Trong khi ở Sài Gòn, những quán cơm 2000 đồng, quán cơm Nụ cười đang dần trở nên phổ biến thì ở Hà Nội, quán phở từ thiện đầu tiên bắt đầu xuất hiện như một cánh én báo tin xuân.
Ước sao ngày càng nhiều những quán ăn như thế xuất hiện, trong lúc kinh tế khó khăn này, để sẻ chia cho nhau một miếng khi đói.
Hà Nội là mảnh đất gắn liền với món “phở”, dù phở không phải quê ở đây, nghe đâu những người Nam Định đã mang nó đến với Hà thành từ món “xáo trâu” quê mùa dân dã. Nhưng phở đã thăng hoa ở Hà Nội, nói đến phở, phải là phở Hà Nội, nhất là mùa đông xứ Bắc, ăn một bát phở nóng, nhà văn Nguyễn Tuân còn nói như là vừa nuốt được cả cái chăn bông.
Lan man một chút về phở Hà Nội để thấy, phở có giá trị thế nào với mảnh đất kinh kỳ này, nhưng tôi chỉ thấy phở thực sự đẹp hơn lên rất nhiều từ khi ở phường Khương Trung có quán phở gà miễn phí dành cho người khó khăn vào chủ nhật hàng tuần. Anh Khánh-chủ quán phở cho biết, quanh khu vực anh sống có rất nhiều cụ già nghèo và người lao động, họ không bao giờ đủ tiền ăn một bát phở. Mục đích anh mở quán phở gà miễn phí này là giúp họ ấm lòng những ngày đông giá lạnh. “Khách không cần phải mang bất cứ giấy tờ nào chứng minh mình nghèo, chỉ cần đến chúng tôi sẽ phục vụ”- ông chủ quán giàu tình thương cho biết.
Đã có người cắc cớ hỏi, người đi ô tô, xe máy đến xin ăn phở miễn phí có được không, anh Khánh trả lời ngay, được chứ, nhưng có điều, tôi tự hỏi, không biết có ai dám làm điều đó không nhỉ? Cha ông mình có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ngắn gọn, vần điệu thế thôi mà chứa đựng bao nhiêu điều đúc kết. Chẳng phải những đồng bạc tằn tiện sẻ chia cho nhau lúc cơ hàn bao giờ cũng khiến người ta nhớ rất dai, nhớ đến trọn đời trọn kiếp.
Những miếng ăn mà người trao phải nhịn đi trong lúc khó khăn, bao giờ cũng được người nhận đặt trang trọng ở một góc rưng rưng trong lòng? Khi đói, khi nghèo, người ta mới tha thiết cần đến nhau, lúc ấy, một cánh tay chìa ra có ý nghĩa hơn hàng vạn những cánh tay lúc người ta đã qua cơn bĩ cực.
Phong trào quán cơm 2000, quán cơm Nụ cười xuất phát đầu tiên từ TP.HCM, tôi nghĩ cũng phải thôi, thiên địa ưu tiên cho vùng đất mới, trù phú hơn, giàu có hơn, con người dễ dàng hào phóng chia sẻ với nhau hơn. Còn miền Bắc, miền Trung, mảnh đất chật chội vất vả nuôi dưỡng bao nhiêu thế hệ người Việt từ thủa dân tộc này khai thiên lập địa, miếng ăn cũng phải chật vật giành giật với thiên tai, thành thử, nếu xét về độ hào phóng, các bậc liền anh liền chị Bắc kỳ bao giờ cũng chịu thua các anh Hai, chị Hai Nam kỳ một chút.
Nhưng hôm nay, cái đức tính “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” đã san sẻ đều hơn cho hai miền Nam- Bắc, biểu hiện ở quán phở Khương Trung, ở quán cơm 5000 đồng của một chàng trai thế hệ 8x ở cổng Bệnh viện Nhi Trung ương khiến tôi tin hơn ở phẩm chất của người Việt. Phải thế chứ, dù có thế nào, người Việt mình cũng phải biết san sẻ tình thương cho nhau, trong cái nghĩa “đồng bào”.
Quán phở gà miễn phí của anh Khánh ở Khương Trung, Hà Nội.
Tôi không biết rồi cái quán phở gà miễn phí của anh Khánh tốt bụng ở Khương Trung sẽ tồn tại được bao lâu, cầu mong cho ông chủ đủ lực để nối dài sợi dây tình thương của mình ra mãi. Tôi cầu mong những nhà tỷ phú nào đó, thay vì vung tiền mua một chiếc bút trị giá ngàn đô, đôi giày ngàn đô, chiếc túi xách ngàn đô cho cô bồ nhí bé bỏng, tự nhiên một phút giây nào đó, sực nhớ đến những người nghèo.
Sẽ là không tưởng khi mơ một xã hội mà ai cũng giàu có no đủ như ai, ai cũng hạnh phúc thái bình an hưởng sướng vui đầm ấm, nhưng không phải là không tưởng khi mơ rằng, mọi người nghĩ đến nhau nhiều hơn. Chia cho nhau một miếng khi đói, một đồng tiền khi cạn túi, để hai chữ hạnh phúc được san sẻ rộng hơn ra khắp chốn nhân gian. Việc ấy chắc cũng không đến nỗi quá khó khăn.
Không ai bắt bạn mang cả gia tài ra làm từ thiện, nhưng chỉ cần bạn nghĩ đến những người bất hạnh hơn mình một chút, một người già chưa có đủ manh áo trong đêm đông, một đứa trẻ vùng cao đến trường với đôi bàn chân bé bỏng trần xì trên mặt đất, thì bạn sẽ có cách để làm được một điều gì đó tốt đẹp.
Khi viết những dòng này, tôi hình dung trước mắt mình gương mặt hạnh phúc của những người nghèo khi họ cúi xuống xì xụp húp và ăn ngấu nghiến từng miếng phở ngon lành trong quán của anh Khánh. Chắc sẽ có người già sướng vui lắm, vừa ăn vừa khẽ cười, vì lần đầu trong đời biết vị phở là thế nào, có đứa bé đánh giầy gầy gò ước ao phút giây thần tiên này kéo dài ra mãi. Sẽ có những người như tôi, cảm thấy trong lòng nghẹn ngào vì mình trần tục, không phải là thần tiên, để có thể phất chiếc đũa thần mang đến cho khắp thế gian những cảnh giới thiên đường như thế.
Cuộc đời này, đang cần lắm những người biết sẻ chia.
Mi An / phunutoday
|