• Âm Dương quân bình là điều kiện cần, là cơ sở khoa học của các biện pháp nhịn ăn và chế độ ăn thực dưỡng.
• Gia đình đồng lòng (chứ không chỉ là chăm sóc) là điều kiện đủ để cô Lụy đủ niềm tin, nghị lực và sự bền bỉ theo đến cùng phương pháp của mình.
• Phật pháp phù trợ giúp cô vượt qua mọi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần trong quá trình trị bệnh
• Xem lại kỳ 1 về nhân vật TẠI ĐÂY
Bí quyết thứ nhất: Quân bình Âm Dương
Cả hai phương pháp nhịn ăn và thực dưỡng Ohsawa mà cô Kim Thị Lụy đã áp dụng thành công đều lấy nguyên lý quân bình Âm Dương làm cơ sở. Theo nguyên lý này, mọi bệnh tật đều do mất cân bằng Âm Dương mà ra, chữa bệnh từ gốc vì vậy phải làm cho Âm Dương cân bằng trở lại.
Từng cứu chữa cho rất nhiều người, nhưng khi về hưu năm 2007 rời cương vị Giám đốc Viện Y học hàng không (thuộc Quân chủng PK-KQ), chính đại tá - bác sĩ CKII, thầy thuốc nhân dân Quách Văn Mích lại mang trong người vô số bệnh mãn tính như huyết áp, thoái hóa cột sống, u xơ tiền liệt tuyến... Có tháng tiền thuốc đến vài triệu, thậm chí không đi được cầu thang.
Cơ duyên đã đưa ông đến với Phật pháp (hiện là phật tử tại gia) và thực dưỡng Ohsawa. Sau khi chuyển sang ăn gạo lứt muối mè hơn 5 tháng, các bệnh mãn tính của ông đã tự tiêu tan, không phải dùng viên thuốc nào cho đến tận bây giờ. Ông cũng đã từng gặp cô Kim Thị Lụy để thu thập thông tin, viết sách về chữa trị ung thư.
"Thực hành Ohsawa tuy dễ mà khó, vì quanh ta luôn có quá nhiều cám dỗ phức tạp và trở ngại. Trở ngại lớn nhất là do thiếu niềm tin, không kiên trì, không đủ quyết tâm, dễ dao động... khi thấy dấu hiệu phản ứng sinh lý và sút cân do thải loại một số thịt mỡ dư thừa, lại bị một số người thiếu hiểu biết can ngăn, chê hom hem, già nua, gầy gò, ốm yếu...
Dù vậy bệnh nhân Kim Thị Lụy vẫn vượt qua được tất cả những điều đó và thành công", bác sĩ Quách Văn Mích nhận xét.
"Thực dưỡng hay ở chỗ là áp dụng được cả cho người ăn chay cả cho người ăn mặn, nhưng đềuđưa đến kết quả là quân bình âm dương, sức khỏe lợi lạc. Bất kể là theo tôn giáo nào, từ đạo Phật, Kito hay Hồi giáo... đều có thể áp dụng", ông nói.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng mắc ung thư phổi năm 1983. Cha ông khi đó là Viện trưởng Viện Quân y 108 và đồng nghiệp cũng đành lắc đầu không chữa được. Vậy nhưng, ông đã tự tìm hiểu và áp dụng biện pháp nhịn ăn, thực dưỡng.
Theo một bài báo trên tờ Người Giữ Lửa (tác giả Ngọc Tuệ), GS.BS Lê Minh, nguyên Chủ nhiệm khoa Đông y Viện Quân y 108 đã xác nhận ông là người đầu tiên chữa khỏi ung thư bằng thực dưỡng ở Việt Nam.
Tờ cẩm nang tự chữa bệnh bằng thực dưỡng và nhịn ăn - không dùng thuốc (khổ giấy A3) mà cô Kim Thị Lụy luôn mang theo bên mình từ khi mắc bệnh chính là do bác sĩ Tuấn soạn ra, cực kỳ súc tích và có tính thuyết phục cao. Trong đó, có đoạn ông viết về nhịn ăn như sau:
Tất cả mọi bệnh tật chỉ là biểu hiện của một tình trạng duy nhất, đó là: Sự mất quân bình âm dương của cơ thể (do ăn uống sai lầm). Quá trình nhịn ăn là quá trình Âm – Dương trong cơ thể tự điều chỉnh, để lập lại thế quân bình. Khi Âm – Dương trong cơ thể đã được quân bình thì lẽ tự nhiên bệnh tật không còn nữa.
Quá trình nhịn ăn đúng phương pháp là hoàn toàn vô hại. Nhịn ăn đúng phương pháp thì không chết người, không sinh ra bệnh mới và chỉ có tác dụng chữa bệnh mà thôi. Nhịn ăn là một cuộc giải phẫu không càn dao, chữa bệnh không cần thuốc.
