Chợ nổi miền Tây


Các chợ nổi này hoạt động tự phát từ xưa đến nay, không có sự quản lý hành chính, thu thuế nào một cách chặt chẽ. Chợ nổi tự phát là do những người buôn bán trên sông đã lâu, cùng với những người nông dân làm vườn địa phương và một số người buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương hình thành nên.



Từ các loại trái cây, thịt, tôm, cá cho đến vé số, cà phê đều được mua bán tấp nập qua lại trên sông bằng chiếc ghe là hình ảnh chợ nổi tuyệt đẹp mang "bản quyền" riêng của sông nước miền Tây.

Dập dềnh sông nước

Theo lời "rủ rê" của một người anh đi thăm chợ nổi miền Tây vào ngày giáp Tết, tôi bắt đầu hành lý xuất phát vào chiều hôm trước. Đoạn đường không xa nên từ Sài Gòn về chỉ mất 4 giờ đồng hồ đi xe đò đã đến ngay trung tâm TP Cần Thơ. Là Thành phố du lịch nên không khó tìm ở nơi đây một khách sạn tương đối đẹp, dịch vụ tốt, giá cả hợp lý. Chúng tôi quyết định tìm tới địa chỉ gần bến Ninh Kiều để thuận tiện cho việc xuất phát vào sáng hôm sau. Cũng thật dễ dàng, chúng tôi xin được số điện thoại của chủ ghe du lịch từ một anh xe ôm. Sau một hồi tư vấn của chủ ghe, chúng tôi đã thống nhất lịch trình.



Gần 5h, khi bóng người chỉ nhìn thấy bóng mờ mờ trong đêm, chúng tôi ra bến Ninh Kiều. Chẳng nhìn thấy gì nhưng cảm giác thật lạ khi đi trong cái se lạnh và ngửi mùi tanh tanh của sông nước. Đón chúng tôi là một chị đậm đậm người, không nhìn rõ mặt chỉ nghe thấy giọng nói ngọt ngào của miền Tây "Anh chị ngồi cẩn thận, em quay ghe đi "gồi" nha". Chị kéo máy, ghe bắt đầu chạy.



Lần đầu tiên được đi ghe, tôi cảm giác như bị nhấn chìm xuống giữa dòng sông Hậu mênh mông, hiền hòa, tĩnh lặng vậy. Màu trời lờ mờ hòa với màu nước xanh đen tạo nên không gian huyền bí. Tuy nhiên, chốc chốc cảm xúc bị "xé tan" khi bất chợt có một chiếc tàu hoặc ghe khác "bành bạch" tiếng máy nổ chạy qua và để lại sau đó ghe chúng tôi bị chòng chành theo sóng nước.



Chị chủ ghe thông báo, chợ nổi Cái Răng gần nhất cách thành phố Cần Thơ khoảng 5km, nghĩa là mất khoảng gần 1 tiếng đi ghe. Tôi không quan tâm lắm đến thời gian vì vẫn đang bị choáng ngợp trong không gian khác lạ này và thỉnh thoảng tôi còn cho tay xuống nước vớt lên được một mảng lục bình trôi. Đi được khoảng chừng 45 phút, chị chủ ghe cho áp sát ghe vào một nhà nổi bên sông. Chị thông báo "Đợi chút xíu, em mua xăng" rồi chị ới chủ "cây xăng" bán cho 2 chai. Lúc này, tôi cũng đã nhìn rõ hơn khuôn mặt đầy tròn, trắng trẻo của "người vận chuyển". Anh bạn tôi thốt lên "Đúng là gái miền Tây có khác".



