Nhận được điện thoại cầu cứu từ phía người thân, chúng tôi xuôi về mảnh đất thuần nông Nghi Hưng tới gặp cô giáo mầm non có hoàn cảnh đáng thương Hoàng Thị Lan (SN 1990, trú tại xóm 9, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đang mắc bệnh hiểm nghèo. Cô Lan - thế hệ 9X, còn trẻ lắm, làm cô giáo chưa được mấy năm thì bị bệnh, giờ cô như đang nằm chờ từ thần đến rước đi. Gặp chúng tôi cô nghẹn ngào nói không nên lời.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông con nên cuộc sống của cô giáo trẻ cũng muôn phần khó khăn vất vả. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng, Lan xin về công tác tại trường mầm non Nghi Hưng. Công tác được gần 1 năm, Lan xin được vừa đi học, vừa đi dạy để củng cố thêm kiến thức chuyên môn cho việc giảng dạy của mình.
Tháng 7/2012, trong một lần đang đi học, Lan bỗng dưng thấy hoa mắt chóng mặt, rồi ngấtxỉu từ lúc nào không hay. Mấy ngày sau, tình trạng trên vẫn tiếp diễn, Lan thường xuyên lên cơn sốt, người ngày càng xanh xao và tiều tụy. Gia đình lo lắng, sợ con bị bệnh gì nguy hiểm nên đã đưa xuống bệnh viện đã khoa huyện Nghi Lộc để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết, Lan bị thiếu máu nghiêm trọng chưa rõ nguyên nhân. Sau đó các bác sĩ yêu cầu người nhà phải khẩn trương chuyển lên bệnh viện tuyến trên để khám lại chính xác hơn.
Thế rồi, cả gia đình lại dắt díu đưa Lan đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An để thăm khám bệnh tình. Sau khi làm các xét nghiệm máu, rồi chọc tủy lấy mẫu xét nghiệm, các bác sĩ đã kết luận: cô Lan bị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy. Ngày 19/7/2012, cả gia đình lại đưa Lan ra bệnh viện Huyết học truyền máu trung Ương thăm khám. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm máu và tủy, các bác sĩ chưa dám khẳng định nhưng đã nghi chị Lan có nhiều khả năng bị bệnh về máu, rồi tiếp tục chuyển lên khoa truyền hóa chất để theo dõi thêm. Sau 2 tuần vừa xét nghiệm máu vừa tiến hành chọc tủy để kiểm tra thêm một lần nữa, các bác sĩ đã kết luận chị Lan bị ung thư máu (bệnh bạch cầu tủy cấp).
“Khi kết luận cháu bị ung thư máu, các bác sĩ ở đây bảo, nếu gia đình không có điều kiện thì hãy đưa cháu về nhà, còn nếu gia đình có điều kiện thì cố gắng tiếp tục để cháu ở lại điều trị. Để chữa trị căn bệnh này rất mạo hiểm, vì phải truyền những loại hóa chất cực độc vào cơ thể để duy trì sự sống và cần kinh phí rất lớn thì mới điều trị được. Thế rồi tôi lại chạy về họp gia đình anh em, vay mượn tiền của để bằng mọi cách tôi cũng phải chữa trị cho nó. Nhưng sợ nó lo lắng nên gia đình cũng chẳng ai cho nó biết là đang bị căn bệnh hiểm nghèo không thể chữa trị được, để nó được lạc quan hơn mà điều trị”, bác Hoàng Văn Phúc, bố của chị Lan bùi ngùi tâm sự.
Về nhà vay mượn được ít tiền, ông Phúc lại vội vàng ra Hà Nội để kịp đóng tiền viện phí cho con được truyền máu và các loại hóa chất duy trì sự sống. Theo phác đồ điều trị của các bác sĩ, mỗi phác đồ điều trị kéo dài 4 đợt truyền các loại hóa chất và máu cho Lan. Nếu may mắn thì sau một phác đồ điều trị, căn bệnh sẽ tạm thời được kiềm chế, sau 2-3 năm căn bệnh mới tiếp tục tái phát trở lại. Còn nếu không may mắn điều trị hết 4 đợt thì bệnh tình chỉ được kiềm chế trong vài tháng rồi lại tiếp tục tái phát và có thể sẽ bị tử vong giữa chừng.
