Ngày đăng: 10/10/2012 3:39:05 CH
Đoàn nhà văn quân đội có mặt tại Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội vào một buổi chiều mùa thu. Thu Hà Nội bao giờ cũng đẹp, trong làn gió heo may đã bắt đầu thấy phảng phất mùi hương hoa sữa, và loa phóng thanh ở các đầu ô, mỗi độ tháng 10 về, lại phát đi phát lại lời ca quen thuộc: Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào/Chảy dòng sương sớm long lanh...
Những người lính thủ đô năm xưa đã “ra đi đầu không ngoảnh lại” vào tháng 2 năm 1947, để rồi sau cuộc trường kỳ kháng chiến, đã trở về đầy kiêu hãnh trong tư thế của người chiến thắng. Mùng 10 tháng 10 năm nay, Hà Nội sẽ kỷ niệm 58 năm ngày giải phóng thủ đô. Kể từ ngày những người lính của đoàn quân cách mạng tiến vào tiếp quản thủ đô đến nay, Hà Nội đã thay đổi không ngừng. Lực lượng vũ trang thủ đô cũng gặt hái những thắng lợi mới và luôn luôn sát cánh cùng nhân dân bảo vệ vững chắc “trái tim của cả nước”.
Lần này các nhà văn quân đội muốn cùng Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn - Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng của lực lượng vũ trang thủ đô, đồng thời cung cấp thêm cho bạn đọc Văn nghệ Quân đội những thông tin mới nhất, sống động và tươi rói, về những người lính thủ đô hôm nay.
Tuy là ngày nghỉ nhưng mãi bốn giờ chiều đồng chí Tư lệnh mới đi công tác về để gặp các nhà văn được. “Biết tin các nhà văn về làm việc với Bộ Tư lệnh thủ đô từ mấy hôm trước, thú thực tôi cũng mong ngóng lắm. Tôi sinh ra ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, nơi Văn nghệ Quân đội về sơ tán trong những năm kháng chiến chống Mĩ. Khi đó, còn là học sinh cấp 3, tôi đã được nhìn thấy các nhà văn nổi tiếng như Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Hải Hồ, Nguyễn Thị Như Trang… Sau này, vào bộ đội, Văn nghệ Quân đội là món ăn tinh thần không thể thiếu của những người lính chúng tôi. Phải hẹn làm việc với các nhà văn vào ngày nghỉ, giờ nghỉ thế này, quả thật ái ngại quá…” - Tư lệnh Phí Quốc Tuấn đã mở đầu câu chuyện với các nhà văn quân đội bằng những lời chân tình như thế.
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Cứ mỗi dịp tháng 10 về là các nhà văn ở Văn nghệ Quân đội lại nhớ đến những người lính thủ đô. Trong ký ức của rất nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ cũng như nhân dân cả nước, lực lượng vũ trang thủ đô đã nổ phát súng đầu tiên, chính thức mở đầu “toàn quốc kháng chiến”, hẳn đồng chí Tư lệnh cũng giống chúng tôi, không thể không rưng rưng khi nhắc nhớ đến những ngày này?
Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn: Vâng, đúng thế anh Thụy ạ, trước khi nói đến ngày Giải phóng Thủ đô 10 tháng 10 năm 1954 thì không thể không nhắc đến ngày toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946.
Để chuẩn bị cho kháng chiến, cả nước lúc đó được chia làm 12 chiến khu. Khu đặc biệt Hà Nội được đổi tên thành Chiến khu 11. Khu ủy, Ủy ban bảo vệ, Bộ chỉ huy chiến khu 11 đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Thành ủy Hà Nội được kiện toàn và đổi thành Khu ủy 11. Bộ chỉ huy Chiến khu 11 quản lý, chỉ huy lực lượng Vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ tại thủ đô.
