THÀNH PHỐ HÀ NỘI
THĂNG LONG TỨ TRẤN
Ảnh minh họa - Internet
Câu hỏi: Kinh thành Thăng Long trước đây được mệnh danh là “Thăng Long tứ trấn”. Hãy cho biết tại sao lại có tên gọi này và “Thăng Long tứ trấn” được bao bọc bởi những ngôi đền, chùa nổi tiếng nào?
Trả lời:
Thành phố Hà Nội ngày nay đang được mở rộng thêm nhiều về địa lý, nhưng chúng ta vẫn có thể xác định được phạm vi của kinh thành cũ. Trước đây kinh thành Thăng Long cổ có một cụm kiến trúc tôn giáo trấn ở bốn góc, gọi là “Thăng Long tứ trấn”. Cụm kiến trúc tôn giáo này gồm rất nhiều đền, chùa có không gian cổ kính trấn ở xung quanh Thành. Ngày nay các đền, chùa này vẫn được bảo tồn và không ngừng tôn tạo. Tuy không giữ được như trước nhưng cũng không khác xưa nhiều về kiến trúc bởi những đền, chùa này vẫn được xây dựng trên nền cũ đất cũ.
1.Đền Bạch Mã trấn phương Đông.
Đền Bạch Mã có từ thế kỷ thứ VIII, xưa kia thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay ở số 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đền Bạch Mã thờ thần “Long Đỗ thần quân Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương”.
Thần Long Đỗ, tức là thần núi “Rốn rồng” cũng gọi là núi Nùng. Tương truyền, núi này có khe sâu xuống dưới đất nên đã tiếp nhận được khí thiêng của sông núi.
Đền Bạch Mã ngày nay không còn được nguyên vẹn như xưa vì đã được tu bổ nhiều lần. Đây là một ngôi đền được nhân dân Hà Nội thường xuyên đến cầu cúng vào những ngày Tết, lễ...
Đền này được coi là một trong “tứ trấn” của kinh đô Thăng Long thời trước. Đền đứng trấn ở phía Đông của kinh thành. Thời Lý, đền được mở rộng, sau đó nhiều lần được sang sửa và tôn tạo, cảnh quan nơi đây rất đẹp và vẫn giữ được vẻ tôn nghiêm. Đền nổi tiếng là linh thiêng. Tương truyền rằng, thời Lý-Trần, ở phố Cửa Đông ba lần hỏa hoạn, các nhà trong phố bị cháy hầu hết, duy chỗ đền thờ thần, lửa không lan tới.
Theo văn bia còn lưu được ở đền, năm Chính Hòa đời Lê (1680 - 1705) đền được mở rộng thêm, đến năm đầu đời Minh Mạng nhà Nguyễn 1820 lại được tu bổ. Hội đền được tổ chức vào tháng Hai âm lịch hàng năm. Nhà nước thời Lê – Trịnh đã quy định cho dân của ba giáp Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ và phường Hà Khẩu xung quanh đền Bạch Mã được làm dân “tạo lệ” chăm lo việc thờ phụng và được miễn các loại phu phen, tạp dịch khác.
Hiện nay, trong đền còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị, trong đó đáng kể nhất là 15 tấm bia đá có niên đại Hậu Lê đến Nguyễn. Nội dung các tấm bia đề cập đến sự tích của đền, nghi lễ thờ cúng và các lần tôn tạo.
Ngoài ra, trong đền còn có các đồ thờ cúng bằng đồng khá quý hiếm như lư hương đồng, bình đồng, tượng người, tượng phật, đôi hạc và đôi ông phỗng đứng trang nghiêm.
2.Đền Quán Thánh trấn phương Bắc.
Theo ba chữ tạc trên cổng của công trình thì đây là “Chân Vũ quán”. Thực ra, cái tên này mới có từ năm 1840 thời Thiệu Trị nhà Nguyễn. Trước đó nó có tên là “Trấn Vũ quán” và dân chúng vẫn gọi nôm na là đền Quán Thánh. “Quán” là nơi thờ tự của Đạo giáo, cũng như đền, chùa là của Phật giáo.
Tương truyền đền được xây dựng từ thời Lý Thái Tổ (1010 - 1028). Đền được đặt ở phía Tây Bắc thành Thăng Long thời Lý. Hiện nay đền ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, đời Lê thuộc đất của phường Thụy Chương, huyện Vĩnh Thuận ở phía Nam Hồ Tây.
Thánh Trấn Vũ là một hình tượng kết hợp nhân vật thần thoại của người Việt (ông Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma quỷ trong việc xây thành Cổ Loa) và nhân vật thần thoại Trung Quốc (thánh coi giữ phương Bắc). Với ý nghĩa đó, đền Quán Thánh được coi là một trong những “tứ trấn” của kinh thành Thăng Long xưa.
Ngôi đền này đã được trùng tu và sửa chữa nhiều lần, trong đó lớn nhất là vào các năm 1677 và 1893. Mặc dù vậy, kiến trúc của đền vẫn thuộc loại đẹp. Các mảng chạm khắc trên những chi tiết gỗ có giá trị nghệ thuật cao. Bố cục mặt bằng cũng như không gian của đền hài hòa cân đối, nhất là không gian thoáng mát, có Hồ Tây trước mặt tạo nên cảnh quan đẹp.
