Thường xuyên tô son môi màu đậm, sử dụng bát đĩa bằng sành sứ nhiễm chì, gói thực phẩm bằng giấy báo… là những thói quen khiến cơ thể chúng ta bị nhiễm độc chì mà không hay biết.
Son môi là vật bất ly thân đối với nhiều chị em phụ nữ.
Son môi là vật bất ly thân đối với nhiều chị em phụ nữ.
Bạn có thể không đánh phấn, không bôi kem chống nắng, kem dưỡng da… nhưng sẽ thật khó nếu không điểm chút son trên hình môi xinh xắn. Son môi giúp chị em từ nhợt nhạt, thiếu sức sống trở nên tươi tắn, rang ngời.
Và để có thể phát huy khả năng đó một cách tối ưu nhất, chúng ta phải dùng những màu thật đậm, thật nổi bật như màu đỏ, đỏ cam…
Đây cũng chính là một xu thế tô son môi của chị em phụ nữ châu Á trong vài năm trở lại đây.
Thế nhưng, thói quen sử dụng son môi màu đậm lại không tốt chút nào cho sức khỏe, thậm chí chúng còn có lượng chì cao gấp nhiều lần so với son môi thông thường.
Mới đây, PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc TT Chống độc, BV Bạch Mai đã kiểm tra cho một nữ MC và kết luận cô bị nhiễm độc chì gấp 3 lần cho phép từ thói quen tô son môi màu đậm.
Theo BS thẩm mỹ da liễu Nguyễn Xuân Quang (trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Hà Nội), những loại son môi càng rực rỡ, càng lâu phai thường có những thành phần hóa học giúp bám, ngấm màu lâu trên da.
Theo BS Quang, những loại son môi này thường sử dụng chì oxit và có độ chì cao hơn hẳn nhưng chị em phụ nữ châu Á thì rất chuộng dùng.
Chì trong son môi có thể gây ra các bệnh cao huyết áp, đau khớp, suy giảm trí nhớ. Những loại son có độ bám cao còn chứa nhiều chất Propylen glycol, gây ảnh hưởng không tốt cho não, gan, thận và là độc tố gây ung thư.
Giải pháp: Chuyên gia khuyến cáo chị em phụ nữ nên tránh dùng son môi đậm màu, đặc biệt là màu đỏ cam, khi đánh rồi không nên liếm môi, trước khi ăn cần lau son thật sạch hoặc hạn chế tối đa không cho son môi tiếp xúc với thức ăn, đồ uống…
Khi quyết định mua son môi hãy chọn những loại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh mua sản phẩm trôi nổi.
Hạn chế tô son nhiều lần trong ngày (nhất là với dạng son màu đậm như đỏ, đỏ cam), không tô son quá đậm và nên sử dụng dung dịch tẩy trang dành cho môi sau khi trở về nhà nghỉ ngơi…
Sử dụng giấy báo, giấy in để gói thực phẩm
Sử dụng giấy báo gói thực phẩm khiến bạn bị nhiễm độc chì.
Thói quen sử dụng giấy báo để gói thực phẩm từ lâu đã được người Việt Nam sử dụng.
Nhất là vào thời kỳ chúng ta tẩy chay việc sử dụng túi ni lông, đồ nhựa để gói, đựng thực phẩm, nhiều người đã chọn giấy báo để đựng đồ ăn và cho rằng đây là giải pháp an toàn tuyệt đối.
Thực tế thì chúng ta vẫn bị nhiễm độc chì từ thói quen này, ngay cả khi bạn gói thực phẩm trong những trang giấy trắng tinh.
Khi bạn sử dụng giấy báo để gói thức ăn, mực từ giấy sẽ thấm vào thức ăn, theo đường miệng đi vào hệ tiêu hóa, tích tụ và gây độc hệ thần kinh trung ương, gan, máu, xương, thậm chí là cả hệ sinh sản của cả nam và nữ.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, giấy in chữ được bán cân, rẻ tiền nên được người dân sử dụng phổ biến, nhưng loại giấy này không thuộc nhóm giấy sử dụng để bao gói thực phẩm.