Ngày 20 tháng 10 năm 1946, tại trụ sở Bộ chỉ huy Khu đặc biệt Hà Nội, đồng chí Lê Quảng Ba, nguyên Khu trưởng đã tiến hành bàn giao nhiệm vụ cho đồng chí Vương Thừa Vũ. Ngoài cơ quan Bộ chỉ huy, lực lượng chủ lực bao gồm 5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn, 4 trung đội pháo binh ở các pháo đài Láng, Xuân Canh, Thủ Khối, Xuân Tảo. Tổng quân số khi ấy có hơn 2000 người, được trang bị chủ yếu là súng trường, 3 khẩu trung liên, 1 khẩu đại liên, 1 khẩu Ba-dô-ka 60mm, 80 quả bom ba càng, 200 chai xăng cơ rếp, 1000 quả lựu đạn, 7 khẩu pháo cao xạ, 1 khẩu sơn pháo 75 ly, 1 khẩu pháo 25 ly, 2 khẩu cối 60 ly. Dân quân, tự vệ, lực lượng địa phương thì khoảng gần 10 ngàn người, số này không đủ vũ khí trang bị, nhiều người dùng giáo, mác, kiếm, dao găm làm vũ khí. Chiến khu tổ chức 13 đội cảm tử và 36 tổ du kích đặc biệt.
Để tiện bố trí lực lượng, nội thành Hà Nội được chia thành 3 liên khu. Liên khu 1 nằm ở phía bắc nội thành, Đông và Đông bắc giáp sông Hồng, Tây từ ô Yên Phụ theo đường Thanh Niên, vườn Bách Thảo; Nam là đường cột cờ, Tràng Thi, Hàng Khay, Tràng Tiền, Nhà hát lớn. Liên khu II ở Đông Nam nội thành, Bắc giáp Liên khu I, Đông giáp sông Hồng, Tây là đường Hoàng Long (nay là đường Lê Duẩn), Nam là Kim Liên, ô Cầu Dền, ô Đống Mác. Liên khu III ở phía tây nội thành; Bắc giáp Liên khu I, Đông giáp Liên khu II, Tây là Ngọc Hà, Nam giáp làng Thịnh Hào, Linh Quang, Kim Liên.
Bộ chỉ huy cũng bổ sung 2 đại đội của tiểu đoàn 56, trung đoàn 13 Hà Đông cho Hà Nội.
Và lực lượng vũ trang thủ đô đã nổ súng tiến công mở đầu toàn quốc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” với một lực lượng khiêm tốn như thế.
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình: Sau những phát đại bác đầu tiên từ pháo đài Láng, lực lượng vũ trang thủ đô đã đồng loạt tiến công 21 vị trí đóng quân của Pháp và có thể nói là hoàn toàn làm chủ tình thế. Hà Nội đã trở thành mặt trận lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp với 60 ngày đêm chiến đấu không ngừng nghỉ của các lực lượng vũ trang thủ đô. Sau khi trung ương yêu cầu Trung đoàn Thủ đô rút lui an toàn, bí mật, Bác Hồ đã khen ngợi: “Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi. Đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”. Tám năm sau, chính những người lính thủ đô đã trở về với hình ảnh các cánh quân tiến vào 5 cửa ô Hà Nội, chính thức tiếp quản một thủ đô giải phóng, sạch bóng quân thù. Nhưng những người lính thủ đô không phải đã được ngơi nghỉ. Ngay sau đó cuộc kháng chiến chống Mĩ lại bước vào hồi quyết liệt…
Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn: Đúng vậy. Sau khi đánh thắng giặc Pháp xâm lược, nhân dân Hà Nội cũng như nhân dân cả nước lại bước vào cuộc chiến đấu mới với kẻ thù mới. Và hồi quyết liệt nhất mà lực lượng vũ trang thủ đô phải đương đầu chính là trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972.
Trước đó, vào tháng 4 năm 1972, đế quốc Mĩ đã mở chiến dịch Lai - nơ - bếch - cơ I đánh phá toàn miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trong hơn 6 tháng sau đó, quân dân Hà Nội đã đánh 28 trận vừa và nhỏ, bắn rơi 63 máy bay địch, bắt nhiều giặc lái. Riêng dân quân tự vệ bắn rơi 5 máy bay.
