Ông Cật và hai người con bất hạnh của mình
Ông Cật là người Long An. 11 tuổi, ông mồ côi mẹ và chuyển về sống trong nhà người cậu. Từ đó, cậu bé Huỳnh Văn Cật quen những ngày ra đồng chăn trâu, bò hơn đi học. Mới hết lớp 5, ông Cật đã bỏ ngang sách vở. “Hồi đó nghèo lắm cô ơi. Quần áo rách bươm, cơm ăn độn còn không có nói chi đến đi học.
Đứa trẻ nào cũng vậy mà. Người nhà quê, lo làm trước đã”, ông kể. Tuổi thơ nhọc nhằn bên ruộng đồng, rơm rạ rèn cho ông cái tính can trường, chịu thương chịu khó. Vào tuổi thanh niên, ông bắt đầu chèo ghe qua Đặc khu rừng Sác kiếm củi rồi một thân một mình nhảy xe lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai mới, làm lơ xe cho các chuyến hàng Trung - Nam.
Năm 35 tuổi, ông Cật lập gia đình. Lúc đó, bà Nguyễn Thị Thang ở quê làm ruộng, thả lưới, còn ông vẫn nhảy xe dọc theo hai miền Trung-Nam của đất nước. Phải dăm bữa, nửa tháng, có khi hơn ông mới về nhà thăm vợ một lần. Ông Cật nhớ lại: “Đó là những ngày không thể nào quên. Tôi làm lơ xe cho các chuyến chở hàng từ Nam ra Trung. Đi suốt. Chiến tranh loạn lạc vậy mà nghĩ mình cũng liều.
Nhưng cái sự liều đó giúp tôi nhiều lắm. Ví như, đi đường dài, trực tiếp nghe, thấy rồi thấm cái khổ, cái gian lao, hiểm nguy của dân mình, bộ đội mình, tôi nghiệm ra rằng, phải làm gì đó, nhỏ thôi nhưng góp sức cho quê hương đánh giặc”. Nếp nghĩ dung dị của chàng trai miền Tây sông nước là vậy. Ông quyết định bỏ nghề về quê “mần ruộng” cùng vợ. Rồi hai vợ chồng ông đào hầm nuôi bộ đội, giấu vũ khí cho cách mạng.
Hiểm nguy luôn chực chờ, nhưng ông Cật bảo thời làm lơ xe, bom rơi, đạn lạc ngay trên đầu ông còn không nao núng, nói chi đến việc sợ bị bắt, bị tra tấn vì những việc mình làm cho quê hương. Nói rồi, ông Cật hướng mắt về phía tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng ba của mình với vẻ tự hào: “Tôi đi qua cả hai thời chiến. Mất mát nhiều, gian lao cũng lắm mà không thấy đau bằng bây giờ.
Mấy chục năm rồi, hai thằng con tôi cứ nằm đó. Di chứng của chiến tranh đã ăn mòn cơ thể con tôi”. Hai người con mà ông Cật nhắc đến là anh Huỳnh Văn Khích, Huỳnh Văn Thảo. Từ lúc mới chào đời, cơ thể Khích, Thảo đã teo tóp, chân tay dị dạng. Ông Cật kể: “Thằng Khích là con trai đầu của vợ chồng tôi. Hồi mới sinh nó, vợ tôi trông thấy con mà nước mắt lăn dài. Bà ấy quá bất ngờ, sửng sốt nên chẳng nói gì được. Phần mình, tôi đau lắm nhưng vẫn phải cố mỉm cười. Con có thế nào vẫn là con của mình. Tôi dặn vợ, dù khó khăn, cực khổ mấy cũng ráng chăm sóc thằng Khích tử tế”.
Hai anh em Huỳnh Văn Khích (bên ngoài), Huỳnh Văn Thảo
Ông Cật bảo, đời ông lận đận. Vợ ông cũng lận đận không kém. Bốn đứa con, hai đứa nằm một chỗ, hai đứa kia thì “nghèo rớt mồng tơi”. Có khi thiếu gạo, vợ chồng ông nhịn đói nhường con. Chòm xóm thương, người mang cho lon gạo, bó rau, người dúi con cá, bịch bánh. Mà xóm ông, ai cũng nghèo đâu thể giúp cả đời. Thành ra, nhiều bận nhìn con đói, ông xót lắm.
Tiền hỗ trợ người có công với cách mạng, tiền trợ cấp nạn nhân chất độc da cam cho Khích, Thảo, ông dùng vào việc thuốc thang hết. Đói vẫn đói. Bệnh vẫn lay lắt bệnh. Nhưng ông không muốn chết, không thể chết. Ông Cật tâm sự: “Tôi từng này tuổi rồi, chẳng phải ham sống, ham hưởng thụ gì nữa đâu mà là tôi sợ. Bà nhà tôi mất rồi, nếu tôi cũng đi thì ai chăm thằng Khích, thằng Thảo. Anh, em tụi nó có đó nhưng nghèo quá lại thêm cảnh đông con, làm sao chăm sóc cả hai đứa nằm một chỗ cho xuể”.
