Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Nhịp cầu Nhân ái >
  Bác sĩ quân y mang niềm vui đến với bon, làng Bác sĩ quân y mang niềm vui đến với bon, làng , Người xứ Nghệ Kiev
 

QĐND - Thứ sáu, 30/05/2014 | 16:0 GMT+7

QĐND - Cơn mưa đầu mùa như trút nước xuống vùng biên giới Tân Châu (Tây Ninh) khi bình minh vừa ló rạng. Khoác áo mưa đứng giữa sân Trường Tiểu học Tân Phú A đôn đốc các y, bác sĩ hoàn tất công tác chuẩn bị khám, chữa bệnh cho bà con nghèo, Thiếu tướng Hoàng Thanh Bình, Chính ủy Bệnh viện 175 tỏ vẻ sốt ruột: “Mưa thế này chẳng biết bà con có đến được không? Cả đoàn gần 100 y, bác sĩ đã sẵn sàng làm nhiệm vụ”. Ông vừa dứt lời, từ phía cổng trường dân làng đã rủ nhau đội mưa đến mỗi lúc một đông…

Đoàn công tác của Bệnh viện 175 khám bệnh cho đồng bào nghèo huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Theo chân đoàn y, bác sĩ Bệnh viện 175 (Bộ Quốc phòng), chúng tôi tới các xã Tân Phú, Tân Hưng, Thạnh Đông-địa bàn giáp ranh biên giới nước bạn Cam-pu-chia. Đây là những xã nghèo của huyện Tân Châu, có khá đông đồng bào người Chăm, Khơ-me, S’tiêng… định cư. Cuộc sống vất vả, thiếu thốn nên hầu như chẳng bao giờ bà con đến bệnh xá, bệnh viện cho dù bệnh tật, ốm đau. Lội bì bõm qua những vũng nước mưa còn đọng dưới sân trường, bà Nguyễn Thị Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Châu bảo: “Người dân quê tôi còn khó khăn lắm! Cái nghèo làm cho bệnh tật phát sinh nên bà con rất mong các thầy thuốc quân y tới khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Mấy hôm trước, thấy đoàn cán bộ của Bệnh viện 175 đi tiền trạm, bà con mừng lắm, cứ ngóng bộ đội về làng thật sớm”.

Tâm trạng háo hức, chờ mong nên khi cơn mưa còn chưa dứt tiếng dân làng đã í ới gọi nhau đi khám bệnh râm ran ngõ xóm. Mới hơn 6 giờ, buổi khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà đã bắt đầu. Tại khu vực khám chuyên khoa, các ông già, bà lão, phụ nữ, trẻ em trật tự xếp hàng đợi gọi tên mình. Dưới tán cây xà cừ, một ông lão chừng ngoài 70 tuổi, chân run run chống gậy đứng chờ. Trên gương mặt khắc khổ của ông ánh lên niềm vui. “Ông để cháu dìu vào khám trước”-Cô y tá đỡ nhẹ vai ông cụ ưu tiên đưa vào phòng khám. Hồi lâu, bước ra khỏi phòng khám, trên tay ông cầm một túi thuốc. Tôi chạy lại đỡ ông đưa sang chỗ nhận quà. Vừa đi ông vừa bộc bạch: “74 tuổi rồi nay mới được bộ đội cấp cho nhiều thuốc đến thế. Bác sĩ bảo cái bệnh viêm gan, tiểu đường của lão phải vào bệnh viện nằm điều trị, để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng! Nhưng đi viện làm sao được… Có thuốc bác sĩ cho uống là tốt lắm rồi”. Nghe ông nói tôi thấy lòng trĩu nặng. Cuộc sống vất vả, thiếu thốn, gánh nặng cơm áo gạo tiền làm cho người dân nơi đây phải ngày ngày sống chung với ốm đau, bệnh tật. Ông lão tên là Điểu Ylong, người dân tộc S’tiêng, ở ấp Tân Lợi. Nhà ông thuộc diện nghèo, neo đơn trong xã. Đã mấy năm nay sức khỏe vơi cạn, đi lại khó khăn, những lúc trái gió trở trời ông phải cậy nhờ hàng xóm. Hôm nay, được tặng thêm một thùng mỳ ăn liền, túi đường, hộp sữa ông mừng rơi nước mắt: “Ngày nào cũng được ăn no, được bồi bổ thì bệnh của lão chắc không đến nỗi”.

