơ ước có một chỗ học tập chắc chắn hơn và một chỗ nghỉ ngơi an toàn. Ngoài ra cháu cũng muốn có một bộ quần áo để chuẩn bị bước vào năm học mới mà mặc. Còn lớn lên, không biết mẹ cháu có nuôi nổi mấy anh em cháu ăn học được lên Đại học không nữa. Nhưng cháu có một ước mơ hoài bão là sau này được trở thành giáo viên để truyền đạt kiến thức cho các em học sinh ở ngoài đảo xa, để góp chút sức mình xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…”
Bức thư đẫm nước mắt Thảo gửi báo Dân trí, kể về hoàn cảnh khó khăn của mấy mẹ con
Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của mẹ, cả 4 anh em Thảo đều học hành rất chăm chỉ. Thảo tâm sự: “Chúng cháu không được may mắn có ba bên cạnh, để nuôi được các cháu khôn lớn như hôm nay, mẹ đã đổ biết bao mồ hôi và nước mắt. Biết mẹ mang nhiều bệnh tật trong người nhưng chúng cháu chưa biết làm gì để chăm sóc mẹ cả. Nhiều đêm biết mẹ khóc nhưng cháu cũng chỉ biết động viên mẹ cố gắng thôi. Cháu thương mẹ cháu lắm. Cháu sẽ vừa học, vừa tranh thủ thời gian đi làm kiếm tiền mua thuốc cho mẹ cháu”.
Dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhưng thương mẹ vất vả nên mấy anh em Thảo đều học rất khá, giỏi
Nghe xong lời tâm sự của con, chị Khuê chỉ biết ngậm ngùi rồi nhìn con mà hai dòng nước mắt cứ chảy dài lên hai gò má gầy hao. Cõ lẽ, ông trời đã không cho chị được một ngày sống thanh thản, bởi vì, chị phải lao động thật nhiều mới nuôi được các con đến ngày ra trường.
Chị Khuê sửa lại phần mái phía sau nhà bị gió cuốn bay
Trước khi chia tay chúng tôi, chị Khuê nói chị chỉ có một tâm nguyện lớn nhất là thấy được các con trưởng thành, thoát được cảnh nghèo túng như bây giờ. Bỗng nhớ lại những dòng trong bức thư của bé Thảo, tôi thấy lòng mình thắt lại, nghẹn đắng. Thầm hy vọng và mong muốn mẹ con chị sẽ sớm vượt qua cảnh ngộ khó khăn này.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 1473: Chị Nguyễn Thị Khuê, ở thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Điện thoại: 0168.686.0195
2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.
Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội.
Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490
Email:quynhanai@dantri.com.vn
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 045 100 194 4487
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.
* Tài khoản USD tại VietComBank:
Account Name:Bao Khuyen hoc & Dan tri
Account Number: 045 137 195 6482
Swift Code: BFTVVNVX
Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)
* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 10 201 0000 220 639
Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm
* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100356359
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội
* Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB)
Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí
Số TK: 0721100357002
Swift Code: MSCBVNVX
Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)
3. Văn phòng đại diện của báo:
VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122
VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725
VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885
VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269
|
Đăng Đức
|