Tấp nập bán mua

"Đến chợ "gồi" anh chị ơi", chị chủ ghe thốt lên. Chúng tôi phóng mắt nhìn ra xa thấy có đến cả trăm chiếc tàu, thuyền, ghe đủ loại đang tụm lại một góc sông. Vậy là cuối cùng chiếc ghe lừ đừ, bành bạch tiếng máy nổ cũng đã tới chợ nổi Cái Răng. Choáng ngợp hơn khi chiếc ghe chúng tôi đi trở nên bé tí trước những chiếc thuyền lớn đang giao dịch mua bán tại đây. Chúng tôi không nghe hết được câu chuyện họ đang trao đổi, chỉ thấy ai cũng khẩn trương lấy rồi đưa hàng liên tục. Nào dưa hấu, trái thơm, củ sắn... cho tới những ly cà phê, bát hủ tíu, vé số đều di chuyển không ngừng. "Anh chị đi đúng mùa đấy. Sắp tết "gồi" nên chợ đông lắm. Mua nhiều lại còn "gẻ" nữa", chị chủ ghe khoe.



Chợ nổi Cái Răng thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ thường ngày là chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản của vùng. Hàng hóa tập trung ở đây với số lượng lớn, mỗi mặt hàng đã được phân loại cho đồng đều về chất lượng, kích cỡ. Trong những ngày giáp tết này không khí mua bán của thương nhân trên ghe còn náo nhiệt hơn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu chợ sẽ không hoạt động vào chính Tết mà chỉ họp trở lại sau ngày mùng 2.



Lưu luyến chia tay chợ Cái Răng, chúng tôi tiếp tục hành trình tới chợ nổi Phong Điền theo sự hướng dẫn của chị chủ ghe. Chợ Phong Điền nằm ngay ngã ba sông, nơi sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17 km về phía Đông
Nam. Đây là thời điểm mặt trời bắt đầu ló rạng, cảnh vật sông nước bỗng lung linh, tươi thắm hơn.



Hai bên sông, người dân bắt đầu sinh hoạt cho ngày mới với cảnh vo gạo, rửa rau... Đi thêm một đoạn nữa là có người giặt quần áo, thậm chí có chị "vô tư"... tắm. Tất cả hòa quyện tạo nên bức tranh quê chân thực, bình dị, êm đềm chỉ có riêng tại miền Tây.



Sau hơn 2 giờ đi ghe, chúng tôi đến với chợ nổi Phong Điền. Khác với chợ Cái Răng, ở đây chủ yếu là buôn bán nhỏ, lẻ nên không có tập trung nhiều tàu, thuyền lớn. "Cho em trái bí"; "Trả tiền tô hủ tíu này"; "Cà chua hôm nay nhiêu ký?"... tiếng trao đổi, mua bán của bà con rộn vang cả góc trời.



"Cô chuẩn bị tết thế nào rồi?", tôi hỏi. "Đang đi chợ mua đồ đây. Tết làm bình thường thôi nhưng cũng phải sắm dần từ giờ. Sát ngày lại mua tiếp", một cô vừa cầm trái thơm lên kiểm tra vừa chia sẻ. "Người dân ở đây thật bình dị, thật thà", tôi nghĩ bụng. Chị chủ ghe cho biết thêm "Bình thường chợ diễn ra từ 5 - 9 giờ, nhưng mấy hôm nay tết nên diễn ra sớm và kết thúc muộn hơn. Đến ngày 30 cơ, đông lắm".



Trở về từ chuyến đi này, sau 2 ngày tôi vẫn còn cảm giác chòng chành, dập dềnh theo từng con sóng nước. Tiếng người buôn bán, tiếng ghe máy nổ át nhau... đã làm tôi thực sự hiểu, vì sao chợ nổi Cần Thơ hàng ngày lại là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch đến thế.

Một số chợ nổi nổi tiếng ở Việt
Nam
:

- Chợ nổi Cái Bè nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre.

- Chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), Phụng Hiệp là tên của huyện, còn địa điểm họp chợ là giao điểm của bảy nhánh sông.

- Chợ nổi Châu Đốc (An Giang) gần thị xã Châu Đốc.

- Chợ nổi Cái Răng: Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5 km theo hướng quốc lộ về tỉnh Sóc Trăng. Tương lai chợ nổi Cái Răng sẽ trở thành chợ trung tâm tự sản tự tiêu lớn nhất vùng.

- Chợ nổi Phong Điền: Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ 17 km, đây là nơi mua bán sản phẩm miệt vườn.

BM