Bí quyết thứ hai: Gia đình đồng lòng
Khi mắc ung thư, việc tối quan trọng là phải chọn được phương pháp điều trị phù hợp và có đủ niềm tin vào nó. Điều này nói thì dễ, nhưng thực tế vô cùng khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn người thân, vì ngay cả những phương pháp được cho là đã có người áp dụng thành công cũng chưa được khoa học thừa nhận.
Vì vậy, gia đình "đồng lòng" (chứ không chỉ "chăm sóc") là yếu tố đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chữa lành ung thư, và cô Kim Thị Lụy đã may mắn có một gia đình như vậy.
Từ khi bắt đầu đi nghe hướng dẫn ăn gạo lứt muối mè, đến khi học và thực hiện nhịn ăn, rồi trải qua quãng thời gian thập tử nhất sinh, cô Lụy luôn được chồng và các con chăm sóc và giúp ăn uống theo đúng "phác đồ" thực dưỡng.
Cô kể, khi bị sưng mặt và phù tím chân nằm một chỗ, vì lời ra lời vào của họ hàng, hàng xóm quá nhiều rằng tại sao lại để cô "chết đói" như vậy, chồng và con cô đóng cửa, vờ nói cô đã về quê. Thực chất là cô vẫn ở trên gác, uống cháo lứt, ngậm dầu vừng, ăn tương misô… để vượt qua những ngày khốc liệt.
Cuộc trò chuyện của tôi với anh Lê Xuân Đức, con trai thứ hai của cô dưới đây sẽ cho chúng ta thấy yếu tố "gia đình đồng lòng" có ý nghĩa quan trọng đến thế nào. Anh Đức nói, điều đó quyết định đến 50% thành công của cuộc chiến chống ung thư.
Bí quyết thứ ba: Tụng kinh niệm Phật
Trên bức tường phòng khách ngôi nhà nhỏ của cô Lụy, tôi đặc biệt chú ý với ba bức tranh chữ in, vuông vức, cùng kích cỡ xếp cạnh nhau.
Bức đầu là "Hãy sống trong thế giới biết ơn", trích một số lời khai thị vàng ngọc của Tịnh Không pháp sư. Bức tiếp theo chủ đề "Sống", có hình bông sen trắng hồng nổi bật trên nền giấy nâu, ghi lại 8 phương châm sống an lạc.
Bức cuối "Mười điều tâm niệm" với dòng đầu tiên ghi: "Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bệnh tật, vì không bệnh tật thì ham muốn dễ sinh"…
Ngày nào cũng vậy, cứ đầu sáng, cô Kim Thị Lụy lại lên căn phòng nhỏ ở tầng ba khóa lễ trong hơn một giờ đồng hồ. Khoác áo nâu, quỳ trước Phật, cô dập đầu lễ 165 lần, sám hối nghiệp chướng.
Tuy là tu tại gia, thỉnh thoảng cô cũng tham gia một số hoạt động ở đạo tràng Chùa Ngòi (phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) như đi hộ niệm cho những người vừa nhắm mắt xuôi tay.
Trong ngôi nhà ngập tràn Phật hiệu "A Di Đà Phật" dán trên tất cả các đồ vật, cuộc trò chuyện về bệnh ung thư không ít lần chuyển thành đàm đạo về luân hồi nghiệp báo, về cửu giới, về sự từ tâm…
Có lúc, cô nhắc đến các bài giảng trên Youtube về dưỡng sinh và thực dưỡng Ohsawa của Thượng tọa Thích Tuệ Hải - Trụ trì Chùa Long Hương (xã Long Tân, nhuyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) mà cô từng được xem bằng thái độ hàm ơn sâu sắc.
Có lúc, cô kể về 40 ngày suy sụp do răng lợi phồng và chân tím cứng, cứ ôm lấy cuốn Chư Kinh Nhật Tụng, nhắm mắt niệm Chú Đại Bi vừa để tâm an, vừa để nguôi cơn đau thể xác, và thuộc làu kinh tự bao giờ không biết.
Cuộc chiến đấu chống ung thư bằng nhịn ăn, bằng thực dưỡng của cô, đến nay nhìn lại, có lẽ cũng chính là hành trình đến với cửa Phật từ bi.
Chẳng thế mà trong cuốn sách của mình, bác sĩ CKII, thầy thuốc nhân dân Quách Văn Mích viết:
"Phương pháp thực dưỡng Ohsawa trong phòng ngừa và chữa bệnh rất đơn giản, vô cùng thực tiễn và kiệm ước. Người ta có thể áp dụng bất cứ lúc nào, bất kỳ mức sống ra sao và bất kể nơi đâu. Nó có tính giáo dục hơn trị liệu và hoàn toàn tùy thuộc vào hiểu biết và ý chí của mình. Sự thật nó là cuộc tiến sâu vào con đường dẫn tới SATORI (giác ngộ) và bạn phải tự mình hoàn thành sự nghiệp ấy"…
Tác giả được cô Kim Thị Lụy tặng một cuốn sách có tên "Học Phật là sự hưởng thụ tối cao của đời người". Xin trích vài câu để độc giả cùng đọc và suy ngẫm.