Alani Murrieta, 20 tuổi, một người mẹ trẻ ở Phoenix, Arizona (Mỹ) đã bị tử vong sau khi được chẩn đoán là mắc bệnh cúm.
Trước đó, Alani là một người phụ nữ hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Bỗng một ngày cô và các con cảm thấy cơ thể đau ốm, mệt mỏi. Vì thế, cô của Alani, bà Stephanie Gonzales đã đưa mẹ con họ đi khám. Các bác sĩ chẩn đoán mẹ con họ bị cúm và kê đơn một số loại thuốc chống cúm cho họ.
Cho đến một ngày, Alani cảm thấy khó thở và phải quay lại bệnh viện, lúc này các bác sĩ chẩn đoán cô đã bị viêm phổi, cần được đưa vào hỗ trợ bằng máy thở nhanh chóng. Nhưng chỉ trong 8 tiếng sau đó, cô đã bị tử vong.
Trước câu chuyện trên, chúng ta đã nhận ra rằng, bệnh cúm trong trường hợp của bà mẹ trẻ này đã bị biến chứng thành căn bệnh viêm phổi chết người và tước đi mạng sống của cô một cách đột ngột. Vậy trước tiên, để đi tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chúng ta phải hiểu được rõ căn bệnh cúm là như thế nào.
1. Thế nào là bệnh cúm?
Cúm là một bệnh truyền nhiễm virus phổ biến thường xuất hiện vào mùa đông, lây lan do ho và hắt hơi. Một số triệu chứng của bệnh cúm bao gồm:
- Sốt cao từ 38 độ C trở lên
- Mệt mỏi và suy nhược cơ thể
- Đau đầu dai dẳng
- Đau nhức toàn thân
- Ho khan dai dẳng
Đi kèm với những triệu chứng trên là một số các dấu hiệu của cảm lạnh thông thường như chảy nước mũi, hắt hơi và đau họng.
2. Bệnh cúm kéo dài bao lâu và nghiêm trọng đến mức nào?
Nếu bị cúm, thường cơ thể sẽ bắt đầu cảm thấy đau ốm trong vòng vài ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Sau đó là giai đoạn bị nhiễm khuẩn nhiều nhất kể từ ngày các triệu chứng bắt đầu và trong ba đến bảy ngày nữa. Trẻ em và những người có hệ miễn dịch yếu hơn có thể bị lâu hơn.
Hầu hết mọi người sẽ hồi phục hoàn toàn và sẽ không gặp bất kỳ vấn đề gì nữa, nhưng người cao tuổi và người có các tình trạng bệnh lý lâu dài chắc chắn sẽ có nguy cơ mắc cúm hoặc phát triển thành các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng ngực hay viêm phổi.
3. Ngăn chặn sự lây lan của bệnh cúm
Ngay từ bây giờ, hãy chung tay ngăn chặn sự lây lan của bệnh cúm với các biện pháp vệ sinh tốt.
- Luôn luôn rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm
- Thường xuyên làm vệ sinh các bề mặt mà tay thường hay tiếp xúc như bàn phím máy tính, điện thoại và tay nắm cửa để loại bỏ vi trùng, virus
- Sử dụng khăn giấy để che miệng và mũi khi bạn ho hoặc hắt hơi, sau đó bỏ chúng vào thùng rác càng sớm càng tốt
- Tránh tiếp xúc không cần thiết với người khác trong khi đang bị bệnh truyền nhiễm
- Nghỉ ngơi điều độ cho đến khi cơ thể cảm thấy tốt hơn.
Ở một số người có nguy cơ bị cúm nghiêm trọng hơn, bạn có thể đi bổ sung một số loại văc-xin cúm đặc trị hoặc thuốc kháng vi-rút để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc khả năng biến chứng nguy hiểm của bệnh.
*Theo Independent, NHS
http://soha.vn/ba-me-tre-tu-vong-vi-bi-cum-benh-don-gian-nhung-khong-duoc-chu-quan-20171215110755997.htm