THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH
Ảnh Internet
Câu hỏi: Từ lâu Khu di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành điểm đến số một của du khách trong nước và ngoài nước. Hãy cho biết đôi nét về khu di tích lịch sử này?
Trả lời:
Ngay sau khi Bác Hồ mất, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định gìn giữ lâu dài nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch (nay chính là Khu di tích Phủ Chủ tịch). Đó là một tòa nhà 4 tầng nhìn ra đường Hùng Vương, được xây dựng từ năm 1901 đến 1906. Thời Pháp thuộc đây là nơi Toàn quyền Pháp ở Đông Dương vì vậy Phủ Chủ tịch đã từng có tên là Phủ Toàn quyền.
Đây là di tích nguyên gốc đặc biệt quan trọng thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin cùng 6 Bảo tàng Quốc gia khác. Khu di tích Phủ Chủ tịch là nơi Bác đã từng sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người (15 năm, từ 19-12-1954 đến 2-9-1969). Khu di tích nằm trong một góc vườn Bách Thảo cũ, rộng 14 héc-ta, bao gồm nhiều nhà di tích, vườn cây, ao cá... và được chia làm ba khu vựa chính (khu A, B, C).
Khu C: Bao gồm nhà tiếp khách của Thủ tướng Chính phủ và ngôi nhà 3 tầng của các thành viên Chính phủ làm việc.
Khu B: Gồm nhà tiếp khách Phủ Chủ tịch và sân vườn xung quanh. Đây là ngôi nhà được kiến trúc theo kiểu Pháp, do những người công nhân Việt Nam xây dựng vào đầu thế kỷ XX (1901-1906). Ngôi nhà này có 4 tầng và 36 căn phòng. Mỗi phòng được trang trí nội thất theo kiểu một triều đại vua nước Pháp, do vậy rất sang trọng. Sau khi hòa bình lập lại (1954) từ Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã mời Bác về sống và làm việc ở nơi đây, nhưng Người đã từ chối. Người muốn dành ngôi nhà này làm nơi tiếp khách trong và ngoài nước; nhiều nguyên thủ quốc gia được Bác mời nghỉ tại đây. Cũng tại nơi này, Bác đã hội đàm, ký tuyên bố chung, tiếp đại sứ các nước trình quốc thư, trả lời phỏng vấn các nhà báo, họp Hội đồng Chính phủ; tiếp các đoàn khách công nhân, nông dân, thanh thiếu niên, phụ nữ, Việt kiều... những lời thơ chúc mừng năm mới; và lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Bác cũng được ghi âm ở chính nơi này.
Khi Người qua đời, ngôi nhà này vẫn là nơi làm việc của Chủ tịch nước và là nơi đón tiếp khách quốc tế cũng như trong nước của Nhà nước ta. Nhiều hoạt động trọng đại của Đảng và Nhà nước vẫn diễn ra tại đây.
Khu A: gồm một số di tích như sau:
Ngôi nhà Bác ở từ năm 1954: Từ chối không ở trong ngôi nhà của Toàn quyền Đông Dương cũ, Bác Hồ chọn cho mình một ngôi nhà nhỏ, trước đây vốn là chỗ ở của một công nhân điện. Các đồng chí phục vụ đã sửa thành 3 phòng: phòng làm việc, phòng ngủ và phòng ăn. Người đã ở đây từ ngày 19 tháng 12 năm 1954 đến tháng 5 năm 1958 thì chuyển sang sống và làm việc ở nhà sàn, song hàng ngày Người vẫn trở về đây ăn cơm, làm vệ sinh cá nhân, khám sức khoẻ... Nơi đây còn lưu giữ nhiều kỷ vật quý biểu lộ tình cảm của bạn bè quốc tế đối với Người. Đó là một số quà tặng của các Nguyên thủ quốc gia Liên Xô, Nhật... trong đó có: chiếc bàn tròn của đồng chí Phi-đen Ca-xtrô tặng, tượng Khuất nguyên của Trung Quốc...
Chính tại nơi đây Người đã ngày đêm suy nghĩ, đề ra những đường lối hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo kinh tế ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước bạn.
Căn phòng họp Bộ Chính trị: Tại đây, Bộ Chính trị đã ra nhiều quyết định quan trọng chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó có quyết định Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968).
Ga ra ô tô: Gồm có 2 xe ô tô. Xe Bô-pê-đa là quà tặng của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Người đã sử dụng xe này để đi thăm các nơi ở Việt Nam cùng một xe pơ-giô 404 do một Việt kiều ở Tân Đảo gửi biếu.
Nhà bếp: Tại đây Bác thường dùng cơm cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Ngôi nhà sàn: Đây là ngôi nhà Người đã sống và làm việc từ ngày 19 tháng 5 năm 1958 đến ngày 17 tháng 8 năm 1969. Ngôi nhà làm theo sự gợi ý và phác thảo của Người. Đây không những là một di tích lịch sử mà còn là một di tích kiến trúc mang đậm đà bản sắc dân tộc. Tầng dưới của nhà sàn là nơi Người thường làm việc vào mùa hè, tiếp khách thân mật và hàng tuần họp Bộ Chính trị để quyết định nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam; xây dựng đường lối kinh tế ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho cách mạng giải phóng miền Nam... Tại đây ngày 10 tháng 5 năm 1965 Bác đã bắt đầu viết bản di chúc lịch sử. Từ đó hàng năm từ ngày 10 tháng 5 đến 19 tháng 5, Người đều xem và sửa lại để có bản di chúc cuối cùng vào năm 1969 để lại cho chúng ta ngày nay. Chính Người đã căn dặn làm hành lang xung quanh và dãy ghế băng dài xung quanh nhà, cùng bể cá vàng, để các cháu ngồi quây quần bên Bác mỗi khi các cháu đến thăm.