Ngày 14 tháng 12 năm 1972, Mĩ lại mở cuộc tập kích chiến lược mang mật danh Lai - nơ - bếch - cơ II, đánh phá ồ ạt bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng.
Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, trên địa bàn Hà Nội, đế quốc Mỹ đã huy động tối đa sức mạnh không lực Hoa kỳ đánh phá hủy diệt thủ đô. Chúng sử dụng 516 lần chiếc B52, 546 lần chiếc F111, 4.429 lần chiếc máy bay chiến thuật ném 45.633 quả bom các loại xuống 4 thị trấn, 39 đoạn phố, 67 xã và 4 khu vực đông dân.
Quân dân Hà Nội đã ngẩng cao đầu, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng kiên cường, dũng cảm chiến đấu bắn rơi 32 máy bay, trong đó 25 chiếc B52, hai chiếc F111 và 5 máy bay chiến thuật.
Ngay từ đầu năm 1968 Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lời dự báo khi Người nói với Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài “Sớm muộn Đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua”. “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Chiến thắng của quân dân Hà Nội đã làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không”, làm tiêu tan sức mạnh không lực Hoa Kỳ. Thủ đô Hà Nội hiên ngang bất khuất, không những không “trở về thời kỳ đồ đá” như kẻ thù mong muốn mà trở thành “Thủ đô phẩm giá của con người”.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Với thất bại nặng nề này, tổng thống Nich - xơn đã phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Sau đó chính quyền Mĩ phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện ném bom bắn phá miền Bắc và hiệp định Pari “Về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” đã được ký kết với nội dung quan trọng: Mĩ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quân Mĩ và chư hầu rút hết khỏi miền Nam, quân chủ lực ta vẫn ở nguyên tại chỗ. Từ chiến thắng lịch sử này đã tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, lực lượng vũ trang thủ đô lại đối mặt với những khó khăn thách thức mới. Xin đồng chí tư lệnh cho bạn đọc Văn nghệ Quân đội biết đôi nét về lực lượng vũ trang thủ đô hôm nay, đặc biệt là từ khi Quân khu Thủ đô tổ chức lại thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội theo Lệnh số 16/2008/L-CTN của Chủ tịch Nước?
Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn: Như các nhà văn đã biết, trong tiến trình thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, ngày 16 tháng 7 năm 2008 Chủ tịch nước ban hành Lệnh số 16 về tổ chức lại Quân khu Thủ đô thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Ngày 25 tháng 7 năm 2008 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 2192/QĐ-QP hợp nhất Bộ CHQS tỉnh Hà Tây, Quyết định số 2194/QĐ-QP hợp nhất Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hà Nội vào Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Quyết định số 2196/QĐ-QP sáp nhập Ban CHQS huyện Mê Linh thuộc Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc/Quân khu II vào Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chính thức thực hiện nhiệm vụ từ ngày 01 tháng 8 năm 2008, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, chịu sự quản lý, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có chức năng tham mưu cho Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân và công tác quân sự địa phương; giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng tại địa phương; tổ chức thực hiện xây dựng, quản lý, chỉ huy các đơn vị lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ thuộc quyền.
|
Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn kiểm tra bộ đội ngăn lũ bảo vệ tuyến đê sông Bùi, thuộc địa phận huyện Chương Mỹ - Ảnh: T.L |
Để thực hiện Lệnh số 16 của Chủ tịch nước, các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phải tiến hành một loạt những công việc như: Kiện toàn lại hệ thống tổ chức, tiếp nhận Ban Chỉ huy quân sự huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và bốn Ban CHQS xã thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình; giải thể và bàn giao một số cơ quan, đơn vị về Bộ Tổng tham mưu; giải quyết quân số dư biên chế, thực hiện tổ chức biên chế mới; di chuyển sở chỉ huy và cơ quan Bộ Tư lệnh Thủ đô… Đồng thời tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, vừa giải quyết công việc trước mắt vừa chuẩn bị cho công tác lâu dài của một đơn vị trên địa bàn chiến lược mới được mở rộng về địa giới hành chính.