Thiếu tướng Hoàng Thanh Bình (ngoài cùng, bên trái) trao quà và quyết định tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách

Bước tới bàn khám chuyên khoa thận, nội tiết niệu do bác sĩ Nam phụ trách, tôi chú ý tới bệnh nhân Sắp Náh, 65 tuổi, người dân tộc Chăm, ở ấp Tân Châu. Mấy tháng nay thỉnh thoảng bà cứ thấy đau quặn hai bên mạn sườn. Cơn đau kéo dài, tím tái làm sức khỏe bà suy kiệt. Nhưng nghe nói đến đi viện là bà sợ toát mồ hôi, bởi tiền đâu mà nằm điều trị? Thế nên, khi được chính quyền địa phương thông báo đến khám bệnh, nhận quà miễn phí, bà Sắp Náh mừng rơn, suốt đêm qua không ngủ chỉ mong trời mau sáng. Sớm nay, bà là một trong số những người đội mưa đến đầu tiên. Nghe bác sĩ kết luận, bị sỏi thận, ứ nước độ 2, bà Sắp Náh cứ nằng nặc xin bác sĩ cho thật nhiều thuốc để về… uống dần. Tỏ vẻ ái ngại, Đại tá, bác sĩ Trần Văn Thành, Phó trưởng phòng Tổng hợp, bảo: “Những trường hợp như thế này chúng tôi gặp không ít. Bà con thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe, lại ở xa bệnh viện, trung tâm y tế nên muốn xin nhiều thuốc để dự phòng lúc đau. Họ nghĩ đơn giản, trữ thuốc cũng như trữ gạo chống đói! Bởi vậy, trong mỗi chuyến công tác chúng tôi thường kết hợp tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, ăn ở vệ sinh, hướng dẫn đồng bào tự chăm sóc sức khỏe. Càng những nơi khó khăn, thiếu thốn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đồng bào càng cần được ưu tiên giúp đỡ để ổn định đời sống, đẩy lùi bệnh tật”. Sau mỗi chuyến đi như thế lại có thêm hàng nghìn đồng bào nghèo được tư vấn sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà miễn phí. Tính từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm Bệnh viện 175 tổ chức khoảng 5 chuyến từ thiện xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào, trao tặng hàng trăm căn nhà tình nghĩa, mang lại sức khỏe, niềm vui cho hàng vạn dân nghèo. Tất cả kinh phí cho những chuyến công tác được trích từ quỹ của bệnh viện, từ sự tự nguyện quyên góp của cán bộ, nhân viên và các nhà hảo tâm tài trợ.

Gần trưa, cái nắng hừng hực làm cho vùng biên giới Tân Châu càng thêm ngột ngạt. Những chiếc áo blouse trắng ướt đẫm mồ hôi nhưng các y, bác sĩ vẫn tận tình khám bệnh cho đồng bào. Từng hộp thuốc, từng thùng quà vơi dần đổi lại tiếng cười, niềm vui trên gương mặt bà con cứ tăng lên mãi. Đi kiểm tra một vòng quanh khu vực khám, Thiếu tướng Hoàng Thanh Bình thăm hỏi, động viên nhân dân rồi nói với tôi: “Phương châm của bệnh viện trong mỗi chuyến công tác xã hội từ thiện là làm việc không tính thời gian, chỉ khi nào hết bệnh nhân đến khám thì các bác sĩ mới nghỉ. Đồng thời, chúng tôi kết hợp khám bệnh, tặng quà với trao nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách, góp phần thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Trong chuyến đi này, bệnh viện cũng tặng 500 suất quà, 200 cuốn vở học sinh, một bộ máy vi tính cùng 2 căn nhà tình nghĩa trên địa bàn huyện Tân Châu và TP Tây Ninh. Đối tượng tặng nhà hôm nay là anh Nguyễn Đình Phương, 56 tuổi, ngụ tại phường 4, TP Tây Ninh, từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Cam-pu-chia. Gia đình anh Phương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kinh tế eo hẹp, thu nhập thấp, công việc bấp bênh. Sức khỏe của anh Phương rất yếu, bệnh tật liên miên nhưng vẫn phải đi làm bảo vệ để kiếm sống. Cả nhà sống trong căn hộ mái lá xiêu vẹo, bữa no, bữa đói. Đại tá Trần Đức Thắng, Chủ nhiệm Chính trị bệnh viện kể: “Mấy tháng trước, trong một lần về địa phương công tác, chính quyền sở tại và Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh đã đề nghị lãnh đạo Bệnh viện 175 hỗ trợ xây tặng gia đình anh Phương căn nhà tình nghĩa. Qua khảo sát thực tế, thấy hoàn cảnh gia đình anh Phương quá cơ hàn nên chúng tôi phối hợp với Mạnh Thường Quân xúc tiến xây dựng ngay căn nhà tình nghĩa này để gia đình anh đỡ cực khổ khi mùa mưa tới”. Cầm quyết định bàn giao nhà trên tay, vợ chồng anh Phương không nói nên lời, chỉ nhìn nhau bật khóc rồi ôm chặt Thiếu tướng Hoàng Thanh Bình bày tỏ lòng biết ơn. Xúc động trước tình cảm của những người lính, ông Phan Văn Lý, Chủ tịch UBND phường 4, bộc bạch: “Đã bao lần chính quyền địa phương có ý định giúp đỡ gia đình anh Phương nhưng vẫn chưa làm nổi. Vậy mà chỉ trong vài tháng căn nhà đã được bộ đội hoàn thành. Đúng là, chỉ có tình đồng chí, đồng đội của những người lính Cụ Hồ là bền vững không gì so sánh được”.

