Tiếng đàn piano lúc nhanh lúc chậm, khi dồn dập, khi lại du dương như tuôn trào từ đôi tay gầy guộc của Nguyễn Quang Hồng Ân. Năm Hồng Ân lên 9 tuổi, cô bé thi vào Nhạc viện TPHCM, không ai tin em sẽ thi đậu, vì vóc dáng gầy nhom thế kia, liệu có sức mà đánh đàn? Thế mà, trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, cô bé đậu thủ khoa với 9,5 điểm.
Đến nay Hồng Ân đã theo học được 5 năm, cô học viên vẫn mảnh mai như thế, ngón đàn vẫn đầy nội lực và ngày càng điêu luyện dưới sự dìu dắt của các giảng viên Nhạc viện. Cô Nguyễn Thùy Yên, Phó khoa Piano của rất tự hào khi nhắc đến cô học trò nhỏ: “Ở Hồng Ân có cả năng khiếu và quyết tâm. Đặc biệt là tôi chưa thấy học viên nào có quyết tâm cao đến vậy. Mỗi ngày em luyện đàn 7-8 tiếng, khả năng tiếp thu nhanh, lại rất chịu khó rèn luyện”.
Ngày ngày, Hồng Ân cần mẫn luyện tập bên chiếc piano "gia truyền"
Ở thời buổi kinh tế thị trường, giữa bao dòng nhạc mới, nhạc trẻ được nhiều người ưa chuộng thì quyết tâm theo dòng nhạc cổ điển của Hồng Ân và gia đình như một chuyến lội ngược dòng liều lĩnh. Cha mẹ Hồng Ân đã cho em chuyển sang trường giáo dục thường xuyên với chương trình học nhẹ nhàng hơn để em dồn sức học đàn.
Hậu phương vững chãi của Hồng Ân chính là cha mẹ em, anh Nhân và chị Hạnh. Vì sự nghiệp học hành của con mà họ quyết định đi thuê một căn hộ để ở gần trường hơn, đỡ tốn thời gian đi lại, cũng là vì thể trạng của Hồng Ân không được khỏe khoắn như các bạn đồng trang lứa.
Nguyễn Quang Hồng Ân
Nhạc viện TPHCM ở gần công viên Tao Đàn, những năm Ân còn bé, mỗi khi con vào học là mẹ lại ra công viên chờ đợi, vì hễ trống tiết là Ân lại cần mẹ chăm sóc. Rồi hai mẹ con cùng dùng bữa trưa tại công viên, món ăn do chị Hạnh sáng sớm chuẩn bị đem theo từ nhà. Đến nay, sáng sáng, trưa trưa, cô bé vẫn được cha đưa đón vì anh Nhân không dám để con gái đi xe buýt.
Anh Nhân vốn là giáo viên đã về hưu nhiều năm, còn chị Hạnh đi dạy kèm Anh văn và dạy đàn để có thêm thu nhập. Trong căn phòng thuê không mấy rộng rãi của gia đình 3 người thì có đến 4 cây đàn: piano, organ, guitar và đàn tranh. Chị Hạnh tự học đàn từ khi còn trẻ nên Hồng Ân được làm quen với âm nhạc từ thuở chưa lọt lòng.
Từ thuở chưa ngồi vững, bé Hồng Ân đã "mê" đàn piano
Chị Hạnh vui vẻ kể: “Khi bé mới 2 tuổi rưỡi đã có thể phân biệt các nốt nhạc rõ ràng. Mẹ bấm nốt nào là bé nói ngay được tên nốt ấy. Khi bé lên 4, chúng tôi phát hiện khả năng nghe của bé rất tốt nên cho tập đàn dần dần”.
- Nguyễn Quang Hồng Ân, sinh năm 1999.
- Thủ khoa trong cuộc thi đầu vào Nhạc viện TPHCM năm 2008.
- Tham gia Piano Concert vào tháng 10/2012 với sự góp mặt của các giảng viên và học viên Nhạc viện TPHCM
- Vào vòng chung kết cuộc thi Piano quốc tế lần thứ 2 - tổ chức tại Hà Nội năm 2012
|
Câu chuyện của hai vị phụ huynh cứ xoay quanh việc học hành của cô con gái rượu và việc sắp tới, Hồng Ân sẽ tham dự kỳ thi tranh tài piano quốc tế nhạc Nga tổ chức tại Hoa Kỳ vào đầu tháng 6/2013. Đây được xem là Thế vận hội Piano toàn cầu chuyên đề nhạc Nga nhưng hầu như hiếm có thí sinh Việt Nam được mời tham dự. Hồng Ân được Nhạc viện TpHCM viết thư giới thiệu để được tham dự cuộc thi này.
Lo lắng lớn nhất có lẽ là vấn đề kinh phí, vì vé máy bay khứ hồi cho hai mẹ con đã hết 80 triệu đồng, chưa kể chi phí ăn ở (Hồng Ân mới 14 tuổi nên phải có phụ huynh đi cùng). Cuộc thi này Hồng Ân tham gia tự túc nên ngoài việc hỗ trợ thêm về bài vở và thủ tục, Nhạc viện cũng không có nguồn kinh phí để giúp em.
Hồng Ân cười bẽn lẽn: “Mẹ nói đùa là nếu được qua bên đó thì hai mẹ con ăn mì gói để đi thi cũng cam lòng. Đây là lần thứ 3 em tham gia cuộc thi lớn, cũng có đôi chút hồi hộp. Ngày em còn nhỏ, lần đầu tiên đi thi, mẹ em động viên rằng: “Con cứ xem mọi người như… củ khoai đi, đừng sợ gì cả!”, nhờ câu nói đó mà em tự tin hơn”.
Anh Nhân chia sẻ: “Dù sao thì chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để Hồng Ân tham gia cuộc thi này. Bạn bè của tôi cũng giúp đỡ một phần nhưng vé máy bay vẫn chưa mua được. Tôi chỉ lo là càng gần ngày khởi hành thì vé máy bay càng đắt, cho dù mình mua loại rẻ nhất”.
Sau giờ cơm trưa, Hồng Ân lại ngồi luyện đàn. Chiếc đàn piano cũ kỹ truyền lại từ thời ông bà ngoại, rồi đến mẹ em, đến nay vẫn vang lên những âm thanh trầm bổng dưới những ngón tay thoăn thoắt của cô gái nhỏ nhắn. Những kỳ thi, những cơ hội khẳng định tài năng đang chờ em phía trước. Sẽ có phần thưởng là những chiếc đàn to đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng với Hồng Ân, chiếc piano cũ này mãi là món quà kỷ niệm vô giá.
Cùng lắng nghe tiếng đàn của Hồng Ân:
Hồng Nhung