Trong đền có một pho tượng Trấn Vũ bằng đồng đen được đúc vào năm 1667, có chiều cao 3,07 mét, chu vi 8 mét nặng khoảng 4 tấn. Tượng mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xõa, không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bệ đá tay trái bắt quyết, tay phải nắm đốc kiếm có rắn quấn và mũi kiếm chống lên lưng một con rùa.
Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ đúc tượng của nhân dân ta cách nay ba thế kỷ. Tại nhà bái đường còn có một pho tượng bằng đồng đen nữa, nhưng nhỏ hơn. Theo truyền khẩu thì tượng này là do các học trò làm ra để ghi nhớ người thầy dạy nghề đúc đồng nổi tiếng là ông Trùm Trọng, người thợ cả đã chỉ huy việc đúc pho tượng Huyền Thiên Trấn Vũ. Cùng với pho tượng là quả chuông đồng có chiều cao gần 1,5 mét treo ở cửa tam quan. Tiếng chuông quán Trấn Vũ đã từng đi vào ca dao ca ngợi cảnh trí của một vùng thắng cảnh Hồ Tây.
Đền hiện nay còn có 6 tấm bia niên đại từ Hậu Lê đến Nguyễn.
3.Đền Voi Phục trấn phương Tây.
Đền còn có tên là đền Thủ Lệ. Dân gian vẫn quen gọi là đền Voi Phục, vì tại cửa đền có đắp hai chú voi quỳ ngay lối đi vào. Đền nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Tương truyền, đền được xây dựng vào năm Chương Khánh, Gia Khánh thứ 7 đời Lý Thái Tông (1028 - 1054).
Ngôi đền được xây dựng trên một khu đất cao, chung quanh có rất nhiều cây cổ thụ xum xuê bóng mát. Ngôi đền hiện nay mới được xây dựng lại sau khi miền Bắc được giải phóng. Ngôi đền cũ đã bị giặc Pháp phá hủy năm 1947.
Trong tâm thức của người dân kinh thành, đền Voi Phục là một trong “Thăng Long tứ trấn” của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đền thờ Linh Lang Đại Vương từ xa xưa đã được coi là vị thần giữ phía Tây kinh thành Thăng Long. Trong đền có hai pho tượng và hòn đá to có vết lõm, tương truyền là nơi Linh Lang nằm gối đầu lên rồi hóa thành con Giao Long trườn xuống hồ. Đầu năm 1994, nhân dân Thủ Lệ đã quyên góp để đúc lại quả chuông có chiều cao 93 căng-ti-mét, đường kính miệng 70 căng-ti-mét, thân chia thành 4 múi, mỗi múi có hàng chữ Hán đục nổi: “Tây Trấn thượng đẳng”.
4.Đình Kim Liên trấn phương Nam.
Đình trước đây thuộc phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Đình còn có tên là đền Kim Liên, hoặc đền Cao Sơn. (“Kim Liên” gọi theo tên làng có đền, còn “Cao Sơn” là gọi theo vị thần được thờ). Tài liệu còn lại cho biết nguyên tên của di tích này là “Cao Sơn Đại Vương thần từ” (đền thờ Cao Sơn Đại Vương). Nằm trong hệ thống những di tích lịch sử – văn hóa quan trọng ở phía Nam kinh thành xưa: bên phải đình là Đàn Xã Tắc; phía sau là đài Thiên Văn, trước mặt là dải La Thành chạy qua, đình Kim Liên là một trong “Tứ trấn” của kinh thành Thăng Long thủa xưa. Đình Kim Liên được xây dựng trên một gò đất cao nhất (vùng này xưa kia vốn là một khu vực thấp, lầy lội), không xa dãy thành đất bao quanh và bảo vệ vành đai ngoài cửa ô Kim Hoa (nay gọi là ô Đồng Lầu) – cửa ngõ giao lưu giữa vùng Sơn Nam và xa hơn nữa với nội thành.
Do chịu sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, đến nay đình không còn được nguyên trạng (toàn bộ nhà bái đường đã bị phá), chỉ còn lại hậu cung 3 gian, tam quan, cổng gạch và hai giải vũ.
Trong đình vẫn còn long ngai thờ thần Cao Sơn và hai nữ thần phối hưởng: Thủy tinh đệ tam tôn nữ và Huệ Minh phu nhân (không rõ sự tích). Đình còn giữ được 39 đạo sắc phong, trong đó có 26 đạo sắc thời Lê Trung Hưng, 13 đạo sắc thời Nguyễn, đạo sắc có niên đại sớm nhất là năm Vĩnh Tộ thứ 2 (1620).
Một tấm bia đá “Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510, nói về công lao của thần Cao Sơn Đại Vương trong việc phù giúp vua Lê Tương Dực giành lại ngai vàng từ tay tên “vua quỷ” Lê Uy Mục. Tấm bia được khắc và dựng năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772).
Thần Cao Sơn ở đình (đền) Kim Liên cùng với thần Long Đỗ ở đền Bạch Mã, Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh, thần Linh Lang ở đền Thủ Lệ hợp thành “Thăng Long tứ trấn”, một tập hợp di tích độc đáo chỉ riêng thấy ở Thăng Long – Hà Nội.
(Xin đón đọc phần tiếp theo Phù Đổng Thiên Vương )
|