Chúng tôi xác định quá trình thực hiện nhiệm vụ có những thuận lợi cơ bản là có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Được kế thừa truyền thống cách mạng vẻ vang, những chiến công, những thành tích xuất sắc của Quân khu Thủ đô, của Lực lương vũ trang thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Được nhân dân tin yêu, đùm bọc. Được thừa hưởng truyền thống 1000 năm văn hiến Thăng long - Hà Nội. Tiềm lực lớn về kinh tế - xã hội của thủ đô ngày càng phát triển. Thế và lực của khu vực phòng thủ được tăng cường…
Tuy nhiên, cũng có những khó khăn và thách thức với đặc điểm là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao lưu quốc tế của cả nước, nên các thế lực thù địch luôn coi đây là mục tiêu trọng điểm chống phá với những thủ đoạn hết sức thâm độc, xảo quyệt. Mặt khác, Hà Nội mở rộng có sự chênh lệch về kinh tế, trình độ dân trí giữa các vùng, lại đang trong quá trình đẩy mạnh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nên nhiều vấn đề phức tạp mới nảy sinh. Các tác động của suy thoái kinh tế thế giới và khu vực, rồi thiên tai, dịch bệnh diễn biến thất thường... cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn đô thị, trong khi đời sống, nhà ở còn không ít khó khăn...
Trong bối cảnh trên, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, cán bộ, chiến sĩ với bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, đã vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một khối lượng lớn công việc với yêu cầu khẩn trương. Và chúng tôi đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhiều nhiệm vụ được trên đánh giá là hoàn thành xuất sắc.
Nhà văn Phùng Văn Khai: Đã bước sang năm thứ 5 kể từ khi Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, cũng từng ấy năm đồng chí Tư lệnh đảm nhiệm vị trí chỉ huy lực lượng vũ trang thành phố Hà Nội. Nhìn lại để đánh giá thì chỉ bằng một câu “đã hoàn thành tốt nhiệm vụ” là xong, nhưng thực tế khi thực hiện các nhiệm vụ hợp nhất, sáp nhập, điều chuyển, giải thể, tổ chức lại các cơ quan đơn vị tôi biết là không đơn giản chút nào. Nếu không có cách làm tốt, mọi việc có khi rối tung rối mù lên, thậm chí còn dang dở đến ngày hôm nay vẫn chưa giải quyết xong…
Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn: Mồng 1 tháng 8 năm 2008, khi Bộ Tư lệnh Thủ đô thực hiện nhiệm vụ theo chủ trương của trên, tôi được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh, Thiếu tướng Phùng Đình Thảo là Chính ủy và đúng như các nhà văn đã đề cập, việc hợp nhất, sáp nhập, điều chuyển, giải thể, tổ chức lại các cơ quan đơn vị lúc đó, muốn nói gì thì nói, cũng để lại trong mỗi cán bộ, đảng viên, những người lính chúng tôi nhiều tâm tư, xao xuyến. Tất nhiên đã là người lính thì “có lệnh là đi, tư thế sẵn sàng”, nhưng nếu lãnh đạo, chỉ huy làm không khéo thì việc nhỏ thành việc lớn, việc đơn giản lại hóa thành phức tạp. Cách giải quyết của chúng tôi là thế này. Trước hết thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội kịp thời ra Nghị quyết chuyên đề về chủ trương giải quyết số lượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng theo các quyết định của Bộ Quốc phòng về tổ chức biên chế Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; kết hợp chặt chẽ giữa công tác tổ chức với công tác tư tưởng và chính sách đúng chủ trương chỉ đạo của cấp trên. Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh xác định tiêu chí cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh để bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng thời giải quyết số dư lớn đang có ở cơ quan Bộ Tư lệnh sau hợp nhất. Căn cứ vào chủ trương lãnh đạo này, đến nay đã thực hiện điều động đi các đơn vị của Bộ và giải quyết chế độ chính sách cho 1.700 đồng chí (trong đó có hơn 600 đồng chí là sĩ quan, hơn 1000 đồng chí là quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng). Quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và trang bị, không để thất thoát tài sản cơ sở vật chất. 100% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng xác định tốt nhiệm vụ.
