QĐND Online – Người Hà Nội sơ tán chứ không chạy loạn; người Hà Nội vừa lao động vừa chiến đấu; người Hà Nội cưu mang nhau giữa mưa bom bão đạn…Đó là những câu chuyện về người Hà Nội trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12 năm 1972…
“3 trú”, “3 cứu”
Nhân dân Hà Nội đã hoàn toàn chủ động và điềm tĩnh chuẩn bị đối phó với cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ cuối tháng 12 năm 1972. Đó là khẳng định của cụ Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bí thư Trung ương Đảng.
Tại Hội thảo “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không-Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam” được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, cụ Nguyễn Văn Trân cho biết: Để tránh tổn thất, trước Chiến dịch, Hà Nội đã sơ tán 55 vạn người trong nội thành về các địa phương. Trước đó, chính quyền thành phố đã hướng dẫn bà con thực hiện kế hoạch sơ tán, đồng thời tổ chức hiệp đồng chu đáo với các địa phương tiếp nhận người nên việc sơ tán diễn ra nhanh gọn. Công tác hậu cần phục vụ nhân dân sơ tán cũng được thực hiện rất tốt. Lương thực, thực phẩm, chất đốt được cung cấp đầy đủ cho bà con. Tại những nơi sơ tán, việc dạy và học của thày, trò Hà Nội vẫn được tiến hành bình thường.
|
Cụ Nguyễn Văn Trân |
Tại Hà Nội, công tác chuẩn bị cho cuộc đối đầu lịch sử với không quân nhà nghề Mỹ đã được chính quyền thành phố thực hiện tốt, từ hệ thống báo động toàn thành phố đến các hầm trú ẩn và các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
“Yêu cầu đặt ra của Thành phố là mỗi người bám trụ lại Hà Nội phải có 3 hầm trú ẩn”, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân cho biết. Theo đó, tại tất cả các gia đình đều có hầm trú ẩn; các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp cũng có hầm trú ẩn; các đường phố cũng đều có hố cá nhân để khi có báo động phòng không, người đi đường có nơi tránh bom đạn Mỹ. Bởi vậy, khi đó Hà Nội có tới 230.000 hố cá nhân và hàng nghìn hầm tập thể.
Cùng với thực hiện “3 trú”, Hà Nội còn tổ tích cực tổ chức “3 cứu”, đó là các đội cứu thương, cứu hỏa và cứu sập để “xử lý tròn khâu khi có sự cố xảy ra”-như lời cụ Nguyễn Văn Trân.
Không chỉ làm tốt công tác chuẩn bị các mặt để bảo toàn tính mạng con người, nhân dân Hà Nội còn củng cố các đội tự vệ, vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu và tham gia bắt giặc lái. Các đội tự vệ còn phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực trong chiến đấu cũng như trong sơ tán, phân tán, cất giấu, ngụy trang vũ khí, khí tài. Các đơn vị chiến đấu, phục vụ chiến đấu của dân quân, tự vệ Hà Nội có thời điểm lên tới 54.000 người, sử dụng 500 súng trung liên, đại liên và súng máy phòng không, triển khai 295 trận địa trực chiến.
Không có chỗ cho sợ hãi
Nhà văn Giang Quân, người sống sót trong trận bom rải thảm của B-52 Mỹ xuống Khâm Thiên vẫn nhớ như in kỷ niệm của 40 năm về trước. 8 giờ 30 ngày 26-12-1972, còi báo động phòng không vang lên trong toàn thành phố. Ông xuống hầm trú ẩn trong nhà sách nhân dân Đống Đa. Tiếng ầm ì của máy bay ngày một rõ. Tiếp đến là tiếng đạn pháo, tên lửa các loại và sau đó là tiếng lụp bụp-âm thanh của những quả bom đang công phá trên mặt đất. Căn hầm rung lên cùng tiếng lắc cắc của xỉ than ép thành hầm bị bóp mạnh. Nhìn qua lỗ thông hơi, ông thấy ngôi nhà phía trên không còn mái, đạn các loại và tên lửa đang vạch đỏ trời đêm.
