Hiện nay, một số người hay cho trẻ nhỏ ăn lá cây nha đam (lô hội) để chữa viêm họng, viêm VA...
Cây lô hội (nha đam) có tác dụng giải độc, thông tiện, tuy nhiên dùng cho trẻ nhỏ cần thận trọng.
Khi ăn lô hội, trẻ nhỏ thường cảm thấy dễ chịu, do họng viêm bị khô rát, nhất là sau khi điều trị bằng kháng sinh. Cho nên, lô hội đã trở thành một “món ăn khoái khẩu” của nhiều bệnh nhi. Tuy nhiên ăn như vậy có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?
Trước hết, trong sách thuốc Đông y hiện đại, lô hội được xếp vào nhóm thuốc “tả hạ” (tẩy, thông đại tiện).
Theo Đông y, lô hội có vị đắng, tính lạnh, hơi có độc (hữu tiểu độc), đi vào 4 kinh can, tâm, tỳ và đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, giải độc, thông tiện (thông đại tiện), sát khuẩn. Chủ trị nhiệt kết tiện bí (bí đại tiện do nhiệt độc kết đọng), phụ nữ bế kinh, tiểu nhi kinh giản (trẻ nhỏ kinh phong, lên cơn co giật).
Khi sử dụng lô hội cũng như tất cả các vị thuốc khác, cần chú ý tới vấn đề nghi kỵ (nên và không nên) như sau:
Đông y cho rằng, lô hội là vị thuốc đắng, lạnh, có tác dụng thanh nhiệt mạnh, thích hợp với các chứng bệnh cấp tính do hỏa nhiệt gây nên (thực hỏa); những người tỳ vị hư hàn phúc tả (tiêu chảy do cơ thể suy yếu, thuộc thể hư hàn), người chán ăn.
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lô hội sử dụng với liều nhỏ (0,05 - 0,1g) là một vị thuốc bổ, giúp sự tiêu hóa, do có tác dụng kích thích nhẹ niêm mạc ruột và không cho cặn bã ứ đọng lâu trong ruột. Với liều cao, lô hội trở thành thuốc tẩy mạnh, dễ gây sung huyết các cơ quan ở bụng, nhất là ở ruột già, do đó không dùng cho người lòi dom (trực tràng sa ra ngoài hậu môn) và có thai.
Dùng liều quá cao có thể gây ngộ độc, với những biểu hiện như phân quá nhiều, yếu toàn thân, mạch chậm, thân nhiệt hạ thấp,... thậm chí chết người.
Do có tính năng thanh nhiệt, giải độc và sát khuẩn nên lô hội có thể sử dụng để chữa một chứng viêm do nhiễm khuẩn, bao gồm viêm đường hô hấp trên và viêm VA. Tuy nhiên, như trên đã nói, chỉ nên sử dụng với các bệnh nhiệt, trong giai đoạn cấp tính (thực hỏa - theo Đông y) và chỉ sử dụng với liều nhỏ (theo nghiên cứu hiện đại).
Tuy nhiên, lô hội là vị thuốc đắng, lạnh và hơi độc, nếu sử dụng lâu ngày ắt sẽ dẫn tới hậu quả xấu - khiến cho âm dương khí huyết mất cân bằng, chức năng tạng phủ bị rối loạn, chủ yếu là chức năng của thận bị tổn hại. “Hay đi tiểu, tiểu liên tục, mỗi lần chỉ són ra một chút” là biểu hiện của tình trạng rối loạn đó.
Theo Đông y, quá trình chuyển hóa dịch thể trong nhân thể liên quan chủ yếu tới 3 tạng phế, tỳ và thận, trong đó tạng thận đóng vai trò chủ yếu, cho nên Đông y mới nói “Thận chủ thủy”. Một khi tạng thận bị thương tổn, quá trình chuyển hóa thủy dịch bị trục trặc, thường dẫn tới một số bệnh lý mà Đông y gọi là “khai đa hợp thiểu” (mở nhiều đóng ít), như đái nhiều, đái són, nước tiểu tự chảy ra (niệu thất cấm)... Ngược lại, cũng có thể dẫn đến những chứng trạng thuộc loại “hợp đa khai thiểu” (đóng nhiều mở ít), như đái ít, bí đái, phù thũng,...
Tóm lại, dùng lô hội, cũng như tất cả các vị thuốc Nam khác, cần sử dụng đúng với tình trạng bệnh, phù hợp với đặc điểm thể chất, độ tuổi từng người. Thuốc Nam và thuốc tân dược rất khác nhau. Hiện nay, giới y học đã thừa nhận, muốn sử dụng thuốc Nam hiệu quả, cần tuân theo những nguyên tắc, phương pháp dùng thuốc của Nam dược.