Cùng với việc ổn định tổ chức, chúng tôi đã chủ động tích cực đổi mới phương pháp làm việc, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Cụ thể là giáo dục chuyển đổi nhận thức cho đội ngũ cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, nhất là năng lực làm tham mưu, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đơn vị cơ sở hoàn thành nhiệm vụ. Vừa chấn chỉnh vừa xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, từng bước trở thành thói quen tự giác trong thực hiện của cán bộ, chiến sĩ.
Kiên quyết chấn chỉnh, tạo bước đột phá mới, thực hiện nghiêm túc công tác văn thư bảo mật, lưu trữ, cải cách hành chính, xây dựng và ban hành một số quy chế làm việc, quy định về chế độ công tác của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Và kết quả cuối cùng có thể nói với các nhà văn trong buổi trò chuyện hôm nay là, chúng tôi đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác, từ việc chủ động tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo, chỉ đạo đến việc xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quân sự, chính trị, hậu cần, tài chính, kỹ thuật, tư pháp và đối ngoại quân sự…
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình: Những nhà văn quân đội chúng tôi vẫn luôn đồng hành cùng những người lính thủ đô hôm qua và hôm nay. Hành động dũng cảm tấn công tội phạm của trung úy Dương Trùng Điệp, thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn trong thời gian vừa qua là những hình ảnh đẹp, luôn in đậm dấu ấn trong lòng nhân dân thủ đô. Đặc biệt là trận lụt lịch sử năm 2008, hàng nghìn người lính thủ đô đã kề vai sát cánh bảo vệ trạm bơm Yên Sở, băng mình trong bão lũ cứu dân đã nói lên truyền thống của lực lượng vũ trang thủ đô vẫn luôn được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhân cuộc trò chuyện này, xin được hỏi bản thân đồng chí Tư lệnh có nhận xét gì về đội ngũ sĩ quan và chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện nay?
Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn: Anh Bình vừa nhắc đến trận lũ lịch sử năm 2008, đó là trận lũ đe dọa nghiêm trọng đến người và tài sản của nhân dân thủ đô, tham gia chống cơn lũ đó, lực lượng vũ trang thủ đô đã phối hợp với các đơn vị quân đội trên địa bàn huy động hơn 81 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ thường trực và dân quân tự vệ, hàng trăm lượt tàu, xuồng, thuyền, ô tô, cầu phà vào cuộc ứng cứu, hỗ trợ nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ đã ngày đêm dầm mình trong mưa gió, không quản ngại gian khổ hy sinh để khắc phục hậu quả, cứu hộ cứu nạn, sơ tán hơn 17 ngàn dân ra khỏi vùng ngập lụt nguy hiểm, bảo vệ an toàn hàng trăm km đê, đặc biệt là bảo đảm an toàn trạm bơm Yên Sở là trạm bơm có ý nghĩa quyết định trong việc tiêu úng cho nội thành Hà Nội.
Không chỉ bão lụt, lực lượng vũ trang thủ đô còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc phòng chống cháy nổ trên địa bàn Hà Nội. Đêm 27 tháng 12 năm 2009, hàng ngàn cán bộ chiến sĩ đã tham gia dập tắt đám cháy tại điểm cao 146 dãy Hàm Lợn thuộc rừng phòng hộ lâm trường Sóc Sơn. Cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cũng tham gia dập tắt các đám cháy lớn tại kho hàng ga Giáp Bát, trên đường Ngụy Như Kon Tum… Ngoài ra, để thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, lực lượng vũ trang thủ đô còn tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tham gia xây dựng 57 cơ sở xã phường, hơn 600 tổ chức chính trị xã hội, tổ chức 400 lượt đơn vị cấp tiểu đoàn, đại đội hành quân dã ngoại huấn luyện quân sự kết hợp làm công tác vận động quần chúng tại 290 xã thuộc địa bàn Hà Nội.
