Vượt bao đèo cao hiểm trở, cuối cùng, dưới ánh chiều tà hoang sơ, tĩnh lặng “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi...” cũng hiện lên trong niềm vui của những người lữ khách. Bao nhiêu mệt mỏi tan biến bởi vẻ đẹp long lanh của những cánh đào hồng đang rung rinh trong gió núi. Những cành đào trổ mầm, hé nụ, lấp lánh dưới nắng chiều vàng như mang xuân về sớm trên bản Sài Khao.
Nụ cười no ấm của người Mông ở Sài Khao.
Lần đầu đến bản Sài Khao (xã Mường Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) theo tiếng gọi của “Tây Tiến”, những hình ảnh quen thuộc với đỉnh Pha Luông cao vời vợi, những thiếu nữ Mông rực rỡ vận trên mình xiêm áo thướt tha, dìu dặt, tình tứ bên “tiếng khèn man điệu” của những chàng trai Mông. Và hòa quyện trong âm thanh của núi rừng, cái lạnh giá theo gió ùa về, một không khí chào đón năm mới, “mùa xuân” mới đang rộn ràng khắp bản Sài Khao.
Được mệnh danh là “Đà Lạt của miền Tây xứ Thanh”, Sài Khao có không khí trong lành, thoáng đãng và mát lạnh. Đứng trên đỉnh Pha Luông hùng vĩ, lữ khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn từng lớp núi non điệp điệp, trùng trùng để rồi khó lòng dời bước. Bao quanh bản là những nương lúa, nương ngô, trải vàng từ sườn đồi nọ đến sườn đồi kia, xua đi cái đói, cái nghèo của người dân Sài Khao đã được mùa thu hoạch. Vụ ngô thu, năng suất bình quân đạt được 27 tạ/ha. Năm nay thời tiết thuận lợi, lúa nếp nương cũng được mùa.
Năm 2011, 1 kg giống mới cho thu hoạch dưới 1 tạ, thì năm 2012 đồng bào Mông trong bản phấn khởi thu hoạch được trên 1 tạ/kg giống. Cùng với việc chăm sóc, phát triển cây màu, nhiều hộ trong bản cũng mạnh dạn đầu tư phát triển thêm chăn nuôi trâu, bò, trong đó hộ nhiều trâu, bò nhất là nhà ông Vàng A Sáu với 35 trâu, bò (trị giá của trâu trưởng thành là 35 triệu đồng/con, bò là 15 triệu đồng/con).
Ông Sáu được bà con trong bản mệnh danh là “tỷ phú” trâu, bò của bản. Cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển, đời sống đồng bào Mông bản Sài Khao từng bước được nâng lên. Bản có 75 hộ, với 523 nhân khẩu, nếu những năm trước 100% số hộ đều thuộc diện đói, nghèo, thì nay số hộ nghèo đã giảm gần một nửa, bản không còn hộ đói. Với phương châm “Dạy cái chữ là dạy làm người, dạy kiến thức để học tập, tiếp thu cái mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo”, hầu hết các hộ gia đình trong bản đều tạo điều kiện cho con, em đến trường để đọc thông, viết thạo cái chữ. Trong năm học vừa qua, bản đã có trên 20 em học THPT, 100% trẻ mầm non được đến lớp.
Xuân về Sài Khao. |
Chiều buông xuống, Sài Khao dần chìm trong bóng tối tịch mịch. Không điện chiếu sáng, không sóng điện thoại..., bà con trong bản giao lưu, sinh hoạt chỉ nhờ vào ánh sáng leo lét, mập mờ của nến, của đèn dầu hỏa. Nhưng không vì thế mà tâm hồn người Mông ở bản Sài Khao trở nên tĩnh lặng. Bởi không khí đón năm mới đã và đang ngập tràn trong khắp mọi nhà. Từng gian bếp lửa bập bùng khói sáng, mùi thơm của xôi nếp nương lan bay theo gió, đánh thức mọi giác quan của người yêu ẩm thực... Quây quần bên bếp lửa nhà trưởng bản Vàng A Sú, chúng tôi được thưởng thức những vò rượu ngô nồng ấm, thỏa sức ăn món bánh dày thơm ngon, mềm mịn và ngọt dịu vốn chỉ làm trong ngày cúng và những ngày lễ, Tết của đồng bào Mông.
Bánh được làm từ gạo nếp trồng trên nương. Sau khi đem xát, gạo có màu trắng và mùi thơm dịu. Gạo được đồ chín thành xôi rồi đổ vào cối giã bằng tay cho bột mịn khi còn đang nóng. Ngoài bánh dày, các gia đình người Mông ở Sài Khao cũng có tục mổ lợn và ngày mổ lợn chủ nhà sẽ mời anh em, họ hàng đến chung vui, ăn uống. Đây cũng là ngày vui sum vầy, có ý nghĩa gắn kết cộng đồng của đồng bào Mông nơi đây. Trong những dịp lễ, Tết, đồng bào Mông ở Sài Khao từ già, trẻ, trai, gái, ai ai cũng náo nức tham gia các trò chơi trong lễ hội truyền thống như đẩy gậy, lẩy pao, đánh cầu lông gà, đánh quay...
Những trò chơi này ngoài việc thể hiện sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết của đồng bào Mông, cũng đồng thời là nơi để con trai, con gái Mông được trổ tài, trao gửi tình ý và tìm kiếm bạn đời. Và đã có không ít mối tình được bén duyên từ những mùa lễ hội. Tham gia lễ hội, cũng là dịp để các thiếu nữ Mông phô diễn vẻ đẹp rực rỡ của những bộ xiêm áo do chính đôi tay khéo léo thêu, dệt.
Những nét duyên dáng, quyến rũ của thiếu nữ Mông hòa quyện cùng những sắc hoa xuân của núi rừng đã tạo nên một cuộc triển lãm văn hóa, nghệ thuật sinh động, độc đáo chỉ thấy nơi rẻo cao. Có lẽ vậy, mà dù trải qua bao biến thiên của lịch sử, đồng bào Mông nói chung và đồng bào Mông ở Sài Khao nói riêng, vẫn giữ nguyên được bản sắc văn hóa, hồn cốt dân tộc.
Tạm biệt Sài Khao khi trời vừa chạng vạng sáng, khi tiếng con trâu, con bò “cựa mình” gọi nhau, khi những nhà Mông trong bản đã nhóm lên “màu lửa” mới... tôi lại lặng mình chợt nhớ những hồn thơ trong “Tây Tiến” (Quang Dũng): Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi...