(Baonghean) - Chăm lo Tết cho học sinh nghèo là những việc làm thường niên được các trường học, đơn vị, các tổ chức thực hiện vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Điều đó giúp cho các em có một cái Tết vui vẻ, đủ đầy, có thêm động lực để gắn bó với trường lớp...
Mùa Đông không lạnh
Những ngày cuối năm, vượt hơn 300 cây số, đoàn công tác của Báo Nghệ An đã đem Chương trình “Áo ấm mùa Đông” về với những học sinh nghèo, còn nhiều khó khăn của Trường Tiểu học Na Ngoi 2, đóng tại bản Phù Kha 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Đây cũng là một trong những xã có khí hậu khắc nghiệt nhất, quanh năm sương giá bao phủ và có thời điểm nhiệt độ xuống thấp 1 - 20 C.
Thời điểm những chuyến hàng của Báo Nghệ An chuyển đến, Na Ngoi cũng đang chìm trong giá lạnh. Vì thế, những chiếc áo ấm, dẫu giản dị nhưng đã kịp thời làm ấm cho các em học sinh, là một món quà hết sức thiết thực khi năm mới đã cận kề.
Cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An trao áo ấm cho học sinh trường Tiểu học Na Ngoi - Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu
Trước đó, Chương trình “Áo ấm mùa Đông” được Công đoàn và Đoàn Thanh niên Báo Nghệ An triển khai trong khoảng 1 tuần. Với mong muốn được sẻ chia với những vất vả của học sinh vùng cao nên chỉ trong một thời gian ngắn hơn 200 chiếc áo đã được quyên góp để mang “Áo ấm mùa Đông” về với học sinh nghèo.
Cũng trong dịp này, đoàn đã tặng quà cho 30 hộ khó khăn khác cùng trên địa bàn xã biên giới này và đến thăm, tặng quà Tết cho em Lương Thị Hiện Nay, học sinh lớp 7 (xã Xiêng My, huyệnTương Dương) có hoàn cảnh khó khăn, được Chi đoàn Báo Nghệ An giúp đỡ. Ngoài ra, gần 300 chiếc áo ấm và 2 máy lọc nước cũng được Báo phối hợp với một số doanh nghiệp trao tặng cho Trường Mầm non Xiêng My.
Chào đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Trường PT DTBT THCS Hội Nga (Quỳ Châu) cũng đã có dành 2 ngày cuối tuần để tổ chức Chương trình “Xuân yêu thương, Tết sum vầy”. Tham gia chương trình này, các em được trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa mang đậm màu sắc Tết cổ truyền dân tộc như thi gói bánh chưng, thi nấu các món ăn truyền thống dân tộc và tham gia các trò chơi mang đậm màu sắc của người dân vùng cao như ném còn, múa lăm vông, đi cà kheo...
Tham gia chương trình này, Tết cũng đã đến sớm hơn với những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khi giáo viên nhà trường tự nguyện trích một phần lương của mình để tặng Tết cho học sinh. Trong đó, có nhiều trường hợp rất éo le như em Vi Thế San bố mất, mẹ bỏ đi, em ở với bà ốm đau liên tục; em Lữ thị Tuyến, mồ côi cả cha lẫn mẹ ở với anh con bác, hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Trong năm học, những học sinh nghèo cũng luôn được nhà trường quan tâm và đều có quà vào các dịp năm học mới, Tết Trung thu...
Tết sớm với học sinh Trường PT DTBT THCS Hội Nga (Quỳ Châu). Ảnh: Mỹ Hà
Còn tại Tương Dương, xã biên giới Nhôn Mai cũng vừa tổ chức thành công Hội chợ hàng địa phương lần thứ nhất. Tại hội chợ có 1 gian hàng đặc biệt của cô, trò và phụ huynh Trường Mầm non Nhôn Mai với nhiều sản phẩm thủ công đồ dùng, đồ chơi do chính các cô trong trường tự làm. Về phía phụ huynh cũng góp sức bằng việc mang góp gạo, rau, măng, bí hay các loại nông sản trồng được cho nhà trường. Kết thúc hội chợ, nhà trường đã thu được gần 15 triệu đồng từ bán hàng và ủng hộ từ các nhà hảo tâm. Toàn bộ số tiền đã được nhà trường dùng để mua chăn ấm cho trẻ.