|
Cứu thương sau vụ máy bay B-52 Mỹ ném bom rải thảm ở Khâm Thiên, tháng 12-1972. Ảnh: Internet |
Lệnh báo yên, ông lên khỏi hầm, chạy dọc phố Khâm Thiên. Trước mắt ông là cảnh tan hoang, đổ nát. Từ một ngôi nhà đổ nát có tiếng phụ nữ đang thống thiết: “Các bác, các anh, các chị ơi, cứu con tôi với!”. Mọi người lao đến thì thấy một người phụ nữ đang cuống cuồng bới gạch đá, phía dưới có tiếng trẻ con vọng lên: “Mẹ ơi, cứu con!”. Mọi người xúm lại chuyển gạch đá để cứu cháu bé. Nhưng khi gạch đá được bốc hết, vẫn còn tấm trần bê tông chặn phía trên nơi cháu bé nằm. “Tiếng gọi trẻ thơ cứ yếu dần, yếu dần. Đến khi xe cơ giới đến nhấc được tấm bê tông ra, cháu bé đã qua đời”, nhà văn Giang Quân nấc nghẹn.
Khâm Thiên đổ nát, chết chóc là thế, nhưng những người sống sót trong trận rải thảm hôm đó không hề sợ hãi. Dường như trong họ, sự hờn căm lũ giặc trời đã biến thành sức mạnh, thôi thúc họ lao đến những nơi có tiếng người kêu cứu để cứu sập, cứu thương…
3 con chết vì bom, mẹ vẫn can trường
Người mẹ ấy là bà Tuấn Thị Vinh, năm nay 70 tuổi, quê ở thôn Yên Bệ, xã Kim Trung (Hoài Đức, Hà Nội), nguyên là Chủ nhiệm hợp tác xã, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Kim Trung tháng 12-1972
Vào khoảng 13 giờ 45 phút ngày 23-12-1972, máy bay Mỹ vào ném bom ở thôn Yên Bệ. Bà Vinh cùng 6 người (trong đó có con gái 7 tháng tuổi) xuống hầm trú ẩn. Sau những tiếng nổ kinh hoàng, ngôi nhà của gia đình bà thành gạch vụn. Bác trai của bà khi đó 60 tuổi, ngồi ngoài cùng trong hầm, cũng bị trúng mảnh bom. Ông được đưa lên phòng khám của bệnh viện Việt-Đức khi đó sơ tán về xã Kim Trung, nhưng không qua khỏi.
Khi máy bay đến oanh tạc, 2 con lớn của bà Vinh đang trên đường đến trường học nên cũng bị bom Mỹ giết hại. Không lâu sau, đứa con 7 tháng tuổi của bà cũng bị chết do sức ép từ trận bom ngày 23-12.
|
Bà Tuấn Thị Vinh |
Bà Vinh nhớ lại cái ngày đẫm máu của dân làng Kim Trung, cách đây đã 40 năm: “Vì bom ném giữa làng nên nhiều nhà sập và nhiều người chết, trong đó có một số cán bộ cốt cán của xã. Chúng tôi tập trung lực lượng dân quân để giải quyết hậu quả. Số người bị thương được chuyển lên viện cấp cứu. Những gia đình có người chết, nhà sập thì được đề nghị các cấp chính quyền giúp đỡ”.
Vượt lên nỗi đau của người mẹ có 3 con chết vì bom Mỹ, bà Tuấn Thị Vinh vẫn cần mẫn làm tròn nhiệm vụ của người cán bộ xã trong 12 ngày đêm ác liệt cuối tháng 12-1972. Trong Hội thảo cấp Nhà nước “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không-Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam”, người mẹ can trường ấy vinh dự được tham gia Hội thảo.
Với sự chuẩn bị chu đáo và chiến đấu ngoan cường của quân, dân Thủ đô, Hà Nội không trở thành “địa hình mặt trăng”, Hà Nội không “trở về thời kỳ đồ đá” như kỳ vọng của nhà cầm quyền Mỹ lúc bấy giờ, mà Hà Nội đã đứng vững và chiến thắng…
Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ
|