Coi chừng teo mật, gan
Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị viêm gan, suy gan thận vì thải độc cho gan bằng các loại thảo dược được quảng cáo là mát gan giải độc nhưng thực tế không có tác dụng.
Bị gan nhiễm mỡ 3 năm nay, ông Vũ Văn Thêm trú tại Thái Bình thường xuyên mua các loại nước thảo dược bao gồm nhân trần, cam thảo, bồ bồ… về nấu nước uống với hi vọng giúp giảm gan nhiễm mỡ nhưng đến khi ông bị đau ở hạ sườn, vàng da, vàng mắt vào viện bác sĩ cho biết bị viêm gan nặng.
Chị Nguyễn Thị Thương trú tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội tâm sự, từ 5 năm nay gia đình chị chỉ sử dụng nước nhân trần. Chị Thương cho biết nước nhân trần vừa mát, vừa lành nên nhà chị mua cả kg về dùng dần.
Mỗi nắm nhân trần chị pha thêm ít đậu đen rang, cam thảo cho vào nấu nước thành bình cả nhà uống. Bản thân chị Thương cảm nhận rõ nước nhân trần giúp chị bớt táo bón hơn.
Trước cơn bão an toàn thực phẩm gan là nơi chịu nhiều tác hại nhất nên chị Thương tin rằng nó sẽ giúp gia đình chị thải độc hàng ngày.
Không riêng gì chị Thương, chị Bùi Thị Bích trú tại Kim Hoa, Đống Đa, Hà Nội cho biết từ ngày có bầu chị quay sang sử dụng nước nhân trần và cam thảo để uống vì nghĩ nó mát, sau khi sinh con chị cũng chỉ uống hai loại nước thảo dược này.
Tuy nhiên, theo lương y Bùi Hồng Minh, Chủ tịch hội đông y Ba Đình, Hà Nội cho biết, theo sách dược liệu đông y, nhân trần có vị đắng, tính bình và có tác động vào 2 gan và mật, chủ trị chữa vàng da, thích hợp dùng cho phụ nữ sau sinh nhằm chống hậu sản, sạch huyết, người cótiêu hóa kém.
Ông Minh cho rằng dựa vào các đặc tính cuả nhân trần thì đây là thứ đồ uống chỉ phù hợp với những bệnh nhân ở thể hàn tích (người béo, tiêu hóa kém), gan kém, không tiêu hóa tốt…
Chống chỉ định với những người bình thường, gan không nóng. Việc lạm dụng nhân trần có thể dẫn đến giảm chức năng gan, thậm chí gây teo gan, teo mật.
Nếu uống nhân trần hàng ngày đối với người không có bệnh về gan có nghĩa là là bắt gan và mật phải làm việc nhiều hơn nên dễ bị tổn thương, mất cân bằng và quá tải.
Đặc biệt, lương y Minh cho rằng đối với phụ nữ mang thai, nếu không có bệnh lý về gan, không được bác sĩ chỉ định thì tuyệt đối không nên dùng nhân trần. Bởi nếu uống nước này nhiều sẽ làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể.
Vì vậy, sau khi sinh, người mẹ thường bị mất sữa hoàn toàn hoặc chỉ có rất ít.
Ngoài ra, nhân trần giúp lợi tiểu, nghĩa là thải nhiều, nếu lượng nước và các chất dinh dưỡng bị đào thải quá nhiều, sẽ không còn các chất dinh dưỡng để nuôi thai, khiến cho thai bị suy dinh dưỡng, thậm chí thai chết lưu...
Lương Y Minh cho rằng thực tế đã có không ít bị thai lưu vì sử dụng nhân trần quá nhiều.
Nhân trần khô (Ảnh minh họa)
Thái quá bất cập
Cùng quan điểm, Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng việc gì thái quá cũng thành bất cập. Nếu không có bất thường về gan, mật thì tuyệt đối không nên tự tiện dùng nước nhân trần thay nước uống hàng ngày. Việc dùng nhân trần liên tục, kéo dài sẽ khiến tăng tiết mật, lâu dần sẽ làm hư hỏng mật".
Chưa hết, người dân còn có thói quen dùng nhân trần cùng cam thảo mà không biết thực chất cam thảo là chất dẫn thuốc, khiến cho thuốc phát huy tác dụng nhiều hơn.
Ngoài ra, cam thảo có tính chất giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải, hai vị thuốc trái ngược nhau được sử dụng chung sẽ không có lợi cho cơ thể.
Lương Y Trung còn lo ngại đó còn chưa kể mọi người mua nhân trần ở chợ còn không đảm bảo chất lượng nấm mốc, bị phun thuốc chống nấm mốc.
Đặc biệt, ở một số nơi bà con thu hoạch nhân trần bằng cách cây đang xanh tốt lại lấy thuốc cỏ phun để cây héo khô và phơi khô ngay trên ruộng mới thu hoạch để bán. Nếu mua phải loại này thì người dân bị ngộ độc kép càng nguy hiểm hơn.
Theo ông Trung, bất cứ bài thuốc nào tốt cho người này nhưng chưa chắc đã tốt với người khác thậm chí còn có hại hơn nếu không biết sử dụng nó an toàn.