Mái tóc rối hoe vàng, móng tay cáu bẩn, đứng khép nép bên cây cột nhà sàn là hình ảnh đầu tiên về cô bé mồ côi nghèo khó Bùi Thị Khánh hiện đang học lớp 3A, Trường Tiểu học Thiết Ống 1 - huyện vùng cao Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Hai bà cháu cô bé Khánh.
Khánh lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt, sinh ra em được vài tháng, mẹ bỏ đi biệt xứ, đêm đêm đứa trẻ còn đỏ hỏn thiếu hơi ấm, thiếu sữa mẹ khóc đến tím tái người khiến ai trong bản cũng chạnh lòng thương cảm. Số phận vẫn chưa buông tha khi em mới hơn một năm bố lại mất vì bệnh tật. 14 tháng tuổi, đứa bé vô tội mới tập nói ê a những chữ đầu tiên này đã mất đi một gia đình.
Hiện tại, em ở cùng bà nội là Bùi Thị Ơn (74 tuổi) ở bản Nán - xã Thiết Ống. Bà già yếu không thể đưa cháu đi học được nên từ lúc còn học mẫu giáo cho đến bây giờ, Khánh đã phải tự đi bộ đến trường.
Ngày mới của đứa trẻ mồ côi này bắt đầu từ lúc 5h sáng, không một hạt cơm bỏ bụng, cô bé đi bộ 6km đến trường. Bản Nán nằm trũng sâu giữa các quả đồi nên con đường đến trường của em vất vả thêm bội phần khi phải vượt qua 2km đường dốc đứng lởm chởm toàn đất đá. Đứng từ đỉnh dốc có thể nhìn thấy cả dòng sông Mã mùa mưa nước đỏ ngầu ráo xiết chảy, có đoạn một bên là núi sạt lở bên kia là vực sâu.
Những buổi sáng sớm sương mù lạnh lẽo, trong đôi dép tổ ong mòn vẹt, bước chân nhỏ của Khánh như người chập chững tập đi vì đường trơn như bôi mỡ. Chỉ lơ đễnh một chút thôi là em sẽ trượt xuống vực sâu hun hút.
Dù cẩn thận bao nhiêu đi chăng nữa thì với sức vóc của một cô bé cao chưa tới 4 bậc thang nhà sàn này vẫn không ít lần phải ngã gục, chuyện quay về nhà thay quần áo rồi tiếp tục đến trường với Khánh không còn xa lạ nữa. Thế nhưng suốt những năm học qua, trừ ngày mưa to gió lớn còn lại em luôn chăm chỉ đến trường không thiếu một buổi. Những ngày hè nóng nực, những ngày mưa dầm dề em về đến nhà lúc 12h30. Ăn vội bát cơm trắng không kịp ngủ trưa, lại theo bà lên rừng chặt củi hoặc chăn dê cho bác.
Quay mặt đi chỗ khác, bà Ơn nâng vạt áo lao động cũ rách lau giọt nước mắt nghèo khó kể lại câu chuyện xảy ra trước ngày khai giảng năm học trước: “Để có tiền mua bút cho con bé, tôi đã cùng với nó lên rừng chặt một cây luồng. Sức yếu tôi không thể vác qua con dốc của bản đi bán cho cháu được. Khánh dù mới học lớp hai đã phải tự mình vác cây cọc luồng dài 2,5m, gấp đôi chiều cao cơ thể từ nhà ra đường quốc lộ bán với giá 2.500 đồng, số tiền vừa vặn để mua một cây bút bi”. Suốt hai năm trời đi học cặp không có, Khánh bỏ sách vở vào trong một cái túi nylon nhàu nhĩ…
Một người phụ nữ ngay gần nhà Khánh kể thêm: “Bà cái Khánh già lắm rồi, không kiếm được tiền nuôi cháu. Mỗi tuần con bé thường phải vác 2-3 cái cọc luồng xuống bán, tuần nào vác được 5 cây cọc luồng giá 17.500 đồng đủ tiền cho nó ăn cả tuần đấy”.
Trong khi bạn bè cùng lớp đi học mang cơm vào cặp lồng thì Khánh bỏ một nắm cơm chỉ bằng quả trứng vịt vào một cái túi nilon, lẫn vào túi nylon sách vở. Cô Lê Thị Vân - chủ nhiệm Khánh lớp 1, 2 cho biết: “Những ngày đầu, thấy trong đáy túi em đựng cơm có màu vàng vàng, nghĩ đó là muối vừng. Lúc lại gần cô mới biết, đó là do chiếc túi quá bẩn, những vết đất còn đọng dưới đáy túi lâu ngày ngả thành màu vàng”.
Hiếm khi Khánh được một bữa cơm no, ngoài nắm cơm nhỏ bằng nắm tay em ra thì thỉnh thoảng em mới có một tí thức ăn là quả trứng hoặc con cá khô. Thấy vậy, cô Vân đã chủ động đi xin các bạn có nhiều thức ăn san sẻ cho Khánh một ít. Ngay cả quần áo cũng thế, rất hiếm khi em được biết đến mùi thơm tho của bộ quần áo mới, mà chủ yếu mặc lại quần áo cũ các bạn cùng lớp cho.
Mỗi lần thấy các bạn có bố mẹ, ông bà đưa đón, Khánh cũng ao ước mình có một gia đình đầy đủ, khi vấp ngã có bố đỡ dậy, mái tóc xác xơ có mẹ âu yếm chải chuốt cho. Đêm đêm, đứa trẻ mồ côi vẫn mơ một ngày được đứng trên bục giảng làm cô giáo. Nhưng ước mơ của em có thể sẽ là dang dở khi trên lưng em không chỉ là cặp sách.
Liệu rằng, bà nội già cả của em còn có thể lên rừng được mấy năm nữa để chặt cọc luồng cho cháu. Và em - cô bé nặng chưa đầy 15kg sẽ còn phải vác trên đôi vai thơ gầy bao nhiêu cọc luồng nữa mới đủ tiền mua một cây bút, một chiếc cặp mới, thì ai dám nói đến ước mơ xa vời kia .