Thứ năm, 07/01/2021 Mã số 3981: Nữ sinh nghèo đáng thương và sự hồi sinh khó tin của người mẹ câm, điếc Thứ năm, 07/01/2021 Mã số 3981: Nữ sinh nghèo đáng thương và sự hồi sinh khó tin của người mẹ câm, điếc , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Từ khi sinh ra Dần không biết bố mình là ai, vì lúc đó mẹ bị thần kinh lại vừa câm, vừa điếc, nhưng khi em lớn lên thì người mẹ đã hồi sinh đến khó tin, mẹ không còn bỏ nhà đi lang thang nữa...
Đó là câu chuyện đặc biệt của nữ sinh Đậu Thị Dần (SN 2005, trú tại xóm Gốm, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Hiện Dần đang học lớp 10C2, Trường THPT Nghi Lộc 4, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
"Mỗi lần tìm thấy em gái, người nó lấm lem, bẩn thỉu, tôi lại ứa nước mắt"
Mẹ của Dần là bà Đậu Thị Hoan (SN 1962), từ lúc sinh ra đã kém may mắn khi mắc phải khiếm khuyết bẩm sinh vừa câm, vừa điếc, lại có vấn đề về trí não. Thời còn trẻ bà Hoan thường xuyên đi khỏi nhà không rõ tung tích. Ngày bố mẹ còn sống, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bù lại bà Hoan được nuôi nấng chăm sóc chu đáo.
Từ ngày bố và mẹ qua đời, bà Hoan sống nhờ vào sự chăm sóc của vợ chồng người anh trai là ông Đậu Thành Toán (SN 1957).
Kể về hoàn cảnh của người em gái, ông Toán bảo: "Đã không biết bao nhiêu lần nó (em gái - pv) bỏ đi khỏi nhà, tôi cùng anh em lặn lội khắp nơi đi tìm về. Có lần tìm thấy em cách nhà hàng chục cây số, người lấm lem, bẩn thỉu, nhìn em gái mà tôi ứa nước mắt vì thương em.
Nhưng cứ đón về được một thời gian, chỉ cần lơ là là nó lại đi. Những lần như thế, khi chưa tìm được em tôi lại nghĩ không biết bên ngoài nó ăn cái gì, ngủ ở đâu, có bị ai đánh đập hay không? Chỉ nghĩ thế thôi tôi lại không cầm được nước mắt và lại vội vã đi tìm em về".
Ông Toán kể, rồi trong một lần cả nhà ngồi ăn ốc thì thấy em gái bị nôn khan và nhìn cái bụng lùm lùm phía dưới người ta đoán bà đã mang thai. Sau đó, gia đình đưa bà Hoan đến công an trình báo để tìm người đã làm trò đồi bại ấy với em gái mình. Khi phát hiện, cũng là lúc em gái ông Toán đã mang thai ở tháng thứ 5.
Cái thai trong bụng bà Hoan ngày càng lớn dần, khiến cả gia đình căng thẳng. "Mình cứ nghĩ đó là một "món quà". Sau này em gái có con, hai mẹ con chăm sóc nương tựa vào nhau suốt quãng đời còn lại", ông Toán nói trong buồn rầu.
Cái nghèo cái khổ, lại một nách với 5 đứa con thơ, khiến vợ chồng ông Toán phải làm việc quần quật cả ngày, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng vẫn không đủ cái ăn cho các con.
Giờ đây, ông bà lại phải cắt cử thêm nhân lực để trông chừng người em gái đang mang thai. Quãng thời gian khốn khó cũng qua, khiđược bệnh viện giúp đỡ, thậm chí các y bác sĩ khi chăm sóc cho bà Hoan lúc chuẩn bị sinh còn bị người phụ nữ này đánh đập.
"Cứ vào bệnh viện, dù bác sĩ hay y tá đến đều bị em đánh đập, nhưng ai cũng thương em ấy. Họ còn hỗ trợ xe đưa đón, tất cả chi phí mổ đẻ đều được miễn phí hoàn toàn. Tôi nhớ, khi sinh con xong, có người còn đặt vấn đề để lại con cho họ, rồi còn trả cho gia đình 2,5 triệu đồng nhưng gia đình tôi nhất quyết phải chăm lấy cháu. Dù cậu, mợ có khổ thế nào cũng sẽ cố gắng nuôi cháu", bà Đậu Thị Chương (vợ ông Toán) nhớ lại.
"Ngày đưa cả hai mẹ con nó về nhà, bà con hàng xóm đến thăm ai cũng ái ngại. Từ việc cho con bú, chăm cho con, hai vợ chồng tôi đều phải lo hết. Đặc biệt, là tập cho em gái biết cho con bú, biết tự chăm con, dù rất khó khăn...
Có lần giữa lúc trời lạnh giá, em gái bế đứa con còn đỏ hỏn trên tay lặng lẽ rời khỏi nhà vào đêm tối. May nhờ có người phát hiện được nên đưa về kịp thời, chứ không thì....". Ông Toán bỏ dở câu nói và nhớ lại quãng thời gian vất vả trước đây.
Sự hồi sinh kì diệu đến khó tin của người mẹ tâm thần sau lần sinh con
Giờ đây khi đứa con gái đã lớn, bà Hoan cũng ít bỏ nhà đi, thậm chí người phụ nữ ấy còn biết theo người ta lên núi nhổ cỏ trện về để anh trai mình bện thành chổi mang ra chợ bán. Buổi sáng, khi con gái đi học thì bà cũng ăn vội bát cơm nguội rồi đạp xe, tìm đường lên núi cách nhà khoảng 5km để nhổ cỏ trện, đến tối mịt mới về.