Những người lính thủ đô, bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, còn luôn phối hợp với Công an và các lực lượng giữ vững an ninh, trật tự thủ đô, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn, đặc biệt là đã góp phần quan trọng vào thành công của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Quay lại với ý kiến anh Ngô Vĩnh Bình, tôi muốn nói rằng, những người lính thủ đô làm nên những hình ảnh đẹp trên đây cơ bản là những sĩ quan trẻ, những chiến sĩ trẻ của chúng ta. Họ đã biết phát huy truyền thống của cha anh và đang bồi đắp thêm nội hàm mới cho truyền thống của lực lượng vũ trang thủ đô, và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Đồng chí Tư lệnh vừa nói đến việc phát huy truyền thống và bồi đắp thêm những nội hàm mới của truyền thống lực lượng vũ trang thủ đô. Đây là một vấn đề rất thú vị, Tư lệnh Phí Quốc Tuấn có thể nói rõ hơn về nội dung này?
Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn: Vâng, nói đến truyền thống lực lượng vũ trang thủ đô, mọi người thường nghĩ ngay đến cụm từ “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh”. Truyền thống ấy mãi là hành trang được mang theo trong mỗi người lính thủ đô. Nhưng gần 70 năm qua, lực lượng vũ trang thủ đô đã không ngừng lớn mạnh, bên cạnh những thành tích chiến đấu, những người lính thủ đô cũng đã tạo nên những truyền thống mới như Đoàn kết, sáng tạo, đề cao cảnh giác; Gắn bó máu thịt với nhân dân; Nếp sống văn hóa, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; Quyết đánh, biết thắng, đã đánh là thắng…
Chúng ta có thể trao đổi để làm rõ về truyền thống “Nếp sống văn hóa, kỷ luật tự giác, nghiêm minh” của lực lượng vũ trang thủ đô. Như các nhà văn đã biết, hoạt động và chiến đấu ở thủ đô nên cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thủ đô vừa chịu sự tác động ảnh hưởng, vừa góp phần cùng các tâng lớp nhân dân Hà Nội vun đắp, phát huy truyền thống văn hóa, thanh lịch, hào hoa của Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Trong kháng chiến chống Pháp, dù chiến đấu giữa lòng Hà Nội bị bao vây tứ phía, tinh thần lạc quan yêu đời của những người lính Hà Nội vẫn giữ vững. Tiếng hát của họ vẫn vang lên từ những bờ hào, góc phố, ụ chiến đấu. Tết Đinh Hợi năm 1947, các chiến sĩ vẫn có bánh chưng, hoa đào, tiếng đàn và tiếng hát vẫn cất cao trong khoảng khắc bình yên giữa những trận chiến đấu cam go với quân thù. Trung đoàn Thủ đô vẫn tổ chức chu đáo bữa tiệc ngoại giao chiêu đãi quan khách Đại sứ quán, Lãnh sự quán của các nước ở Hà Nội.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của không quân Mĩ, dù các trận chiến đấu diễn ra ác liệt, chiến sĩ ta vẫn lạc quan yêu đời. Bom đạn kẻ thù không cản trở được hạnh phúc lứa đôi. Đêm ngày 24 tháng 12 năm 1972, khi tiếng bom vừa dứt, hai chiến sĩ tự vệ pháo cao xạ 100 mm khu phố Đống Đa đã tổ chức đám cưới ngay tại trận địa.
