Dân Việt - Ở mỗi miền quê Việt, mỗi món bánh cổ truyền thường có nhiều tên gọi và cách làm khác nhau. Đối với người Tày, bánh trôi gọi là coóng phù, không chỉ có hương thơm của gạo, vị ngọt của mật mía, vị bùi của lạc, mà còn có chút cay nồng của gừng.
Bánh trôi, món bánh thân quen của người Việt, thường được dùng nhiều nhất trong dịp tết Thanh minh (mùng 3.3 âm lịch). Ở khắp mọi nơi, con cháu các gia đình đều làm mâm cơm, thành tâm dâng cúng tổ tiên, trong đó không thể thiếu món bánh trôi, bánh chay.
Ở vùng đồng bằng Bắc bộ, bánh trôi thường làm từ bột gạo, chủ yếu là gạo nếp, có pha chút tẻ thơm. Sau khi ngâm gạo xong, xay bột lẫn nước, để ráo rồi nặn bột, vê tròn, trong bọc viên mật thái hạt lựu, thả vào xoong nước đang sôi. Đun chừng 5 phút, khi bánh được ba phần chìm, bảy phần nổi là vớt ra, ngâm qua trong nước nguội, đơm đĩa. Để khỏi dính đĩa, dưới đáy thường có lót lá chuối, ở giữa là bánh trôi, bên trên có thể rắc thêm vài hạt vừng.
Món bánh trôi của người Tày lại có cách làm cầu kỳ hơn, hương vị cũng rất đặc trưng với dư địa của vùng núi và thường được dùng nhiều trong tiết trời còn se lạnh của mùa Đông.
|
Món bánh coóng phù nóng hổi của người Tày. Ảnh: Internet.
|
Thoạt nhìn, bánh coóng phù của người Tày không khác nhiều so với bánh trôi của vùng đồng bằng. Nguyên liệu chế biến cũng tương tự, cũng là gạo nếp, xay bột lẫn nước, cho vào bọc vải, để róc nước. Sau đó nặn bột, vo viên tròn, rồi thả vào nước sôi…
Nhưng khác với bánh trôi là nhân bánh coóng phù khi thì được làm bằng lạc rang giã nhỏ rồi nấu với nước đường đỏ; có khi lại làm bằng đỗ xanh đã đồ chín, trộn lẫn với đường kính.
Nước đun bánh cũng phải là nước đường, đun sôi, đợi sủi tăm rồi mới thả bánh vào. Khi thả những viên bánh coóng phù vào nồi, động tác phải thật nhẹ nhàng, thuần thục, không được để bánh vỡ. Đợi khi những chiếc bánh nổi lập lờ mới từ từ vớt ra, thả vào bát, chan với nước đường đang nóng hổi.
Theo kinh nghiệm làm bánh coóng phù của người Tày, để có hương vị đặc trưng thì nước chan bánh phải được làm từ mật mía, pha sao cho vừa có đủ độ ngọt, vừa có độ sánh và chỉ nên thêm vài lát gừng đã giã dập.
Nếu trong tiết trời se lạnh, được thưởng thức món coóng phù nóng hổi, đượm chất ngọt của mật mía, vị bùi của lạc, nồng cay gừng và mùi thơm của gạo, hẳn sẽ khiến bạn phải nao lòng khi rời xa nơi đây.
Huyền Phương