Những ngày cuối năm, trời vẫn mưa rả rích. Gió bấc lạnh lùng. Nằm trong chăn ấm, nệm êm mà lòng thổn thức, không sao ngủ được. Tôi nhớ về một miền quê nghèo khó - Quỳ Châu - thuộc huyện núi cao của tỉnh Nghệ An. Nơi đây, các em học sinh đến trường, áo chưa ấm mùa đông. Nhiều em phải lội qua nhiều con suối để tới lớp. Đôi chân nứt nẻ, rớm máu.
Trong danh sách 3 huyện nghèo của tỉnh Nghệ An: đó là huyện Quế Phong, Kỳ Sơn và huyện Tương Dương. Lâu nay huyện Quỳ Châu được báo cáo đã xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ người nghèo không nhiều. Nhưng, thực tế chứng minh ngược lại. Qua khảo sát mới đây, cho biết huyện quá nghèo. Trong 12 xã và thị trấn, trừ thị trấn còn lại xã nào cũng có nhiều bản thuộc diện nghèo, hưởng chế độ 135 của chính phủ. Các xã thuộc vùng sâu vùng xa như: Châu Hoàn, Diên Lãm, Châu Phong, Châu Nga, Châu Hội, Châu Bình, Châu Thắng, Châu Thuận, Châu Bính (Phà Đáy) , Châu Hạnh (Bản Kẻ Nính, Tà Sỏi, Na Xén, Minh Châu, Khe Mỹ).
Trường tiểu học thị trấn Quỳ Châu, được xây dựng trên một khuôn viên đẹp, khang trang. Học sinh nề nếp, có truyền thống hiếu học. Phần lớn là con em cán bộ. Toàn trường có 13 lớp, với 370 học sinh. Trong đó có 184 em là dân tộc Thái và Thanh. Gần 100 em thuộc diện nghèo của bản Kẻ Bọn, Húa Na, Định Hoa. Hiệu trưởng Lang Thị Tuyết tâm sự: “Trường có phong trào học tập nhất huyện. Là 1 trong 5 điểm trường trọng điểm của tỉnh về chất lượng cao. Nhưng số HS con em các dân tộc ít người diện hộ nghèo gần 100 em. Thường thì nghèo nàn đi đôi với lạc hậu. Các em đến trường phải nhịn ăn sáng. Nhiều em áo không đủ ấm…”
Trường tiểu học Châu Hạnh 2, thuộc xã Châu Hạnh. Trước đây trường đóng trên địa bàn Hoa Hải, được hưởng chế độ 135, nhà xây dựng kiên cố. Thị trấn mở rộng sang Hoa Hải, trường phải chuyển về địa điểm mới cách trung tâm huyện 4 km. Trường có 10 lớp học đều tranh tre nứa tạm. Lại ở rải rác 3 điểm: Điểm Tà Sỏi, Khe Hán, Thuận Lập (Khe Bá cũ). Điểm chính gồm Bản Pà Cộ, bản Định Tiến, Bản Kẻ Nính, bản Pà Cọ. Trường có 31 giáo viên và nhân viên. Trong tổng số 363 học sinh, thì có 326 em là HS dân tộc Thái và Thanh - vùng nghèo hưởng chế độ 135 của chính phủ (70.000đ/tháng, được cấp sách vở đi học). Nhưng điều muốn nói ở đây là, các em sống trong hoàn cảnh rất khó khăn. Điển hình là HS bản Kẻ Nính - Điểm nóng của Xã Châu Hạnh.
Kẻ Nính xưa mà tôi biết, là một bản thuần túy, sống yên bình bên dòng sông Hiếu hiền hòa thơ mộng. Vậy mà, khi bọn lâm tặc tứ xứ đổ về phá rừng, phá luôn cả cuộc sống bình yên nơi đây. Trình độ dân trí thấp lại bị bọn xấu lôi kéo, nhiều tệ nạn xã hội tung hoành. Nghiện hút, trộm cắp, cờ bạc, HIV… Nhiều gia đình tan hoang, đang sống chung với con nghiện, với HIV.
Trường có 20 em chịu cảnh mồ côi cha hoặc mẹ (chết vì HIV). Riêng Em Vi Thị Oanh, học sinh lớp 5 mồ côi cả cha lẫn mẹ sống nhờ người cậu, cũng rất nghèo.
Cô hiệu trưởng Sầm Thị Viên chia sẻ: “ thương các em mà không biết làm sao. Với 245 hộ nghèo, nhà trường không có cách gì hơn là động viên các cô giáo hỗ trợ từ 10 - 15.000đ/tháng, giúp các em những ngày học 2 buổi sáng và chiều, có thức ăn, các em mang cơm - Nếu trưa các em về nhà, chiều sẽ không đến lớp. Việc làm này kéo dài từ năm 2006 đến nay…”
Tôi chỉ giới thiệu 2 trường tiểu học tiêu biểu của huyên Quỳ Châu - một trường tạm gọi là giàu nhất và một trường nghèo nhất… Còn các em học sinh trường tiểu học vùng sâu, vùng xa như: trường Châu Bình1, Châu Bình2, Châu Thắng, Châu Thuận, Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm… vv… thì sao? Các em trường PTTH, THCS nữa…?
Nghĩ về các em, tôi thầm ao ước có được phép thần thông mầu nhiệm giúp các em có cơm ăn áo mặc, như bao đứa trẻ khác đến trường… Những câu chuyện cổ tích lại ùa về. Những trận mưa vàng ngày xưa ơi…
Tết đến nơi rồi, thương lắm các em ơi!
Quỳ Châu - Vinh, 27-1-2013
Lễ phát động cuộc thi vẽ tranh Chiếc ô tô mơ ước
10 lớp học tranh tre nứa tạm
Phòng học lớp 3A
Bữa cơm trưa, chờ học buổi chiều
Nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch
|