Các nhà khoa học ở Hoa Kỳ phát hiện ra đa phần bệnh ung thư là do những sai lầm ngẫu nhiên trong quá trình phân chia tế bào chứ chưa hẳn là liên quan đến lối sống.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science cho thấy, không thể tránh được nhiều bệnh ung thư ngay cả khi chúng ta thiết lập một cuộc sống lành mạnh. Phát hiện này đã thách thức quan điểm phổ biến bao lâu nay cho rằng các đột biến ung thư đều do di truyền hoặc được kích hoạt bởi các yếu tố môi trường.
Nhà khoa học đứng đầu nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Cristian Tomasetti đến từ Trung tâm Ung thư Kimmel Johns Hopkins ở Mỹ, phát biểu: "Chúng ta thường biết phải tránh những yếu tố môi trường như hút thuốc để giảm nguy cơ bị ung thư. Nhưng không phải ai cũng biết rằng, mỗi lần một tế bào bình thường phân chia và sao chép DNA của chính nó để tạo ra hai tế bào mới, hay phạm sai lầm”.
Theo nghiên cứu, 66% các đột biến ung thư là do lỗi sao chép DNA, 29% từ lối sống hoặc các yếu tố môi trường, 5% từ gene di truyền bị lỗi - Ảnh: delawarefamily.
Ông nói tiếp: “Những sai lầm trong việc sao chép là nguồn đột biến ung thư tiềm ẩn đã bị đánh giá sai về mặt khoa học trong quá khứ. Công trình mới này cung cấp đánh giá đầu tiên về đột biến gây ra bởi những sai lầm nói trên”.
Cụ thể, theo nghiên cứu, có đến 2/3 những đột biến gây ra ung thư là do lỗi sao chép DNA. Một số loại ung thư, chẳng hạn như những bệnh ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt, não và xương, thì hơn 95% các đột biến gây hại là do lỗi sao chép DNA ngẫu nhiên.
Sai sót khi sao chép cũng có liên quan đến 77% ung thư tuyến tụy, 35% ung thư phổi (loại ung thư này rốt cục vẫn chủ yếu là do hút thuốc lá và các yếu tố môi trường khác gây ra).
Qua đó, các nhà khoa học thống kê 66% các đột biến ung thư là do lỗi sao chép kể trên còn 29% từ lối sống hoặc các yếu tố môi trường, và chỉ 5% từ gene di truyền bị lỗi.
Dù nhiều loại ung thư là do lỗi sao chép DNA nhưng các nhà khoa học khẳng định có thể đưa ra lộ trình giảm nguy cơ hoặc phòng ngừa bệnh - Ảnh: dailyhealthpost.
Khám phá này giúp giải thích tại sao ung thư vẫn tấn công những người tuân thủ tất cả các quy tắc để có cuộc sống lành mạnh và gia đình không có tiền sử mắc bệnh. Bác sĩ Bert Vogelstein, cũng từ Trung tâm Ung thư Kimmel Johns Hopkins, giải thích bệnh ung thư gây ra bởi các sai sót trong sao chép có thể xảy ra "cho dù môi trường có hoàn hảo như thế nào đi chăng nữa”.
Ông không phủ nhận các thành tựu nghiên cứu trước đó: "Chúng ta cần tiếp tục khuyến khích mọi người tránh các tác nhân môi trường và lối sống làm tăng nguy cơ phát triển đột biến ung thư. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mắc ung thư do những sai lầm ngẫu nhiên trong quá trình sao chép DNA. Các phương pháp phát hiện sớm ung thư khi bệnh còn có thể chữa khỏi, là rất cần thiết”.
Và tất nhiên, chúng ta cũng không mất hi vọng bởi như giáo sư Mel Greaves, Giám đốc Trung tâm Tiến hóa và Ung thư tại Viện Nghiên cứu Ung thư London, nói: "Ngay cả khi hầu hết các đột biến ung thư xảy ra đều là ngẫu nhiên thì các nhà nghiên cứu vẫn thừa nhận ung thư vẫn có thể được ngăn ngừa”.
Nhà nghiên cứu chia sẻ: "Chúng tôi có bằng chứng rõ ràng cho thấy ung thư là do sự kết hợp phức tạp các nguy cơ từ môi trường, nguy cơ di truyền và cơ hội ngẫu nhiên. Mặc dù các gene mà chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ không thể hồi phục được cũng như nhiều sự ngẫu nhiên không lựa chọn được, nhưng may mắn rằng sự phơi nhiễm - yếu tố chính đóng góp vào nguy cơ ung thư của chúng ta - lại giúp đưa ra lộ trình giảm nguy cơ hoặc phòng ngừa được bệnh”.
Được biết, nhóm nhà khoa học nói trên đã nghiên cứu các đột biến làm tăng sự phát triển tế bào bất thường ở 32 loại ung thư khác nhau.
Tạ Ban (Telegraph)
Nguồn: khampha.vn
Theo baonga.com
http://baonga.com/suc-khoe.nd339/du-song-vui-khoe-co-ich-cung-khong-tranh-duoc-23-loai-ung-thu-nay.i81533.html
|