Không có tiền tiếp tục chạy chữa, bà Láng bấu víu hy vọng sống bằng mấy thứ lá thuốc người ta mách cho
Trong ngôi nhà nhỏ ở xóm 3, xã Thanh Lương (Thanh Chương, Nghệ An) bà Phan Thị Láng (SN 1943) đang cố gắng chống chọi với những cơn ho xé phổi. Cứ mỗi lần cơn ho kéo đến, bà phải gồng cong cả người để ho. Thân thể đã bị những tế bào ung thư phổi bào mòn lại thêm rũ rượu ra. Dứt trận ho, nước mắt vẫn chảy quanh má, bà thều thào: “Từng ni tuổi, tôi cũng không thiết sống nữa nhưng nghĩ tới thằng Vinh mà thương đứt ruột, không nỡ chết”.
Lấy chồng, sinh con, chồng đi bộ đội, một mình bà Láng ở nhà lo cái ăn cái ở, phụng dưỡng mẹ chồng, nuôi dạy con cái. Năm 1970, ông Nguyễn Trí Hoành - chồng bà xuất ngũ, tham gia hoạt động tại địa phương, lần lượt 6 đứa con ra đời trong nghèo túng. “Thằng Vinh (Nguyễn Trí Vinh - SN 1978) sinh ra không được bình thường do ảnh hưởng của chất độc da cam thời gian ông nhà tôi chiến đấu ở Campuchia. Tay chân nó cứ co rút lại. Lớn lên thì gần như chẳng làm được gì, mọi sinh hoạt, ăn ở đều phải do bố mẹ lo cho tất”, bà Láng cho biết.
Cuộc sống vốn khó khăn khi phải nuôi dạy 6 đứa con nhưng chỉ biết trông vào mấy sào ruộng cùng số tiền lương ít ỏi của ông Hoành. Đến khi ông buộc phải nghỉ việc ở nhà chăm lo cho anh Vinh thì cuộc sống lại càng khó khăn gấp bội. Ấy vậy nhưng sự khắc nghiệt của số phận vẫn chẳng buông tha cho gia đình khốn khổ này. Năm 2012, ông Hoành phát hiện bị ung thư gan, khi đó tế bào ung thư đã di căn sang dạ dày.
Không còn cơ hội cứu chữa, với lại cũng không có tiền, gia đình đành đưa ông về nhà chăm sóc. Trong thời điểm đó, bà Láng cũng được chẩn đoán ung thư phổi, phải nhập viện điều trị. Hai người trọng bệnh, gia đình trở nên khánh kiệt.
Từ ngày bệnh tình bà trở nặng, chị Sinh phải bỏ việc về quê thuốc thang cho mẹ và chăm sóc người anh trai tật nguyền
Sự chăm sóc của gia đình cũng không thể cưỡng lại được với mệnh trời. Rạng sáng 29 Tết Quý Tỵ, ông Nguyễn Trí Hoành trút hơi thở cuối cùng trong đau đớn bởi khối u đã vỡ. Nói về người chồng quá cố, nước mắt bà Láng lại lăn dài: “Tôi được bệnh viện cho về quê ăn Tết. Đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp ông ấy. Cả đời vất vả khổ cực, đến khi chết cũng phải chết một cách tức tưởi, đau đớn giữa cái lúc làng xóm chuẩn bị đón năm mới”.
Chưa làm tròn trách nhiệm của một người vợ đối với việc hương khói, thờ phụng chồng, bà lại phải quay về bệnh viện với những đợt hóa trị, xạ trị đau đớn. Do bệnh tình chuyển biến xấu, các bác sỹ đã chuyển bà Láng ra điều trị tại Bệnh viện K Hà nội để mong kéo dài sự sống cho bà. “Mỗi chuyến đi lại như thế tốn kém lắm. Bao nhiêu của nả trong nhà đã theo ông ấy, rồi theo tôi đi viện. Con cái cũng khánh kiệt vì chạy chữa cho bố mẹ mà không biết có cưỡng lại được mệnh trời hay không”, bà lại sụt sùi thương chồng, thương các con.
Mỗi lần đưa bà Láng ra Hà Nội chữa trị, các con của bà phải thay nhau hộ tống, túc trực ngoài đó cả tháng trời. Người nhà, hàng xóm thay nhau chăm sóc anh Vinh. “Chúng nó cũng có gia đình riêng, đứa mô cũng khó khăn, giờ lại gánh thêm khoản nợ chạy chữa thuốc men cho cha mẹ, nghèo lại càng nghèo thêm. Nhiều khi quẩn quá, tôi chỉ muốn chết quách cho xong, để con cái bớt gánh nặng. Nhưng tôi chết đi rồi ai chăm sóc, tắm rửa, cơm nước cho thằng Vinh. Các chị em nó khổ vì bố mẹ nhiều rồi, giờ lại bắt chúng nó nuôi thằng Vinh nữa thì tội quá. Mà nuôi được cậu, rồi trả tiền vay nợ chạy chữa cho bố mẹ, không khéo con cái chúng nó thất học mất”, bà Láng canh cánh nỗi niềm.
Từ khi bố mất, mẹ thường xuyên đi viện, dường như Vinh chỉ quẩn quanh dưới chuồng bò, nhiều hôm ngủ luôn trong đó, không ai có thể khuyên được Vinh lên nhà, mà cõng lên thì không ai đủ sức. Do 4 người chị đã có gia đình riêng ở Hà Tĩnh và các huyện khác, riêng chị Nguyễn Thị Sinh lấy chồng ở Đô Lương đã phải bỏ việc, mang con về quê để chăm sóc mẹ và anh trai.
Từ ngày bố mất, anh Vinh chỉ quanh quẩn dưới chuồng bò mà không chịu lên nhà
“Ngày trước nhà có con bò thì mẹ bệnh đã bán để lo thuốc thang, bây giờ ngoài căn nhà ngói này thì gia đình chả có gì đáng giá. Bây giờ số tiền nợ chồng tiền lãi cũng cả hàng chục triệu. Không biết lấy gì để trả nợ, tiếp tục chạy chữa cho mẹ đây?”, tiếng thở dài bất lực của chị Sinh như chìm nghỉm giữa những tiếng ho xé ruột của bà Láng.
Thương gia cảnh của gia đình bà, hàng xóm, láng giềng người cho vay tiền, người nhận làm giúp mấy sào ruộng… để bà có thể yên tâm chạy chữa. Nhưng tiền đã cạn, vay ngân hàng thì không có tài sản cầm cố, bệnh tình bà Láng ngày càng nặng, không có cơ hội chạy chữa nên bệnh viện trả về. Thương con, bà bấu víu hy vọng sống bằng mấy thứ lá thuốc người ta mách cho nhưng chẳng thể chống lại được những tế bào ung thư đã tàn phá cơ thể già nua, yếu ớt này nữa.
Nói về hoàn cảnh của bà Phan Thị Láng, ông Nguyễn Trọng Thành - Văn phòng UBND xã Thanh Lương cho biết: “Chính quyền địa phương đã cố gắng tạo mọi điều kiện nhưng gia cảnh bà Láng quá khó khăn, nên cũng không thấm vào đâu. Mong rằng các cá nhân, tập thể có tấm lòng hảo tâm sẽ chia sẻ được phần nào giúp bà qua cơn hoạn nạn ấy.