Nắng nóng kéo dài, không chỉ khiến người đổ mồ hôi mà còn khiến bạn bốc hỏa, nhiệt miệng đến khó chịu. Chỉ cần bỏ ra 5 phút để tự chế “thuốc” chữa nhiệt miệng ngay tại nhà mà hiệu quả rất cao.
Nước cam, chanh
Hàm lượng vitamin C trong nước cam và chanh không chỉ có tác dụng làm mát mà còn tăng sức đề kháng, kháng khuẩn, kháng viêm cực cao. Bên cạnh đó là chất folate, loại vitamin B đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành của các tế bào mới. Do đó, nó có tác dụng thúc đẩy quá trình làm lành các vết thương, vết lở loét cao.
Để tăng sức đề kháng cho cơ thể, giải nhiệt bạn nên thường xuyên uống nước cam, nước chanh. Đặc biệt những người bị nhiệt miệng có thể ngậm nước chanh hay nước cam nguyên chất để nuốt dần, ngày làm như vậy khoảng 2-3 lần, tác dụng sẽ rất tốt.
Lưu ý là không nên sử dụng “thuốc” này quá đà vì nó sẽ khiến bạn bị ê răng hay khi đói nó cũng sẽ khiến bạn bị cồn ruột.
Nước trà xanh
Chất chát trong trà xanh có tính kháng khuẩn cao. Do đó, khi bị nhiệt miệng bạn nên dùng nước trà xanh để súc miệng hàng ngày. Hay dùng nước trà xanh đặc để ngậm trong miệng. Chất chát của trà xanh sẽ giúp kháng khuẩn, giúp các vết loét nhanh lành. Đồng thời uống 2-3 cốc trà xanh mỗi ngày cũng sẽ giúp răng, tóc chắc khỏe, hơi thở thơm tho, giảm thiểu quá trình lão hóa của tế bào trong cơ thể.
Nước nhân trần
Theo Đông Y nhân trần có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể. Bạn nên thường xuyên uống nhân trần để giúp cơ thể giải nhiệt, giải độc, giúp ngăn ngừa và giúp các vết loét do nhiệt miệng dịu đi và chóng lành.
Ngoài ra, nhân trần còn giúp bạn có giấc ngủ ngon, sâu hơn, rất có lợi cho người mất ngủ.
Bột sắn dây
Sắn dây có vị ngọt, tính bình, mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể nhanh chóng. Khi bị nhiệt miệng bạn có thể dùng 10-15g bột sắn dây/ ngày để pha nước uống. Uống liên tục từ 3-5 ngày sẽ thấy các vết loét không còn sưng đau, dịu hẳn đi và bắt đầu lành trở lại.
Bột sắn dây nên hòa với nước sôi để nguội, uống sống, không đường sẽ có hiệu quả hơn (vì đường có thuộc tính nóng, kết hợp với đường tuy dễ uống hơn nhưng sẽ làm giảm hiệu quả giải nhiệt của bột sắn dây.
Nước rau má
Đây là một vị thuốc có tiếng trong việc thanh nhiệt giải độc mà ai cũng biết. Sử dụng rau má để chữa nhiệt miệng thậm chí bạn không phải mất tiền để mua vì chúng có thể mọc hoang ở các bờ rào, góc vườn rất nhiều.
Dùng một mớ rau má giã nát hoặc cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn pha với nước lọc làm nước uống giải nhiệt rất tốt. Hoặc bạn có thể nấu canh rau má ăn hàng ngày, không chỉ giúp thanh nhiệt giải độc mà rau má còn có tác dụng lợi tiểu rất tốt.
Nước khế chua
Đập dập 2-3 quả khế chua, cho vào nồi đổ ngập nước rồi đun sôi lên, khi nước nguội thì dùng nước này để ngậm và muốt dần. Dùng trong 3-5 ngày sẽ khỏi nhiệt miệng.
Nước rau diếp cá
Các tinh chất trong rau diếp cá có tác dụng kháng khuẩn, tiêu diệt ký sinh trùng do đó nó có tác dụng chữa nhiệt miệng rất cao.
Bạn có thể lấy 1 nắm lá diếp cá giã nhuyễn vắt nước hay dùng máy xay sinh tố xay làm nước để uống. Khi uống có thể cho thêm vào hạt muối trắng vào để có tính kháng khuẩn cao, tác dụng chữa nhiệt miệng hiệu quả hơn.
Bên cạnh tác dụng chữa nhiệt miệng, rau diếp cá còn có tác dụng giải độc gan, ngăn ngừa và điều trị mụn rất tốt.
Theo Soha.vn
Nguồn baonghean.vn
http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201507/5-phut-tri-nhiet-mieng-tai-nha-rat-hieu-qua-620490/