(Baonghean) - Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Nghệ An đã diễn ra nhiều năm nay. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này là điều cần thiết để từng bước giảm thiểu tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh và loại bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Báo động mất cân bằng giới tính khi sinh
Những năm học trước, cứ vào đầu năm học mới, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 (thành phố Vinh) lại gặp nhiều khó khăn khi bố trí học sinh ở các lớp học. Điều này xuất phát từ cơ cấu giới tính học sinh, khi mà tỷ lệ học sinh nam cao hơn khá nhiều so với học sinh nữ.
Đây cũng là lý do nhà trường chuyển từ chia lớp theo hình thức ngẫu nhiên sang hình thức bốc thăm nhằm tránh tình trạng chênh lệch nam nữ quá nhiều giữa các lớp và cũng thuận tiện hơn cho giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Một buổi học của các em học sinh tiểu học. Ảnh minh họa
“Nếu tỷ lệ nam nữ trong một lớp chênh lệch quá nhiều thì rất khó trong việc quản lý học sinh bởi đặc tính của học sinh nam rất nghịch ngợm, hiếu động và hay nói chuyện. Hơn thế, cũng khó bố trí để triển khai các hoạt động tập thể của lớp, đặc biệt là các hoạt động văn hóa, văn nghệ...”.
cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân – Hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 (thành phố Vinh)
Tại Trường Tiểu học Lê Mao (thành phố Vinh), hiện toàn trường có 1.612 học sinh. Trong số đó, học sinh nam có 865 em và học sinh nữ có 749 em. Cô giáo Hoàng Yến – Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ: “Tình trạng mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ là khá phổ biến ở nhà trường và tỷ lệ chênh lệch sẽ nhiều hơn vào những năm được xem là năm đẹp như năm “rồng vàng”, “heo vàng”, “dê bạc”, “trâu đồng”. Do số lượng chênh lệch giới tính khá lớn nên không tránh được tình trạng nhiều lớp học sinh nam sẽ nhiều hơn so với học sinh nữ.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở thành phố Vinh đang ở mức báo động. Ảnh minh họa
Cho đến thời điểm này, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở thành phố Vinh đang ở mức báo động với tỷ lệ 122 nam/100 nữ, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình chung của cả tỉnh. Cá biệt, có những phường có tỷ lệ chênh lệch rất cao như Lê Mao 208 nam/100 nữ, Đông Vĩnh 150 nam/100 nữ, Trường Thi 148 nam/100 nữ...
Sở dĩ tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở thành phố Vinh cao bởi đây là vùng trung tâm, thuận lợi người dân có nhiều điều kiện để lựa chọn giới tính khi sinh. Bên cạnh đó, hiện nay, xu hướng các gia đình đều sinh ít con và tâm lý chung đều muốn có con trai để nối dõi tông đường”.
Bà Phùng Thị Thanh – Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ thành phố Vinh
Việc bốc thăm lớp ở đầu cấp tiểu học được xem là một trong những giải pháp hạn chế được tình trạng mất cân bằng giới tính giữa các lớp. Ảnh: Mỹ Hà
Ở nhiều địa phương khác, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng đang rất cao do tâm lý muốn có con trai. Như trường hợp của chị Hồ Thị Thu - phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai dù đã 47 tuổi, lên chức bà nhưng vẫn cố gắng sinh thêm đứa thứ 6 để có thêm đứa con trai.
Cũng do tâm lý muốn sinh bằng được con trai như gia đình chị Thu mà trong năm 2018, tỉ lệ giới tính khi sinh ở phường Quỳnh Phương đã ở mức báo động với 126 bé trai/100 bé gái. Và 6 tháng đầu năm nay, khoảng cách càng xa hơn khi cứ 100 bé gái sinh ra thì lại có đến 134 bé trai chào đời.
“Đặc thù phần lớn dân số phường là sống bằng nghề đi biển nên gia đình nào cũng muốn sinh thật nhiều con và đặc biệt là con trai. Điều này, cũng là lý do khiến cho tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Quỳnh Phương gia tăng và nằm trong những địa phương có tỷ lệ sinh cao của toàn thị xã Hoàng Mai”.
Ông Phan Hồng Vinh - Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai
Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ, hiện tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở nhiều huyện, thành, thị của tỉnh đang ở mức cao, thậm chí là đáng báo động. Hiện, chỉ tính năm 2018 và 6 tháng đầu năm, tỷ lệ mất cần bằng giới tính khi sinh ở thị xã Hoàng Mai là 113 bé trai/100 bé gái, Diễn Châu là 115 bé trai/100 bé gái... và ở cả tỉnh là 114 bé trai/100 bé gái. Trong khi đó, mức sinh chuẩn sinh học bình thường chỉ 105 bé trai/100 bé gái chào đời.
Học sinh tiểu học thành phố Vinh. Ảnh minh họa
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều gia đình vẫn giữ tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng nho giáo phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, ở Nghệ An có nhiều địa phương có nghề đi biển, người dân mang nặng tư tưởng “phải có con trai để nối nghiệp”.
Hiện các gia đình đang có áp lực giảm sinh với quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một đến hai con. Thế nên, để sinh ít con mà vẫn bảo đảm có con trai như mong muốn nhiều gia đình đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh nhằm đáp ứng được cả hai mục tiêu đã đề ra.
Tăng cường tuyên truyền, vận động
Từ năm 2016, Nghệ An đã triển khai đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” giai đoạn 2016-2020. Thông qua đó, đã có hàng chục buổi truyền thông, tư vấn về báo động mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy tại cơ sở. Bên cạnh đó, ngoài truyền thông tập trung, hiện nay nhiều địa phương đã tổ chức tuyên truyền theo nhóm, theo hộ gia đình để tăng tính hiệu quả.
Tiếp thị về các phương tiện tránh thai cho người dân xã Diễn Thành - huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu Mỹ Hà
Tại huyện Diễn Châu, trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 còn cao, huyện đã đề ra nhiều giải pháp để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập trung chủ yếu ở những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao như các xã thuộc vùng biển, vùng đặc thù.
Song song với đó, tổ chức tư vấn riêng nhằm thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, xây dựng quy mô gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.
“Trước đây, việc mất cân bằng giới tính khi sinh của huyện đã giảm nhưng nay lại có xu hướng tăng lại. Vì thế, để hạn chế thì quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân để không còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, tư tưởng sinh con nối dõi”
Bà Trần Thị Lương – Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Diễn Châu
Để giảm thiểu mất cân bằng giới tính cần hạn chế lựa chọn giới tính trước khi sinh. (ảnh minh họa)
Thực tế cho thấy, mặc dù vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đã được Đảng và Nhà nước chỉ đạo cụ thể trong Chiến lược quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020; Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và các văn bản chính sách, hướng dẫn triển khai thực hiện khác nhưng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn có dấu hiệu gia tăng cả về tỷ số cũng như địa bàn, khu vực...
Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cũng cho biết: “Hiện nay, y học phát triển tạo nhiều cơ hội cho người dân lựa chọn giới tính khi sinh và nếu không có giải pháp căn cơ thì tỷ lệ này sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Chúng ta cũng xác định đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức sinh học bình thường là một việc khó và không thể đạt được trong ngày một, ngày hai mà cần phải kiên trì tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục để người dân tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính khi sinh.
Tỉnh cũng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, các phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi, có các chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật...”.
Mỹ Hà
Nguồn baonghean.vn
https://baonghean.vn/nghe-an-bao-dong-tinh-trang-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-252890.html
|