Tầng trên gồm hai căn phòng nhỏ. Mỗi phòng khoảng 10 mét vuông là phòng làm việc về mùa đông và phòng ngủ của Bác. Phòng làm việc cũng là nơi Người tiếp thân mật nhiều đoàn khách quý trong và ngoài nước. Người thường tự tay soạn thảo văn kiện qua máy chữ nhỏ. Tủ sách gồm nhiều sách của các lãnh tụ trên thế giới và sách của Việt Nam, trong đó còn lưu lại nhiều bút tích của Người. Phòng ngủ thật đơn sơ, giản dị như ở bao gia đình Việt Nam khác. Chiếc chiếu Người nằm, chiếc quạt lá cọ, chiếc mũ vải đã theo Người đi thăm nhiều nơi trên thế giới cùng mọi miền của Tổ quốc. Chiếc ra-đi-ô của Việt kiều ở Thái Lan gửi biếu Người năm 1959 cũng đã trở thành kỷ niệm sâu sắc và tình nghĩa đối với Người.
Căn hầm phòng không: Tại đây còn lưu giữ kẻng phòng không, mũ sắt Bác đã từng đội mỗi khi xuống hầm, các máy điện thoại chiếc thì nối với Bộ Chính trị, chiếc thì nối với quân đội. Bác đã trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nhìn những kỷ vật gắn với khí thế hào hùng một thời của dân tộc, khách tham quan trong và ngoài nước hiểu thêm sự vĩ đại, bình dị trong con người vị Cha già của Quân đội nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Ao cá: Thời Pháp thuộc, nơi đây là ao tù nước đọng cho hươu, nai ở vườn bách thú xuống uống nước. Khi về đây, Bác đã bảo các đồng chí phục vụ và bảo vệ cải tạo làm ao nuôi cá. Ao cá rộng 3.300 mét vuông. Trong ao Người nuôi nhiều loại cá: chép, rô phi, trắm cỏ, mè, trôi... Chiều chiều, sau giờ làm việc Người thường ra bờ ao vỗ tay gọi cá cho ăn. Người thường xuyên tặng cá giống cho các hợp tác xã nông nghiệp, để phát triển phong trào nuôi cá nước ngọt, cải thiện bữa ăn cho người nông dân.
Từ khi Người qua đời, khu di tích vẫn tặng cá giống cho các địa phương. Hàng ngày, khách tham quan tới đây, bên bờ ao cá mọi người vỗ tay thay Bác gọi cá đến ăn.
Vườn cây di tích: Vườn cây rộng khoảng 6,7 héc-ta. Trong đó có hàng ngàn loài cây lớn nhỏ thuộc hàng trăm loài thực vật khác nhau. Theo điều tra bước đầu hệ thực vật trong vườn của Bác rất đa dạng. Có cây thân gỗ lớn, có cây thân gỗ nhỏ, có cây bụi, thảm cỏ, dây leo ký sinh... Vườn cây của Bác gồm 232 loài thuộc 81 họ, 42 bộ. Trong đó nhóm cây ăn quả có 34 loài, nhóm cây quý hiếm có 52 loài, nhóm cây di tích có 18 loài, nhóm cây cảnh có 63 loài. Đây là vườn cây rất quý được hội tụ từ các vùng miền trong cả nước.
Ngôi nhà 67: Đây là ngôi nhà Người dưỡng bệnh và qua đời. Năm 1966, Mỹ thay đổi cách đánh, chúng bắn tên lửa từ xa và thả bom bi vào Thủ đô. Do vậy nhiều lần Bộ Chính trị xin phép Bác cho làm nhà khác để đảm bảo an toàn cho Bác, song Bác đã từ chối. Người nói: trong khi nhân dân chưa có đủ nhà ở, Bác đã có nhà sàn và hầm trú ẩn rồi. Một lần Người đi công tác xa ở Trung Quốc một tháng, Bộ Chính trị đã quyết địn làm ngôi nhà này để Người ở. Khi từ Trung Quốc trở về, Người từ chối và dành để làm nơi họp của Bộ Chính trị. Cho tới ngày 17 tháng 8 năm 1969 theo yêu cầu của bác sĩ, Người mới về đây dưỡng bệnh. Ngôi nhà này đã chứng kiến tình cảm của Người dành cho đồng bào, đồng chí miền Nam, đồng bào bị lũ lụt, phụ nữ và các cháu thiếu nhi. Đồng thời cũng chứng kiến sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của tập thể y bác sĩ Việt Nam, Trung Quốc đã ngày đêm tận tình cứu chữa cho Người. Nhưng vì tuổi cao, bệnh tim cũ tái phát, Người đã ra đi đúng 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969.
Từ khi Bác qua đời đến nay, khu di tích Phủ Chủ tịchđã đón tiếp rất nhiều khách trong và ngoài nước tới thăm trong đó có hàng nghìn đoàn khách cao cấp là Nguyên thủ quốc gia từ rất nhiều nước cùng các tổ chức quốc tế thuộc nhiều dân tộc, nhiều màu da.
Đã từ lâu, khu di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành trường học lớn cho cán bộ đảng viên, cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong việc rèn luyện đạo đức, tác phong, xây dựng con người mới theo gương Bác Hồ. Khu di tích Phủ Chủ tịch thật sự trở thành di sản văn hóa vô giá của dân tộc.
(Xin đón đọc phần tiếp theo Ngôi nhà số 48 - phố Hàng Ngang)
|