Một ngày như thế bà cũng kiếm được khoảng 20 - 30 ngàn đồng, số tiền ít ỏi ấy vừa để phụ giúp cho anh trai vào những bữa ăn hàng ngày của hai mẹ con...
Có lẽ chính bản năng làm mẹ đã giúp người phụ nữ ấy đỡ hồi sinh, phần nào đó về bệnh tật. Bà không còn bỏ nhà đi nữa và quan tâm chăm sóc đến gia đình nhiều hơn.
Tấm áo được mua từ số tiền lẻ tích cóp nhổ cỏ trện đến chai sần đôi tay của người mẹ, đối với Dần đó là món quà mà em quý giá nhất, mỗi lần mặc chiếc áo vào người mà Dần nghẹn ngào đến rơi nước mắt.
Người phụ nữ nhỏ thó chỉ nặng hơn 30kg đứng trước chúng tôi, đôi tay chai sần kéo chúng tôi đến trước đám cỏ trện đang phơi trước sân như muốn khoe thành quả của mình ngày hôm nay.
Bà ngồi xuống, đập đập từng nắm trện rồi cười vui vẻ chỉ về con gái mình, đôi mắt ánh lên niềm hi vọng. Dù bà câm, điếc, không minh mẫn nhưng có lẽ với bà con gái là thứ quý giá nhất.
Cô nữ sinh đến bên mẹ, giúp mẹ đập trện, bó trện lại khiến bà vui lắm. Nhìn mẹ mà nước mắt cứ tự đâu trào ra trên gò má của Dần.
"Mấy hôm trước cháu tưởng mình mất mẹ rồi. Hôm đó mẹ đi đến tối không về, cháu hỏi mãi nhưng không ai biết. Cả làng đi tìm khắp nơi nhưng không thấy mẹ đâu. Phải đến chiều tối hôm sau em mới tìm thấy mẹ. Mẹ bị ngã xuống khe núi, không lên được, thế là mẹ nằm trong núi suốt 2 ngày một đêm lạnh mà không có gì ăn", cháu Dần rơi nước mắt kể lại.
Dần nhớ lại, hôm đó vào ngày 27/12, mẹ lên núi nhổ cỏ trện như những ngày khác, nhưng đến tối vẫn không thấy mẹ về, cả làng hò nhau đi tìm nhưng vẫn không có tung tích.
Ngày hôm sau, Dần cùng mọi người tiếp tục lên núi để tìm mẹ. Như có thần giao cách cảm, cô nữ sinh nhìn thấy những đám cỏ trện, rồi gọi mọi người lần theo dấu vết mãi đến tối mới tìm thấy mẹ mình sau 2 ngày 1 đêm mất tích trên núi lạnh lẽo.
Thương hoàn cảnh của 2 mẹ con, các nhà thiện nguyện giúp vật liệu, bà con lối xóm góp ngày công hỗ trợ dựng lên một căn nhà 2 gian nhỏ cho Dần và mẹ ở. Trong căn nhà ấy chỉ có một cái giường ngủ và ít quần áo của cả hai mẹ con.
Giờ đây ông Toán cũng đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe không còn được như xưa. Điều ông lo nhất lúc này nếu vợ chồng ông có mệnh hệ gì thì ai sẽ tiếp tục chăm sóc cho em gái và cháu.
Cô Phạm Thị Oanh (giáo viên chủ nhiệm lớp 10C2, Trường PTTH Nghi Lộc 4) chia sẻ: "Dần là một học sinh có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, chịu thiếu thốn đủ đường, nhưng em rất chăm chỉ, luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Mỗi ngày em phải đạp xe gần 20 km để đến trường, buổi trưa với sự giúp đỡ của thầy cô trong nhà trường em Dần được ăn miễn phí tại căng tin.
Hơn ai hết, Dần biết mình sẽ phải nỗ lực rất nhiều không chỉ riêng cho bản thân mình mà còn phải là chỗ dựa vững chắc cho mẹ. Bởi mẹ em tuổi cũng đã cao, bệnh cũ hay tái phát, thường xuyên đau ốm, cậu mợ cũng không thể cưu mang hai mẹ con thêm nữa. Biết được hoàn cảnh của em Dần, thầy cô cũng luôn chia sẻ, động viên em vượt qua khó khăn tạm thời mà thôi".
"Em sẽ cố gắng học tập, để sau này có được nghề nghiệp ổn định, đi làm để nuôi mẹ. Mẹ chỉ có một mình em thôi, mẹ lại hay đau ốm nữa", Dần tâm sự.
Mới hơn 17h tối, chia tay gia đình nhỏ bé Dần, cũng là lúc trời mùa đông ở xứ Nghệ đã tối đen như mực đổ, tiết trời về đêm càng thêm buốt giá... Qua câu chuyện mẹ con Dần, chúng tôi mong lắm những chia sẻ, tiếp sức của những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ giúp đỡ em trên con đường phía trước, để em có thể hoàn thành ước mơ của mình!.
Mọi tấm lòng hảo tâm giúp đỡ xin gửi về:
1. Mã số 3981: Ông Đậu Thanh Toán, xóm Gốm, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.