Thời Nguyễn đây là đất thôn Yên Nội, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, một số người buôn bán da trâu, bò, về ngõ Yên Thái, ngõ Tạm Thương để chế biến. Thành phẩm da khô được mang ra chợ Hàng Da bán. Lúc ấy chợ chỉ là vài cái lều dựng tạm kiểu chợ làng. Năm 1937-1938 xây chợ, mặt hàng da thuộc bày bán khắp chợ và tràn ra cả phố. Từ ấy chợ và phố đều mang tên Hàng Da. Sau này nghề da thuộc được công nghệ hóa, tập trung vào các xưởng lớn như Nhà máy da Thụy Khuê.
Phố Hàng Da (Ảnh: Vũ Hưng)
|
Cuối thế kỷ trước, mặt hàng giả da xuất hiện tràn ngập trên phố. Nhiều cửa hàng vừa kinh doanh, vừa sản xuất các mặt hàng giả da như túi xách, đệm ghế, đệm lót, vali. Một mặt hàng khác cũng rất được thịnh hành trên phố là sản phẩm chế từ lốp ôtô hỏng. Những chiếc gầu xách nước, máng cho lợn ăn, túi xách, dây buộc hàng và nhất là các đôi dép cao su bền chắc, rẻ tiền rất được ưa chuộng.
Giờ đây, đến phố Hàng Da chỉ có nhà số ba là xếp chồng chất các súc vải giả da đủ màu sắc, xanh, đỏ, tím, vàng… với đủ loại hoa văn cầu kỳ, diệu vợi. Và cũng chỉ một cửa hàng duy nhất bầy bán những dải cao su buộc hàng, những chiếc gầu gánh nước, những miếng lốp cao su đang chế biến dở dang và 5-7 đôi dép lốp cao su treo toòng teng sát tường. Chủ cửa hàng số 15 Hàng Da là cụ Nguyễn Đình Chăm, năm nay vừa tròn 80 tuổi. Cụ mang nghề thuộc lốp xe ôtô ngày còn trẻ ở Đình Cả-Thái Nguyên về Hà Nội.
Cụ truyền nghề cho con cháu, họ hàng và trở thành mặt hàng chuyên doanh của các phố Hàng Da, Đường Thành, Hàng Điếu. Có ngày “Tập đoàn tái chế” này thu mua tới 2.000 lốp xe ôtô cũ. Cụ Chăm rất say mê tự hào với nghề của mình. Cụ tâm niệm: “Còn sống ngày nào thì còn giữ nghề ngày ấy".
Hàng Da giờ đây kinh doanh rất phong phú và đa dạng. Đoạn đầu dãy lẻ có tới bốn quầy bán đồ điện gia dụng, những chiếc quạt máy, bếp điện, dây điện, dây ăngten, bàn là, bóng đèn các loại xếp chồng chất lên quầy hàng. Kế đó là ba cửa hàng sửa chữa điện, quấn lại môtơ, máy phát điện, dụng cụ cầm tay. Bên kia dãy chẵn là các quầy bán hoa qua, mùa nào thức ấy, cam, quýt, xoài, lê, táo, chôm chôm, nhãn, dưa hấu, cùng với các cửa hàng bán rượu ngoại, nước giải khát. Suốt dọc phố, tỷ mẩn ghi chép có tới 20 cửa hàng thời trang.
Những năm 1936-1940, Hàng Da có cửa hàng may LEMUZ của hoạ sĩ Cát Tường nổi tiếng Hà Thành với các mốt cải cách y phục gây một phong trào sôi động trong giới trẻ thời đó. Giờ đây, các cửa hàng Thời Trang đua nhau mọc lên với những biển hiệu tân kỳ như Blue Jean, Japan, Vivi, Hà San với đủ chủng loại quần áo thời trang, phục vụ mọi lứa tuổi, nhất là nam, nữ thanh niên. Không chỉ thời trang quần áo, thời trang giày dép cũng sôi động không kém.
Quầy hàng Yến Trang hai địa điểm với biển hiệu thật đẹp bày bán giày dép kiểu cách, sang trọng, điệu đà bên cạnh các cửa hàng giày thời trang EU, thời trang Malaysia, Soe Bird... Rồi đến mũ thời trang với ba cửa hàng mũ khiêm tốn nằm rải rác cuối phố với giá cả hợp túi tiền bình dân.
Có một cửa hàng thật sang trọng rực rỡ, màu sơn hồng trẻ trung, tươi tắn, làm nền cho logo biển hiệu: “Nón sơn". Như một sự nhạy cảm táo bạo, chủ nhân cửa hàng đã tìm ra một thị trường chấp nhận với giá cả đầy thách thức khi chiếc mũ rẻ nhất 300.000 đồng, chiếc mũ đắt nhất là hai triệu đồng. Nhân viên bán hàng cũng được tuyển chọn để tạo nên một đội ngũ tiếp thị văn minh, lịch sự, thanh lịch, hiếu khách.
Một nghề kinh doanh đang có thị trường sôi động, đầy tiềm năng là quảng cáo, đòi hỏi sự nhạy cảm tế nhị và nhất là biết đi tắt, đón đầu, chiếm lĩnh công nghệ mới. Hàng Da có đến năm cửa hàng kinh doanh quảng cáo với sự năng động thích ứng thị trường: “Quảng cáo trên mọi chất liệu", các cửa hàng Hùng, Hùng Anh, Thành Đạt… có thâm niên hàng chục năm và đứng vững trên thương trường.
Chợ Hàng Da giờ đây đã xây hai tầng, trên mặt bằng cao ráo, sạch sẽ, mặt hàng kinh doanh thật phong phú và đa dạng, khách hàng tấp nập ra vào. Chợ Hàng Da đã trở thành thương hiệu tin cậy, hấp dẫn với người Hà Nội và là một trung tâm thương mại lớn của quận Hoàn Kiếm./.