Thứ năm, 25/03/2021 Mã số 4056: Chàng trai mắc bệnh hiểm nghèo: Con chết mẹ không có tiền mua quan tài đâu Thứ năm, 25/03/2021 Mã số 4056: Chàng trai mắc bệnh hiểm nghèo: Con chết mẹ không có tiền mua quan tài đâu , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Một nách 2 con, không nhà cửa, không việc làm, chị Trang bất lực khi con trai mắc bệnh hiểm nghèo. Mỗi lần vào thuốc, dù đau đớn đến nhường nào nhưng chàng trai luôn nở nụ cười động viên mẹ.
Kể về cuộc hôn nhân của mình, chị Lê Thị Mỹ Trang (sinh năm 1989) thở dài ngao ngán bảo: "Ngày vợ chồng còn bên nhau, làm được bao nhiêu tiền là anh ăn nhậu bấy nhiêu. Mà nhậu xỉn rồi là về đánh vợ, nhiều hôm cứ nghe tiếng xe máy của chồng về đầu ngõ là mấy mẹ con giật bắn lên vì sợ".
Không chịu nổi những trận đòn của chồng, vào năm 2015, chị Mỹ Trang gửi con trai lớn là bé Trần Tuấn Kiệt (sinh năm 2008) cho chị gái chăm sóc giùm rồi ôm đứa con gái mới hơn 17 tháng tuổi trốn vào Đồng Nai ở trọ, làm công nhân để nuôi con. Hàng tháng, ngoài tiền gửi trẻ, nhà trọ, ăn uống, chị tiết kiệm 1 - 2 triệu đồng gửi về cho chị gái chăm sóc bé Kiệt.
Thế rồi đến cuối năm 2019, khi nghe chị gái thông báo bé Kiệt bị sốt nặng, đi khám bác sĩ nói tình hình khá nghiêm trọng, cần đi TPHCM khám ngay. Chị Trang hoảng sợ nhờ chị gái đưa Kiệt từ Đắk Lắk về TPHCM khám bệnh.
Chị kể: "Em dẫn theo con gái nhỏ lên bệnh viện chăm con, vì đâu có gửi ai được. Khi nghe bác sĩ thông báo bị bệnh bạch cầu dạng lympho, một dạng bệnh ung thư thì 2 mẹ con ôm nhau khóc nức nở, rồi con bé nhỏ sợ quá cũng ôm mẹ khóc theo. Ai ngờ cái số mệnh của em khổ đến vậy!".
Nhưng nghĩ đời mình khổ quá rồi, chỉ còn 2 con là nguồn sống, chị Trang có gượng dậy lo chữa trị cho Tuấn Kiệt. Chị thu xếp gửi con gái nhỏ về cho chị gái rồi mình ở lại bệnh viện cùng con trai chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác.
Những ngày vào toa hóa trị đầu tiên, nhìn con tím tái và sốt cao hơn 40 độ, co giật từng cơn mà chị run bần bật. Vừa chườm hạ sốt cho con mà chị vừa khóc, hoảng hốt từng hồi vì sợ con bỏ chị đi ngay trong vòng tay của mẹ.
Rồi toa thuốc đầu tiên cũng qua, cậu bé Kiệt yêu mẹ và hiểu chuyện từ nhỏ, chưa từng khóc vì đau khi vào thuốc cũng đã chống chọi được cơn sốc thuốc và các tác dụng phụ mà bình an qua đợt thuốc đầu tiên.
Thế nhưng, khi nhìn tờ hóa đơn viện phí cho đợt thuốc đầu hơn 117 triệu đồng, dù được BHYT dành cho học sinh hỗ trợ nhưng gia đình vẫn phải đóng gần 38 triệu đồng mà chị Trang choáng váng. Với chị đó là một số tiền quá lớn.
