Để tránh bị say nắng: Trên đường đi, hoặc đi học về, có thể dùng ít lá hương nhu tươi, hoặc lá cúc tần tươi, đặt trên đỉnh đầu, hoặc 2 bên thái dương. Nếu thấy có biểu hiện mệt mỏi, say nắng, choáng váng thì cho uống nước rau má tươi, hoặc bột sắn dây, pha chút đường cho dễ uống.
Nước sắn dây.
Trước khi đi ra nắng, đến trường, hoặc khi về nhà, có thể cho uống si rô mơ, hoặc si rô sấu…vừa mát, bổ lại chống được say nắng. Vào các buổi chiều, có thể cho các em ăn thêm bột sắn dây nấu chín, cho đường đủ ngọt.
Sinh tố rau má.
Để tránh háo khát: Hàng ngày có thể nấu nước nhân trần, cỏ ngọt cho uống thường xuyên, hoặc hãm nước quả la hán uống. Vì quả la hán chứa nhiều chất đường fructose và glucose, thêm vào đó còn có nhiều vitamin C, chất nhầy, các nguyên tố vi lượng: Fe, Zn, Se…rất có lợi cho sức khỏe, lại làm cho dịu họng, dễ long đờm, rất thích hợp cho sĩ tử.
Chè sen có tác dụng bổ thần kinh.
Để hạn chế ra mồ hôi: Giảm bớt sự hao tổn tân dịch cho cơ thể trong những ngày nắng nóng, hàng ngày có thể cho các em ăn chè hạt sen và khiếm thực. Đây là 2 dược liệu có tác dụng vừa bổ thần kinh, nhất là hạt sen. Tuần ăn vài lần.
Củ sắn dây luộc có tác dụng lưu thông máu não.
Để giúp tăng trí nhớ cải thiện tuần hoàn não, lại giảm mệt mỏi, căng thẳng: Hàng ngày ăn thêm củ sắn dây luộc. Vì trong củ sắn dây có chứa isoflavonoid, có tác dụng tăng thêm lưu lượng máu não, giúp não hoạt động tốt hơn. Cũng có thể lấy khoảng 30g nhân quả hồ đào, còn gọi hạnh đào hay quả óc chó, đập nhỏ, cùng với 30g gạo nếp, nấu cháo ăn, ngày một lần.
Quả hồ đào có tác dụng trị suy giảm trí nhớ. Hoặc dùng cháo hồ đào, gạo nếp như trên, gia thêm 20g long nhãn, nấu chín, quấy đều ăn. Cũng có thể lấy 30g bột hồ đào nấu chín, rồi pha thêm nước hãm của 4g nhân sâm, quấy đều cho ăn, tuần vài lần.