Đồng hành và sẻ chia
Năm 2019, Quỹ “Vì em nỗ lực” của Trường THCS Diễn Kỷ (Diễn Châu) tròn 5 tuổi. Đây là quỹ do chính những cựu học sinh của trường đứng ra tự quyên góp để hỗ trợ cho những học sinh nghèo của nhà trường. Sau 5 năm, hiện quỹ đã vận động được gần 600 triệu đồng. Để quỹ hoạt động hiệu quả, nhà trường và Ban Liên lạc còn thống nhất quy chế hoạt động của quỹ: đối tượng thụ hưởng, mức được hưởng, thời gian trao quỹ.
Trong số này, rất nhiều học sinh đã ra trường nhưng thông qua Ban Liên lạc, hàng tháng các em vẫn tiếp tục được quỹ nhận hỗ trợ giúp đỡ như trường hợp của em Ngô Kiều Anh (học sinh lớp 7A, cha mẹ qua đời vì căn bệnh HIV).
Cô bé với bức thư “Thư gửi mẹ” nhiều năm trước đã từng gây xúc động cho rất nhiều độc giả và cộng đồng mạng. Hiện tại, Kiều Anh đã học THPT, nhưng mỗi tháng em vẫn được nhận hỗ trợ khoảng 500.000 đồng của các nhà hảo tâm để em có thêm động lực học tập. Hay trường hợp của cậu học trò mồ côi Nguyễn Lê Huy, vì hoàn cảnh khó khăn, Huy ở với bà trong căn nhà xập xệ. Thương cậu học trò nghèo, nhà trường đã đứng ra quyên góp được gần 110 triệu đồng để xây cho hai bà cháu một ngôi nhà tươm tất, ấm cúng.
Gần đây nhất vào dịp Noel 2018, Quỹ “Vì em nỗ lực” cũng đã trao nhiều suất quà và xe đạp cho các học sinh là con em theo đạo Thiên Chúa giáo của trường. Nhận được chiếc xe đạp mới, học sinh Đặng Văn Vương (lớp 9B) vui mừng cho biết: “Nhà em khó khăn nên để mua được một chiếc xe đạp không dễ dàng. Từ khi có xe, em không còn phải đi bộ, không còn phải ngồi nhờ xe bạn mà đã có thể tự đi học và giúp đỡ được bố mẹ nhiều việc... Ngoài chương trình này, nhà trường cũng đã nhiều năm nay duy trì Quỹ “Vòng tay bè bạn”. Riêng vào dịp Tết Nguyên đán, tất cả giáo viên và học sinh nhà trường sẽ quyên góp để ủng hộ tặng quà Tết cho các học sinh nghèo của trường”.
Trường THCS Diễn Kỷ - Diễn Châu tặng xe đạp cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà
Trên toàn tỉnh, trong dịp này, nhiều trường học khác cũng đã dành những món quà đặc biệt cho những học sinh khó khăn, có hoàn cảnh éo le và học sinh bị bệnh hiểm nghèo.
Tại Trường THCS Mậu Đức (Con Cuông), ngay trong ngày đầu tiên của năm 2019, toàn trường đã dành buổi chào cờ đầu tuần để vận động ủng hộ em Lang Thị Túy bị bệnh “Thiếu máu cơ tim thầm lặng”. Vì căn bệnh “hiếm” này mà tháng nào Túy cũng phải ra bệnh viện huyện để chuyền máu một tuần. Hiện em cũng đã được giới thiệu lên tuyến tỉnh điều trị, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên nguyện vọng này của em vẫn không thực hiện được. Bản thân Túy dù bệnh tật, nhưng chưa ngày nào bỏ học và là học sinh khá của trường...
Riêng với những học sinh người Đan Lai của xã Môn Sơn, niềm vui đã đến với các em trong dịp đầu năm mới khi trường vừa đưa vào sử dụng dãy nhà ký túc xá khang trang, đẹp đẽ. Công trình với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng là món quà của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các nhà tài trợ ủng hộ cho giáo viên và học sinh của trường. Món quà này, không chỉ giúp những học sinh Đan Lai không còn phải lo lắng khi học xa nhà, mà còn để các em thực sự “có ngôi nhà thứ 2 của mình” và ngày càng gắn bó hơn với trường, với lớp.
Sự sẻ chia, đồng hành và tiếp sức cho học sinh nghèo cũng chính là những món quà thiết thực và ý nghĩa cho các em vào dịp năm mới; đó cũng chính là động lực để các em tiếp tục cố gắng, vươn lên và giành được nhiều thành tích tốt trong học tập.
Nguồn baonghean.vn
https://baonghean.vn/xuan-som-voi-hoc-sinh-ngheo-230685.html
|