"Giấy màu đã in rồi, dù là tờ quảng cáo, sách vở, tờ lịch....thì đều được sử dụng mực in có hàm lượng muối chì cao, dễ hòa tan vào trong dung môi nước hay chất béo (dầu, mỡ).
Trong quá trình gói thực phẩm, mực in sẽ hòa tan trong thực phẩm và đi vào cơ thể chúng ta", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết. Sử dụng thức ăn chín được bao gói bằng loại giấy này, vô hình trung người tiêu dùng tự "rước" chì vào cơ thể.
Giải pháp: Thay vì sử dụng giấy báo, hãy gói thực phẩm bằng các loại lá. Đây vừa là cách an toàn cho sức khỏe lại vừa thân thiện với môi trường.
Bạn có thể sử dụng lá chuối, lá dong, lá dừa, lá sen... có chứa nhóm nhân phenol gây ức chế vi khuẩn và rất dễ bị phân hủy trong đất.
Trước khi sử dụng các loại lá, bạn chỉ cần rửa qua với nước cho sạch, lau khô rồi gói thực phẩm. Hoặc bạn cũng có thể phơi nắng cho héo để dễ gói hơn…
Sử dụng bát đĩa gốm sứ có hoa văn, màu sắc sặc sỡ
Các sản phẩm gốm sứ bát đĩa… càng nhiều hoa văn sặc sỡ thì có hàm lượng chì càng cao.
Hoa văn, màu sắc làm cho bát đĩa trở nên bắt mắt. Đặc biệt với trẻ nhỏ, bát đĩa có màu sắc sặc sỡ sẽ cuốn hút hơn, từ đó dễ dàng ăn uống hơn mà không phải mất nhiều công sức.
Vì điểm mạnh này, nhiều cha mẹ thường không để ý màu sắc trang trí trên bát đĩa và mua dùng, không chỉ cho con mà còn cho mọi thành viên trong gia đình.
Tuy nhiên, điều này vô hình chung khiến cả nhà bạn bị nhiễm độc chì.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, các sản phẩm gốm sứ bát đĩa… càng nhiều hoa văn sặc sỡ thì có hàm lượng chì càng cao.
Trong quá trình sản xuất bát đĩa, người sản xuất sẽ cho thêm chì vào nung để khi nung men và màu sẽ chảy ra nhanh hơn, từ đó giảm nhiệt độ nung, tiết kiệm năng lượng cùng chi phí sản xuất.
Chưa hết, việc sử dụng kim loại chì cũng giúp dễ tạo màu, giúp bát đĩa có hoa văn đẹp mắt và trở nên long lanh hơn.
Khi chúng ta sử dụng những loại bát đĩa chứa chì này, vô tình chì sẽ theo thức ăn đi vào cơ thể do quá trình thôi nhiễm vào thức ăn.
Theo ước tính của FDA, trẻ em có thể hấp thụ khoảng 30-70% lượng chì trong bát đĩa, còn người lớn có mức hấp thụ thấp hơn khoảng 11%.
Giải pháp: Người tiêu dùng nên mua bát đĩa gốm sứ màu trắng, chất lượng cao, ít hoa văn, trơn nhưng không quá bóng loáng.
Tìm mua bát đĩa gốm sứ ở những cơ sở có uy tín, nguồn gốc rõ ràng vì hiện nay nhiều loại bát đĩa được gắn mác hàng ngoại khiến nhiều người tin tưởng về độ an toàn, cao cấp của sản phẩm.
Không nên sử dụng bát đĩa gốm sứ để làm chín thức ăn trong lò vi sóng. Hạn chế sử dụng bát đĩa tráng các lớp men màu sắc như xanh ngọc bích, lam ở phía phần lòng bát, đĩa.
Khi dùng, bát có biểu hiện sần sùi, bong tróc lớp men hoặc bị rạn phải thay mới ngay.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên thực hiện thải độc chì liên tục hàng năm, tiến hành thành nhiều đợt liên tục.
Thông tin từ TT chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, nhiệm vụ thải độc chì là một nhiệm vụ dài hơi, cần thực hiện thường xuyên.