Tuổi già heo hắt
Hôm tôi ghé thăm nhà ông Cật, trời Long An nắng gắt. Phải chạy xe vòng vèo trên những con đường bé tí, có lúc ngỡ sẽ bị rơi tỏm xuống ruộng, vuông tôm, tôi mới tìm ra nhà ông. Đó là căn nhà nhỏ nằm chơ vơ giữa những vuông tôm san sát nhau. Thấy khách đến, chị Nguyễn Thị Máy (con dâu ông Cật) mặc quần ống xăn, ống xổ tất tả chạy từ nhà dưới lên. Chị nói như phân bua vì để tôi chờ lâu: “Tôi đang phụ ba cho anh hai và chú út ăn cơm. Đang giờ trưa mà.
Hôm nay nắng quá, hai người lại không được khỏe trong người nên chăm sóc có vất vả hơn ngày thường”. Nói rồi, chị dẫn tôi xuống nhà dưới. Cái giường cũ, manh chiếu rách và hai người đàn ông nằm đó, vô tư lự. Ông Cật ngồi giữa hai con, cầm chiếc khăn mặt nhỏ xíu lau lau chùi chùi. Ông bảo: “Mấy chục năm nay đều như vậy. Tôi không mệt, chỉ thấy đau”.
Hồi còn sống, bà Thang cùng chồng tay chống, tay chèo lo cho cả nhà từ cái ăn, manh áo đến viên thuốc. Bà bị tiểu đường, cao huyết áp cả chục năm trời mà không dám đi bệnh viện chữa trị, chỉ uống thuốc cầm chừng. Nhà nghèo, con đông, lại thêm hai đứa tật nguyền nên bà cứ chắt chiu từng đông xu lẻ lo cho con mà quên mất mình. Chị Máy kể: “Khi tôi về làm dâu đã thấy má khổ rồi.
Tôi nhớ, có lần má nói chỉ mong chết sau con để bà được chăm sóc, bảo vệ các con mình. Thế nhưng, bệnh má nhiều, đi lại khó khăn, chân tay cứ run lẩy bẩy. Cách đây hai năm, má ngã xuống ao và mất. Từ đó vợ chồng tôi dọn về sống cùng ba, đỡ đần ông cụ chăm sóc anh Khích và chú Thảo”.
Gia đình chị Máy có đến 4 người con. Trong đó, ba người đang đi học. Từ ngày dọn về nhà ba chồng, khi chị đi làm thuê, khi thả lưới bắt cá mang ra chợ bán, thiếu thốn trăm bề. Vừa mới đây, ông Cật bị té. Căn bệnh huyết áp, thấp khớp, tai biến dẫn đến cánh tay phải tê cứng khiến cơ thể ông ngày càng mòn mỏi. Ông Cật kể: “Hai anh em thằng Khích mỗi lần ôm đi tắm là cực nhất. Tôi yếu lắm, tay cứ run run nên tụi nó dù bé tí nhưng cũng rất nặng với tôi. Riêng việc tiểu tiện thì tùy bữa.
Có bữa, thằng Khích với em nó kéo tay ú ớ, chỉ trỏ là tôi hiểu, mình ôm con để giúp nó đi vệ sinh thì sạch sẽ, gọn gàng. Có bữa, chẳng nói chẳng rằng, hai anh em cứ thả bậy ra giường. Thân già tôi dọn mướt mồ hôi. Hồi này, hai đứa khó ngủ, đêm nào cũng la, hét. Mà khổ, nào mình có hiểu được đâu. Phải chi con tôi nói được thì nó đau, nó mệt hay khó chịu gì, nó nói tôi biết. Mắt tôi cũng mờ rồi, có khi ngồi xuống đứng lên là xoay mòng mòng chẳng thấy gì. Thành ra, con dâu tôi cũng khổ lây vì phải chăm sóc hai người bệnh và tôi nữa”.
Tôi đi loanh quanh sau nhà ông Cật, thấy đâu cũng buồn. Buồn từ cái ao nhỏ xíu đến chái bếp rách. Chị Máy cho biết, 8 năm trước, mấy anh em chị tích góp sửa lại căn nhà trên để ông bà có chỗ che mưa che nắng, phần nhà dưới thì cứ để vậy, tới đâu hay tới đó. Dạo này, sức khoẻ ông Cật yếu hẳn đi. Trong khi đó, hai anh Khích, Thảo vẫn cần được ăn uống, tắm giặt, thuốc thang mỗi ngày. Có lúc mệt quá, chị Máy thấy ông Cật ngồi bệt xuống đất thở dài.
Đêm, cả nhà chẳng ai ngủ được tròn giấc vì những tiếng la, ú ớ không rõ nghĩa của Khích, Thảo. Ông Cật run run: “Đợt rồi thằng Thảo bệnh. Nó nhịn ăn, uống, người cứ gầy rộc đi. Cả nhà ai cũng lo. Tôi mong sao mình có đủ sức khoẻ để anh em thằng Khích có chỗ dựa, con dâu tôi bớt khổ. Nhưng mong thì mong vậy thôi, tôi gần 90 rồi. Tôi giờ chẳng dám ngủ vì sợ lỡ tôi có mệnh hệ nào, con tôi biết trông chờ vào ai?”.
Rất mong bạn đọc gần xa hảo tâm giúp đỡ ông có điều kiện chăm lo cho các con trong những ngày tháng khó khăn này. Mọi sự giúp đỡ xin gởi về địa chỉ: Ông Huỳnh Văn Cật, 166, ấp Bà Nghĩa, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An hoặc điện thoại: 01677 535 563 (chị Máy).
Mộc Bình (Dòng Đời)
|