Sau 40 ngày điều trị đợt 1 bằng các hóa chất, sức khỏe Lan tương đối ổn định, rồi các bácsĩ cho chị về nghỉ ở nhà 3 tuần để có sức khỏe ra bệnh viện tiếp tục điều trị hóa chất đợt 2. Nhưng về nhà mới được gần 2 tuần, tình hình sức khỏe Lan lại bắt đầu yếu dần, da dẻ xanh xao, thường xuyên chóng mặt. Vì lo lắng nên cả gia đình lại đưa Lan ra bệnh viện trước thời hạn. Nhập viện lần này, các bác sĩ cho biết, Lan bị men gan tiêu hóa do ảnh hưởng của việc truyền hóa chất. Thế rồi, chị Lan lại được các bác sĩ điều trị gan. Sau 2 tuần điều trị, các bác sĩ lại tiếp tục cho chị về nghỉ dưỡng 3 tuần để chuẩn bị cho điều trị truyền hóa chất đợt 2.
Đợt 2, Lan được điều trị hóa chất trong 35 ngày. Ngày 16/11 vừa qua, Lan được các bác sĩ cho về nghỉ tại nhà và hẹn ngày 10/12 tới lại tiếp tục ra bệnh viện để điều trị hóa chất đợt 3. Vì phải truyền các loại hóa chất cực độc vào trong người nên Lan từ căn bệnh ung thư máu, nay chị lại còn mang thêm nhiều căn bệnh do phản ứng phụ của thuốc như đau xương, mắt mờ, chóng mặt, tóc rụng rồi các bệnh về gan… Từ một cô giáo dạy mầm non hiền lành, khỏe mạnh, Lan lại lâm vào tình cảnh bệnh hiểm nghèo, tóc trên đầu đã rụng gần hết, hàng xóm láng giềng ai cũng thương cảm cho tình cảnh của cô.
Số tiền điều trị sau hai đợt truyền hóa chất và điều trị gan của gia đình cho Lan đã lên đến hơn 200 triệu đồng. “Mỗi ngày tại bệnh viện, đơn thuốc truyền hóa chất, rồi truyền máu, các loại thuốc bệnh tác dụng phụ của việc truyền hóa chất của cháu Lan có hôm lên đến hơn 11 triệu đồng. Những ngày điều trị bình thường đơn thuốc tại bệnh viện cũng đã hơn 4 triệu rồi. Gia đình nông dân, tiền chữa trị cho nó đều phải vay mượn anh em hàng xóm. Giờ nơi nào vay mượn được tui cũng vay hết cả rồi, hôm nào đến ngày hẹn của bệnh viện để ra điều trị đợt 3 cho nó, không biết phải vay mượn ai đây nữa. Còn mỗi căn nhà, giờ mà thế chấp thì không biết rồi cả nhà sẽ ở đâu, nếu không thế chấp thì không có tiền cho con đi điều trị…”, bác Phúc nói giữa chừng lại ngắt quãng, rồi quay mặt đi buồn bã.
Trao đổi với về hoàn cảnh của gia đình chị Lan, ông Nguyễn Đình Hoàng - Chủ tịch UBND xã Nghi Hưng chia sẻ: “Cô Lan là giáo viên mầm non của xã, rất hiền lành, ở xã đây ai cũng quý mến. Từ ngày cô bị bệnh, cô tiều tụy, ốm yếu hẳn đi. Vừa rồi, ủy ban xã cũng đã kêu gọi ủng hộ từ công đoàn rồi các cá nhân, tập thể cũng được gần 10 triệu để ủng hộ, động viên tinh thần cho cô ấy điều trị. Là gia đình thuần nông nên điều kiện còn nhiều khó khăn, rất mong các cơ quan đoàn thể, các nhà hảo tâm có tấm lòng quan tâm và ủng hộ, chia sẻ cho hoàn cảnh của cô Lan, để cô sớm khỏe mạnh và tiếp tục công việc giảng dạy của mình”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Ông Hoàng Văn Phúc, bố em Hoàng Thị Lan: trú tại xóm 9, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ĐT: 01696.903.671