Thật khó cầm lòng khi bước chân vào phòng chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ở đây hầu hết là những bệnh nhân nghèo, đặc biệt khó khăn. Đập vào mắt chúng tôi là một em nhỏ, chân tay gầy guộc, chỉ có cái bụng là to chướng lên, gân cổ nổi lên xanh xao theo làn hơi thở gấp gáp. Bác sỹ cho biết đó là em Đinh Văn Tuần ở thôn Thịnh Lộc, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Qua tìm hiểu được biết, em Tuần nay mới 12 tuổi nhưng đã 8 năm nằm viện bởi căn bệnh suy thận. Hội chứng thận hư từ năm 2004 và cũng từ đó em được bố mẹ đưa vào bệnh viện để chữa trị. Gần như 3 năm nay là em không còn đi tiểu được nữa. Hiện tại, bệnh của em rất nặng đã dẫn đến suy tim và suy gan.
Học đến lớp 5 thì bệnh càng nặng thêm, em Tuần phải nghỉ học hẳn để vào viện nằm điều trị nội trú. Bệnh tật đau đớn là vậy, nhưng em Tuần vẫn luôn đạt học sinh khá giỏi từ lớp 1 đến lớp 5. Từ ngày vào viện Tuần luôn nhớ về thầy cô và các bạn. Mỗi lần nghĩ đến chuyện học hành bỏ dở là em lại ra hành lang ngồi khóc một mình.
Em Tuần đang chạy thận nhân tạo
Chỉ trừ những lần nằm để chạy thận, còn nữa là em chỉ ôm gối ấp vào trước lồng ngực ngồi để thở vì nếu nằm xuống em không thở được. “Đêm đến thấy mọi người nằm ngủ mà em chỉ biết ngồi nhìn, em cũng muốn nằm xuống để ngủ được như mọi người, nhưng khi nằm xuống chưa đầy 2 phút thì em không thể thở được”- Tuần buồn rầu cho biết.
Anh Đinh Văn Quyết, bố của em Tuần nghẹn ngào nói: “Hoàn cảnh vợ chồng tui buồn lắm các cô chú ạ. Cả nhà không có của chi đáng giá nữa mà bán chạy thuốc cho con. Chỉ còn căn nhà cấp 4 cũ kỹ để tá túc tạm bợ. Gia đình tui thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn. Sau cháu Tuần còn có 2 em nhỏ nữa. Nhà chỉ có một sào ruộng không đủ cho 5 miệng ăn. Hằng ngày tui chịu khó cực nhọc đi làm thuê cũng chỉ kiếm được bốn năm chục ngàn mỗi ngày để lo thuốc men cho con và ăn uống cho cả nhà. Nhưng từ ngày cháu Tuần bị bệnh nặng đến nay, tui phải chạy vạy khắp nơi nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Cứ mỗi lần ở bệnh viện về nhà là hai vợ chồng lại phải tiếp tục đi vay mượn. Bây giờ bệnh của cháu nặng hơn, tiền điều trị cũng nhiều hơn nhưng gia đình đã cùng kiệt rồi, cũng không còn biết đi vay đâu nữa. Tiền nợ đã lên đến hơn 200 triệu đồng, không biết lấy đâu để trả, vì thương con nên phải đánh liều vay mượn thôi”.
Các bệnh nhân ở đây cho biết:, mẹ của em Tuần mỗi lần vào bệnh viện chăm con có những hôm gần như nhịn đói, không dám mua thức gì để ăn dù chỉ là chiếc bánh mỳ lót dạ. Chị phải dành dụm từng đồng để có tiền mua thuốc cho con. “Mẹ thằng bé mỗi lần vào đây đều nhịn đói chờ đến chiều tối khi bệnh viện phát cơm cho bệnh nhân nghèo, thằng bé không ăn được thì mẹ nó mới ăn phần cơm còn lại, nghĩ mà tội”- bà Lan, một bệnh nhân bên cạnh nói trong thương xót.
Những vết mổ trên bụng để đặt ống lọc thận của những năm trước
Bác sĩ Hoàng Quang Trung, Trưởng khoa cấp cứu chống độc cho biết: “Từ lâu bệnh viện cho chuyển em Tuần lên tuyến trên mà gia đình xin được ở lại vì không có tiền để đi ra Hà Nội điều trị. Chúng tôi cũng đã tạo mọi điều kiện để chữa trị cho em Tuần. Nhưng thấy bệnh của em nếu được điều trị trong điều kiện tốt hơn về thiết bị và chuyên môn thì có nhiều hi vọng kéo dài sự sống. Bây giờ em Tuần đã bị suy tim và suy gan. Bệnh viện có khuyên gia đình chuyển lên tuyến trên nhưng thấy gia đình xin ở lại để lo vay tiền được mới chuyển”,.
Trong lúc bác sỹ Trung đang trò chuyện, đôi mắt đen tròn của em Tuần cứ ngước lên, hướng nhìn về phía chúng tôi như muốn ngỏ lời cầu xin: “Bác sĩ ơi, các cô chú ơi ! Xin hãy tìm cách cứu chữa cho cháu. Cháu muốn khỏe lại để được đi học, đi làm thuê kiếm tiền đỡ đần bố mẹ đã vì cháu mà khổ !”.
Thu Hoài