- Ký ức về ngày tiếp quản thủ đô 60 năm về trước đã sống dậy trong tâm thức bà Trần Tú Lan (một trong những cán bộ đầu tiên về tiếp quản Hà Nội) một cách rất tự nhiên khi bà bắt đầu câu chuyện.
Bà Lan nhớ lại, năm 1948 đang làm cho một cơ quan dân vận thì bà được cử đi học trong nước, đến năm 1951, bà được sang học tại Trung Quốc. Hồi đó không có phương tiện gì đi lại, cả đoàn phải đi bộ 1 tháng trời lên Lạng Sơn, ở hang Bắc Sơn để qua Trung Quốc học tại khu Học xá Nam Ninh. Học xong bà về Quê Lâm dạy học một năm thì nhận nhiệm vụ tham gia cải cách ruộng đất.
Đang cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên thì bà đuợc điều động về tham gia lớp học của các cán bộ chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Lớp học nằm ở Khuây Kì, huyện Đồng Hỉ, tỉnh Thái Nguyên và kéo dài trong hơn một tháng trời.
Bà vui miệng kể, tham gia lớp học đó để tiếp quản thủ đô hồi đó, về sau này toàn là những người nắm giữ các trọng trách lớn của đất nước trong nhiều lĩnh vực chuyên môn như ông Trần Văn Giàu, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Đặng Văn Ngữ, Trần Đức Thảo… Người giảng là các lãnh đạo, Bác Hồ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng…
|
Hà Nội ngày trở về. Ảnh tư liệu |
“Một trong những câu chuyện mà tôi nhớ mãi hồi đó, và xem nó như kim chỉ nam cho hoạt động của mình về sau này, đó là câu chuyện về chiếc đồng hồ trong bài giảng của Bác Hồ. Bác nói, cái kim làm nhiệm vụ chỉ giờ giấc, cái ốc vít cũng làm đúng nhiệm vụ của ốc vít, việc nào ra việc ấy. Nếu bây giờ ốc vít mà làm nhiệm vụ của kim thì không còn là chiếc đồng hồ nữa”, bà Lan kể. Về sau, tổ chức phân công đi đâu, làm gì, bà cứ thế tuân thủ, không mảy may đòi hỏi.
Kết thúc lớp học, rồi cũng đến ngày tiến về Hà Nội tiếp quản thủ đô. Lớp cán bộ như bà Lan tiến vào Hà Nội ngay sau bước chân của đoàn quân trong Đại đoàn 308. “Vui nhất là chúng tôi mặc quần trắng, áo dài và đeo phù hiệu đơn giản có ghi dòng chữ: Cán bộ tiếp quản thủ đô”, bà Lan nói.
“Sau khi kết thúc lớp học tôi cùng hai người bạn trở về Hà nội đến khoảng 9,10 h sáng thì vào đến nội thành. Vì vào muộn nên đoàn quân diễu binh chắc đã xong từ sớm rồi, phố phường lúc này nhiều cờ đỏ sao vàng, hoa và khẩu hiệu khắp nơi trên nhiều con phố. Dạo quanh Hà Nội từ Cửa Nam đến Hàng Gai, Hàng Đào... Thủ đô khi đó rất bình yên”. Đó là những gì ấn tượng nhất với bà về buổi sáng hôm ấy ở Hà Nội.
Sau đó bà công tác tại trường Trung học Trưng Vương và làm công tác giáo dục nhiều năm cho dến tận khi nghỉ hưu.
Còn với nhà văn hóa Trần Việt Phương, do đi theo đoàn của Bác Hồ và ông Phạm Văn Đồng, nên vào tiếp quản thủ đô mấy ngày sau đó.
Những ấn tượng và cảm xúc với ông khi đó, thật khó phai. Bởi lẽ ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, năm 1945 rời Hà Nội vào Nam đến tận năm 54 mới trở lại.
9 năm rồi nhưng với ông, quang cảnh và người vẫn như ngày xưa. Trở lại phố Cô Đầu (là Khâm Thiên thời nay), rồi rạp hát Quảng Lạc, Sầm Công ở Hàng Buồm vẫn y nguyên. Quanh hồ Hoàn Kiếm vẫn hàng cây lệ liễu rủ như ngày nào.
Đặc biệt, một câu chuyện riêng tư thời đó vẫn khiến ông nhớ mãi. Ngày đó nhiều gia đình chuyển vào Nam sống, nên phố phường rất trống vắng.
“Sau 9 năm ra đi, trở về phố cũ, tôi đã thấy một gia đình khác đang ở trong ngôi nhà của mình. Ngày đó, tôi không có bất cứ thứ giấy tờ gì trong tay để chứng minh rằng đó là nhà của bố mẹ mình. Tuy nhiên, những người hàng xóm bên cạnh đã nhận ra tôi. Và chủ nhà vui vẻ dọn dẹp đồ đạc chuyển đi nơi khác, đồng ý trả lại ngôi nhà này cho tôi…dù không có giấy tờ gì xác nhận. Lối ứng xử của người Hà Nội 60 năm trước thật thà, giản dị như vậy đấy”, ông Trần Việt Phương kể lại.
Hà Nội giờ đã mang diện mạo mới. Nhưng, có lẽ, vẫn có những góc Hà Nội rất riêng và những ký ức khó phai, như trong câu chuyện của nhà thơ Trần Việt Phương và người phụ nữ tiếp quản thủ đô Trần Tú Lan. Hay trong tâm khảm những người xa Hà Nội trở về trong buổi sáng tháng 10 năm ấy. Chẳng thế mà Tố Hữu đã có những vần thơ rạo rực về thủ đô ngày giải phóng trong bài thơ “Lại về”: Đường quen phố cũ đây rồi/Thủ đô tươi lại mặt người như hoa…".
Bà Trần Tú Lan (phu nhân nhà văn hóa Trần Việt Phương) xuất thân trong một gia đình trí thức, nhà có 7 người là lão thành cách mạng. Cha bà là lão thành cách mạng, vào Đảng cộng sản Đông Dương 1930, bị thực dân Pháp bắt và xử tử hình, sau đó chuyển thành tù khổ sai chung thân. Đến năm 1936 được giải phóng do Mặt trận bình dân lên cầm quyền ở Pháp, sau đó ông trúng tuyển vào hãng hàng không lớn của Pháp vì giỏi ngoại ngữ. Mẹ bà là con ông nghè và là người sáng lập ngành giáo dục mẫu giáo Việt Nam, ngoài ra bà còn tham gia các hoạt động xã hội như thành lập phòng đọc sách bình dân Sài Gòn thời xưa.
Thừa hưởng truyền thống gia đình, bà Lan tham gia hoạt động cách mạng rất sớm. Khi còn ở khu học xá Nam Ninh, tổ chức tuyển lựa một số cán bộ để cử đi học lớp cao cấp ở Liên Xô, khi bình bầu từ lớp đến trường, khu học xá thì chỉ có duy nhất một mình bà là nữ được chọn. Năm 19 tuổi bà đã dạy học ở trường con em cán bộ của Đảng ở Trung Quốc, nhiều người là học trò của bà như Trần Đình Hoan, GS Chu Hảo, Phạm Quốc Anh, Nguyễn Khoa Diệu Thu…Theo Vietnamnet
Nguồn Vietnamnet
|