Đồng chí Nguyễn Tử Phương – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An - trao quà cho chị Trần Thị Ninh - vợ liệt sĩ Phan Huy Sơn.
Mẹ con tôi may mắn hơn nhiều người
Chị Trần Thị Ninh ở xóm 2, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vẫn chưa hết rưng rưng sau chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” được tổ chức ở Đà Nẵng. Với chị, đó là lần đầu tiên chị được đi tàu hỏa và cũng là lần đầu tiên biết thế nào là ở khách sạn. “Về nhà lâu rồi mà tôi vẫn không cầm được nước mắt, cảm động quá” - chị nói.
Đến nhà chị, tận mắt chứng kiến cuộc sống khốn khó của mẹ con chị, không ai cầm nổi nước mắt. Đứa con đầu lòng của anh và chị - em Phan Huy Hà, năm nay đã 30 tuổi - đúng như chị nói là có lớn mà không có khôn. Hà bị thiểu năng từ khi mới lọt lòng, đã 30 tuổi mà vẫn phải đút từng thìa cháo xay nhuyễn. Hôm chúng tôi đến, Hà đang khóc đòi mẹ cho đi chơi. Cô con gái thứ hai Phan Thị Trang đang học năm thứ hai Trường Cao đẳng Y. Thế là một mình chị Ninh phải gánh vác đến 4 sào ruộng, một đàn lợn và một con bò. Chị cho biết, năm nay lúa không đủ ăn vì năm ngoái mất mùa, được bao nhiêu tiền chế độ phải để dành đong gạo, còn tiền ăn học của cháu Trang thì đang vay tạm bà con.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh và đại diện Quỹ TLV Lao Động trao quà “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” cho cựu binh Lê Hữu Thảo. |
Nhận 50 triệu đồng từ chương trình “Nghĩa tình Trường Sa, Hoàng Sa”, chị Ninh run run nói: “Tôi để dành 20 triệu đồng trả nợ lâu nay đang vay mượn để cháu Trang đi học, 20 triệu đồng sẽ sửa chữa lại căn nhà đã bắt đầu xuống cấp và 10 triệu đồng để thuốc thang cho Hà”. Chị cho biết, năm 2006, căn nhà cũ mà bố mẹ chị làm cho, sau khi anh Sơn hy sinh bị hư hỏng nặng, Bộ Tư lệnh Hải quân đã ủng hộ mẹ con chị 15 triệu đồng, địa phương ủng hộ 5 triệu đồng cùng với sự giúp đỡ của họ hàng và vay mượn thêm, chị đã làm được căn nhà này. Giờ cũng đã đến lúc cần sửa chữa lại. Chị Ninh ứa nước mắt: “Mẹ con tôi dù sao cũng may mắn hơn những gia đình khác, còn nhiều gia đình đang khó khăn lắm. Tôi rất mong các gia đình của đồng đội anh Sơn đều nhận được sự giúp đỡ như mẹ con tôi”.
Còn nhiều gia đình vất vả lắm
Chúng tôi gặp anh Lê Hữu Thảo, trú tại xã Thạch Trung, TP.Hà Tĩnh. Anh đã mua được đất, thế là sẽ có được chỗ trú thân, thay vì quanh năm đi thuê phòng trọ. Anh cho biết, một số anh em bạn bè trên các trang mạng xã hội hiểu hoàn cảnh của anh đã giúp một khoản tiền kha khá, hơn 300 triệu đồng, đủ để mua đám đất ven đô. Số tiền được hỗ trợ từ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”, anh Thảo sẽ dành để làm nhà. Anh Thảo tâm sự: Sau trận hải chiến Gạc Ma, anh được đi lao động tại Đức. Ở trời Tây nhưng anh vẫn luôn canh cánh về những đồng đội đã hy sinh, anh luôn nuôi ý định, ngày về nước sẽ đến tận nhà các đồng đội đã ngã xuống để được nắm lấy bàn tay của người cha, người mẹ mất con mà tri ân họ, động viên họ. Anh muốn nói với thân nhân của những người đã ngã xuống về sự hy sinh anh dũng của con cái họ, về phút giây trở nên bất tử của các anh...
Nhưng rồi, anh đã trở về với hai bàn tay trắng, không tài sản, không nghề nghiệp. Mãi cho đến năm 2013, sau thời gian dài làm “thợ đụng” cùng với sự giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái, Lê Hữu Thảo mới thực hiện được chuyến “về nhà” đầy ý nghĩa. Anh nói: “Nhiều gia đình còn khó khăn lắm. Tôi chào các mẹ ra về mà không dám ngoảnh mặt lại, sợ không ghìm nổi tiếng khóc”. Anh Thảo kể về mẹ Nguyễn Thị Nhơn - mẹ của liệt sĩ Đậu Xuân Tư ở xã Nghi Yên, Nghi Lộc (Nghệ An) - đã trên 80 tuổi, mắt bị mù không còn nhìn thấy gì cả, các con của mẹ cũng đang rất khó khăn. Hay như mẹ Nguyễn Thị Linh - mẹ của liệt sĩ Hồ Văn Nuôi, ở xã Nghi Tiến - năm nay đã 82 tuổi, mẹ rất yếu. Căn nhà tình nghĩa đã xuống cấp, hôm anh đến thì trần nhà bị sập, nước mưa tạt vào tận nơi mẹ nằm...
Cũng như chị Ninh, anh Thảo rất mong các gia đình của đồng đội anh, dù đã ngã xuống hay may mắn sống sót đều được nhận sự giúp đỡ của chương trình, của Tổng LĐLĐVN và Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động.