Rượu bia, ăn uống quá độ là một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh cao huyết áp. Hậu quả của bệnh cao huyết áp rất nguy hiểm, có thể gây đột tử.
Nguyên nhân và hậu quả
Huyết áp là lực tác động của máu trên thành động mạch trong quá trình lưu thông. Vì vậy, khi một người có huyết áp cao nghĩa là các thành động mạch đang bị quá nhiều áp lực trong quá trình bơm máu của tim.
Hậu quả của huyết áp cao rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các cơ quan nội tạng đặc biệt là tim mạch, não, thận, phổi, mắt, mạch ngoại vi…
Cao huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim dẫn tới đột tử. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tác hại của cao huyết áp đối với tim, áp lực cao của dòng máu làm cho lớp trong cùng của thành mạch bị rạn nứt. Từ đó, mỡ máu và bạch cầu chui qua những lỗ rạn nứt lọt xuống thành mạch máu và làm thành mạch dày lên, hẹp đi và mất tính đàn hồi, giảm lượng oxy đến nuôi tim. Hậu quả bệnh nhân sẽ bị loạn nhịp tim, cơn đau thắt ngực, suy tim và nhồi máu cơ tim dẫn tới đột tử.
Tiếp đến, tăng huyết áp còn gây cơn thiếu máu não thoáng qua với biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tai biến mạch máu não, xuất huyết não, đứt mạch máu não dẫn đến liệt nửa người, liệt hoàn toàn, thậm chí tử vong.
Tăng huyết áp còn làm hỏng màng lọc của tế bào thận, khiến động mạch thận bị hẹp, gây suy thận. Không chỉ thế, người cao huyết áp còn mờ mắt, xuất huyết võng mạc gây mù lòa.
Nguyên nhân dẫn tới bệnh cao huyết áp rất đa dạng, có thể do di truyền, tuổi tác. Các nghiên cứu cho thấy nam giới có xu thế bị cao huyết áp nhiều hơn phụ nữ. Tuổi càng cao càng dễ bị tăng huyết áp. 51% bị tăng huyết áp ở độ 60-74 tuổi, trung bình cứ tăng 10 tuổi thì tỷ lệ tăng huyết áp là 5%.
Bên cạnh đó, cao huyết áp còn xảy ra bởi các yếu tố như thừa cân béo phì, lối sống (ăn mặn, hay uống rượu bia, bị stress). Tuy nhiên, trên thực tế, 90% các trường hợp bị cao huyết áp mà không rõ nguyên nhân.
Làm sao để biết mình cao huyết áp?
Nếu bị một trong các biểu hiện sau đây, rất có thể bạn đã bị bệnh cao huyết áp: Nhức đầu, chảy máu mũi khó cầm, có vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc, tê ngứa tay chân, chóng mặt, buồn nôn.
Huyết áp của một người bình thường là 120/80 mmHg, nhưng khi ở mức trên 140/90 mmHg thì bạn có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.
Khi nghi ngờ mình bị cao huyết áp, bạn cần đi khám để được phát hiện sớm nhằm có hướng điều trị, chăm sóc kịp thời.
Phòng tránh và điều trị
Với người cao huyết áp, cần nhớ: Tuyệt đối không ăn mặn, hạn chế mỡ động vật và kiêng đồ uống có chất kích thích như rượu bia. Chế độ ăn khoẻ mạnh với nhiều rau quả tươi, ít chất béo và cholesterol luôn là cách duy trì sức khoẻ, ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và huyết áp.
Bên cạnh đó, duy trì cân nặng hợp lý là biện pháp phòng tránh bệnh cao huyết áp hiệu quả.
Rau củ và thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người cao huyết áp. (Ảnh minh họa)
Hút thuốc lá, lười vận động cũng góp phần làm huyết áp tăng cao, vì thế chúng ta nên có một chế độ luyện tập thể dục thường xuyên và không nên hút thuốc lá.
Để tránh bệnh cao huyết áp, chuyên gia y tế còn khuyên mọi người nên giữ cho tinh thần lạc quan, thoải mái.
Điều trị huyết áp cao là điều trị suốt đời. Do đó khi huyết áp đã trở về gần mức bình thường bệnh nhân không nên ngưng thuốc hạ áp mà phải điều trị tiếp tục vì huyết áp có thể gia tăng trở lại.
Bệnh nhân cao huyết áp cần tham vấn thường xuyên bác sĩ để được điều chỉnh toa thuốc kịp thời với tình hình bệnh tật.
Theo Vietnam.net