Trong niềm xúc động dâng trào, tôi chợt nhớ mấy năm trước trong chuyến công tác xã hội từ thiện cùng Bệnh viện 175 đến với đồng bào Mơ Nông thuộc xã Đắc Gằn, huyện Đắc Mil (Đắc Nông), tôi cũng được chứng kiến những giây phút ấm tình đồng đội. Ngày đó, người được tặng nhà là ông Trương Kim Hiến, 70 tuổi, từng tham gia chiến đấu và bị thương ở chiến trường Quảng Trị. Khi chuyển vào Nam, ông bị mất hết giấy tờ; gia đình đông con, phải ở nhờ trên mảnh đất của người khác suốt mấy chục năm nay. Khi được Bệnh viện 175 trao quyết định bàn giao nhà tình nghĩa, ông Hiến xúc động nói một câu khiến tất cả chúng tôi bùi ngùi thương cảm: “Đến tuổi gần đất xa trời tôi mới được sống trong ngôi nhà của mình. Từ nay tôi không còn là kẻ vô gia cư nữa. Cảm ơn những người đồng đội đã giúp tôi ngẩng cao đầu mà sống”…

Trời chiều ngả bóng, những cơn gió nhẹ mơn man cây lá làm mát dịu lòng người. Tạm biệt đồng bào biên giới Tây Ninh, tôi vẫn nghe vẳng bên tai câu nói của Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú Phan Văn Quang như một lời tri ân sâu sắc: “Hình ảnh những bác sĩ quân y ân cần thăm hỏi, khám, chữa bệnh cho bà con nghèo đã in vào tâm trí dân làng như một biểu tượng cao đẹp của tình cảm quân dân gắn bó. Chúng tôi mãi khắc ghi nghĩa tình cao đẹp đó!”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH

Tây Ninh-TP Hồ Chí Minh, tháng 5-2014.

Nguồn QDND.VN

 


  Các Tin khác
  + Mã số: 5332 Sập nhà điều hành thủy điện: Ông trời sao nỡ lấy đi của con tất cả! (02/10/2024)
  + Mã số: 5331 Hành động mỗi ngày của người cha khốn khổ khi con gái 7 tuổi bị ung thư (02/10/2024)
  + Mã số: 5330 Người cha cầu cứu sự sống cho con trai mắc bệnh hiếm gặp (02/10/2024)
  + Bác sĩ kêu gọi nhà hảo tâm chung tay cứu bệnh nhân nguy kịch do nhiễm khuẩn (23/06/2024)
  + Rơi nước mắt cảnh bé gái mắc ung thư nức nở xin nhà hảo tâm cứu giúp (23/06/2024)
  + Người đàn ông cô độc, mù lòa, nhiều bữa ăn cháo thiu (23/06/2024)
  + Cậu bé nghèo nơi bìa rừng lo từng bữa ăn và giấc mơ đưa em gái đi khám mắt (23/06/2024)
  + Người đàn ông khờ khạo nuôi 2 con cùng mẹ già đau yếu mơ có căn nhà tử tế (16/06/2024)
  + Cuộc sống lay lắt của một gia đình 3 thế hệ toàn người khờ khạo (16/06/2024)
  + Nỗi đau của người bố 3 con phải cắt cụt tay chân vì bỏng điện cao thế (16/06/2024)
  + Người mẹ trẻ thoi thóp thở oxy, lo cho 2 con thơ ở quê nhà (07/06/2024)
  + "Bà hết tiền rồi, trong nhà không còn gì bán được để cứu cháu nữa" (07/06/2024)
  + Xót thương cảnh 2 đứa trẻ nguy cơ phải bỏ học vì mẹ ung thư, bố gặp nạn (07/06/2024)
  + "Cần gấp nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ để cứu bệnh nhân đang nguy kịch (04/06/2024)
  + Người phụ nữ mắc cùng lúc 3 bệnh ung thư, òa khóc khi nghĩ về cái chết (04/06/2024)
  + Cùng đường, người phụ nữ đơn thân rao bán thận của mình để cứu con gặp nạn (04/06/2024)
  + Nước mắt người mẹ nghèo hiến thận cứu con nhưng không có tiền phẫu thuật (04/06/2024)
  + Khát khao được sống của nữ sinh 16 tuổi mắc ung thư (18/05/2024)
  + Ám ảnh cuộc sống gia đình người phụ nữ trầm cảm nơi bìa rừng (18/05/2024)
  + Cô trò vùng cao thấp thỏm, bất an vì trường xuống cấp nghiêm trọng (18/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65113773

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July