Bộ đội, dân quân tự vệ thủ đô đã đánh giặc với tư thế đứng trên đầu thù, với tinh thần cảnh giác cách mạng, có tổ chức, có kỷ luật, người nào việc nấy, giặc đến thì mọi người cùng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, giặc đi thì sản xuất, rút kinh nghiệm, củng cố lực lượng, sẵn sàng đánh những trận tiếp theo. Ngày nay, trong thời kinh tế thị trường, nhiều người lo làm kinh tế, làm giàu cho gia đình, cho bản thân, nhưng người chiến sĩ thủ đô vẫn hăng say luyện tập trên thao trường, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra theo chức năng nhiệm vụ. Không quản ngại nguy hiểm sẵn sàng ngâm mình trong nước, lao vào ngọn lửa chữa cháy bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước, dũng cảm bắt cướp, cứu người gặp nạn trên đường...
Phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nếp sống văn hóa, có kỷ luật tự giác, nghiêm minh thì mới có những người chiến sĩ ấy, những tư thế ấy, và những chiến thắng ấy.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Trong hơn 4 năm thực hiện Lệnh số 16 của Chủ tịch nước, có thể nói Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội đã có những trưởng thành vượt bậc, tạo niềm tin vững chắc với Đảng, với Nhân dân. Theo đồng chí Tư lệnh, điều đó có được là do đâu? Và thời gian tới sẽ được phát huy như thế nào?
Thiếu tướng Phí Quốc Tuấn: Hơn bốn năm qua là thời gian chưa nhiều, tuy nhiên Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Từ những việc đó góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ Hà Nội tiếp tục được củng cố ngày càng vững mạnh, tiềm lực quốc phòng được tăng lên, chất lượng tổng hợp, trình độ và sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được nâng lên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn. Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được nâng lên, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Cán bộ đảng viên vững vàng trước những thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Có được những thành tích trên là do đâu? Có nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết, câu trả lời vẫn là dưới sự lãnh đạo của Đảng những người chiến sĩ thủ đô mang trong mình phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, lực lượng vũ trang thủ đô cũng không nằm ngoài truyền thống chung ấy của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Còn nhiệm vụ thời gian tới sẽ như thế nào? Có rất nhiều việc cần phải làm, cả trước mắt cũng như lâu dài, cả đột xuất cũng như thường xuyên. Tuy nhiên Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cũng đã xác định cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chính như sau:
Quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015, Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và các Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên, giáo dục cán bộ, chiến sĩ nắm vững tình hình, nhiệm vụ, đề cao cảnh giác cách mạng; tăng cường công tác giáo dục quốc phòng an ninh, góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Chủ động làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh. Đồng thời phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các Ban, ngành, đoàn thể các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình số 05 về “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”, Chương trình số 06 của Thành uỷ Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”.
Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh kết hợp xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Nâng cao chất lượng tổng hợp, trước hết là chất lượng chính trị của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, luôn sẵn sàng chiến đấu cao, là lực lượng xung kích phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn. Đăng ký quản lý chặt chẽ quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý, huấn luyện các đơn vị dự bị động viên theo kế hoạch. Thực hiện tốt chính sách với quân đội và hậu phương quân đội.
Thực hiện các biện pháp tạo chuyển biến rõ rệt về thực hiện nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật, xây dựng nét đẹp văn hoá người chiến sĩ thủ đô. Thường xuyên làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, xây dựng nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến.
Trên đây là một số nội dung chính thuộc về phương hướng sắp tới của lực lượng vũ trang thủ đô. Nói một cách ngắn gọn là chúng tôi luôn đổi mới, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng và hiệu quả cao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của thủ đô, xây dựng thành phố Hà Nội thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, chung sức chung lòng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Nhà văn Ngô Vĩnh Bình: Thay mặt các nhà văn quân đội, cảm ơn đồng chí Tư lệnh Phí Quốc Tuấn đã tham gia cuộc trò chuyện bổ ích và lý thú này. Chúc đồng chí Tư lệnh và những người lính thủ đô mãi xứng đáng với những truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang Hà Nội!
NGUYỄN ĐÌNH TÚ (ghi)
Theo tạp chí Văn nghệ quân đội
|