Chị bảo: "Nếu không có BHYT chắc nhà em trốn viện về luôn chứ làm sao có số tiền nhiều như vậy. Nhưng số tiền còn lại phải đóng vẫn còn cao quá, em phải mượn thêm cha mẹ, chị gái và họ hàng".
Sau này địa phương cho gia đình chị vào danh sách hộ nghèo, BHYT được hưởng mức cao hơn, bé phải đóng ít hơn nhưng mỗi tháng cũng hết hơn 10 triệu đồng, chưa kể những loại thuốc đặc trị không có trong danh mục bảo hiểm, hay những lúc phải mua thuốc bên ngoài.
Chị kể: "Có đợt phải mua loại thường thôi giá cũng 1 triệu đồng 1 lọ, có đợt phải mua 10, có đợt 15 lọ… Mà đến lúc phải vào thuốc thì phải mua thôi anh, bệnh con đâu có chờ được, chần chừ có khi hối hận cả đời".
Nói rồi chị nhìn sang đứa con trai màu da tái xám và đôi mắt thâm quầng vì bệnh, vì thức đêm vào thuốc. Ánh mắt chị trìu mến nhìn con, cậu bé đang mệt mỏi vì lọ thuốc vừa truyền xong cũng cố nhoẻn miệng cười với mẹ…
Chị Trang thở dài: "Nó lúc nào cũng cố tỏ ra mạnh mẽ, đau lắm cũng cố đùa cho em vui! Hồi ở nhà thì lúc nào nghe tiếng xe ba về là cũng bảo mẹ trốn đi không ba đánh".
Khi vào thuốc, Kiệt đau nhíu chặt cả mày mà thấy mẹ xuýt xoa thì cậu còn cố tỏ ra thản nhiên, đùa với mẹ: "Con chỉ đau một chút thôi, mẹ đừng lo! Con sẽ không chết đâu, chớ con chết mẹ lại không có tiền mua quan tài đâu".
Nghe con đùa mà chị không cười nổi, nỗi sợ xâm chiếm cõi lòng, ôm chặt con mà khóc nức nở nghẹn ngào.
"Khi Kiệt bệnh, em không còn làm công nhân được nữa nên không có thu nhập. Những khi con được xuất viện phải ôm con về nhà chồng nương náu. Được vài tháng mà bị đánh chửi dữ quá nên em đành li dị luôn, đưa 2 đứa nhỏ về ở nhờ nhà cha mẹ ruột", chị Trang cho hay.
Nhà cha mẹ chị Trang cũng nghèo, bố mẹ đều trên 60 tuổi mà vẫn phải đi làm thuê để kiếm sống nên cũng không giúp được gì nhiều cho con gái và cháu ngoại. Thế nên, những liều thuốc cho Kiệt thời gian qua là tiền tiết kiệm của chị Trang, tiền họ hàng và bà con lối xóm giúp đỡ, tiền vay ngân hàng chính sách bằng sổ hộ nghèo, thỉnh thoảng phải vay nóng những lúc chưa mượn được tiền…
Chị Trang thở dài tâm sự: "Được về nhà ngày nào là em vào hầm than để xin làm công nhật, mỗi ngày công được 120 ngàn đồng".
Thế nhưng, tiền công của người phu hầm than có được bao nhiêu, chẳng đủ cả tiền ăn cho gia đình 3 mẹ con thì nói gì đến tiền xe, tiền nằm viện, tiền thuốc…
Chị Trang nghẹn ngào cầu xin: "Em giờ còn con đường nào đâu, chỉ còn biết van xin mọi người dang tay cứu giúp mẹ con em. Giờ em không còn biết xoay xở đường nào nữa, mạng sống của con em chỉ biết trông cậy vào lòng hảo tâm của mọi người".
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 4056: Chị Lê Thị Mỹ Trang (mẹ bé Tuấn Kiệt)
Địa chỉ: Thôn 5 xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Hiện Tuấn Kiệt đang điều trị tại phòng 305 khoa Nhi bệnh viện Ung bướu TPHCM.